Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 3 / PUCL QUYỂN 36 – TREO TRÀNG PHAN, HƯƠNG HOA, TÁN TỤNG

PUCL QUYỂN 36 – TREO TRÀNG PHAN, HƯƠNG HOA, TÁN TỤNG

Trong chùa A-lan-nhã
Ta mới chứng thánh quả
Kiến đế lìa các lậu
Ta ở nước Sư Tử
Thôn tên Kiếp-ba-lợi
Tu đắc quả thứ hai
Đó là Tư-đà-hàm.
Văn đế vô cùng vui mừng. Sau đó, mọi người thấy nơi an trí thân của sư có một con vật giống như long xà, dài khoảng một trượng, bay thẳng lên trời. Tăng chúng thương tiếc và theo lễ nghi của Ấn Độ dùng củi thơm thiêu thân của sư và xây tháp tôn thờ.
33.3.2. Đời Tống, chùa Thê Hà: Chùa nằm tại Nhiếp sơn, ấp Tần Giai, làng Giang Thùy Bắc, quận Lang Da, Từ châu, do cao sĩ Minh Tăng Thiệu người Bình Nguyên xây dựng vào khoảng niên hiệu Thái Thỉ (465-466) đời Tống. Người trong làng thường nghe tiếng chuông chùa trong núi vang lên, mặc dù làng cách núi năm sáu dặm.
Khoảng niên hiệu Thăng Minh (477-479) đời Tống, vào một ngày kia, lúc trời vừa hừng sáng, dân làng đều nhìn thây lưng chừng núi tràng phan, bảo cái bày la liệt, khói phát ra ánh sáng năm màu chiếu cả hư không, mọi người cho là thật, liền tranh nhau đến xem, nhưng khi đến nơi thì không thấy gì cả.
Bấy giờ, có pháp sư Pháp Độ giảng kinh Vô Lượng Thọ tại một ngôi chùa ở trong núi, nửa đêm bỗng thấy ánh sáng màu vàng chiếu rực cả chùa. Trong ánh sáng ấy như có lầu gác, hình tượng tuyên dương chính pháp.
Tăng chúng trong chùa và những người giúp việc, nếu có điều gì không đúng pháp, cho đến cư sĩ, quan khách nhơ uế mà vào chùa thì cọp liền xuất hiện gầm rống, đi quanh các phòng; tiếng rống của hổ chấn động các hang núi. Việc ấy đến nay vẫn còn.
Nếu người nào lười biếng tụng niệm thì thần núi liền xuất hiện, mặc áo lông chim, thân cao một trượng, tay cầm dây thừng. Vì thế tăng chúng sợ hãi, nên siêng năng tụng niệm.
33.3.3. Đời Lương, sa-môn Thích Tuệ Chiêu: Sư họ Từ, xây dựng chùa Minh Chân ở làng Trung Hưng, huyện Mạt Lăng vào đời Lương, niên hiệu Phổ Thông thứ năm (524).
Đầu đời Tề, sư theo người cậu đến Lô Lăng. Trên đường đi sư nhặt được một cái túi, trong đó có chiếc khăn vải thêu; trong chiếc khăn có năm tờ giấy năm màu, mỗi tờ gói thành một gói và xếp chồng lên nhau. Khi mở bốn gói trên đều không thấy gì, mở đến gói cuối cùng thì thấy có ánh sáng phát ra giống như ánh chớp, chiếu sáng khắp phòng. Từ đó, sư có năng lực thân dị, xuống nước không bị chìm, vào lửa không bị cháy. Người nhà cho sư bị điên, nên đem nhốt vào lồng đóng chặt cửa, nhưng chẳng mấy chốc đã thấy sư ở ngoài. Từ đó, họ mới biết là sư có thần lực.
Bấy giờ, họ làm một cái tòa để trống, cầu sư ban phúc, bỗng trên hư không có tiếng nói:
– Ta là bồ-tát Trường Sinh, ứng hiện để làm lợi ích cho đất nước, các người nên nương theo Phật pháp thanh tịnh cúng dường.
Từ đó, mọi người tranh nhau dâng hương hoa cúng dường, tất cả đều được linh nghiệm. Lý Thúc Hiến vốn là người phương nam thường cầu nguyện được làm quan ở châu mình; về sau quả nhiên làm thứ sử Giao châu, ông đã tạc pho tượng sư bằng gỗ trầm hương. Người đời cho là thần chuộng hoa quý. Nên gọi là Hoa Nương thần, dân chúng hiến dâng đồ cúng đông như trai hội. Những nơi mà sư Tuệ Chiêu giáo hóa đều có xây chùa.
33.3.4. Nam Lương, Tấn An vương Tiêu Tử Mậu: Ông tự Vân Xương, là con của Vũ đế, sống vào thời Nam Tề.
Năm mới bảy tuổi, mẹ ông là Nguyễn Thục Viện bị bệnh nguy cấp, người nhà thỉnh chúng tăng tụng kinh. Bấy giờ có người dâng hoa sen cúng dường Phật, chúng tăng liền dùng một cái bình đồng đựng đầy nước rồi cắm hoa vào cho khỏi héo, trải qua ba ngày mà hoa càng tươi đẹp. Thấy thế, Tiêu Tử Mậu cảm động rơi lệ, đỉnh lễ Phật và phát nguyện: “Nếu mẹ con do việc này mà lành bệnh thì xin thần lực của Phật làm hoa tươi mãi trong những ngày tổ chức trai hội!”
Sau bảy ngày trai, quả nhiên hoa càng tươi hồng hơn, nhìn vào bình thấy những cành hoa đâm ra một ít rễ, ít hôm sau mẹ của ông lành bệnh. Người thời bấy giờ cho rằng vì lòng hiếu thảo mà có cảm ứng.
Em của Tử Mậu là Nam Hải vương Tử Hản, tự Linh Hoa, có mẹ là Lạc Dung Hoa bị bệnh. Tử Hản ngày đêm lễ bái và dùng cây tre để treo đèn. Đèn đó chiếu sáng rực rỡ suốt đêm vẫn không tắt. Qua hôm sau cây tre ấy nảy cành lá sum suê và mẹ của Tử Hản cũng lành bệnh.
33.3.5. Đời Đường, sa-môn Thích Tuệ Chủ: Sư họ Giả, người huyện Vĩnh An, Thỉ châu, chuyên trì giới luật và siêng năng tạo phúc. Thời gian sau, sư trở về quê và ở ẩn trong núi Chung Nam, chỉ ăn lá cây tùng. Các loại cầm thú kéo đến chỗ sư rất đông, nhưng không gây ồn náo. Hoặc có sơn thần mang phục linh, cam tùng hương đến dâng. Sư ngày đêm sáu thời tụng niệm không hề biếng trễ. Các loài cầm thú cũng theo sư lễ Phật, nghe kinh rất cung kính. Sư truyền giới bô-tát cho chúng sinh ở hai cõi dương và âm. về sau, có một đàn khỉ nói với sư:
– Ngôi vua sắp thay đổi, mặt trời Phật sẽ tỏa khắp.
Nghe vậy, sư rất ngạc nhiên, khỉ mà nói tiếng người, thật là hi hữu. Không bao lâu, lại có những điềm lành như rồng bay, muôn thú tập họp, hương lạ tỏa khắp núi v.v.
Sau đó, có tám người chặt gỗ làm cung vào núi. Thấy họ sư rất kinh ngạc, họ liền thăm hỏi sư và thưa:
– Minh quân đã xuất hiện, cải niên hiệu Khai Hoàng (581-587)
Năm Trinh Quán thứ ba (629), trong chùa có thiền sư Minh là bậc đạo hạnh thanh cao không ai sánh bằng, ban ngày ngồi mộng thấy mình bị mất nửa thân, liền kể lại cho đại chúng và nói:
– Ta cùng luật sư Chủ đồng tâm xây dựng chùa này, nay bỗng nhiên mất nửa thân, nếu không phải luật sư đi trước ta ư!
Đến giờ cơm ngày mai, người thế tục kinh ngạc nói: “Trong chùa có thiết trai hội sao?”. Họ thấy các ngả đường, khách tăng mấy nghìn người vào chùa, nay ở đâu?
Sau đó không lâu, vào giờ Ngọ, sư không bệnh mà an nhiên thị tịch, thọ thế tám mươi chín tuổi.
33.3.6. Đời Đường, hang Đảo Báo: Đời Đường, trong một hang động ở núi Chung Nam, huyện Vị Nam, Ung châu, có thạch nhũ hình dạng giống như con báo lộn ngược, nên gọi là hang Đảo Báo. Ngoài ra, trên vách hang có hình mặt Phật, nên hang còn có tên là Tượng Cốc.
Các người già truyền rằng: “Thuở xưa, có vị tăng Ấn Độ đến nói:
– Tôi nghe nơi hang này có núi Tượng Diện, có khám thờ bảy Đức Phật. Vì thuở xưa bảy Đức Phật từng đến hang nạy thuyết pháp. Trong khe suối luôn có loài hoa chiêm-bặc nở cúng dường bảy Đức Phật”.
Đến khoảng niên hiệu Vĩnh Huy (650-655), sa-môn Trí Tích cư ngụ chùa Long Trì ở Nam Sơn nghe được việc đó, liền đến hang xem thử. Khi đến hang, quả nhiên sư nghe có hương thơm, nhưng không biết ở đâu. Sư lấy làm lạ, cố tìm thì phát hiện hương thơm từ trong cát dưới suối bay ra. Sư liền bới cát lên xem thì thấy có loại rễ hình dạng giống như rễ tranh, có một lớp đất cát bao bên ngoài, nhưng vẫn tỏa hương thơm ngào ngạt. Sư đem xuống nước cạo rửa thì cả dòng suối thơm ngát. Sư đem về đặt trong điện Phật chùa Long Trì thì cả điện Phật đều thơm.
Người dân sống nơi chân núi nhìn thấy núi này có hình dạng giống như tháp Phật, hoặc thấy giống như mặt Phật xuất hiện giữa hư không. Vì thế, chẳng phải vô cớ mà gọi hang ấy là Tượng Đầu.
Tượng rất gần hang Gia Mỹ, cũng là nơi mà Vương Gia đời Diêu Tần cư ngụ.
33.3.7. Tạp kí
Sưu thần kí ghi: “Phu nhân của Sơ Câu Dặc phạm tội bị xử tử, thi thể để lâu, chẳng những không hôi thối mà tỏa hương thơm”.
Tục Sưu thần kỉ ghi: “Có một chiếc thuyền trắng lớn bị lật úp ở cửa sông Hợp Phì. Đêm nọ, một ngư dân ngủ gần đó, nghe trong thuyền có tiếng đàn tranh, tiếng sáo và có hương thơm lạ.
Tương truyền: ‘Chiếc thuyền Tào công chở đào hát bị lật úp ở đây”’.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 37 – CHƯƠNG KÍNH PHÁP

QUYỂN 37 Quyển này có một chương Kính tháp. 35. CHƯƠNG KÍNH THÁP 35.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *