Kinh: Lại nữa, Anan, như sao là mười tám Giới vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh?
Thông rằng : Đối với trần thì gọi là căn, căn ở trong vậy. Đối với căn thì gọi là trần, trần ở ngoài vậy. Ở khoảng giữa, mỗi mỗi phân biệt là cái thức. Ba cái căn, trần, thức nương nhau mà thành lập, như cây lau gác lên nhau, nên có tên là Mười Tám Giới. Ba cái ấy, có thì cùng có, không thì cùng không, vốn không tự tánh. Đã không tự tánh, bèn vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh vậy.
Thiền sư Thùy Lộc Bổn Tiên thượng đường, nói : “Chỗ các pháp sanh ra là chỗ hiện bày của tâm. Lời nói ấy thật là cửa nẻo để vào. Thử hỏi các ông : mắt thấy hết thảy sắc, tai nghe hết thảy thanh, mũi ngửi hết thảy mùi, lưỡi nếm hết thảy vị, thân chạm hết thảy các thứ mềm, trơn, ý phân biệt hết thảy các pháp. Vậy thì cái vật đối với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chỉ duy là tâm các ông hay chẳng phải là tâm các ông ? Nếu nói là duy chỉ tâm các ông, sao chẳng cùng thân các ông làm thành một khối cho rồi ? Vì sao các vật đối đãi ấy lại ở ngoài các căn của các ông ? Các ông nếu nói vật đối với mắt, tai, mũi, lưỡi… chẳng phải là tâm các ông thì tại sao có câu “Chỗ các pháp sanh ra là chỗ hiện bày của tâm” lưu truyền tại thế gian, ai cũng nêu bày ? Các ông nghe lời yếu lý ấy, có hiểu không ? Nếu không hiểu, hãy dụng tâm thương lượng để được dạy cho mà hiểu, ở trong ấy chớ có lười biếng học hỏi. Vô sự, hãy lui.”
Có vị tăng hỏi Tổ Vân Cư : “Khi sáu cửa chẳng rõ thì như thế nào ?”
Tổ Cư nói: “Chẳng giao thiệp với duyên.”
Vị tăng hỏi : “Thế nào là chuyện hướng thượng ?”
Tổ Cư nói: “Người cẩn thận thì không giữ gìn.”
Ngài Đầu Tử tụng rằng :
“Xuân đến, người đá nhìn núi xa
Oanh kêu, hoa gỗ sóng xanh nhàn
Nên biết, ngoài mây, tùng, núi đẹp
Nghìn xưa đón gió mặc năm hàn.”
Hai câu đầu tụng về Chẳng giao thiệp với duyên. Hai câu sau tụng về Chuyện hướng thượng, cần rõ được sự hướng thượng mới tin Mười Tám Giới vốn là Tánh Chân Như vậy