QUYỂN 29
Quyển này có một chương Cảm thông.
21. CHƯƠNG CẢM THÔNG
21.4 LỜI DẪN
Xét kĩ, Trung Quốc ta, đạo Phật du nhập từ thời Hán Minh đế, trải qua các triều đại đến đời Đường, khoảng sáu trăm năm. Sứ thần tiếp nối đi khắp mọi nơi, hơn trăm nước đều tuân phong hóa1, dù đường sá xa xôi hiểm trở, nhưng cũng dâng cống phẩm, mong ngày được gặp thiên tử. Nhưng những việc trước sau ghi chép chẳng giống nhau, sự tích hiếm người thuật lại, tên gọi phần lớn sai lầm. Tuy kinh giáo đã thấm nhuần mà ý chỉ sâu mầu chưa viên mãn. Lại do ngôn ngữ Di-Hạ khác nhau, nên văn nghĩa sai lệch. Vì thế việc truy tìm thánh tích khó tường tận. Cho nên những vị tăng ở Trung Quốc đều trăn trở việc này.
Đời Đường có sa-môn Huyền Trang cảm khái đại đạo chẳng lưu thông, xót thưorng Phật giáo không rạng rỡ. Vì thế vào tháng ba niên hiệu Trinh Quán thứ ba (629), một mình ngài đi về phía tây tìm kiếm những thánh tích. Ngài khởi hành từ kinh đô, vươt qua gian nan đến Sa châu, rồi nếm đủ khổ nguy mới đến Y Ngô, Cao Xương. Bấy giờ, vua nước Cao Xương là Khúc Chi cúng dường vật dụng, tiền bạc và sai người hộ tống sư đến phủ đệ của Diệp hộ của nước Đột Quyết. Diệp hộ lại hộ tống sư đến các nước Tây Vực nằm từ núi Tuyết lên phương bắc. Nơi đây, sư chiêm bái những nơi Đức Phật giáo hóa. Rồi sư quay về phía đông nam, vượt núi Đại Tuyết.
Thuở xưa, người ta cho rằng Thông Lãnh có nhiều tuyết, tức là núi Tuyết mà chính sư được nhìn thấy, qua núi này là đến Ấn Độ. Trải qua mười năm, sư lại từ nam Thông Lãnh, bắc núi Tuyết đi qua nhiều nước, rồi đi về phía đông đến nước Vu-điền, Lũ-lan, v.v…, tổng cộng hơn một trăm năm mươi nước, nếm đủ gian khổ, chẳng ai sánh nổi. Đầu mùa đông niên hiệu Trinh Quán thứ mười chín (645), sư mới trở về kinh đô Đại Đường.
Sau đó vâng chiếu vua, sư dịch kinh và soạn Tây Vực hành truyện, mười hai quyển. Đến niên hiệu Long Sóc thứ ba (663), sư bắt đầu công tác phiên dịch. Chưa có ai như ngài Huyền Tráng, đã đi khắp các nước, học rộng, lại dịch rất nhiều kinh điển. Căn cứ Tráng sư hành truyện, Vương Huyền Sách truyện và Tây Vực đạo tục, những nơi-sư đến đều có linh dị. Sau đó, vua lịnh cho những văn học sĩ, v.v… tập hợp những điều sư đã biên soạn thành Tầy quốc chí sáu mươi quyển, Đồ họa bốn mươi quyển, hợp thành một trăm quyển.
Từ nước Vu-điền đến nước Ba-tư v.v… từ xưa đến nay, Đại Đường đều đặt các cơ quan cai trị như: Đô đốc phủ, châu, huyện, chiết xung phủ, tổng cộng ba trăm bảy mươi tám nơi, gồm: chín Đô đốc phủ, tám mươi châu, một trăm ba mươi ba huyện, một trăm bốn mươi bảy chiết xung phủ, v.v… Những khác biệt về con người và sản vật ở bốn châu đều đã ghi chép ở các chương, nên không trình bày thêm. Ở đây chỉ chọn ghi những thánh tích Phật pháp trụ trì thế gian làm thành một quyển, những phần khác đều còn trong đại bản, chẳng thể ghi hết được. Mong người sau xem qua mà biết được chỗ rộng và lược.
21.2. THÁNH TÍCH
Tây Vực truyện ghi:
– Sa-môn Huyền Tráng khởi hành từ Trường An, lần lượt đến Cao Xương, được vua nước này tiếp đãi trọng hậu, cung cấp xe ngựa, lại cho người hộ tống đến biên giới phía đông nước Cù-tát-đán-na, mà Hán sử cho đó là Vu-điền, còn nước ấy tự gọi là Vu-độn.
Sư đi tiếp hơn hai trăm dặm về phía đông đến thành Bề-ma. Trong thành có tượng Phật đứng bằng gỗ chiên-đàn, cao hơn hai trượng, phát sáng và vô cùng linh dị. Người bị đau nhức chỗ nào, lấy tấm giấy dát vàng để trên tượng chỗ đó thì lành bịnh. Tượng này vốn ở nước Kiều-thưởng-di, do vua Ô-đà-diễn-na tạc. Sau đó tượng tự bay đến thành Hạt-lao-lặc-ca, thuộc miền bắc nước này. Có một vị a-la-hán dung phục khác thường đến đỉnh lễ. Ban đầu vua không tin hạ lịnh dùng đất cát phủ lên người vị a-la-hán. Lúc sắp đi, vị a-la-hán nói với người có lòng kính tin: – Bảy ngày sau, cát và đất sẽ phủ đầy thành này. Hai ngày sau nữa sẽ có mưa báu đầy khắp đường phố.
Đến tối ngày thứ bảy, quả nhiên mưa đất cát đầy khắp thành, không còn ai sống sót, chỉ có người nghe vị a-la-hán báo trước, đào hang xuyên lòng đất và thoát ra ngoài.
Bấy giờ, cách kinh đô một trăm sáu mươi dặm về phía tây có một hang chuột ở bãi cát bên đường. Trong đó có con chuột lớn như con nhím, lông màu vàng trắng. Ngày xưa khi quân Hung Nô đến chiếm, vua khấn nguyện con chuột linh này cứu giúp. Tối đó nó đến cắn phá người ngựa cung tên, làm chúng phải rút lui.
Cách kinh đô khoảng năm dặm về phía tây, có một ngôi chùa. Ngôi tháp nơi đây, cao hơn trăm trượng, thường phát ánh sáng. Vua cảm được vài trăm hạt xá-lợi. Có vị a-la-hán dùng tay phải nâng tháp này đặt trong cái hòm, mà không làm kinh động mọi người.
Cách kinh đô hơn mười dặm về phía tây nam có núi Cù-thất-lăng-già, Trung Quốc gọi là núi Ngưu Giác. Pho tượng thờ trong ngôi chùa ở núi này thường phát ánh sáng. Thuở xưa, Đức Phật từng du hóa đến đây và thuyết pháp độ trời người. Trong núi còn có một thạch thất, là nơi một vị a-la-hán đã nhập diệt để đợi Phật Di-lặc ra đời.
Từ kinh đô, sư đi tiếp về phía tây, hơn tám trăm dặm, vượt qua nhiều núi đến nước Chước-cú-ca, tức là chỗ Đức Phật nhập Niết-bàn. Phía nam nước này có ngọn núi, trên đó người ta tạo tháp A-la-hán, với tùng bách um tùm, suối chảy róc rách, thạch thất yên tĩnh. Nơi đây có ba vị a-la-hán đang nhập Diệt tận định, râu tóc mọc dài, các vị tăng thường đến cạo tóc cho các ngài. Những vị tăng Ấn Độ chứng quả thường ở thất này.
Từ tây bắc nước này, sư vượt núi Đại Sa, băng sông Tỉ-đa, đi thêm năm trăm dặm thì đến nước Khư-sa (xưa gọi là nước Sơ-lặc). Phong tục nước này, khi
sinh con trai thì phải ép đầu khiến hơi dẹp xuống. Từ đây, sư đi về phía nam năm trăm dặm đến nước ô-sát. Cách kinh đô nước này hơn hai trăm dặm về phía tây, có ngọn núi rất lớn, trên đó có tháp được xây dựng đã mấy trăm năm, một vách núi đã sụp lỡ. Trong núi có tì-kheo cao lớn đang nhập định, râu tóc rũ xuống che cả mặt vai. Một hôm, vua nước đó rưới tô du lên và đánh kiền chùy, tì-kheo này nhìn xuống và nói:
– Thầy ta là Phật Ca-diếp-ba còn ở thế gian chăng?
-Không còn! Phật Ca-diếp đã vào Niết-bàn. Vua đáp.
– Phật Thích-ca ra đời chưa?