Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 6 / PUCL QUYỂN 79 – CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC (tt)

PUCL QUYỂN 79 – CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC (tt)

QUYỂN 79
Quyển này tiếp theo chương Mười nghiệp ác.
84. CHƯƠNG MƯỜI NGHIỆP ÁC (tt)

84.13. NHẬN THỨC SAI LẦM
84.13.1. Lời dẫn
Người mới học đạo cần phải lấy lòng tin làm đầu. Ví như người đến được núi báu, nếu không có đôi tay tin vững thì chẳng lấy được gì cả. Cho nên, kinh nói: “Người ngu si không biết nhân quả, vọng khởi tà kiến, phỉ báng Tam bảo và pháp tứ đế; lại cho không có họa phúc, thiện ác, cũng không có quả báo của thiện ác, không có chúng sinh thụ sinh đời này, đời sau. Những người phá pháp thiện ác như thế là đoạn mất căn lành, nhất định đọa vào địa ngục A-tì”.
84.13.2. Dấn chứng
Kinh Đại phẩm ghi: “Nếu người không tin Tam bảo, phỉ báng kinh Bát-nhã thuộc Đại thừa, sẽ đọa vào địa ngục A-tì chịu thống khổ trong trăm nghìn vạn ức năm, thoát khỏi địa ngục này rồi lại vào địa ngục khác. Nếu cõi này gặp kiếp tận thì sinh vào địa ngục ở cõi khác; cõi khác đến kiếp tận thì sinh trở lại địa ngục cõi này, xoay vần như thế, khắp cả các thế giới trong mười phương. Khi hết tội địa ngục, kẻ ấy sinh vào loài súc sinh, cũng ở khắp cả các thế giới trong mười phương. Khi hết tội súc sinh, kẻ ấy được sinh làm người, nhưng ở nơi không có Phật pháp, nghèo cùng, hèn hạ, các căn khiếm khuyết, thường ngu si, không hiểu biết, dẫu là người thông minh, nhưng khởi dị chấp cũng là tà kiến”.
Luận Thành thật ghi: “Ngu si cũng có khác nhau. Vì sao? Vì không phải tất cả người ngu si đều là bất thiện. Nếu ngu si tăng mạnh trở thành tà kiến thì gọi là bất thiện nghiệp đạo”. Cho nên, do ngu si làm tăng trưởng tà kiến, phạm tội rất nặng, nhất định đọa địa ngục A-tì. Xét về tà kiến, có nhẹ có nặng; nhẹ có thể chuyển, nặng không thể chuyển.
Kinh Bồ-tát địa trì ghi: “Tà kiến có hai loại: một, tà kiến có thể chuyển; hai, tà kiến không thể chuyển. Phỉ báng nhân quả, không tin có bậc thánh là loại tà kiến không thể chuyển. Không phải nhân mà chấp là nhân, không phải quả mà chấp là quả là loại tà kiến có thể chuyển. Thế nên, nghiệp ác là tà kiến, nghiệp thiện là chính kiến”.
Người không phỉ báng pháp tứ đế, nhưng không hiểu thánh đạo, không rõ biết lí đạo từ tâm sinh, thường tu khổ hạnh để cầu giải thoát, giống như con chó đuổi theo hòn đất mà không biết tìm người ném đá.
Luận Đại trang nghiêm ghi: “Giống như loài sư tử, lúc bị người bắn, liền đuổi theo người bắn. Còn loài chó ngu si, có người ném viên đá, liền đuổi theo viên đá mà không biết tìm người ném. Sư tử dụ cho người có trí tuệ hiểu biết, xét thấu nguồn gốc của phiền não mà diệt trừ. Con chó ngu si dụ cho ngoại đạo, dùng năm thứ lửa đốt thân mà không biết nguồn gốc của chân tâm”.
Chỉ những kẻ phàm ngu mê mờ chân lí, không biết quán xét thân tâm vốn vô ngã mà thường học tu khổ hạnh, cho đó là đạo, tức đồng với bọn ngoại đạo tu theo tà pháp, cố chấp sai lầm, trái với chân lí, tạo thành pháp ác.
Do đó, luận Đại trí độ ghi: “Tội tà kiến rất nặng, tuy có giữ giới, khiến hai nghiệp thân, miệng tốt, nhưng đều tùy thuận tâm tà kiến xấu ác.”
Đức Phật nêu ví dụ: “Như gieo hạt đắng, tuy nhờ bốn đại nuôi dưỡng lớn mạnh, nhưng quả đều có vị đắng. Người tà kiến cũng vậy, dù siêng năng trì giới, cũng trở thành pháp ác, chẳng bằng người không chấp mà thực hành bố thí dù ít. Người không chấp dễ giáo hóa, kẻ cố chấp khó hóa độ, không những tự hủy hoại mình mà còn làm tổn thương người khác”.
Luận Thành thật ghi: “Thà không tu, chứ không nên tu theo tà đạo. Nếu tu theo tà đạo, sau khi mạng chung sẽ đọa vào đường ác”.
Kinh Chính pháp niệm ghi: “Diêm-la vương nói bài kệ trách các tội nhân:
Ngươi ngu si, tà kiến
Bị lưới si trói buộc
Đọa vào địa ngục này
Ở trong biển khổ lớn.
Ác kiến đốt hết phúc
Làm người thấp hèn nhất
Ngươi sợ đọa địa ngục
Nhưng đó là nhà ngươi.
Nếu ai khởi tà kiến
Người ấy không trí tuệ
Tất cả nghiệp địa ngục
Do tâm oán tạo ra.
Tâm oán là bậc nhất
Oán này vô cùng ác
Oán này hay trói người
Dẫn xuống vua Diêm-la.
Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Si như cá di-nê
Ở trong nhà tham ái
Tạo nghiệp thì vui cười
Chịu khổ lại gào khóc”.
Kinh Tu hành đạo địa có bài kệ:
“Miệng nói lời ngu si
Người đó lòng mê muội
Tâm không nghĩ điều ác
Cũng không nhớ việc thiện.
Tâm hồn thường mờ mịt
Không làm được việc gì
Như chiên nấu ngoài gió
Thức ăn không thể chín.
Huân tập ngu si nhiều
Các căn không đầy đủ
Sinh trong loài trâu, dê
Sau đó đọa địa ngục ”
Kinh Nguyệt Quang đồng tử ghi: “Bấy giờ, trưởng giả Thân Nhật nghe theo mưu kế của lục sư ngoại đạo, thỉnh Phật và chúng tăng đến nhà cúng dường. Họ bảo trưởng giả đào một cái hầm sâu năm trượng sáu ở ngay cửa ra vào, đổ than đỏ hơn nửa hầm, bên trên gác những thanh sắt nhỏ, rồi phủ một lớp đất mỏng; đồng thời, bày biện các thức ăn uống đã tẩm chất độc ở trong nhà. Chúng suy tính: ‘Nếu hầm lửa không hại được thì thức ăn có tẩm chất độc cũng đủ để hại Phật và chúng tăng. Dùng kế sách này thì lo gì Phật không chết’. Trưởng giả làm đúng theo như vậy, bọn ngoại đạo rất vui mừng.
Mọi việc sắp đặt xong, Thân Nhật đến chỗ Phật, ân cần thỉnh Ngài và thánh chúng. Đức Thế Tôn vì thương xót ông ngu si, cuồng loạn, muốn hóa độ, nên im lặng nhận lời. Thân Nhật vô cùng vui mừng và nghĩ: ‘Quả đúng như dự đoán của ta!’.
Dù chất độc nhiều như núi Tu-di, kiếp hỏa có thể thiêu rụi đại thiên thế giới, đao kiếm bén nhọn cũng không thể chạm đến một sợi lông của Phật. Nay chỉ dùng một hầm lửa nhỏ và thức ăn tẩm chất độc mà muốn hại Phật thì chẳng khác nào ruồi muỗi muốn xô ngã núi Tu-di, như cánh mối nhặng muốn che ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Rốt cuộc chỉ tự hủy hoại mình, chi bằng sớm biết ăn năn!
Lúc này, trưởng giả bị ý xấu ác ngăn che, tâm trí mờ mịt. Đức Thế Tôn nghĩ: ‘Nay Ta nhận lời mời của Thân Nhật, nhưng không nên đến như thường ngày được’. Ngay đó, Đức Phật thị hiện thần thông làm chấn động cả mười phương, rồi cùng trăm nghìn thánh chúng và vô số rồng, thần bay trên hư không hoặc đi dưới đất, cùng lúc đến nhà làm lợi ích cho trưởng giả. Đức Phật dùng uy đức biến hầm lửa thành ao bảy báu với nước có đủ tám tính chất, các thức ăn uống có tâm chất độc đều biến thành món ăn cam lộ cõi trời. Mọi người đều rất vui mừng.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 82 – CHƯƠNG LỤC Độ (tt)

QUYỂN 82 Quyển này tiếp theo chương Lục độ. 85. CHƯƠNG LỤC Độ (tt) 85.2. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *