Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 7 / PUCL QUYỂN 88 – CHƯƠNG THỤ GIỚI (tt)

PUCL QUYỂN 88 – CHƯƠNG THỤ GIỚI (tt)

QUYỂN 88
Quyến này tiếp theo chương Thụ giới.
87. CHƯƠNG THỤ GIỚI (tt)

87.4. NGŨ GIỚI
87.4.1. Lời dẫn
Thế gian xem trọng nhân-lễ-nghĩa-trí-tín, hàm thức được trưởng dưỡng bởi không sát-đạo- dâm-vọng-tửu. Tuy đạo tục trái nhau, nhưng việc giáo hóa thì dung thông. Bởi vì, khởi lòng nhân thì không sát sinh, vâng theo nghĩa thì không trộm cắp, giữ được lễ thì không tà dâm, nói lời thật thì không dối gạt, thuận theo trí thì không uống rượu. Nhưng đây chỉ là lời dạy tạm thời, chẳng phải là giáo căn bản thật tu. Giáo căn bản thật tu là chính pháp. Việc tu tập của chính pháp nhất định phải từ nhân. Nhân chính là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Như vậy việc hành trì cốt ở nơi thật pháp, tức là chỉ vào sự việc mà nói thẳng, không mượn những lời hoa mỹ để hiển ý. Tu theo nhân này dù không mong được quả mà vẫn chứng quả, không cầu an lạc mà an lạc tràn đầy. Nếu bỏ gần mà tìm xa, bỏ nhỏ mà giữ lớn thì không có nơi qui hướng. Nên biết, vâng giữ nhân không sát sinh là đã đạt được quả nhân nghĩa.
Sở dĩ biết thế, là vì nay thấy người giữ giới không sát sinh, tuy không câu nhân mà lòng nhân hiển lộ. Giữ giới không trộm cắp, dù không thích nghĩa mà nghĩa tự bày. Giữ giới không tà dâm, tuy không cầu lễ mà lễ tự thành tựu. Tuân theo giới không nói dối, dù không chuộng tín mà tín tự thành. Giữ giới không uống rượu, tuy không luyện trí mà trí vẫn tự sáng.
Như vậy, đáng được gọi là: “Khéo nâng giềng giữ mối thì vạn mắt lưới đều mở toang; đắp nền dựng mái tức tránh được mưa nắng”. Thế thì có công gì phải bồi, có đức nào để trái. Nếu không tu nhân như thế sẽ mê mờ trong tham dục, luống khổ thân tâm, nhọc lòng trăm họ. Ngày đến tai mắt luống uổng thấy nghe, đêm về thân tâm mệt mỏi; sao cách đạo quá xa như vậy? Đạt được gốc thì không việc gì không thành tựu. Mới hay, cá lớn đâu thể sống nơi ngòi rạch; chim hồng, chim hộc há lại bay trong núi rừng nhỏ hẹp.
87.4.2. Già và Nạn
Khi có người đến thụ giới, trước tiên giới sư phải vấn già nạn người ấy. Luận Thành Thật nói: Khi vấn già, gặp người phạm tội nghịch, tặc trụ, làm hoen ố tì-kheo ni .V.V.. thì không cho thụ giới tì-kheo. Những người này nếu làm cư sĩ vẫn được thiện luật nghi, không ngăn ngại các việc thiện bố thí, hành từ v.v…, nhưng chỉ được giới tại gia. Vì người này đã bị nghiệp ác làm ô uế, chướng ngại thánh đạo, nên không cho xuất gia.
Kinh ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu muốn thụ giới ưu-bà-tắc đế tăng trưởng của cải và thọ mạng, trước hết phải thưa cha mẹ, báo cho vợ con, gia nhân v.v… biết, kế đến phải tâu quốc vương (sơ dĩ phải thưa vua là vì vua có lệnh cấm không cho thụ giới. Nếu trước đó không cỏ lệnh cấm thì không cần thưa). Khi đã được sự đồng ý rồi thì được thụ giới
Nếu người nào xuất gia, phát tâm bồ-đề thì nên đến trước vị hòa thượng cung kính đỉnh lễ, ôn tồn thăm hỏi và thưa:
– Bạch đại đức! Con là trượng phu đủ tướng nam tử, muốn thụ giới bồ-tát ưu-bà-tắc, xin đại đức từ bi chấp thuận. (Thưa một lần là được. Nếu người thụ giới Thanh văn biệt giải thoát, không phát tâm bồ-đề, từ năm chủng xuất gia lãnh thụ thì cũng đắc giới.)
Bấy giờ vị hòa thượng nên hỏi:
– Cha mẹ, vợ con, nô tì, quốc vương của ông đều bằng lòng chứ?
Nếu người ấy đáp “đã chấp thuận” thì giới sư hỏi tiếp:
– Ông có thiếu nợ Phật, pháp, tăng và của người khác không?
Nếu người ấy đáp “không” thì giới sư hỏi tiếp:
– Hiện tại, thân tâm ông có bị bệnh không?
Nếu người ấy thưa “không” thì hòa thượng lại hỏi:
– Ông có làm những điều phi pháp đối với tì-kheo, tì-kheo ni không?
Nếu đáp “không”, giới sư lại hỏi tiếp:
– Ông có phạm năm tội nghịch, tội trộm pháp không? Có phải là người không căn, hai căn không? Có phạm tội trọng trong bát trai giới không? Có bỏ bê cha mẹ, sư trưởng trong lúc bị bệnh, giết người phát tâm bồ-đề, trộm vật của hiện tiền tăng không? Có phải là người xấu ác, lưỡng thiệt, ác khẩu, làm điều phi pháp với mẹ, chị em không? Có nói dối đại chúng không?
Nếu người ấy đáp “không” thì hòa thượng lại bảo:
– Thiện nam tử! Giới này rất khó được, có thể làm nền tảng cho mười giới sa-di, giới tì-kheo, giới bồ-tát cho đến bồ-đề. Nếu chí tâm thụ trì, sẽ được vô lượng lợi ích. Nếu hủy phạm những giới này phải chịu khố não cùng cực trong ba đường ác suốt vô lượng kiếp. Nay ông muốn được vô lượng lợi ích, vậy có dốc lòng thụ trì chăng?
Nếu giới tử đáp “có” thì giới sư truyền tam qui. Lúc ấy giới sư lại hỏi:
– Giới này rất khó. Nếu ông đã qui y Phật rồi, thà bỏ thân mạng chứ khồng qui y Tự Tại thiên; qui y pháp rồi, thà bỏ thân mạng, quyết không qui y tà thuyết ngoại đạo; qui y tăng rồi, thà bỏ thân mạng quyết không qui y tà chúng của ngoại đạo. Ông có thể chí thành qui y Tam bảo như thế không?
Nếu giới tử đáp “giữ được” thì giới sư bảo ưu-bà-tắc phải thân cận học hỏi với bậc xuất gia có trí tuệ trong sáu tháng. Vị này phải hết lòng quan sát bốn oai nghi của ưu-bà-tắc. Nếu thấy ưu-bà-tắc này trong vòng sáu tháng thực hành đúng theo sự chỉ dạy, thì nhóm họp chúng tăng đủ hai mươi vị để làm phép yết-ma và thưa:
– Đại đức tăng lắng nghe! Cư sĩ này tên là…đã ở trước chúng tăng thụ giới ưu-bà-tắc rồi, trong sáu tháng qua, bốn oai nghi thanh tịnh, dốc lòng giữ gìn giới pháp. Trượng phu này đầy đủ tướng nam tử. Nếu tăng đồng ý thì im lặng, ai không đồng ý thì nói ra. (Thưa một lần là được. Nếu từ trước đã có chính tín, không tin theo tà đạo thì không cần phải thực hành nghi thức Phiên tà Tam qui sáu tháng, mà trực tiếp hỏi già nạn và dạy họ sám hối xong, liền trao ngũ giới, bát quan giới và Tam qui).
87.4.3. Nghi thức thụ giới
Người muốn thụ giới phải đầy đủ oai nghi, đối trước năm chúng xuất gia để lĩnh thụ. Theo luận Trí độ, nghi thức thụ giới như sau:
Giới tử thưa:
– Con tên là…. nguyện qui y Phật, qui y pháp, qui y tăng (đọc ba lần). Con tên là…. qui y Phật rồi, qui y pháp rồi, qui y tăng rồi (đọc ba lần). Con là ưu-bà-tác (ưu-bà-di) tên là…. từ nay-đến trọn đời nguyện qui y Tam bảo, xin đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni chứng biết lòng con.
Kế đó giới sư dạy:
– Ưu-bà-tắc hãy lắng nghe! Như Lai, ứng Cúng Chính Biến Tri là bậc thấy biết tất cả, đã nói năm giới cho ưu-bà-tắc các ông. Các ông phải trọn đời giữ gìn Năm giới đó là:
1. Suốt đời không được giết hại chúng sinh. Đây là giới của ưu-bà-tắc. Ông có thể giữ suốt đời được không? Nếu giữ được, thì nói: “Con giữ được!”.
2. Suốt đời không được trộm cắp. Đây là giới của ưu-bà-tắc. Ông có thể giữ suốt đời được không? Nếu giữ được thì nói: “Con giữ được!”.
3. Suốt đời không được tà dâm. Đây là giới của ưu-bà-tắc. Ông có thể giữ suốt đời được không? Nếu giữ được thì nói: “Con giữ được!”.
4. Suốt đời không được nói dối. Đây là giới của ưu-bà-tắc. Ông có thể giữ suốt đời được không? Nếu giữ được thì nói: “Con giữ được!”.
5. Suốt đời không được uống rượu. Đây là giới của ưu-bà-tắc. Ông có thể giữ suốt đời được không? Nếu giữ được thì nói: “Con giữ được!”.
Giới sư nói giới tướng xong, lại bảo giới tử:
– Đây là năm giới của ưu-bà-tắc, phải hết lòng thụ trì, đồng thời cúng dường Tam bảo, siêng tu phúc đức, để gần thì được phúc báo trời người, lâu xa thì thành tựu quả Phật. Cũng nên giữ mỗi năm ba tháng trường trai, sáu ngày trai của những tháng còn lại-Nếu người chỉ thụ một giới thì nghi thức lãnh thụ không đọc chữ “năm” mà chỉ đọc: “Con là ưu-bà-tắc thụ giới không sát sinh”, còn lại thì y như văn thụ Tam qui trước. Đọc ba lần xong là lãnh thụ năm giới.
Kế đó là tam kết và căn dặn giới tử.
Luận Tát-bà-đa ghi: “Hỏi:
– Không thụ Tam qui có được thụ ngũ giới không?

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 97 – CHƯƠNG TỐNG CHUNG

ỌUYỂN 97 Quyển này có một chương Tống chung. 97. CHƯƠNG TỐNG CHUNG 97.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *