Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 6 / PUCL QUYỂN 73 – CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC

PUCL QUYỂN 73 – CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC

QUYỂN 73
Quyển này có một chương Mười nghiệp ác.
84. CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC

84.1. LỜI DẪN
Thương thay! Chúng sinh nghiệp chướng sâu dày, bỏ ba xe mà chẳng chịu ngồi; nổi chìm trong biển khổ, mặc cho lửa dữ thiêu đốt mà không biết nhàm chán, như ruồi nhặng thích thây chết tanh hôi, như thiêu thân đâm đầu vào lửa. Chúng sinh do mê muội nhiều kiếp, nên nếm đủ đắng cay, chịu nhiều đau khổ, đến nay vẫn còn bị thiêu đốt.-Cho nên, đức Như Lai thương xót, không nỡ bỏ rơi, chỉ cho họ biết khổ. để nhàm lìa, biết vui để ưa thích. Do đó, chương này lược nêu hai hành vi tội-phúc của mười điều ác.
84.2. NHÂN TẠO NGHỆP
Phàm phu tạo nghiệp có nhiều trường hợp. Có người tâm hợp với thân miệng, cũng có người thân miệng trái với tâm. Từ đây mà luận, hễ thân hành động, miệng nói năng đều do tâm sai sử; nếu tâm bất thiện thì làm tổn hại chúng sinh, nếu tâm thiện mới thuận theo phúc. Tuy làm lợi, gây hại không đồng, nhưng đều do gốc từ ba nghiệp với tâm là nguồn cội. Cho nên, cần phải lược phân biệt nghiệp khởi không đồng.
Luận Thành thật ghi: “Có ba người cùng đi nhiễu tháp, người thứ nhất niệm công đức Phật, người thứ hai nghĩ đến trộm cắp, người thứ ba vì muốn dạo mát. Tuy thân cùng đi, nhưng có ba tính thiện, ác, vô kí khác nhau. Nên biết, tội phúc do tâm, còn thiện ác của thân nghiệp và khẩu nghiệp thì không nhất định”.
Thế nên, luật Tứ phần và luận Thành thật ghi: “Nếu người vô tâm, tuy giết nhầm cha mẹ, nhưng không phạm tội nghịch, cũng như em bé nắm vú mẹ thì không phạm tội, vì không có tâm ô nhiễm”. Nếu căn cứ luận A-tì-đàm thì: “Nương sắc báo phát khởi sắc phương tiện là thân nghiệp, lời nói là khẩu nghiệp”. Tâm là thể của tội-phúc, vì sâu kín nên không trình bày”.
Nếu căn cứ giáo nghĩa Đại thừa, nói đúng hơn, hành động của thân và lời nói của miệng thường chẳng tạo tội phúc. Nếu nói về nghiệp thiện ác thì đều do ý. Chẳng hạn, ý suy lường rồi mới biểu hiện ra thân và miệng, tức ý này là thể của thân nghiệp và khẩu nghiệp. Nếu chỉ có ý suy lường mà không để phát ra thân và miệng thì gọi là ý nghiệp. Cho nên, luận Duy thức ghi: “Như người thế gian thường nói ‘giặc đốt núi rừng, làng xóm, thành ấp’ mà không nói lửa đốt”. Cũng vậy, chỉ do tâm mà thành nghiệp thiện ác. Trong kinh có bài kệ:
Các pháp, tâm là gốc
Các pháp, tâm đứng đầu
Lìa tâm không Có pháp
Từ tâm có thân khẩu.
Luận Thích ghi: “Chỉ có tâm thức, không có thân nghiệp, khẩu nghiệp. Thân nghiệp, khẩu nghiệp chỉ là tên gọi, ý nghiệp là thật, cũng như lúc sắp chết khởi tâm tà kiến thì đọa địa ngục, khởi tâm chính kiến thì sinh cõi lành”. Thế nên, luận ghi: “Lìa tâm, không suy nghĩ thì không có thân và khẩu nghiệp”.
Kinh Di giáo ghi: “Buông lung tâm này thì mất việc thiện. Giữ tâm một chỗ thì mọi việc đều thành”.
Kinh Chính pháp niệm ghi: “Có năm trường hợp tuy làm mất mạng chúng sinh, nhưng không phạm tội:
1. Nói và làm với tâm vô kí.
2. Vô tâm làm chết các loài trùng bé nhỏ như mối, kiến v.v…
3. Vô tâm ném đá, sắt v.v… làm chết sinh mạng.
4. Thầy thuốc chữa bệnh vì đem lại lợi ích cho người, nhưng cho nhầm thuốc làm người bệnh chết.
5. Khi đốt lửa, côn trùng bay vào lửa mà chết, chứ không cố ý giết hại.
Thế nên biết, nghiệp hình thành đều do tâm khởi”.
Sát sinh, căn cứ tâm và đối tượng bị giết không giống nhau mà tội có ba bậc thượng, trung, hạ.
1. Căn cứ vào đối tượng bị giết: như tì-kheo giết súc sinh thì phạm tội Ba-dật-đề; giết hàng phàm phu và bậc hữu học thì phạm tội ba-la-di; giết hại cha mẹ và bậc a-la-hán thì phạm năm tội trọng vô gián; giết người tà kiến, người đã đoạn mất căn lành thì phạm tội rất nhẹ, không bằng tội giết súc sinh.
Cho nên, kinh Niết-bàn ghi: “Bồ-tát biết sát sinh có ba bậc thượng, trung, hạ. Sát sinh bậc hạ là giết mối, kiến cho đến tất cả súc sinh, chỉ trừ bồ-tát thị hiện thụ sinh vào các loài ấy. Vì các súc sinh ấy có chút ít căn lành nên người giết phải chịu tội báo. Sát sinh bậc trung là giết từ phàm phu cho đến bậc a-na-hàm. Sát sinh bậc thượng là giết cha mẹ, bậc a-la-hán, bích-chi phật, Tất định bồ-tát. Nếu có người giết kẻ nhất xiển-đề thì không thuộc ba bậc này. Ví như đào đất, phát cỏ, đốn cây, vô tâm chặt chém thân mạng các loài đều không có tội báo, giết kẻ nhất-xiển-đề cũng như vậy” (nghĩa là không có tội nặng, chứ chẳng phải hoàn toàn không có khổ).
2. Căn cứ vào tâm: kết tội do tâm, nghiệp có nặng nhẹ, như nhiều sân thì tội nặng, ít sân thì tội nhẹ. Cho nên, luận Thành thật ghi; “Vì việc nặng, nên có quả, báo nhất định. Như đối với Phật và đệ tử Phật, hoặc cúng dường hoặc không cúng dường, hoặc khinh chê, nếu khởi tâm sâu nặng thì đều có quả báo nhất định. Như người với tâm phiền não sâu nặng giết hại mối, kiến vẫn nặng hơn tội vô tâm làm chết người. Nếu tâm không sân, tuy giết đối tượng bậc thượng cho đến cha mẹ, cũng không thành tội nghịch.
Kinh Chính pháp niệm ghi: “Thế nào là không thành tội sát sinh? Nếu biết trong lúa gạo, lúa nếp, lúa mì có loài trùng bé nhỏ, thì không nên giã, không chà mà nên bảo hộ mạng sống của chúng; lại không đưa cho người làm, cũng không giết hại. Nếu trâu, ngựa, lừa, lạc đà chở nặng, vết thương trên lưng sinh ra trùng, thì lấy nước rửa vết thương ấy, không lấy cỏ thuốc làm chết trùng, lấy lông chim rửa sạch, bắt trùng bỏ vào miếng thịt thối rữa khác để bảo toàn sinh mạng của chúng, cũng là bảo vệ các loài lừa, trâu. Đó là sợ tổn thương mạng sống của chúng, lại bảo vệ sinh mạng loài trùng. Cho đến mối, kiến, hoặc ngày hoặc đêm, không cố ý, cũng không mống tâm giết hại. Nếu thấy chúng sinh muốn ăn trùng, thì đem thức ăn đổi lấy mạng sống để trùng được thoát nạn”.
84.3. QUẢ BÁO
Di-lặc vấn kinh luận ghi: “Mười nghiệp đạo bất thiện đưa đến ba loại quả báo: quả báo quả, tập khí quả và tăng thượng quả.
1. Quả báo quả: như đọa địa ngục.
2. Tập khí quả: như ra khỏi địa ngục, sinh lại làm người, nhưng do sát sinh nên bị quả báo chết yểu, do trộm cắp nên bị quả báo không có của cải, cho đến do tà kiến nên tâm càng ngu muội, đó là tập khí quả.
Luận Tát-bà-đa ghi: “Như tì-kheo Ngưu Ha thường nhai như trâu, vì vừa thoát nhiều kiếp làm trâu. Như một tì-kheo tuy hết lậu hoặc, nhưng thường soi gương vì nhiều đời làm kĩ nữ. Như tì-kheo Mục-kiền-liên tuy được thần thông, nhưng thưởng nhảy múa vì đời trước từng làm khỉ”. .
3. Tăng thượng quả: theo mười nghiệp đạo bất thiện thì tất cả vật chiêu cảm bên ngoài đều không có sức mạnh. Như hiện đất đai Cáo thấp, chim chuột, sương giá, mưa đá, gai góc, bụi bặm, mùi hôi, nhiều rắn, bò cạp, cây lúa nhỏ cho hạt ít, cây trái nhỏ cho quả nhỏ, cho đến các quả báo khổ, đều gọi là tăng thượng quả.
Lại có tương tự quả: như người sát sinh, do gây biết bao đau khổ cho các chúng sinh, nên bị đọa địa ngục, lại phải chịu nhiều đau khổ; do đoạn mạng chúng sinh, nên sau được sinh làm người lại bị quả báo chết yểu, tức do đoạn tính noãn xúc của các chúng sinh.
Kinh Niết-bàn ghi: “Thế nào là dư báo phiền não? Nếu có chúng sinh quen gần tham dục, khi quả báo này thành thục phải đọa vào địa ngục, ra khỏi địa ngục phải thụ thân súc sinh như bồ câu, chim sẻ, uyên ương, anh vũ, công xanh, cá, ba ba, khỉ, chương, nai v.v… Nếu được làm người thì phải thụ thân hoàng môn, phụ nữ, người hai căn, người không căn, kĩ nữ. Nếu xuất gia thì phạm giới trọng tà dâm. Đây gọi là dư báo.
Nếu có chúng sinh vì tâm sâu nặng, quen gần sân hận, khi quả báo này thành thục phải đọa vào địa ngục; ra khởi địa ngục phải thụ thân súc sinh như, cọp, sói, sư tử, gấu, bi, mèo, cáo, chim ưng, diều hâu, rắn có đủ bốn loại độc: nhìn, chạm, cắn, chích v.v… Nếu được làm người thì phạm đủ mười hai ác luật nghi. Nếu xuất gia thì phạm giới trọng trộm cắp. Đây gọi là dư báo.
Nếu có chúng sinh quen gần ngu si, khi quả báo này thành thục phải đọa vào địa ngục; ra khởi địa ngục phải thụ thân súc sinh như voi, heo, bò, dê, trâu, rận, rệp, muỗi, ruồi, kiến, mối v.v…Nếu được làm người thì bị đui, điếc, câm, ngọng, lưng

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 82 – CHƯƠNG LỤC Độ (tt)

QUYỂN 82 Quyển này tiếp theo chương Lục độ. 85. CHƯƠNG LỤC Độ (tt) 85.2. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *