Kinh : Lại nữa, Anan, như sao là Mười Hai Xứ vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh?
Thông rằng : Mới đầu, ở trong năm ấm thì dùng phép tỷ dụ để phá tình chấp, vì ngũ ấm vốn không, nếu không so sánh thì khó hiển bày. Tiếp đến, ở trong sáu nhập chỉ ra cái sự việc giả để hiển bày cái vọng tướng của chúng. Sáu nhập vốn vọng, nên dùng vọng để dẫn đốn vọng, có thể suyra mà thông hiểu. Đoạn này nói đến Mười Hai Xứ cho đoạn sau là Bảy Đại thì lấy ngay cái cảnh thấy, nghe trước mắt mà chỉ bày cái Như Lai Tạng Tánh của chúng. Thật là mỗi cõi Phật độ, mỗi hạt trần rành rành không hở sót vậy
Đức Tam Tổ Tăng Xán nói : “Chẳng ghét sáu trần Liền đồng Chánh Giác”, là đã thấy sâu xa chỗ này vậy.
Thiền sư Kim Sơn Thiện Minh thượng đường nói với đại chúng rằng : “Người xưa nói : Ở mắt là thấy, ở tai là nghe, ở mũi là ngửi hương, ở lưỡi là bàn luận, ở thân là cảm xúc, ở ý là bám níu. Tuy nhiên như thế là chỉ thấy đầu dùi nhọn, chẳng thấy đầu đục vuông!
“Nếu là Kim Sơn tôi ắt chẳng phải thế: Có mắt mà nhìn chẳng thấy, có tai mà lắng chẳng nghe, có mũi mà chẳng biết mùi, có lưỡi mà chẳng hề đàm luận, có thân mà chẳng biết cảm xúc, có ỹ mà chẳng bám níu. Một niệm tương ưng, sáu căn liền giải thoát. Dám hỏi các vị Thiền đức : Thử nói xem là đối với lời trước là đồng hay khác ? Nếu có bậc cụ nhãn thì xin bước ra làm cho rõ thông tín tức. Còn nếu không có, xin vì các ông mà giải nghĩa trùng trùng. Buông mở ra thì riêng thông xe, ngựa. Nắm tóm lại thì mảy lông cũng chẳng còn. Nếu là bậc thiền gia cự phách thì kham hết mọi trái phải, phân chia.”
Một đoạn chỉ bày này quả là cùng đoạn kinh trên trùng trùng giải thích.