Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 3 / PUCL QUYỂN 39 – CHƯƠNG GIÀ LAM

PUCL QUYỂN 39 – CHƯƠNG GIÀ LAM

Vua báo cho trưởng giả Tu-đạt biết ý định của lục sư ngoại đạo. Tu-đạt nghe vậy, trong lòng lo lắng, không vui. Tôn giả Xá-lợi-phất lấy làm lạ mới hỏi nguyên do. Trưởng giả Tu-đạt kể hết cho tôn giả Xá-lợi-phất nghe. Tôn giả Xá-lợi-phất nói: ‘Giả sử lục sư ngoại đạo đầy cả cõi Diêm-phù-đề, nhiều như rừng trúc cũng không thể động được một cọng lông chân của tôi. Họ muốn so pháp thuật gì thì cứ theo ý họ. Trưởng giả Tu-đạt vô cùng vui mừng đến báo với vua và hẹn bảy ngày sau sẽ gặp nhau tại bãi đất trống ngoài thành.
Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất cùng với Lao-độ-sai hiện các thứ thần biến, ngoại đạo không bằng tôn giả Xá-lợi-phất. Tôn giả Xá-lợi-phất thấy ngoại đạo đã chịu khuất, ngài nói pháp cho chúng nghe. Tùy theo bản hạnh và nhân duyên phúc đức đời trước của chúng mà mỗi người đều chứng được đạo quả. Ba ức chúng đệ tử của lục sư ngoại đạo theo tôn giả Xá-lợi-phất xuất gia, học đạo. Khi cuộc so pháp thuật kết thúc, mọi người trở về trú xứ của mình.
Trưởng già Tu-đạt và tôn giả Xá-lợi-phất đến khu vườn để đo đạc tinh xá. Trưởng giả Tu-đạt cầm một đầu dây, tôn giả Xá-lợi-phất cầm một đầu dây cùng nhau đo tinh xá. Bỗng nhiên tôn giả Xá-lợi-phất vui vẻ mỉm cười. Trưởng giả Tu-đạt hỏi:
– Vì sao tôn giả cười?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
– Ông vừa đo ở đây xong thì cung điện đã xây xong ở cõi trời Lục Dục.
Trưởng giả Tu-đạt dùng đạo nhãn nhìn thấy rõ cung điện của trời Lục Dục nghiêm tịnh lạ thường.
Trưởng giả Tu-đạt hỏi:
– Ở cõi trời Lục Dục, nơi nào vui nhất?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
– Ba cõi dưới còn dục nhiễm, hai cõi trên nhiều kiêu mạn và buông lung. Chỉ tầng trời thứ tư là thiểu dục tri túc, thường có hàng bồ-tát Nhất sinh bổ xứ sinh về, giảng pháp không dứt.
Trưởng giả Tu-đạt nói: ‘Tôi phải sinh vào trong cõi trời thứ tư’. Trưởng giả Tu-đạt vừa nói dứt lời thì những cung điện khác đều biến mất, chỉ có cung điện của trời thứ tư vẫn còn. Cả hai lại dời dây đo chỗ khác.
Bỗng tôn giả Xá-lợi-phất tỏ vẻ buồn rầu, lo lắng. Thấy vậy, trưởng giả Tu-đạt hỏi:
– Vì sao tôn giả có vẻ buồn rầu, lo lắng?
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:
– Ông có nhìn thấy kiến trong khu đất này không?
Trưởng giả Tu-đạt đáp:
Con đã nhìn thấy.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói với trưởng giả Tu-đạt:
– Vào thời quá khứ, lúc Đức Phật Tì-bà-thi xuất hiện ở đời, ông cũng đã xây dựng tinh xá trên khu đất này để cúng dường Đức Phật; lúc đó những con kiến này cũng sinh sống ở đây. Từ bảy Đức Phật đến nay ông đều xây tinh xá ở đây để cúng dường các Đức Phật ấy và những con kiến này cũng sinh sống ở đây. Đến nay đã trải qua chín mơi mốt kiếp mà chúng vẫn mang thân kiến không được giải thoát. Sinh tử dài lâu chỉ có phúc là quan trọng, cần phải gieo trồng phúc đức.
Nghe tôn giả Xá-lợi-phất nói, trưởng giả Tu-đạt khởi lòng xót thương cho đàn kiến.
Sau khi đo đạc qua các khu đất, trưởng giả Tu-đạt cho khởi công xây dựng tinh xá. Ông xây riêng cho Phật một ngôi thất, dùng bột thơm chiên-đàn làm vữa hồ thơm để xây. Có một nghìn hai trăm phòng riêng biệt và có khoảng một trăm hai mươi chỗ đánh kiền-chùy riêng biệt. Khi tinh xá xây dựng hoàn tất, trưởng giả Tu-đạt muốn đến thỉnh Phật, nên ông đến tâu cho vua biết trước. Vua nghe vậy liền sai sứ đến thỉnh Phật.
Phật và tất cả bốn chúng trước sau vây quanh phóng ánh sáng lớn, chấn động trời đất, soi sáng khắp tam thiên. Trong thành, âm nhạc không trỗi mà tự vang, những người bị mù, điếc và các bệnh khác đều lành; nam nữ, già trẻ đều thấy điềm lành này vô cùng vui sướng, cùng nhau đi đến chỗ Phật. Tất cả có mười tám ức người đến hội họp. Bấy giờ, đức Thế Tôn tùy bệnh cho thuốc, nói pháp vi diệu, giúp mọi người chứng đạo quả.
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
– Đất của khu vườn này là do trưởng giả Tu-đạt mua, còn cây trái, hoa quả trong vườn là của thái tử Kì-đà. Hai người đồng lòng cùng nhau xây dựng tinh xá, nên gọi tinh xá này là Thái Tử Kì-đà Thụ Cấp-cô-độc Thực Viên. Tên gọi này phải được lưu truyền khắp nơi để người đời sau biết.
Bấy giờ, tôn giả A-nan và bốn bộ chúng nghe Đức Phật nói như vậy đều kính lễ phụng hành”.
Kinh Niết-bàn ghi: “Tu-đạt cho chở vàng đến trải, nên trong vòng một ngày, ông trải gần hết khu vườn, chỉ còn khoảng năm trăm bộ thì hết vàng. Kì-đà nói với Tu-đạt: ‘Phần còn lại không cần trải nữa. Xin cho tôi cùng góp sức, tôi tự nguyện vì Phật xây dựng cổng tinh xá để Như Lai bước qua đây ra vào’. Thế là thái tử Kì-đà xây dựng cổng lớn có lầu gác. Trưởng giả Tu-đạt trong vòng bảy ngày cũng đã xây xong phòng lớn đủ cho ba trăm người ở; sáu mươi ba khu nhà thiền, tịnh xứ; nhà trú đông, nhà trú hạ mỗi mỗi đều riêng biệt; nhà bếp, phòng tắm, nơi rửa chân, nhà vệ sinh đều đầy đủ.
Hỏi: Vì sao Như Lai chỉ an trú tại khu vườn ấy?
Đáp: Theo truyện của ngài Chân Đế ghi:
Lúc Đức Phật Câu-lưu-tôn xuất hiện ở đời, khi ấy con người thọ bốn vạn tuổi. Bấy giờ, khu đất này rộng một do-tuần, trưởng giả Tì-sa dùng vàng trải kín và dâng cúng cho Như Lai để xây dựng nơi cư trú.
Vào thời Đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, con người thọ ba vạn tuổi. Bấy giờ khu vườn này rộng ba mươi dặm, trưởng giả Đại Gia Chủ dùng vải bằng bạc v.v… trải kín, dẫn bò mẹ và nghé vào khắp khu đất, rồi dâng cúng cho Như Lai xây dựng nơi cư trú.
Vào thời Đức Phật Ca-diếp-ba, con người thọ hai vạn tuổi. Bấy giờ khu vườn này rộng hai mươi dặm, trưởng giả Đại Phan Tướng đã dùng bảy báu trải kín khu đất ấy rồi dâng cúng cho Như Lai để xây dựng nơi cư trú.
Nay có Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện ở đời, con người thọ một trăm tuổi. Khu vườn này chỉ rộng mười dặm, trưởng giả Tu-đạt-đa dùng vàng lá dày năm thốn2 trải kín để mua khu vườn này dâng cúng Như Lai xây dựng nơi cư trú.
Tương lai, Đức Phật Di-lặc xuất hiện ở đời, con người thọ tám vạn tuổi. Khi ấy, trưởng giả Tu-đạt làm đại thần của nước Nhưỡng-khư, tên là Tu-đạt-đa. Khu vườn này trở lại rộng một do-tuần, Tu-đạt-đa dùng bảy báu trải kín đất rồi dâng cúng cho Như Lai để xây dựng nơi cư trú. Ở quá khứ hay tương lai, tuy khu đất này tùy lúc rộng hẹp khác nhau, nhưng cũng chỉ một nơi. Người cúng dường đất dù có trước sau, nhưng về thể cũng chỉ một người. Người ấy luôn là trưởng giả giàu có và cúng dường các Đức Phật không ngừng nghỉ. Đến khi gặp Đức Phật Thích-ca mới chứng quả Tu-đà-hoàn, trước lúc qua đời chứng quả A-na-hàm, đến khi Đức Phật Di-lặc xuất hiện ở đời mới chứng quả A-la-hán”.
Cho nên, kinh Tạp A-hàm ghi: “Lúc trưởng giả Cấp-cô-độc bị bệnh, Đức Phật đến thăm và ghi nhận ông ta chứng quả A-na-hàm. Sau khi qua đời, trưởng giả sinh lên trời Đâu-suất, thường xuống nhân gian lễ Phật nghe pháp rồi quay về trời”.
Kinh Đại tập ghi: “Đức Phật bảo Phạm Thiên vương v.v,..:
– Những đệ tử Thanh văn của Ta trong hiện tại và vị lai sẽ được ba nghiệp tương ưng và ba loại bồ-đề tương ưng; bậc hữu học, vô học giữ giới trọn vẹn, đa văn, thiện hạnh, độ chúng sinh vượt qua biển Tam hữu. Những thí chủ xây tháp cho đệ tử thanh văn của Ta và cúng dường tất cả những thứ cần dùng. Nay Ta giao phó những người ấy và quyến thuộc của họ cho các ông, đừng để họ bị ác vương, phi pháp não loạn.
Bấy giờ, Phạm, Thích, thiên vương, long vương, dạ-xoa v.v… chắp tay hướng về phía Phật đồng bạch:
– Bạch đại đức Thế Tôn! Đã có chùa tháp của tất cả các đức Như Lai, các a-lan-nhã thì trong đời vị lai nếu có người tại gia, xuất gia xây dựng tháp cho Thế Tôn và cho chúng đệ tử thanh văn, chúng con sẽ cùng nhau bảo vệ giữ gìn, làm cho họ thoát khỏi tất cả hoạn nạn, sợ hãi. Nếu có những thí chủ cung cấp thức ăn, nước uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang, tất cả những thứ cần dùng khác, chúng con nguyện cũng sẽ bảo vệ, dưỡng dục những người ấy”.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 36 – TREO TRÀNG PHAN, HƯƠNG HOA, TÁN TỤNG

QUYỂN 36 Quyển này gồm hai chương: Treo tràng phan, Hoa hương, Tán tụng. 32. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *