Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 4 / PUCL QUYỂN 47 – CHƯƠNG TRỪNG PHẠT LỖI LẦM, HÒA THUẬN

PUCL QUYỂN 47 – CHƯƠNG TRỪNG PHẠT LỖI LẦM, HÒA THUẬN

Sáu năm trôi qua, vua Tịnh Phạn quá thương nhớ Phật, sai người đến thỉnh Ngài. Vì thương xót, Đức Phật trở về cố hương. Khi đến cung dòng họ Thích, Đức Phật biến một nghìn hai trăm năm mươi vị tì-kheo đều giống như thân Phật, hào quang như nhau. Da-du-đà-la nói với La-hầu-la:
– Con xem vị nào là cha thì hãy đến bên cạnh vị ấy!
Lúc ấy, La-hầu-la liền đỉnh lễ Đức Phật xong, đến đứng ngay bên chân trái của Như Lai. Như Lai liền dùng bàn tay xoa đỉnh La-hầu-la rồi nói bài kệ:
Đối tất cả thân thuộc
Và cả La-hầu-la,
Ta không chút thiên vị,
Chỉ dùng tay xoa đầu.
Ta đã diệt kiết sử,
Yêu ghét đã dứt sạch
Các người chở hoài nghi
Với đứa con của ta
Cũng nên cho xuất gia
Làm Pháp tử cùa ta.
Lược nói công đức này
Xuất gia học chân đạo
Sẽ thành A-la-hán! ”
Có bài tụng rằng:
Gió nghiệp thường thổi mạnh
Sóng biển khổ thét gào
Đẩy ta trôi đây đó
Lìa xa thành Niết-bàn
Bỗng gặp thuyền Từ đến
Chở ta thoát biển này.
Thật biết kính mộ bạn
Răn lỗi chuyển phàm tình
Tội cấu trừ sạch hết
Châu sáng rọi tối tăm
Thích môn, cảnh rực sáng
Thế sự khổ buộc ràng
Mong trừ năm ấm cái
Mới biết nhẹ sáu trần
Nếu chẳng nương xe báu
Làm sao diệt lừa phiền?
46.3. CẢM ỨNG
46.3.1. Đời Tống, sa-môn Thích Tăng Bao: Sư người Kinh Triệu, trụ chùa Kì-hoàn, kinh đô, thuở nhỏ thụ học nơi ngài La-thập ở Quan Trung. Trong khoảng niên hiệu Vĩnh Sơ (420-423) đời Tống, sư đến trú tại tinh xá Hoàng Sơn, rồi theo hai sư Tĩnh và Định tu tập; cũng tại nơi đây, sư lập trai sám Phổ Hiền hai mươi mốt ngày. Đến ngày thứ mười bảy có một con hạc trắng bay đến đậu trước tòa bồ-tát Phổ Hiền, đến trưa khi dâng hương xong thì bay đi. Đến chiều tối ngày thứ hai mươi mốt, có bốn người mặc áo vàng đến nhiễu tháp mấy vòng rồi biến mất.
Lúc nhỏ sư đã có chí tiết, nay lại thêm điềm lành cảm hiện, cho nên càng siêng năng tu tập. Hằng ngày sư tụng hơn vạn lời kinh, lễ Phật mấy trăm lạy. về sau sư xuống kinh đô, gặp lúc chùa Kì-hoàn khai hội giảng pháp, tăng chúng nhóm họp rất nhiều, quan dân tụ hội đông đảo. Bấy giờ sư cưỡi lừa, áo quần rách rưới, dáng vẻ phong trần, không một ai biết sư. Giảng đường chật ních, sư cưỡi lừa đứng bên ngoài dự nghe. Khi pháp sư giảng đề xong, sư muốn phát biểu vài lời, pháp sư hỏi:
– Khách tăng pháp danh là gì?
– Tên là Bao. Sư đáp.
– Bao trọn đến đâu?
– Có thể bao luôn người trên tòa cao. Sư đáp.
Sau đó sư thưa hỏi thêm vài ba câu, đều là những điều mà các bậc tiền bối không thể suy nghĩ đến. Pháp sư không giải đáp được bèn thoái tòa. Vương Hoằng, Phạm Thái… nghe luận nghĩa, đều ca ngợi tài trí, sức tư duy của sư, xin được cùng đàm luận. Sau đó thỉnh sư trụ chùa Kì-hoàn, khai giảng các kinh, liên tiếp nhiều hội. Tạ Linh Vận người quận Trần nghe đạo phong của sư liền tìm đến, thấy sư có thần khí cao siêu, nên vô cùng thán phục.
Có người hỏi sư: Tạ công thế nào?
Sư đáp:
– Tạ công, về tài thì có dư, nhưng về hiểu thì chưa đủ, có lẽ tự thân không nỗ lực.
Có lần sư đi trên đường gặp sáu tên cướp bị bắt, sư thuyết pháp và dạy chúng niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Sau đó, đến lúc lâm nguy, chúng khẩn thiết xưng niệm, bỗng nhiên những người áp tải uống rượu say mềm, các tên cướp bẻ gông cùm trốn thoát.
Trong khoảng niên hiệu Nguyên Gia (424-454) đời Tống, sư thị tịch.
46.3.2. Đời Tống, Thích Tăng Viễn, chùa Tiết Hà, Lương châu: Không biết sư người nơi nào, bản tính phóng khoáng, không tu giới hạnh, thích lãng du, yến ẩm. Niên hiệu Vũ Bĩnh thứ năm (574), sư mộng thấy một người cao lớn nghiến răng mắng:
– Ngươi là người xuất gia mà mặt mày như thế, lại buông lung tạo ác, sao không soi gương xem thử mặt mình!
Sư giật mình tỉnh thức, hoảng sợ toát mồ hôi. Đến sáng sư soi mặt trong thau nước, thấy quanh mắt có các điểm đen, sư cho là cáu bẩn mới dùng nước lau rửa, nhưng lông mày theo tay rơi rụng hết. Sư tự trách, không biết làm sao với tai họa này. Sau đó sư thay đổi lối sống, đổi hình dạng chuyển tính tình, mặc áo vải thô, mang đôi giày rách, ngày ăn một bữa, trường trai giữ giới, nghiêm hành luật nghi, sáng tối sám hối, cảm xúc lệ tuôn tràn. Trải qua một tháng, người hôm trước lại nhập mộng, mỉm cười bảo:
– Phạm lỗi mà biết sửa chính là người trí. Tha tội trước cho ngươi, từ nay không được tái phạm!
Sư vừa mừng vừa sợ, tỉnh giấc, toàn thân toát mồ hôi, diện mạo tươi nhuận, lông mày dần dần mọc lại. Trong một đời sư cảm báo hai lần, thế mới tin biết khổ vui trong ba đời thật không dối. Từ đó về sau, sư dốc lòng tu tập, không phút giây biếng trễ, nhân dân trong vùng đều qui hướng về sư. Sau sư tịch tại nơi đây.
46.3.3. Đời Tùy, Thích Hồng Hiến: Sư xuất gia từ thuở nhỏ, trụ chùa Đại Từ, Tương châu. Sư sớm thông hiểu luật nghi, nhưng vì quá lao nhọc nghiên cứu tụng đọc, nên hai mắt bị mù. Do không có người dẫn đường, nên sư luôn ở trong phòng, sáng tối lễ Phật, tụng kinh, không bao giờ phế bỏ.
Niên hiệu Khai Hoàng mười bốn (594), một hôm cảm hiện đến một vị thần tự xưng là Bát-nhã đàn việt đến cầu thụ giới, luận đàm mấy câu. Bấy giờ thiền sư Tăng Cang đến trai đường thụ thực, Bát-nhã bèn lấy vải y của vị này đến cúng dường cho sư và thưa:
– Sư lập pháp sự rất lao nhọc, sẽ được lợi ích rất lớn. Nay đệ tử kính dâng y vật, xin thầy thụ nhận!
Sư nhận rồi cất vào rương. Lát sau Tăng Cang thụ thực xong, trở về phòng, thấy mất y, bèn lục soát khắp chùa thì phát hiện y trong rương của sư. Sư thuật lại sự việc, Tăng Cang không tin, nghi sư lấy cắp. Vị thần bèn phá nát y phục, mùng mền, bàn ghế trong phòng của Tăng Cang và vứt khắp sân, nào gậy, quạt, thước, gãy thành mấy đoạn. Trên hư không, vị thần vọng xuống:
– Tăng Cang không thích lập trai hội cúng dường Tam bảo, ta sẽ gây họa cho ông, không tha cho ông đâu!
Sư cảm được minh báo, nói chuyện với Bát-nhã giống như người mắt sáng. Thần nói với Bát-nhã:
– Đồng bạn của đệ tử rất nhiều, đều ở trên sông Tử Mạch, chỉ ba mươi người đi theo, có thể bảo nhà chùa chuẩn bị thức ăn.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 52 – CHƯƠNG QUYẾN THUỘC, SO SÁNH, HƠN KÉM

QUYỂN 52 Quyển này gồm hai chương: Quyến thuộc, So sánh hơn kém. 56. CHƯƠNG ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *