QUYỂN 27
Quyển này có một chương Chí thành.
19. CHƯƠNG CHÍ THÀNH
19.1. LỜI DẪN
Lòng chí thành đã cảm thì Phật thánh nhất định ứng hiện; bậc đại sĩ vận tâm thì hợp tất cả căn cơ; tự răn nhắc bản thân, khắc ghi vào tâm ý đến tận vị lai, chẳng để mất. Vì thế mỗi thệ nguyện đều tương ứng với nhẫn trí; mỗi niệm tâm rộng lớn đều xuất phát từ a-duy-việt-trí. Nếu lập hạnh vững chắc hơn tùng duẫn, khởi nguyện kiên cố hơn đá vàng, quên thân mà hộ trì Phật pháp, dốc lòng cứu độ chúng sinh, hoàng đạo để báo đáp bốn ân, bồi đức hầu cứu giúp ba cõi, thì công trùm ba tăng-kì, quả tròn Thập địa.
19.2. TÌM CHÂU BÁU
Kinh Đại Ý ghi:
– Thưở xưa, tại nước Hoan Lạc có cư sĩ Ma-ha-đàn lấy một người vợ tên là Chiên-đà. Vợ chồng sinh được một bé trai khôi ngôi tuấn tú ít ai sánh bằng. Khi mới chào đời, cậu bé phát nguyện: “Tôi sẽ bố thí giúp người nghèo khổ”. Nhân đó, cha mẹ đặt tên cậu bé là Đại Ý. Đến năm mười bảy tuổi, Đại Ý phát tâm ra biển tìm bảo châu minh nguyệt để cứu giúp chúng sinh.
Ra biển, đầu tiên Đại Ý đến thành bằng bạc, được long vương cai quản thành này dâng hạt châu Minh nguyệt. Châu này ở đâu thì những trân bảo trong chu vi hai mươi dặm tự nhiên tìm đến. Đại Ý tiến về phía trước thì gặp thành bằng vàng, được long vương cai quản thành này dâng hạt châu Minh nguyệt. Châu này ở đâu thì những trân bảo trong chu vi bôn mươi dặm tự nhiên tìm đến. Đại Ý đi tiếp, gặp thành bằng thủy tinh, được long vương cai quản thành này dâng hạt châu Minh nguyệt. Châu này ở đâu thì những trân bảo trong chu vi sáu mươi dặm tự nhiên tìm đến. Đại Ý lại đi tiếp thì gặp thành bằng lưu li và cũng được long vương cai quản thành này dâng hạt châu Minh nguyệt. Châu này ở đâu thì những trân bảo trong chu vi tám mươi dặm tự nhiên tìm đến. Long vương phát nguyện: “Sau này ngài đắc đạo, ta nguyện làm đệ tử và sẽ thành tâm cúng dường nhiều hơn hôm nay, giúp tăng trưởng trí tuệ”. Đại Ý nhận minh châu rồi vượt biển trở về đất liền.
Bấy giờ, các vua của thần biển bàn tính: “Trong biển của chúng ta tuy có rất nhiều trân bảo, nhưng không có những hạt châu này”. Thế là vua này lịnh cho thần biển tìm cơ hội chiếm đoạt những minh châu đó. Thần biển hóa làm người đến gặp Đại Ý và hỏi:
– Tôi nghe nói ngài được báu vật quí lạ, ngài có thể cho tôi mượn xem được chăng?
Đại Ý cầm bốn viên minh châu đưa ra, thần biển liền vung tay làm minh châu rơi xuống biển. Đại Y thầm nghĩ: “Long vương có nói rất khó giữ được các hạt minh châu này. Nay ta may mắn mới có được, không lí nào để cho người này cướp đoạt!’.
Đại Ý liền nói với thần biển:
– Ta trải qua bao gian nan nguy hiểm mới được minh châu này, mà nay ngươi cướp lấy. Nếu không trả, ta sẽ tát cạn nước biển để tìm!
– Chí ngài thật cao tột! Nhưng biển sâu ba trăm ba mươi sáu vạn do-tuần, rộng lớn không cùng tận, làm sao ngài tát cạn nổi! Ví như mặt trời không bao giờ rơi xuống đất, cuồng phong không thể bắt trói. Cho dù việc này có xảy ra đi nữa, nhưng không ai có thể tát cạn được biển cả. Thần biển nói.
Đại Ý cười và đáp:
– Ta nhớ trước sau thụ thân, bỏ thân từ vô thỉ đến nay xương chất cao hơn núi Tu-di, máu chảy nhiều hơn nước ngũ hà, mà ta còn muốn đoạn dứt nguồn gốc sinh tử, huống gì biển nhỏ này mà không tát cạn được ư? Thuở xưa, ta cúng dường chư Phật và phát nguyện: “Hôm nay con cúng dường, xin chí nguyện của con dũng mãnh nơi đạo pháp, tiến bước không sợ gian nan; dù phải chuyển dời núi Tu-di, tát cạn nước biển, con cũng không bao giờ thoái chí!”.
Nói xong, Đại Ý liền nhiếp tâm lấy gàu tát nước biển, nhờ lòng chí thành nên được bốn vị thiên vương đến giúp đỡ. Đại Ý tát được hai phần ba nước biển, các thần biển vô cùng sợ hãi, bàn với nhau:
– Nay nếu chúng ta không trả các viên châu lại cho người này thì sẽ lớn chuyện. Nước biển cạn, bùn sẽ nổi lên thì cung điện của chúng ta hư hoại.
Thần biển liền dâng châu báu cho Đại Ý. Đại Ý không nhận và nói:
– Ta không cần những loại này, chỉ muốn được minh châu của ta. Ta không bao giờ tha tội cho các ngươi!
Thần biển biết ý chí của Đại Ý, liền trả lại minh châu. Đại ý trở về nước, tùy ý mở hội bố thí lớn. Từ đó về sau, nơi ấy không còn người đói khát, thiếu thốn, nghèo túng.
Đức Phật bảo:
– Này các tì-kheo! Đại Ý thuở xưa chính là tiền thân của ta.
A-nan thưa:
– Bạch Đức Thế Tôn! Đại Ý tạo công đức gì mà được bốn viên minh châu có nàng lực khiến châu báu tự tìm đến?
Đức Phật bảo A-nan:
– Này A-nan! Vào thời Đức Phật Duy-vệ ở quá khứ, Đại Y xây tháp Đức Phật này bằng bốn báu, cúng dường Tam bảo, giữ gìn trai giới bảy ngày. Khi ấy có năm trăm người cùng lúc xây chùa; hoặc có người treo lụa, thắp đèn, đốt hương, rải hoa cúng dường các tì-kheo tăng, hoặc có người tụng kinh, giảng đạo. Nay họ đều gặp Ta và được độ thoát.
Luật Tăng-kì ghi:
– Thần biển suy nghĩ: “Giả sử trong trăm năm, bà-la-môn này tát biển thì cũng không bao giờ vơi đi một mảy may”.
Nhưng cảm động trước tâm tinh tiến, nên thần biển mới đem trân bảo trả lại cho bà-la-môn.
Thần biển nói kệ cho bà-la-môn:
Sức phương tiện siêng năng Ý chí chẳng mỏi mệt Cảm động tâm tinh tiến Tuy mất, vẫn tìm được ”.
19.3. CẦU HỌC GIỚI PHÁP
Kinh Tạp thí dụ ghi: