Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 4 / PUCL QUYỂN 47 – CHƯƠNG TRỪNG PHẠT LỖI LẦM, HÒA THUẬN

PUCL QUYỂN 47 – CHƯƠNG TRỪNG PHẠT LỖI LẦM, HÒA THUẬN

QUYỂN 47
Quyển này gồm hai chương: Trừng phạt lỗi lầm, Hòa thuận.
46. CHƯƠNG TRỪNG PHẠT LỖI LẦM

46.1. LỜI DẪN
Hình hài gây nhiều họa, đúng lí phải răn dè; căn thức hôn trầm, theo lẽ luôn cảnh tỉnh. Cho nên kinh Di giáo ghi: “Không nên vì việc ngủ nghỉ mà để cuộc đời luống trôi qua, không đạt được gì”. Nhưng thân là gốc của tai họa, nếu không có thân thì họa diệt. Cho nên Khúc lễ ghi: “Cần phải kính thì mới không nuôi lớn tâm cao ngạo”. Nếu buông tâm cao ngạo, tăng trưởng tính biếng lười, luống bày việc đấu tranh, thì biết làm sao với mối tai họa đây! Miệng là cửa đao búa, là khởi đầu của mọi tai họa. Bởi tâm nghĩ điều ác, miệng sẽ nói lời ác, thân theo đó gây việc ác. Hễ khởi ba nghiệp này rồi thì sẽ rước lấy quả bốn cõi ác. Cho nên Luận ngữ ghi: “Một lời có thể dựng nước, một lời cũng có thể làm mất nước”. Chu Dịch ghi: “Ngôn hạnh là then chốt của bậc quân tử, then chốt phát động là đã quyết định sự vinh nhục”. Ý là gốc của nghiệp, hai nghiệp thân miệng phát khởi từ đây. Vì thế trước nên trừ tâm ác, bỏ tà cầu chính. Cho nên biết muôn ác hưng khởi đều do tâm tạo. Sao biết được? Vì tâm duyên vừa khởi, miệng liền phát lời ác, lời do ý mà có, khiến thân tạo mọi việc ác. Luận Thành thật ghi: “Lìa tâm, bặt suy nghĩ, thì không có nghiệp thân và miệng”.
46.2. DẪN CHỨNG
Kinh Duy-ma ghi: “Cho nên, phải dùng biết bao nhiêu lời thống thiết mới có thể đưa người vào khuôn phép”.
Sách Nho chép: “Nghe lời can gián như dòng nước chảy”. Câu này đáng ghi nhớ. Thông thường, kẻ hung ngu không tin, ngựa dữ khó thuần; đến lúc mạng tận, kế cùng mới nghĩ đến lời này, vừa hối hận vừa hổ thẹn, liền lấy đó để tự răn, mong được nghe đồng bạn khuyên răn để mở sáng tâm trí. Nay muốn ngậm miệng để chỉnh thân, đâu bằng trước kềm chế tâm, sau nhiếp phục ý! Thế nên, kinh chép: “An trụ tâm vào môt chỗ thì không việc gì không thành”. Ví như chồn, thỏ đâu dám ở trong hang núi vàng; ếch nhái nào dám sống nơi vực sâu, biển rộng.
Vì vây, người biết lắng tâm, định ý thì dứt được quả báo trong ba đường, đầy đủ bốn đức. Người giữ ý như giữ thành, giữ miệng như bình đậy kín thì đáng nhận lãnh di giáo nơi Kim Hà, có thể giúp việc khai hóa đế vương hưng thịnh khắp thiên hạ. Người giữ gìn ba nghiệp như thế thì có khả năng dứt trừ được bốn nỗi khổ: sinh, già, bệnh, chết”.
Cho nên, kinh Thụ thai ghi: “Lúc thụ thai, chúng sinh chịu đủ mọi thứ khổ sở, mờ mịt giống như đám bụi mù. sắp đủ mười tháng thì thai nhi bắt đầu biết khổ. Bấy giờ, gió nghiệp chuyển, đẩy đầu đứa bé hướng về cửa mình người mẹ. Vừa lọt lòng mẹ, toàn thân đau đớn như nằm trên núi đao, gió thổi lạnh buốt như băng giá. Ngay khi ấy, sinh là nỗi khổ đích thực”.
Kinh Niết-bàn ghi: “Giống như tim đèn cháy được là nhờ dầu. Nếu dầu hết thì đèn không thể cháy. Con người cũng thế, chỉ nhờ lúc mạnh khỏe trẻ trung, đến khi sức khỏe cạn kiệt thì sức già làm sao giữ mạng được lâu dài”.
Trong kinh Xuất diệu, Đức Phật nói về nỗi khổ của tuổi già bằng bài kệ:
Tuổi trẻ thân tráng kiện,
Bị già suy bức bách,
Gầy yếu như cây khô,
Kiệt sức, đi nhờ gậy.
Đức Phật nói về nỗi khổ của cái chết bàng bài kệ:
Tắt thở hồn lìa xác,
Hình hài thật thảm thương,
Người vật cũng như nhau,
Không sinh ắt chẳng tử.
Kinh Niết-bàn ghi: “Người chết như đi vào nơi hiểm nạn mà không có lương thực; đến chốn xa xồi, nguy hiểm mà không có bạn bè; ngày đêm đi mãi mà không biết chỗ dừng; tối tăm mờ mịt mà không có đèn sáng; vào nơi không nhà mà lại có chỗ nương thân; tuy không đau đớn nhưng không thể chữa trị; đến đâu cũng không ngăn ngại nhưng không có lối thoát”.
Kinh Vô lượng thọ ghi: “Sinh một mình, chết cũng một mình; một mình đến, một mình ra đi; chốn khổ vui riêng mình chịu lấy, không người thay thế, mờ mờ mịt mịt vĩnh viễn cách xa, đi không cùng lối, chẳng bao giờ gặp nhau. Khó thay! Khó thay! Nếu được gặp nhau, sinh ra thì vui vẻ, bà con quấn quít, rất mực yêu thương, quí mến; khi chết thì sáng mất chiều chôn, lại lo sợ cảnh chia ly, khóc lóc tiễn đưa mà người chết không hề hay biết. Quyến thuộc trở về thì cảnh nhà trống vắng, không còn trông thấy người thân. Còn mất, có không thay đổi trong khoảnh khắc”.
Cho nên, trong kinh Xuất diệu, Đức Phật nói lại nỗi khổ của sự chết bằng bài kệ:
Mạng sống như quả chín,
Thường sợ phải rụng rơi,
Đã sinh ắt có khổ,
Đời người ai không chết.
Như kẻ tử tù kia,
Bị đưa đến pháp trường;
Mỗi bước dần đến chết,
Mạng người cũng như vậy.
Như dòng nước chảy xiết,
Trôi đi không trở lại,
Mạng người cũng như thế,
Chết nào sống lại đâu
Kinh Xuất diệu ghi: “Ngày xưa có bốn anh em Phạm chí chứng được ngũ thông, biết mạng sống của mình chỉ còn bảy ngày, nên cùng nhau bàn luận:
– Anh em chúng ta thông đạt ngũ thông, có thể dùng thần lực của mình lật đổ trời đất, biến cánh tay cực lớn bắt lấy mặt trời, mặt trăng, dời non lấp biển, không việc gì chẳng làm được, sao không thể tránh nạn chết này?
Người anh lớn nói:
– Ta sẽ vào biển cả trốn ở khoảng lưng chừng giữa đáy và mặt biển, quỉ vô thường đâu biết được chỗ ở của ta.
Người em thứ hai nói:
– Tôi vào trong lòng núi Tu-di rồi bít kĩ khe trống, quỉ vô thường đâu biết được chỗ ở của tôi.
Người em thứ ba nói:
– Tôi ẩn hình trong hư không, chẳng lưu dấu vết, quỉ vô thường đâu biết được chỗ ở của tôi.
Người em thứ tư nói:
– Tôi trốn trong chợ đông người, không ai biết cả, quỉ vô thường bắt càn một người nào đó, cần gì bắt tôi.
Bốn người bàn bạc xong cùng đến từ giã nhà vua:
– Chúng tôi biết mạng sống chỉ còn bảy ngày nên mỗi người muốn chạy trốn để cầu đươc nhiều phúc.
Nhà vua liền nói:
– Hãy siêng năng tạo thêm phúc!
Họ từ biệt nhau, mỗi người đến chỗ riêng. Kì hạn bảy ngày đã mãn, bốn người đều mạng chung ngay chỗ ẩn núp của mình. Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh biết bốn Phạm chí trốn tránh vô thường, đều mong khỏi chết, nhưng không thể thoát. Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:
Hư không và biển cả
Núi đá hoặc hang sâu
Chẳng có một nơi nào
Trốn thoát khỏi cái chết.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 52 – CHƯƠNG QUYẾN THUỘC, SO SÁNH, HƠN KÉM

QUYỂN 52 Quyển này gồm hai chương: Quyến thuộc, So sánh hơn kém. 56. CHƯƠNG ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *