Kinh : Lúc ấy, Ngài Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi thương xót hàng tư chúng, ở giữa đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chắp tay cung kính mà bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, các đại chúng đây không ngộ được chỗ Như Lai phát minh hai nghĩa tức là (thị) và chẳng phải là (phi thị) nơi hai thứ cái thấy và sắc không. Thưa Thế Tôn, nếu những hình tượng tiền trần sắc không trước mắt tức là cái thấy thì phải có chỗ chỉ ra được. Còn nếu chẳng phải là cái thấy thì lẽ ra không thể thấy được. Nay đại chúng không rõ nghĩa ấy về đâu, nên mới kinh sợ, chứ không phải căn lành đời trước kém thiếu. Kính mong Như Lai thương xót, phát minh cho rõ : các vật tượng này và cái thấy ấy vốn là vật gì mà ở trong đó không có các nghĩa phải (thị) cùng chẳng phải (phi thị)?”
Phật bảo Ngài Văn Thù cùng tất cả đái chúng rằng : “Mười phương Như Lai và các Đại Bồ tát ở trong Tự Trụ Tam Ma Địa, thì trong ấy, cái thấy và cái được thấy cùng các chỗ tưởng tướng đều như hoa đốm giữa hư không, vốn không chỗ có. Cái thấy cho đến những cái được thấy tất cả vốn là Thể Bồ Đề sáng sạch nhiệm mầu. Làm sao ở trong đó lại có phải hay chẳng phải?
Thông rằng : Đức Văn Thù là thầy của bảy vị Phât thời quá khứ, quen thuyết Như Lai Thiền, nên yêu cầu Thế Tôn phát minh ra các vật tượng và cái thấy vốn là vật gì. Trước Đức Thế Tôn đã dạy “Sao chẳng biết sắc thân cho đến núi sông, hư không, đại địa đều là vật ở trong cái Chân Tâm Diệu Minh này.” Đã mở toang rõ ràng ra rồi, còn nói gì nữa ! Vậy mà ở trong đó, bác bỏ vạn tượng thì mới có cai chẳng phải, không bác bỏ vạn tượng thì bèn có cái phải Hai tướng phải, chẳng phải thật cùng cực vi tế, chỉ cố cái thấy chân chánh trực tiếp Thể Bồ Đề Vô Thượng mới có đường thoát thân. Cái Tâm Tánh Diệu Tịnh sáng suốt này tức là Tự Trụ Tam Ma Địa của Bồ tát. Ở trong cái Tự Định này thì thoát hẳn căn trần nên cái thấy cùng cái được thấy đều bất khả đắc.
Sắc không là duyên cho cái thấy, cho đến tưởng tướng là duyên của cái ý, thuộc về sáu trần. Thấy, nghe, hay, biết thuộc về sáu thức. Chứng Bồ Đề, không chỉ là sở không, mà năng cũng không. Nên nói “Vốn không chỗ có”, năng sở đều không. Cái thấy cùng cái được thấy, hiện là vắng lặng. Tức đó là cái Thể Bồ Đề sáng sạch nhiệm mầu, chẳng kịp luận bàn, chẳng dung phân biệt. “Nhất Thiết Trí thanh tịnh, không hai, không hai phần, vì không riêng, không dứt”(5) là vậy. Trong đó, làm sao có được phân biệt để mà nói “Cái này phải thật cái thấy, cái này chẳng phải cái thấy” ? Nếu gượng sanh phải hay chẳng phải, thì cũng như mắt bệnh, vọng thấy không hoa. Nơi Chân Tánh Bồ Đề, nào đâu dính dáng !
Ngài Thạch Sương ban đầu đến viếng Tổ Đạo Ngô, hỏi rằng : “Như thế nào là Chạm mắt là Bồ Đề ?”
Tổ Ngô liền gọi : “Sa di!”
Sa dỉ lên tiếng dạ.
Tổ nói: “Thêm nước vào tịnh bình đi!”
Chập lâu rồi hỏi lại Ngài Thạch sương : “Ông vừa mới hỏi cái gì thế ?”
Ngài Thạch Sương vừa định nói, Tổ Ngô bèn quay về phương trượng.
Ngài Thạch sương bèn tỉnh ngộ.
Tổ Đơn Hà tụng rằng :
“Buông tay trở lại, khéo làm Cơ !
Trong tiếng bình thường trí súng, cờ
Hỏi trùng, định đáp, về phương trượng Câu ấy, phân minh lại chẳng ngờ.”
Muốn biết cái đạo lý “chẳng ngờ”, phải hỏi Ngài Thạch Sương mới được!
Về sau, có nhà sư hỏi Tổ Thạch Sương: “Trong khoảng gang tấc, vì sao chẳng thấy mặt thầy?”
Tổ Sương, cách cửa sổ, lên tiếng rằng : “Đạo ta cùng khắp chẳng từng che !”
Nhà sư lại đem đến hỏi Tổ Tuyết Phong : “Cùng khắp chẳng che, ý chỉ thế nào ?”
Tổ Phong đáp : “Có chỗ nào mà chẳng phải là Thạch Sương ?”
Tổ Sương nghe được rồi nói rằng : “Cái lão già ấy bám vào để chết cho lẹ !”
Tổ Phong nghe được, bèn nói: “Tội lỗi của lão tăng vì chỉ dư một chữ “là”, mà dẫn người vào trong hang tình giải, may gặp Thạch Sương mổ xẻ, phanh phui.”
Trong khoảng mảy lông, chẳng phải là bậc có mắt thì nào có biện ra nổi!