QUYỂN 81
Quyển này tiếp theo chương Lục độ.
85. CHƯƠNG LỤC ĐỘ (tt)
85.1. BỐ THÍ (tt)
85.1.6. Lượng định đối tượng để bố thí
* Lời bàn
Có hai hạng người bố thí là trí và ngu. Người trí khi hành bố thí nên quán sát người thụ thí, nếu có ích cho họ thì bố thí, ngược lại thì không nên.
Kinh ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu thấy người nghèo khổ, trước hết hỏi họ:
– Ông có thể qui y Tam bảo, thụ trì trai giới không?
Nếu họ chấp nhận, liền truyền Tam qui và trai giới, sau đó mới bố thí tài vật cho họ. Nếu họ không đồng ý thì lại hỏi:
– Ông có thể nói: ‘Tất cả các pháp là vô thường, vô ngã, Niết-bàn, tịch diệt’ theo lời ta được không?
Nếu họ đáp ‘được’, liền chỉ dạy cho họ, rồi sau mới bố thí. Nếu mình không có tài vật thì khuyên những người khác có tài vật bố thí cho họ.
Người ngu si tham đắm tiền của, không biết tất cả đều vô thường, người và vật vốn thuộc kẻ khác mà lại tham tiếc, bỏn xẻn. Bồ-tát thấy của cải không đem lại lợi ích, là nguyên nhân phế bỏ đạo nghiệp, nên khuyên họ phải gấp bố thí’’.
Vì thế luận Đại trang nghiêm ghi: “Nếu những tài vật làm cho mình phát khởi phiền não thì không nên cất chứa, dù làm cho mình giàu sang cũng phải xa lìa. Như ong làm mật, người khác được lợi, còn bản thân nó thì không được gì. Tiền tài, vật chất cũng như vậy”.
Luận Địa trì ghi: “Nếu bồ-tát bố thí mà khiến người nhận phải chịu khổ, thì dù bị bức ép, xem thường, cho đến mong cầu những điều phi pháp, dù sức mình hay sức người cũng không nên thỏa mãn mong cầu phi pháp của họ. Bồ-tát xả bỏ thân mạng bố thí cho chúng sinh, nhưng không thuận theo điều mong cầu phi pháp của họ, dù bị bức ép cũng không bố thí. Vì đó chẳng phải là lúc bồ-tát thực hành bố thí thanh tịnh.
Ngoại vật mà bồ-tát không nên bố thí: Như có người đến xin độc dược, lửa, dao, rượu, làm mai mối, các trò vui, tất cà những việc phi pháp v.v… Bồ-tát đều không nên bố thí. Vì những thứ ấy là nguyên nhân phát khởi nhiều tội lỗi, khiến họ rơi vào ba đường ác, không được giải thoát. Nếu có người đến xin những chi phần trên thân mình thì liền ban cho, không cần chọn lựa phân biệt để rồi lui sụt tâm bố thí”,
Luận Trí độ ghi: “Có người hỏi:
– Tại sao có người bố thí được đến bờ kia, có
người không được đến bờ kia?
– Như Xá-lợi-phất hành đạo bồ-tát trong sáu mươi kiếp để cầu được giải thoát. Lúc ấy, có một người đến xin con mắt. Xá-lợi-phất nói:
– Mắt này không dùng được, ông xin làm gì? Nếu cần thân và tài vật, ta sẽ cho ông.
Ông ta đáp:
– Tôi không cần những thứ ấy, chỉ muốn xin mắt của ngài thôi. Nếu ngài thật tu hạnh bố thí, thì hãy cho tôi mắt.
Ngài Xá-lợi-phất liền móc một con mắt cho ông ta. Ông ta cầm lên ngửi, chê hôi rồi ném xuống đất và đưa chân chà. Ngài Xá-lợi-phất thấy thế liền suy nghĩ:
– Người xấu ác như thế rất khó độ ! Mắt ta không dùng được vẫn cố xin, khi được rồi lại ném bỏ, còn lấy chân chà đạp, sao quá tệ như vậy? Người này không thể độ được. Chẳng bằng ta tự độ mình để chóng thoát sinh tử.
Vì nghĩ như vậy, ngài liền thoái tâm bồ-tát, trở lại tu hạnh Thanh văn, đây gọi là không được giải thoát. Nếu không thoái chuyển tâm hạnh bồ-tát, thành tựu Phật đạo, gọi là đạt đến giải thoát”.
85.1.7. Phúc điền
Kinh ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu bố thí cho súc vật được phúc báo trăm lần, bố thí cho người phá giới được phúc báo nghìn lần, bố thí cho người trì giới được phúc báo mười vạn lần, bó thí cho ngoại đạo li dục được phúc báo trăm vạn lần, bố thí cho người hướng tâm về Phật đạo được phúc báo nghìn ức lần. Cúng dường cho vị tu-đá-hoàn được phúc báo vô lượng, cúng dường cho vị tư-đà-hàm cũng được phúc báo vô lượng, cho đến cúng dường Đức Phật phúc báo cũng vô lượng.
Nay ta phân biệt các loại phúc điền cho các ông rõ:
– Nếu người hết lòng thương xót bố thí cho súc vật, so với người thành tâm cung kính cúng dường chư Phật, cả hai đều được phúc báo như nhau.
Nói ‘được phúc báo trăm lần nghĩa là người bố thí thọ mạng, sắc lực, biện tải cho người khác thì đời sau được phúc đức thọ mạng, sắc lực, biện tài mỗi thứ gấp trăm lần. Cho đến vô lượng cũng như thế.
Như Ta đã nói trong khế kinh: ‘Ta bố thí cho Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất lại cúng dường cho ta. Nhưng ta được phúc nhiều hơn Xá-lơi-phất’.
Có người hỏi: ‘Người nhận vật bố thí mà tạo tội, thì sẽ liên lụy đến thí chủ’. Lí này không đúng. Vì sao? Khi thí chủ bố thí là đã phá trừ cái khổ cho người kia, chứ chẳng phải vi muốn họ tạo tội. Vì thế thí chủ hưởng được quả báo tốt đẹp. Còn người nhận thí tạo tội tự mình phải chiêu lấy tội báo, không liên quan gì đến thí chủ.
Hỏi: Tại sao cúng dường bậc thánh được phúc nhiều mà kinh lại nói: ‘Người trí thực hành bố thí không chọn lựa phúc điền’?
Đáp: Nay Ta giải thích ý nghĩa này có nhiều cách. Người bố thí có hai hạng: người trí, kẻ ngu. Đối tượng nhận thí, có sự sai khác giữa bi điền và kính điền.
Bi điền là người nghèo khổ, kính điền là Tam bảo. Bi thì ruộng phúc kém nhưng tâm bố thí rộng. Kính thì ruộng phúc thù thắng nhưng tâm bố thí kém hơn. Nếu đem tâm thù thắng cúng dường Đức Phật, thì phúc báo không bằng bố thí cho người nghèo”.
Vì thế, kinh Tượng pháp quyết nghi ghi: “Có các chúng sinh thấy người khác gom góp tiền của để tạo phúc. Vì muốn cầu tiếng tăm, họ đem hết tài sản trong nhà để bố thí. Nhưng khi thấy người nghèo khổ cô độc, họ lại mắng chửi xua đuổi, không thí cho một mảy may. Người như thế gọi là điên đảo làm thiện, là ngu si, tạo phúc như thế gọi là tạo phúc bất chính. Những người như thế thật đáng thương xót! Họ bố thí của cải rất nhiều nhưng được phúc báo rất ít. Thiện nam tử! Có lần ta nói với đại chúng:
– Nếu có người cúng dường mười phương chư Phật, các vị bồ-tát và chúng thanh văn trải qua a-tăng-kì kiếp, vẫn không bằng người bố thí cho súc vật một bát cơm. Phúc báo người này hơn người kia gấp trăm, nghìn, vạn, vô lượng, vô biên. Dù chỉ bố thí cho loài chó đói, trùng kiến v.v… cũng được phúc báo rất nhiều. Vì thế bi điền là tối tháng”.
Luận Trí độ ghi: “Như ngài Xá-lợi-phất cúng dường Đức Phật một bát cơm, Phật liền cho chó ăn, rồi hỏi ngài Xá-lợi Phất:
– Ai được phúc nhiều hơn?
Xá-lợi-phất đáp:
– Kính bạch Thế Tôn! Theo như con hiểu về nghĩa lí Phật pháp, Phật thí cho chó ăn sẽ được phúc nhiều hơn”,
Nếu căn cứ theo lí kính pháp trọng nhân và giai vị tu đạo thì kính điền là thù thắng. Cho nên kinh ưu-bà-tắc giới ghi: “Nếu bố thí cho súc vật thì được phúc báo gấp trăm lần, cho đến cúng dường vị tu-đà-hoàn được phúc báo vô lượng. Cúng dường vị a-la-hán, bích-chi cũng không bằng cúng dường Phật, huống là những loài khác”.
Nếu căn cứ vào việc bố thí với tâm bình đẳng thì không luận bi hay kính, hễ bố thí với tâm bình đẳng thì được phúc rất lớn. Cho nên kinh Duy-ma ghi: “Nếu chia làm hai phần, một phần dâng cúng đức Nan Thắng Như Lai, một phần đem thí cho người ăn xin nghèo hèn nhất trong thành, hai phúc điền này bằng nhau”.
Kinh Hiền ngu ghi: “Sau khi Thế Tôn xuất gia, di mẫu của ngài là Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã tự tay dệt lụa, may một chiếc ca-sa màu vàng, lòng luôn mong mỏi, chỉ chờ đức Thế Tôn trở về để dâng cúng. Vì thế, vừa gặp được Đức Phật, di mẫu rất vui mừng, liền đem chiếc ca-sa dâng cúng. Thấy vậy, đức Thế Tôn bảo:
– Di mẫu hãy đem chiếc ca-sa này đến cúng dường chúng tăng!
Nghe thế, di mẫu lại bạch Phật: