Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 3 / PUCL QUYỂN 28 – CHƯƠNG THẦN DỊ

PUCL QUYỂN 28 – CHƯƠNG THẦN DỊ

Có lần, sư bị bệnh ung nhọt, máu mủ chảy lan ra ngoài. Vì quí kính sư, nên người thì dùng miệng hút máu mủ, người thì dùng vải lau, bịnh liền lành, máu mủ được hút ra tỏa mùi thom ngát không gì sánh bằng, mảnh vải ấy cũng lưu lại hương thơm.
Ở huyện Tam Nguyên, có Điền Tát Đỏa bị điếc bẩm sinh và Trương Tô bị câm. Nghe thế, sư bảo họ đến trò chuyện, bỗng nhiên cả hai nghe và nói được như người bình thường. Từ đó bệnh lành hẳn.
Có vị tăng ở huyện Võ Công bị rồng độc dựa, đại chúng đưa vị tăng đó đến chỗ sư. Sư ngồi trang nghiêm trước mặt vị tăng, rồng độc liền gá vào vị tăng nói:
– Thiền sư đã đến, theo lẽ tôi không nên ở lâu. Thật làm phiền ngài!
Nói xong rồng độc liền thoát khỏi vị tăng ấy.
Vì thế, những người bị các chứng bệnh như ung nhọt, tà ma, v.v… đến nhờ sư chữa trị thì đều lành hẳn.
Sư không dùng chú thuật, chỉ nhờ phúc lực, nhưng những người không biết đều cho là sư có âm đức gia hộ, nên cảm được quỉ thần cung kính. Sư không dùng lời phù phiếm để dạy dỗ mà chỉ thẳng chính lí, luôn lấy sự thuần phác chân thật làm đầu. Hễ sư gặp đền miếu thờ thần cây, ma quỉ đều tự tay đốt phá, ngăn chặn việc tôn thờ đồng cốt. Sư phụng sự chính đạo như thế, nên đạo tục, kẻ sang người hèn đều qui y. Tuy thế, khen chê chẳng làm sư bận lòng, giống như không biết, lại đưa người nói qua việc khác.
Một lần, sư đi về Nam Dã, khi sắp qua Hoàng Cừ thì nước sông dâng cao, không ai dám qua, bờ lại trơn trượt, dù cố leo lên vẫn rơi xuống nước. Bỗng nhiên dòng nước chẻ đôi, lộ con đường khô ráo, sư theo đó qua sông. Sau đó dòng nước trở lại như cũ, môn đồ không biết vì sao! Những cảm ứng thần kì như thế rất nhiều. Tiền bạc và vải vóc thí chủ cúng dường, sư cho phép mọi người dùng chung như vật vô chủ, còn sư chỉ mặc một y phục thô xấu. Tiếng tăm của sư vang khắp nơi, từ triều đình đến thôn dã.
Có lần, vua thỉnh sư vào nội cung, tôn kính đỉnh lễ, tất cả người trong cung đều qui hướng, cầu thụ giới pháp nơi sư.
Niên hiệu Trinh Quán mười bốn (640), một hôm sư không bịnh, bỗng nhiên dặn dò môn đồ: “Pháp tu hành một đời của ta, các ông phải truyền lại cho đồi sau”.
Nói xong, sư nhập định và an nhiên thị tịch tại chùa Nghĩa Thiện ở Nam Giao, thọ tám mươi bốn tuổi.
Lúc sắp thị tịch, bỗng có một cặp chim bay vào phòng, hót lên những tiếng bi thương, thảm thiết. Nhân đó, mọi người đưa thi thể sư đến Bắc Nguyên, Phiền Xuyên, đục hang đá an trí. Đạo tục ở kinh đô đều buồn thương để tang sư. Mọi người kêu khóc bi thương, chấn động cả một vùng.
Trải qua nhiều tháng mà sắc diện của sư càng tươi nhuận hơn. Ba năm sau, thi thể sư khô lại, không tan rã. Từ đó về sau thường có mùi hương lạ tỏa ngát, người đến lễ đều nghe. Môn đồ sợ bị người khác đánh cắp thi thể sư, nên đặt vào trong hòm. Vào những ngày quang đãng, bốn chúng đến cúng dường đầy khắp.
20.6.16. Đời Đường, cư sĩ họ Trương: Ông người huyện Trâu, Duyên châu, từng nhậm chức Huyện úy. Niên hiệu Trinh Quán mười sáu (642), ông muốn lên kinh ứng thí. Trên đường, nhân đi ngang qua Thái sơn, ông ghé qua miếu cầu phúc. Trong miếu có tượng Phủ quân, phu nhân và các người con của họ. Lễ bái xong, ông đến bên cạnh tượng người con thứ tư, thấy tượng này dung mạo tuấn tú. Trong năm người cùng đi, chỉ một mình ông khấn: “Chỉ cần gặp Tứ lang một lần để uống rượu, trao đổi thơ phú thì thỏa mãn một đời, đâu cần làm quan!”.
Ông lại tiếp tục lên đường, được vài dặm thì bỗng có mấy chục người cỡi ngựa, vung roi đi đến. Người hầu nói với ông: “Đây là Tứ lang”. Tứ lang liền nói:
– Vừa rồi, thấy anh ân cần với tôi, nên tôi đến gặp mặt thăm hỏi. Biết anh muốn lên kinh ứng thí. Nhưng năm nay anh chưa được làm quan, lại sợ trên đường đi gặp tai nạn. Vì thế anh chẳng nên đi!
Ông không nghe, chia tay đi tiếp. Đi hơn trăm dặm, ban đêm, ông và những người bạn bị giặc cướp hết những hành lí. Ông liền cầu nguyện: “Tứ lang sao không giúp ta!”. Không lâu, quân lính, xe ngựa của Tứ lang đến, ông kinh ngạc hồi lâu. Tứ lang ra lịnh quân lính truy bắt bọn cướp. Bị đuổi, chúng ngã té, mê ngất và bị dẫn về chỗ cũ. Tứ lang ra lịnh đánh mỗi người vài mươi gậy, khiến tay chân chúng đều bị thương, rồi thả chúng đi. Khi chia tay, Tứ lang chỉ một cây lớn và nói: “Khi trở về, anh đến đây gọi tôi, chúng ta sẽ gặp nhau!”.
Năm ấy, quả nhiên ông không được làm quan. Khi trở về, ông đến bên chỗ hẹn, gọi Tứ lang. Không bao lâu, Tứ lang đến dẫn ông đi và nói: “Mời anh ghé nhà tôi”. Ông thấy lâu đài kì vĩ, cao vút hư không, tường vách nhấp nhô cực kì tráng lệ, lại có thị vệ canh phòng nghiêm mật, giống như cung vua. Ông vào đó không lâu thì Tứ lang nói: “Yết kiến Phủ quân xong thì mới được ngồi”. Tứ lang bèn dẫn ông vào, đi qua hơn mười lớp cửa, mới đến cung điện lớn. Ông lễ bái tham kiến Phủ quân. Thấy Phủ quân rất uy nghiêm, ông sợ hãi, không dám ngước nhìn. Ông lại thấy Phán quan đang phán định hình ngục, tựa như dùng bút đỏ viết chữ rất lớn. Phủ quân bảo lính hầu truyền: – Ông kết giao với con ta, đó là điều rất tốt. Vậy ông nên ở lại đây một hai ngày để yến ẩm với nó, muốn về lúc nào cũng được.
Phủ quân liền sai người đưa ông đến nhà khách, rồi dọn những món sơn hào hải vị, tấu nhạc, ca hát vui chơi.
Ông ngủ chung phòng với Tứ lang. Sáng hôm sau, ông dạo khuôn viên, rồi nhìn qua một phòng, thấy vợ mình bị gông đứng trước các quan ngục. Ông liền trở về điện mà lòng không vui. Tứ lang lấy làm lạ, hỏi nguyên do. Ông kể lại sự việc, Tứ lang kinh ngạc nói: “Tôi không biết chị đã ở đây!” rồi vội đến chỗ pháp ti. Thấy Tứ lang đến, khoảng vài chục người đều chạy xuống bậc tam cấp nghênh đón. Tứ lang gọi một vị ở gần đến và hỏi việc này. Vị này đáp: “Hạ thần không dám trái mệnh, nhưng cần nói cho Lục sự biết”. Tứ lang cho gọi Lục sự. Lục sự đồng ý nói: “Cần phải kẹp án này vào trong các án khác, rồi tìm cách đồng phán định lại mới được!”. Vị Pháp ti đoán: “Người phụ nữ này xét trong một án khác thì có công đức chép kinh, trì trai, nên chưa chết trong lúc này!”. Do đó vợ ông được tha về.
Ông và Tứ lang rơi lệ từ biệt. Tứ lang dặn dò ông: “Chỉ có tạo công đức mới có thể tăng tuổi thọ”.
Trên đường về nhà, ông cỡi ngựa cũ, còn vợ ông thì mượn con ngựa của Tứ lang. Tuy là hồn phách nhưng hành động, cử chỉ vẫn như người sống. Khi còn cách nhà khoảng trăm bước, bỗng vợ ông biến mất. Ông hoảng sợ, chạy vào trong nhà thì thấy mọi người đang khóc, vợ ông cũng đã được tẩm liệm. Ông liền bảo con gái mở nắp quan tài. Vừa mở xong, vợ ông bỗng ngồi dậy, vui vẻ cười và nói: “Chàng đừng ngạc nhiên, vì nhớ các con, nên thiếp chạy về trước!” Bấy giờ, vợ ông đã chết sáu, bảy ngày rồi sống lại.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 37 – CHƯƠNG KÍNH PHÁP

QUYỂN 37 Quyển này có một chương Kính tháp. 35. CHƯƠNG KÍNH THÁP 35.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *