Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 64 – CHƯƠNG SĂN BẮN, CHÀI LƯỚI

PUCL QUYỂN 64 – CHƯƠNG SĂN BẮN, CHÀI LƯỚI

QUYỂN 64
Quyển này gồm hai chương: Săn bắn-chài lưới, Từ bi.
73. CHƯƠNG SĂN BẮN-CHÀI LƯỚI

73.1. LỜI DẪN
Kính nghĩ: Như Lai lập giáo, rất chuộng nhân từ, nên trong các giới điều, sát sinh là nặng nhất. Bởi chúng sinh tham chấp, chỉ quí tiếc mạng mình, giết hại các loài để nuôi sống tự thân. Do đắm vị ngon này mà đánh bắt muôn đường, bởi tham béo bổ kia mà lưới giăng vạn lớp. Hoặc thả chim, xua chó lùng sục khắp núi gò; hoặc cầm kiếm, dương mâu đâm xiên cùng rừng rậm. Hoặc buông câu nơi sông biển, hoặc thả lưới khắp sông hồ. Cho đến dùng mồi ngon câu cá, đạn sắt bắn chim, khiến cho loài vảy mềm phải bỏ mạng, cánh yếu phải mất thân, trên tổ không còn trứng cũ, trong hang không sinh thai mới. Đã lùng sục khắp rừng núi hang đầm, liền kêu nhau trở về thôn xóm. Bấy giờ, mỡ tiêu trong vạc, thịt nát thân khô, thức nương trong nồi canh, hồn gá nơi từng miếng thịt. Sao cho thân này là đáng trọng, mạng nọ lại khinh thường? Đổ rồi giết hại muôn loài dưỡng nuôi thân xác. Chỉ vì ngon miệng no thân, mà không nghĩ đến nỗi bi thương; chỉ vì món ngon mà nhẫn tâm giết hại; khiến cho oan gia cừu hận cùng chốn u minh, trái chủ đuổi theo khắp hư không giới. Mãi dùng nghiệp tướng bất thiện vun đắp nơi thân, các ác luật nghi chẳng bao giờ từ bỏ.
Bồ-tát vì việc này mà chau mày, đại sĩ cũng vì đây mà tuôn lệ. Nhưng bốn loài qua lại, sáu nẻo xuống lên, hoặc hôm nay oán thù, ngày trước lại chí thân; hoặc nhiều kiếp thâm giao, hôm nay thành xa cách; biến hình đổi dạng, chẳng thể biết nhau; chết kia sinh đây, làm sao lường được. Chỉ có đạo Từ bi dùng việc cứu vớt làm đầu; bản hoài của bồ-tát lấy hạnh thương giúp làm sự nghiệp. Cho nên, các ngài luôn dạo khắp các địa ngục chịu khổ thay tội nhân, độ khắp chúng sinh ban cho họ sự an lạc.
73.2. DẪN CHỨNG
73.2.1. Ác luật nghi
Kinh Niết-bàn ghi: “Có mười sáu ác luật nghi:
1. Vì lợi, nuôi dê cho mập rồi đem bán.
2. Vì lợi, mua dê về làm thịt.
3. Vì lợi, nuôi lợn cho mập rồi đem bán.
4. Vì lợi, mua lợn về làm thịt.
5. Vì lợi, mua trâu bò nghé về nuôi mập rồi đem bán.
6. Vì lợi, mua trâu bò về làm thịt.
7. Vì lợi, nuôi gà cho béo mập rồi đem bán.
8. Vì lợi, mua gà về làm thịt.
9. Câu cá.
10. Làm thợ săn.
11. Làm giặc cướp.
12. Giết thuê, hoặc làm đao phủ.
13. Giăng lưới bắt chim.
14. Nói lưỡi đôi chiều.
15. Làm lính giữ ngục.
16. Luyện chú sai khiến rồng.
Người thường vì chúng sinh mà dứt hẳn mười sáu nghiệp ác trên, thì gọi là người trì giới”.
Tạp A-tì-đàm tâm luận ghi: “Có mười hai ác luật nghi:
– Mổ dê: Nghĩa là giết dê. Với tâm cố ý giết hại nên hoặc là nuôi, hoặc bán, hoặc giết đều gọi là mổ dê.
– Nuôi gà: Cũng như trên.
– Nuôi heo: Cũng như trên.
– Bắt chim: Dùng nghề bắt giết chim để kiếm sống.
– Đánh cá: Dùng nghề đánh cá để nuôi sống.
– Săn bắn: Dùng nghề săn bắn để kiếm sống.
– Làm giặc: Thường đi cướp của, giết người.
– Giết thuê: Giết người để nuôi sống.
– Làm đao phủ: Giết người để nuôi sống.
– Giữ ngục: Làm nghề giữ ngục để kiếm sống.
– Chú rồng: Dùng bùa chú sai khiến rồng, rắn làm các trò vui kiếm sống.
– Làm thịt chó: Chỉ cho nghề làm thịt chó của hạng chiên-đà-la.
– Chủ đoàn thợ săn: Các vương gia thường làm chủ đoàn săn bắn”.
Luận Đối pháp ghi: “Những người nào làm trái luật nghi? Đó là những người vì nuôi sống thân mạng mà thích làm những việc tổn hại chúng sinh như: giết dê, nuôi gà để bán, nuôi heo để bán, bắt chim, đánh cá, săn nai, bẫy thỏ, trộm cướp, giết thuê, đao phủ, mổ bò, ở trong rừng huấn luyện thuần phục voi, lập đàn chú rồng, giữ ngục, đặt điều gièm pha…”.
Những Bất luật nghi như thế, hoặc có người do sinh vào gia đình làm nghề ấy, hoặc có người học theo nghề nghiệp ấy. Nghĩa là có người sinh vào nhà đã làm như thế, hay sinh vào nhà khác sau mới học theo nghiệp ấy. Nói thời gian quyết định nghiệp ấy hiện hành, nghĩa là dùng phương tiện thân, miệng làm đầu để quyết định thời gian hiện hành ác nghiệp. Đó gọỉ là Bất luật nghi.
Kinh Xuất diệu ghi: “Nam hải bỗng nhiên nổi lên một con sóng lớn dội vào bờ, đẩy ba con cá lớn đến chỗ nước cạn. Chúng nói với nhau: ‘Chúng ta bị mắc cạn ở đây, phải nhân lúc nước chưa rút, ta bơi ngược dòng trở về biển khơi’. Bơi được một đoạn, chúng gặp chiếc thuyền chắn ngang, cả ba đều không qua được. Thế là con thứ nhất dốc hết sức phóng qua thuyền và bơi đi. Con thứ hai nương đám cỏ mà vượt qua. Riêng con thứ ba vì hơi tàn, sức kiệt nên bị người đánh cá bắt. Phật thấy như thế liền nói kệ:
Ngày nay đã qua,
Mạng sống giảm dần,
Như cá cạn nước,
Nào có vui gì? ”.
73.2.3. Sa-môn Sư-chất
Kinh Bồ-tát bản hạnh ghi: ‘‘Vua Ba-tư-nặc có vị đại thần tên là Sư-chất của cải vô số, đã đến lúc đáng được hóa độ.
Sáng hôm ấy, tôn giả Xá-lợi-phất đắp y, ôm bát đến nhà Sư-chất khất thực. Thấy tôn giả đến, Sư-chất liền đỉnh lễ, thăm hỏi, mời ngồi rồi thiết trai cúng dường. Dùng cơm xong, tôn giả rửa tay, súc miệng rồi nói với Sư-chất:
– Vinh hoa phú quí là nguồn gốc của các khổ. Ân ái gia đình khác nào lao ngục! Những thứ ta đang có đều vô thường. Những vật quí giá trong ba cõi là huyễn hóa. Chết đi sống lại trong năm đường, thân này thay đổi muôn hình vạn trạng, không có thật ngã.
Nghe giáo pháp ấy, Sư-chất sợ hãi, không còn luyến tiếc vinh hoa phú quí, chẳng còn thích tình ân ái vợ chồng, thấy nhà cửa giống như nấm mộ. Thế rồi, ông trao sản nghiệp lại cho em trai, cạo bỏ râu tóc, đắp ca-sa, vào rừng sâu ngồi thiền, hành đạo.
Vợ Sư-chất nhớ chồng, mãi buồn rầu, không thể nào vui với người chồng mới. Người chồng hỏi:
– Gia đình ta giàu có, cùa cải châu báu vô số, đâu thiếu thử gì! Vì sao nàng lại buồn như thế?
Người vợ đáp:
– Thiếp nhớ Sư-chất không nguôi, nên mới buồn bã như vậy.
Người chồng hỏi:
– Bây giờ nàng đã là vợ tạ, sao còn nhớ thương chồng cũ?
Người vợ trả lời:
– Chàng ấy đối xử với thiếp rất tốt, không ai có thể sánh bằng.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *