Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 3 / PUCL QUYỂN 35 – CHƯƠNG PHÁP PHỤC, NHIÊN ĐĂNG

PUCL QUYỂN 35 – CHƯƠNG PHÁP PHỤC, NHIÊN ĐĂNG

QUYỂN 35
Quyển này gồm hai chương: Pháp phục, Nhiên đăng.
30. CHƯƠNG PHÁP PHỤC

30.1. LỜI DẪN
Ca-sa là y phúc điền, kính ca-sa như kính tháp Phật; nê-hoàn-tăng là y che thân, kính nê-hoàn-tăng như kính pháp. Y được gọi là Tiêu sấu, vì đắp y vào có thể tiêu trừ phiền não; áo giáp được gọi là nhẫn nhục, vì khi đắp vào có thể hàng phục chúng ma. Y còn được ví như hoa sen, không bị bùn nhiễm ô. Y cũng gọi là Tràng tướng, vì không bị bọn tà xô gãy; cũng gọi là tướng ruộng tốt, vì người thấy không khởi tâm ác; cũng gọi là áo cứu rồng, vì không bị kim sí điểu ăn; cũng gọi là y hàng tà, vì không bị ngoại đạo phá hoại; cũng gọi là y hoại sắc, vì không được người đời ham thích.
Vì thế, giáo thì có nội ngoại riêng biệt; nhân thì có đạo tục khác nhau. Ở nhà thì tuân theo ngoại giáo, mặc pháp phục do vua trước định, theo pháp lệnh do vua trước ban. Đối với bậc trên thì có lễ kính thờ cha mẹ, trung tín với vua; đối với người dưới thì có lòng thương yêu vợ con, cầu cồng danh sự nghiệp. Những hạnh cung kính hiếu thuận ấy, hợp với phép tắc của đạo Nho.
Người xuất gia thì học theo nội giáo, mặc pháp phục của Đức Phật, thực hành giáo pháp của Đức Phật. Trên thì bỏ trọng trách kính thờ cha mẹ, trung tín với vua; dưới dứt sự thương yêu vợ con, không cầu công danh sự nghiệp. Lấy công đức lành từ việc lễ tụng đáp ân sâu cha mẹ; đem phúc duyên của việc hành đạo đền ân nặng quốc gia. Đã cho rằng việc cạo bỏ râu tóc, thay đổi y phục là không tội, thì đâu thể vì việc giữ lễ kính thờ cha mẹ, trung tín với vua mà bị chê trách!
Vì thế, ngày cạo bỏ tóc, thiên ma nghe được, lòng sợ hãi; lúc đắp nhiễm y, Đê Thích trông thấy, tâm hân hoan. Kỉ nữ tự ý đắp y liền đắc quả Vô lậu; kẻ say vừa cắt, liên dứt hết ác duyên. Rồng con nương nhờ thì dứt kinh hãi; voi chúa trông thấy thì hết khiếp sợ.
Nên biết, ba tấm pháp y che thân tiêu dùng tiết kiệm; ba loại hoại sắc hàng phục ái tình. Đã mô phỏng theo hình thửa ruộng, chính là thành tựu đức ứng cúng; xa thì đồng với chư Phật quá khứ, đúng là thuận theo đạo hòa kính. Chỗ cao quý của chiếc y xuất trần thoát tục là như thế!
30.2. CÔNG NĂNG
Kinh Hoa nghiêm ghi: “Người đắp ca-sa thì xa lìa được ba độc”.
Kinh Đại bi ghi: “Chỉ cần người có bản tính là sa-môn, người tự xưng là sa-môn mà làm hoen ố hạnh sa-môn, người đắp ca-sa có hình dáng giống như sa-môn, thì những người ấy từ lúc Đức Phật Di-lặc xuất thế, cho đến Đức Phật Lâu-chí, đều sẽ lần lượt được vào niết-bàn, không sót một ai”.
Kinh Bi hoa ghi: “Thuở xưa, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở chỗ Đức Phật Bảo Tạng phát tâm bồ-đề và nguyện lúc thành Phật, ca-sa sẽ có năm công đức:
1. Khi con thành Phật, nếu có chúng sinh nào xuất gia đắp ca-sa ở trong pháp của con, nhưng phạm tội nặng, hoặc tà kiến, hoặc phỉ báng không tin Tam bảo cho đến những tì-kheo, tì-kheo ni, ưu-bà-tăc, ưu-bà-di phạm các tội nặng hay những chúng sinh trong một niệm sinh tâm cung kính Tam bảo, dù chỉ một người cũng đều được thụ kí an trú trong Tam thừa, mãi mãi không lui sụt.
2. Khi con thành Phật, nếu trời rồng, qui thần, nhân và phi nhân cung kính cúng dường, trân trọng ngợi khen ca-sa của con, hoặc chỉ thấy được một phần nhỏ của ca-sa thì sẽ ở mãi trong Tam thừa không lui sụt.
3. Những chúng sinh bị đói khát bức bách, thấp hèn, nghèo khổ, các loài quỉ thần, ngạ quỉ, súc sinh có được một phần nhỏ ca-sa của con, dù chỉ bốn tấc cũng sẽ được thức ăn uống đầy đủ và mau chóng thành tựu sở nguyện.
4. Những chúng sinh oán thù cho đến bát bộ trời rồng v.v… nhân và phi nhân đang đánh nhau mà nhớ đến ca-sa của con, liền sinh tâm từ bi, tâm ôn hòa, không oán thù, tâm vắng lặng và tâm thiện điều phục.
5. Nếu có người nào ở trong chiến trường, hoặc nơi tranh đấu, kiện tụng mà mang một phần nhỏ ca-sa của con, vì để bảo vệ mình mà tôn trọng, cung kính, cúng dường ca-sa thì những người đó không bị xem thường, quấy nhiễu, xâm hại. Những người ấy thường thắng người khác và thoát các hiểm nạn.
Nếu ca-sa của con không thành tựu năm việc công đức bậc thánh như thế, tức là lừa dối mười phương chư Phật hiện tại, ở đời vị lai sẽ không thành Phật”.
Kinh Chỉnh pháp niệm ghi: “Nếu có chúng sinh trì giới, tín tâm thanh tịnh, biết ruộng phúc của tăng chính là pháp y, mà cúng dường một trái cây có trị giá bằng tiền may y, tâm thường ưa thích và hoan hỉ, thì sau khi mạng chung, chúng sinh ấy được sinh lên cõi trời Lâm Hí, tùy ý dạo chơi bất cứ nơi đâu. Nếu sinh làm người, có uy đức và tự tại. Nếu có chúng sinh, tín tâm thanh tịnh, giặt nhuộm ca-sa của tì-kheo, đến lúc mạng chung được sinh lên cõi trời Thái Địa, cùng các thiên nữ hưởng thụ ngũ dục, uống vị cam lộ, không còn mê loạn. Từ cõi trời mạng chung, nếu thụ thân người thì được mọi người kính yêu”.
30.3. TỎNG HỢP CÁC TÊN GỌI
Kinh Đại phương đẳng đà-la-ni ghi: “Đức Phật dạy:
– Nếu đến đạo tràng, phải đúng như pháp tì-kheo, tu các hạnh thanh tịnh và phải có đủ ba y, cành dương, đãy lọc nước, bình bát và tọa cụ. Hành giả phải luôn luôn mang theo những vật dụng như thế, khi đến đạo tràng mới đúng pháp tì-kheo.
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
– Y có ba loại: Một, xuất gia y, đắp khi thực hiện những pháp tắc của ba đời chư Phật; hai, tục phục y, đắp khi lên điện Phật và thường mang theo bên mình không để rời, dù trong gang tấc. Nếu rời y này thì phạm tội chướng đạo; ba, y, giống như áo thế tục, được đến đạo tràng, đắp trong lúc đi đứng ngồi nằm.
Ba y có tên gọi như thế các ông nên nhớ”.
Luận Tát-bà-đa ghi: “Có người hỏi:
– Đức Phật có thường cạo tóc không?
Đáp: Không! Vì tóc Phật thường giống như cạo sau bảy ngày!
Lại có người hỏi:
– Lúc Phật mới chứng đạo có đắp ca-sa không?
Đáp: Không! Bởi người tại gia mà đắc quả Phật cần phải có ba mươi hai tướng quí. Người xuất gia đắp pháp y chẳng những oai nghi đầy đủ, xa lìa phiền não mà Nhất thiết chủng trí thể nhập vào thân người ấy.
Ca-sa, Trung Quốc dịch là Nhiễm y. Tham đắm ái dục cũng gọi là nhiễm. Người mặc y phục này loài thú không sợ. Vì thế, người thợ săn mặc bộ y phục này để săn thú”.
Kinh Xá-lợi-phất vấn ghi: “Ma-ha Tăng-kì bộ siêng năng học các kinh, giảng thuyết nghĩa chân thật, vẫn ở chỗ cũ đắp y màu vàng.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 37 – CHƯƠNG KÍNH PHÁP

QUYỂN 37 Quyển này có một chương Kính tháp. 35. CHƯƠNG KÍNH THÁP 35.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *