QUYỂN 21
Quyến này gồm ba chương: Phú đức, Qui tín, Nam nữ thế gian.
10. CHƯƠNG PHÚC ĐIỀN
10.1. LỜI DẪN
Từ khi bậc Đại Giác vào niết-bàn, phúc gom về thánh chúng; các bồ-tát, a-la-hán hoằng dương Phật pháp thời mạt giáo. Tất cả đều đi khắp nơi tùy duyên giáo hóa chúng sinh; nếu cơ cảm khác nhau thì cùng ở một nhà mà cách xa như trời đất; tâm thể ứng hợp nhau thì dù cách xa nghìn dặm nhưng vẫn như trước mặt. Vì thế chỉ kính lễ một vị tăng thì năm nhãn thanh tịnh khai mở, bố thí một mảy may thì lục độ vô tận.
10.2. HƠN KÉM
Kinh ưu-bà-tắc giới ghi:
– Ruộng phúc thế gian có ba loại: một là báo ân điền hai là công đức điền, ba là bần cùng điền. Báo ân điền là cha mẹ, thầy tổ, hòa thượng. Công đức điền là bậc từ địa vị Noãn pháp cho đến Vô thượng bồ-đề. Bần cùng điền là tất cả những người nghèo khổ, khó khăn. Thế Tôn thuộc hai ruộng phúc: báo ân điền vàcông đức điền. Pháp cũng như vậy. Chúng tăng thuộc về ba ruộng phúc. Vì thế, người đã thụ giới cần phải hết lòng cúng dường Tam bảo.
Giả sử có hai người cùng bố thí mà tài vật, ruộng phúc, tâm thí bằng nhau thì phúc đức bằng nhau. Nếu tài vật và tâm bằng nhau mà ruộng phúc của người nào thù thắng thì người ấy được quả báo thù thắng. Nếu ruộng phúc và tâm đều thấp kém, nhưng tài vật của người nào thù thắng thì người ấy được quả báo cũng thù thắng. Nếu ruộng phúc và tài vật đều thù thắng, nhưng tâm người nào thấp kém thì người ấy được quả báo không bằng người kia.
Này thiện nam! Người trí bố thí không cầu quả báo. Tại sao? Vì họ biết tạo nhân này nhất định có quả báo tốt.
Kinh Tăng-già-trá ghi: “Đức Phật bảo bồ-tát Nhất Thiết Dũng:
– Phúc đức cúng dường cho vô lượng vô số Chuyển luân thánh vương trong tam thiên đại thiên thế giới chẳng bằng phúc đức cúng dường một vị tu-đà-hoàn; cúng dường vô lượng vô số tu-đà-hoàn trong tam thiên đại thiên thế giới chẳng bằng cúng dường một vị tư-đà-hàm; cúng dường vô lượng vô số tư-đà-hàm trong tam thiên đại thiên thế giới chẳng bằng cúng dường một vị a-la-hán; cúng dường vô lượng vô số a-la-hán trong tam thiên đại thiên thế giới chẳng bàng cúng dường một vị bích-chi-phật; cúng dường vô lượng vô số bích-chi-phật trong tam thiên đại thiên thế giới, chẳng bằng cúng dường một vị bồ-tát; cúng dường vô lượng vô số bồ-tát trong tam thiên đại thiên thế giới chẳng bằng cúng dường một vị Phật với tâm thanh tịnh. Công đức của người khởi tâm thanh tịnh đối với vô lượng vô số Đức Phật trong tam thiên đại thiên thế giới chẳng bằng công đức của người nghe pháp môn này, huống gì nghe rồi biên chép, đọc tụng, thụ trì!
Bấy giờ tất cả đại chúng thưa Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Một Đức Phật có bao nhiêu phúc đức?
Đức Phật đáp:
– Thí như số lượng hằng hà sa chúng sinh như số vi trần trong đại địa đều là bồ-tát Thập địa, phúc đức của tất cả bồ-tát Thập địa này cũng chẳng bằng phúc đức của một vị Phật”
Kinh A-tì-đàm cam lộ vị ghi:
– Ruộng phúc có ba loại: một là đại đức điền, hai là bần khổ điền, ba là đại đức bần khổ điền. Đại đức điền là Đức Phật, bích-chi-phật, bốn quả sa-môn. Bần khổ điền là súc sinh, người già bịnh. Đại đức bần khổđiền là thánh nhân, người già bịnh. Nếu cung kính cúng dường đại đức điên hoặc thương xót bố thí bần khổ điền, hoặc cung kính lẫn thương xót cúng dường đại đức bần khổ điền thì đều được nhiều quả báo, vì đó đều là ruộng phúc lành.
Thế nào là vật bố thí thanh tịnh? Là vật không do sát sinh, trộm cắp, chiếm đoạt, dối gạt mà có. Bất cứ vật thanh tịnh nào, dù bố thí nhiều hay ít cũng đều thanh tịnh. Cúng dường Phật thì được tất cả phúc, cúng dường chúng tăng mà họ thụ dụng thì được tất cả phúc, họ chưa thụ dụng thì chẳng được tất cả phúc. Cúng dường pháp được nhiều phúc, nếu vì pháp mà cúng dường người tu học, người thông minh có đại trí tuệ thì gọi là cúng dường pháp. Bố thí thì được phúc giàu sang. Nếu có người thụ nhận thì người bố thí được an vui, sức mạnh, sống lâu, công đức thù thắng, được phúc báo lớn. Nếu bố thí cho súc sinh thì hưởng phúc báo trăm kiếp, bố thí cho người bất thiện thì hưởng phúc báo nghìn đời, cúng dường cho người thiện thì hưởng phúc báo nghìn vạn đời, cúng dường cho người lìa dục thì hưởng phúc báo nghìn vạn ức đời, cúng dường người đắc đạo thì hưởng phúc báo vô số đời, cúng dường Đức Phật thì sẽ đạt niết-bàn.
Lại bố thí có sáu điều khó: một là bố thí không kiêu mạn, hai là bố thí không cầu danh, ba là bố thí chẳng vì sức khỏe, bốn là không cường ép mà cho, năm là bố thí không vì nhân duyên nào, sáu là bố thí không cầu quả báo.
Kinh Phật thuyết hoa tụ đà-la-ni ghi: “Phật dạy:
– Phúc đức của người đem bảy báu nhiều như núi Tu-di cúng dường thanh văn, bích-chi-phật trong một kiếp chẳng bằng trăm phần, nghìn phần, vạn phần phúc đức của người xuất gia hoặc tại gia đem một đồng tiền cúng dường người mới phát tâm Bồ-đề; cho đến dùng toán số, thí dụ cũng chẳng sánh được”.
Kinh Bảo lương ghi: “Phật dạy:
– Này thiện nam! Nay Ta nói thế gian có hai hạng người đáng nhận sự cúng dường: một là người tu hành tinh tiến; hai là người được giải thoát. Có ba cách bố thí sẽ giúp cho người cúng được nhiều lợi ích: Một là thường cúng thí thức ăn, hai là cúng thí phòng xá cho tăng, ba là cúng thí với tâm từ. Trong đó, cúng thí với tâm từ là tối thắng”.
Kinh Bồ-tát bản hạnh ghi:
– Gia đình Tu-đạt nghèo khó, không có tài sản, nhưng biết tu đạo, có lòng tin bền chắc. Phật dạy ông ta nên bố thí. Tu-đạt thưa Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Ngài dạy con bố thí nhiều hay bố thí ít?”.
Đức Phật đáp: “Có khi bố thí nhiều mà được phúc ít, có khi bố thí ít mà được phúc nhiều. Bố thí nhiều nhưng cống cao, tự đại, không chí thành, người nhận thí tà kiến điên đảo, không phải là bồ-tát thì được phúc ít, như gieo nhiều hạt giống vào thửa ruộngkhô cằn thì thu hoạch rất ít. Thế nào là bố thí ít mà được phúc nhiều? Bố thí ít nhưng vui vẻ, cung kính, chẳng cầu quả báo hoặc cúng dường Phật, bích-chi-phật, a-la-hán, V.V…. cũng như gieo ít hạt giống vào ruộng màu mỡ thì bội thu”.