QUYỂN 84
Quyển này tiếp theo chương Lục độ,
85. CHƯƠNG LỤC ĐỘ (tt)
85.5. THIỀN ĐỊNH
85.5.1. Lời dẫn
Thần thông thù thắng, nếu chẳng nhờ thiền định thì không thể phát sinh; trí tuệ vô lậu, nếu không nhờ tĩnh lặng thì từ đâu khai phát? Vì thế, kinh ghi: “Chuyên tu thiền định sẽ được năm thần thông, tầm chuyên mệt cảnh là tướng tam-muội”. Sách Nho cũng ghi: “Hãy để thân như cây khô, tâm như tro lạnh, không khuất phục trước giàu sang, không nhụt chí trong nghèo khổ, gửi tinh thần trong tĩnh lặng, để thân thể ngoài trần ai”.
Vì thế, nhiếp tâm vào một chỗ là rừng công đức, tán tâm trong khoảnh khắc là la-sát phiền não. Do đó, Thích tử Đàm Quang hàng phục hổ dữ quỳ trước mặt, tiên nhân Loa Kế để chim làm tổ trên đầu. Nên biết, bậc đại sĩ thường tu thiền định, chẳng đoạn phiền não mà vào niết-bàn, không bỏ đạo pháp mà thị hiện phàm phu.
Lại nữa, hành giả phải khéo quán sát thân này, từ đầu đến chân có ba mươi sáu chất bất tịnh, chứa đựng tám vạn ổ vi trùng. Thân này vốn bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã. Tâm tính của chúng sinh lại như khỉ vượn chuyền cành, mãi vui đùa phóng túng. Nếu không biết nhắm mắt, kềm thân, giữ tâm, nhiếp ý, lại ngang ngược khó dạy, cứng đầu khó khuyên, quen chạy theo năm trần thì trôi lăn trong ba cõi, rơi vào cạm bẫy của ngoại đạo, vướng vào gậy của thiên ma. Lúc ấy, mãi chìm trong biển khổ, vĩnh viễn đọa vào địa ngục tối tăm nguy hiểm. Tất cả đều do tán loạn tinh thần, buông lung tâm ý, như đèn trước gió, như trăng trên sóng, chao đảo không ngừng, nhấp nhô bông bênh. Bóng không rõ ràng làm sao chiếu sáng. Do đó, muôn ác từ đây khởi, vạn thiện do đây mất.
Bởi vì không đoạn trừ lậu hoặc, thường khởi tham sân, chưa chế ngự vô minh, mãi đắm say ngũ dục, để cho lậu hoặc tranh nhau kéo đến làm chướng ngại tâm thiền, các duyên đua nhau tụ tập làm hại ý định, năm cái che mờ tâm tính, cửa thiền định bị đóng kín, ý chạy theo sáu trần, vọng tưởng rong ruổi, như voi điên không móc, vượn hoang gặp cành. Vì thế, cần phải sách tấn tâm ý, đổi mới trong từng niệm; đâu thể thấy niệm trước ác mới nỗ lực khắc phục, niệm sau đã thiện lại mặc tình làm ác. Vì thế, trong luận ngợi khen tứ thời tu, trong kinh tán thán nhất niệm. Có thế mới hy vọng vượt khỏi phàm tình. Nếu trái lẽ này bậc thánh cũng đành chịu.
Mọi sự vật hiện tượng trong cõi đời này không tự có cảm xúc mà phải nương vào các căn, trong tâm nghĩ tưởng mới có cảm giác. Vì sao? Vì tâm bên trong cảm nhận, vật bên ngoài mới phát khởi, đã đắm các duyên bên ngoài thì trong tâm bị ô nhiễm. Nên biết, tâm và cảnh nương nhau khởi, trong và ngoài gá nhau sinh. Tâm và thức như vua và bề tôi, đều không thể lìa bỏ. Nên kinh ghi: “Nếu tâm vương chính trực thì sáu thức không tà vạy; ý thức hôn trầm thì tâm vương không sáng suốt, nên phải răn sáu thức bề tôi”. Mọi người phải biết hổ thẹn, chế ngự sáu căn, đừng để rong ruổi tán loạn!
$5.5.2. Dẫn chứng
Phẩm Tâm ý trong kinh Pháp cú ghi: “Thuở xưa, khi Đức Phật còn tại thế, có một đạo nhân tu tập dưới một cội cây bên bờ sông. Suốt hai mươi năm vẫn không trừ được lòng tham, tâm ý tán loạn, chỉ nghĩ đến sáu dục. Mắt đắm sắc đẹp, tai thích tiếng hay, mũi mê hương thơm, lưỡi tham vị ngon, thân ưa xúc chạm, ý duyên pháp trần. Dù thân ngồi yên, nhưng tâm ý mãi rong ruổi, nên suốt hai mươi năm vẫn không đắc đạo.
Quán biết người này có thể độ, nên đức Thế Tôn hóa thành một sa-môn, đến bên gốc cây ngồi cạnh vị ấy. Không bao lâu, ánh trăng tỏa chiếu, bỗng có một con rùa từ dưới sông bò đến gốc cây. Cùng lúc có một con chó đói đi kiếm ăn, trông thấy rùa, chó liền nhào đến cắn. Rùa liền thụt đầu, rút đuôi và bon chân vào mai. Thấy không ăn thịt được rùa, chó bỏ đi Nó đi chưa bao xa, rùa ló đầu ra bò đi tiếp, nhờ vậy mà thoát nạn.
Thấy thế, đạo nhân hỏi sa-môn:
– Con rùa này nhờ mai che thân, nên chó không có cơ hội ăn thịt, phải không?
Sa-môn đáp:
– Ta nghĩ người đời không bằng con rùa này. Bởi họ không biết vô thường, buông lung sáu tình, ngoại ma thừa cơ quấy nhiễu, khiến thân hoại thức lìa, sinh tử không dừng, trôi lăn trong năm đường, chịu trăm nghìn khổ não, tất cả đều do ý gây tạo. Thế nên, mỗi người phải cố gắng nỗ lực tìm sự an lạc của niết-bàn.
Sa-môn lại nói kệ:
Giấu sáu căn như rùa Giữ ý như giữ thành Dùng trí tuệ đánh ma.
Chiến thắng không lo sợ
Kinh Cầu li lao ngục ghi: “Một hôm, em của vua A-dục là Thiện Dung vào núi săn bắn, tình cờ gặp các Phạm chí lõa thể tu khổ hạnh, nhưng không chứng đạo. Thiện Dung thấy thế liền hỏi các Phạm chí:
– Các ông ở đây tu tập bị chướng nạn gì mà không chứng đạo?
Phạm chí đáp:
– Vì nơi đây thường có một bầy nai đến tụ tâp, khiến tâm dao động, không chế ngự được!
Nghe vậy, Thiện Dung khởi tâm ác, tự nói:
– Các Phạm chí này ăn sương hớp gió, thân hình gầy gò, sức lực suy yếu mà còn khởi tâm dâm dục, không hàng phục được, huống là sa-môn Thích tử uống ăn toàn những món ngon, ngồi giường đẹp, y phục đầy đủ, hương thơm xoa thân, làm sao không khởi dục?
Vua A-dục nghe em mình lí luận như vậy, lòng rất lo buôn, thầm nghĩ: ‘Trẫm chỉ có một đứa em, nay nó lại khởi tà kiến như vậy, e rằng mãi bị đắm chìm trong đường khổ. Ta phải nghĩ cách phá trừ tâm niệm xấu ác này!’
Vua liền trở về cung, lệnh cho các cung nữ phải trang điểm lộng lẫy, rồi bảo đến cung của Thiện Dung ca hát vui chơi. Đồng thời vua dặn các đại thần: ‘Trẫm đang sắp đặt một kế hoạch. Nếu trẫm ra lệnh cho khanh giết Thiện Dung thì các khanh phải can gián và xin bảy ngày sau sẽ giết’.
Y lệnh, các cung nữ đến cung Thiện Dung vui chơi. Chưa được bao lâu, vua tìm đến, thấy vậy, liền trách:
– Sao ngươi dám tự tiện đùa giỡn với thê thiếp và cung nữ của ta?
Vua bèn nổi cơn thịnh nộ, ném một cái vòng lên hư không, rồi triệu tập các đại thần, phán:
– Các khanh biết đó! Trẫm chưa già yếu, đất nước cũng không có cường địch, ngoại bang xâm lấn. Trẫm từng nghe lời dạy của các bậc hiền thánh thuở xưa: ‘Người có phúc đức, bốn biển đều qui phục; khi phúc cạn đức mỏng, người thân tín cũng trở lại phản nghịch’. Trẫm tự xét, tuy chưa có những biến cố này, nhưng em trẫm là Thiện Dung dám tự tiện quyến rủ thê thiếp, cung nữ của ta. Hắn làm như thế, há còn xem trẫm ra gì? Các khanh hãy mau đưa hắn ra pháp trường xừ trảm!
Các đại thần liền can gián:
– Cúi xin bệ hạ cho phép chúng thần tâu bày đôi điều! Ngài chỉ có một người em này, lại không có con cái, chưa có người nối dõi, nên tạm hoãn lại trong bảy ngày, cho tạm thời làm vua, sau đó sẽ thuận theo ý bệ hạ.
Vua im lặng chấp thuận lời thỉnh cầu của các đại thần, lại còn khai ân bảo quần thần hãy cho Thiện Dung mặc phục sức, đội mũ báu uy nghiêm giống vua và bảo các nội quan trỗi nhạc cùng vui chơi. Vua lại bảo một vị quan:
– Kể từ hôm nay ngươi phải mặc áo giáp, cầm gươm bén, đến nói với vương tử Thiện Dung: ‘Ngài nên biết chỉ trong bảy ngày là phải chết, vì thế phải cố gắng hưởng thụ ngũ dục. Nếu không tận hưởng sau khi chết rồi, hối tiếc cũng vô ích!’.
Một ngày trôi qua, vị quan lại đến nói với Thiện Dung:‘Chỉ còn sáu ngày thôi!’. Lần lượt như thế, đến khi chỉ còn một ngày, vị quan lại đến báo: ‘Sáu ngày đã trôi qua, đến sáng mai là ngài phải chết rồi, vì thế hãy mặc tình tận hưởng ngũ dục’ .
Đúng kì hạn, vua sai sứ mời Thiện Dung đến hỏi:
– Bảy ngày qua đệ có vui vẻ thoải mái không?
Thiện Dung thưa:
– Hoàng huynh à! Em không thấy, không nghe thì có gí là vui !
Vua nói: