Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 6 / PUCL QUYỂN 85 – CHƯƠNG LỤC ĐỘ (tt)

PUCL QUYỂN 85 – CHƯƠNG LỤC ĐỘ (tt)

QUYỂN 85
Quyển này tiếp theo chương Lục độ (tiếp theo)
85. CHƯƠNG LỤC ĐỘ 

85.6. TRÍ TUỆ
85.6.1. Lời dẫn
Trong hai loại trang nghiêm, tuệ là tối thắng; trong ba phẩm thứ đệ, trí không gì sánh bằng. Thế nên kinh ghi: “Năm độ trước, nếu không có trí tuệ thì cũng như người ngu, kẻ mù. Sở dĩ Bát-nhã hơn hẳn trí thế gian là vì có công năng phá trừ chư hữu”.
Thích luận ghi: “Phật là mẹ của chúng sinh, bát-nhã là mẹ của chư Phật”. Thế thì, trí tuệ là tổ mẫu của tất cả chúng sinh. Cho nên, ngoại thư có ghi: “Thông minh, trí sáng, khiêm cung, xét rõ mới đúng là đức của Phóng Huân. Nhân, nghĩa, lễ, trí chính là đạo của Tuyên Ni .
Thế nên, pháp trí tuệ này không thể không tu học, nhân giải thoát ấy không thể không huân tập. Bởi vì trí tuệ có năng lực phá trừ sự ngu tối, như trăng tròn có khả năng chiếu sáng khắp ba đường ác, lại có công năng diệt trừ ba độc giống như thuốc ma-kì có khả năng chữa trị các chất độc. Như vậy, lẽ nào hành giả mặc tình đắm chìm trong đường mê sinh tử, để cho tâm chấp tướng buộc ràng, lòng chấp ngã trói chặt, ái dục dẫy đầy, vô minh dày đặc; đã không rõ lí nhân duyên, lại không tìm phương đối trị, khiến cho núi ngã mạn cao ngất như núi Tung núi Hoa, sông ái cuồn cuộn rộng sâu như biển cả hay sao!
Có người vọng chấp vào đoạn kiến hoặc thường kiến; hoặc chỉ bàn đến lí tức li; hoặc chấp thần vàng, thần trắng; hoặc khởi tưởng “ta thấy, ta biết”.
Có kẻ lại thực hành các pháp khổ hạnh của ngoại đạo như đứng một chân, phó hỏa, ăn cỏ như loài trâu, nuốt phân như loài chó. Có người chuyên bàn luận về tục đế, làm sao biết đến lí trung đạo? Có kẻ chấp chặt vào bốn bộ Vi-đà thì há có thể lĩnh hội được ý chỉ Đại thừa?
Lại có người cho rằng, minh sơ sinh ra giác… Ngoài hai mươi lăm đế này, không cần biết thêm gì nữa, vì đây là lí tối cao của thế gian. Có kẻ lại nói đạt đến Phi hữu tưởng là chứng Niết-bàn; hoặc cho rằng Tự Tại thiên có khả năng sáng tạo ra thế giới v.v…
Những hạng người như thế đều là kẻ ngu si, mê muội, ngông cuồng, khó bảo, chỉ biết ôm cây đợi thỏ, chấp ngón tay là mặt trăng. Đã chưa phân biệt được lạc đà và ngựa, thì làm sao phân định được đậu và lúa? Dù họ biết vui cười, nhưng khác nào dã nhân; dù biết nói năng nhưng đâu khác đười ươi. Bởi họ chẳng hiểu rõ lí không, thường sống trong vô minh. Hễ tâm còn điên đảo, đều gọi là kiến chấp sai lầm. Do trụ phiền não chưa từng giảm bớt, dù bằng mảy lông, nên một trăm lẻ tám kết sử dấy khởi mãi không ngừng.
Do đó, bậc đại sĩ vì mong được nghe tám chữ mà chẳng tiếc thân mạng, sợ ở trong cảnh đời gặp khổ mà lui sụt. Thế nên, mỗi người phải tự nhiếp phục tâm mình để ý chí càng thêm kiên định.
85.6.2. Dẫn chứng
Kinh Hoa nghiêm ghi: “Nếu bồ-tát vì cầu pháp, nghe người bố thí pháp hỏi: ‘ông có thể nhảy vào hầm lửa sâu bảy nhận thì ta sẽ nói pháp cho ông!’. Bồ-tát nên hoan hỷ, suy nghĩ: ‘Ta vì pháp không tiếc thân mạng, đã từng chịu vô lượng khổ trong các đường dữ như địa ngục A-tỳ, thì sá gì vào một hầm lửa bé nhỏ ở nhân gian để được nghe pháp’”.
Kinh Y tập nhất thiết công đức tam-muội ghi: “Về thuở quá khứ lâu xa, có vị tiên nhân đắc ngũ thông, tên Tối Thắng, là tiền thân Đức Phật thích-ca”.
Luận Đại Trí độ lại ghi: “Phật Thích-ca Văn khi còn tu đạo bồ-tát, tên là Nhạo Pháp. Bấy giờ không có Phật ra đời, cũng không nghe nói đến pháp lành. Bồ-tát đi khắp nơi cầu pháp, tinh tấn không biếng trễ, nhưng hoàn toàn không gặp được. Lúc ấy, ma vương hóa làm một vị bà-la-môn, đến nói với bồ-tát:
– Tôi có một bài kệ do Đức Phật thuyết, nếu ông có thể lấy da làm giấy, chẻ xương làm bút, lấy máu làm mực để viết bài kệ này, thì tôi sẽ trao cho ông. Bồ-tát liền suy nghĩ: ‘Ta đã bỏ vô số thân mạng trong nhiều đời, nhưng vẫn không được lợi ích như vậy!’. Thế rồi, bồ-tát liền lột da phơi khô, lúc sắp ghi bài kệ thì ma vương biến mất. Lúc ấy, Đức Phật biết được tâm chí thành của Nhạo Pháp, từ phương dưới hiện lên thuyết pháp nhiệm mầu cho Nhạo Pháp. Nghe xong, Nhạo Pháp chứng Vô sinh pháp nhẫn”.
Kinh Niết-bàn lại ghi: “Bồ-tát cũng vì cầu pháp mà khoét thân làm đèn, dùng vải làm tim, đổ dầu vào và đốt lên. Trong lúc chịu sự nóng bức khổ sở như vậy, bồ-tát vẫn răn nhắc tâm mình: ‘Sự khổ này sánh với nỗi khổ ở địa ngục thì chưa bằng một trong trăm nghìn vạn lần. Ta chịu sự đau khổ cùng cực trong vô lượng trăm nghìn kiếp, nhưng chẳng được lợi ích gì. Nếu không chịu được một chút khổ này, làm sao thay thế chúng sinh đang chịu khổ trong địa ngục?’. Khi đại bồ-tát tư duy như thế, thân không còn cảm giác đau đớn nữa, tâm không lui sụt, không lay động, không đổi dời. Bồ-tát cũng tự biết rõ: ‘Ta nhất định sẽ chứng được quả vị A-nậu Bồ-đề\
Bấy giờ, tuy bồ-tát chưa đoạn tận phiền não, nhưng vì cầu pháp mà bố thí cho chúng sinh đầu, mắt, tủy, não, tay, chân, máu, thịt; đóng đinh vào thân, lao xuống núi, nhảy vào hầm lửa. Tuy chịu vô lượng khổ như thế, nhưng tâm bồ-tát vẫn không lui sụt, không dao động, không dời đổi. Bồ-tát cũng tự biết mình chắc chắn được tâm bất thoái, sẽ chứng quả A-nậu Bồ-đề”.
Kinh Đại tập ghi: “Bồ-tát vì muốn hiểu nghĩa của một chữ, một câu mà đem trân báu trong mười phương thế giới dâng cúng Pháp vương, lại vì một bài kệ mà xả bỏ thân mạng. Tuy thực hành bố thí trong vô lượng kiếp như số cát sông Hằng, cũng không bằng vừa nghe pháp bồ-đề mà sinh tâm hoan hỷ. Do thích nghe, thích giảng thuyết chính pháp nên thường được chư Phật, chư thiên gia hộ. Nhờ sức hộ trì ấy mà bồ-tát thông đạt tất kinh điển, luận thư trong thế gian”.
Kinh Đại phương tiện báo ân ghi: “Bồ-tát siêng năng tìm cầu bậc thiện tri thức để được nghe Phật pháp, dù chỉ được nghe một bài kệ, một câu, một nghĩa thì phiền não trong ba cõi thảy đều tiêu trừ. Khi chí tâm mong cầu Phật pháp, bồ-tát tha thiết không tiếc thân mạng, dù phải dẫm lên sắt nóng, đi vào lửa dữ, cũng không lo sợ. Bồ-tát vì một bài kệ mà không tiếc thân mạng như thế, huống là mười hai thể loại kinh, vì một bài kệ mà không tiếc thân mạng huống là của cải. Nhờ nghe chính pháp, thân được an vui, lòng tin kiên cô, tâm ý ngay thẳng, hiểu biết đúng đắn. Thấy người thuyết pháp, bồ-tát vui mừng như gặp cha mẹ, tâm không kiêu căng. Bồ-tát vì chúng sinh mà dốc lòng nghe pháp, chứ không vì lợi dưỡng, cũng không vì lợi ích riêng mình. Bồ-tát vì chính pháp, nên không sợ nạn vua, nóng lạnh, đói khát, thú dữ, giặc cướp v.v… Trước hết bồ-tát điều phục phiền não và các căn, sau đó mới nghe pháp”.
Kinh Hoa nghiêm ghi: “Bồ-tát cầu pháp bằng cách như thế, không quí tiếc trân bảo, cũng không có ý niệm khó xả bỏ. Nếu nghe được một câu pháp chưa từng nghe, xem quí hơn được châu báu đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, quí hơn ngôi vị Chuyển luân thánh vương, Thích-đề-hoàn-nhân, Phạm thiên vương. Bồ-tát suy nghĩ: ‘Nếu ta nghe được một câu pháp, thì dẫu phải lao mình từ cõi Phạm thiên xuống tam thiên đại thiên thế giới cháy hừng hực ta còn làm được, huống là hầm lửa nhỏ. Dù lãnh chịu tất cả khổ đau trong các địa ngục thì ta vẫn phải cầu pháp, sá gì một chút khổ não trong cõi nhân gian’. Vì cầu pháp mà bồ-tát phát tâm như thế. Nhờ nghe pháp mà tâm thường an vui, đạt được chính quán”.
Kinh Vị tằng hữu ghi: “Thuở xưa, ở núi Tỉ-đà của nước Tì-ma, có một con dã can bị sư tử đuổi bắt, nên rơi vào một cái giếng ở gò hoang. Trải qua ba ngày, dã can vui vẻ chấp nhận cái chết, tự nói kệ:
Tất cả đều vô thường Hận không cho sư tử Để chết trong giếng khô Tham sống, chết vồ ích Vô ích thật đáng tiếc Lại dơ nước giếng người Con sám hối chư Phật Xin chứng giám lòng con Các ác nghiệp đời trước Đời này xin trả sạch Mong được gặp minh sư Tu đến khi thành Phật.
Đế Thích nghe được, liền cùng tám vạn chư thiên đến bên giếng nói:
– Đã từ lâu chúng tôi không được nghe thánh giáo, mãi ở trong chốn tối tăm. Bài kệ vừa rồi thật cao siêu, xin hãy giảng lại cho chúng tôi nghe!
Dã can đáp:
– Thiên đế thật vô lễ, không biết phép tắc! Pháp sư ở dưới, người nghe ở trên, hoàn toàn không có tâm cung kính mà muốn học hỏi pháp yếu sao?
Bấy giờ, Đe Thích dùng y trời đưa dã can lên khỏi giếng, đỉnh lễ sám hối và nhớ lại: ‘Thuở xưa, từng thấy người thế gian, lập tòa cao cung thỉnh pháp sư’. Thế là các chư thiên cởi y báu xếp thành tòa cao. Dã can liền thăng tòa thuyết:
– Có hai nhân duyên lớn: thứ nhất, thuyết pháp hóa độ trời người, được phúc báo vô lượng; thứ hai, thuyết pháp để báo ân bố thí thức ăn.
Thiên đế nói:

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 81 – CHƯƠNG LỤC ĐỘ (tt)

QUYỂN 81 Quyển này tiếp theo chương Lục độ. 85. CHƯƠNG LỤC ĐỘ (tt) 85.1. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *