Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 6 / PUCL QUYỂN 71 – CHƯƠNG TỘI PHÚC VÀ DỤC CÁI

PUCL QUYỂN 71 – CHƯƠNG TỘI PHÚC VÀ DỤC CÁI

QUYỂN 71
Quyển này gồm hai chương: Tội phúc và Dục cái.
80. CHƯƠNG TỘI PHÚC

80.1. LỜI DẪN
Thiện ác trái nhau như sáng tối, tội phúc báo ứng rõ ràng như ở trước mắt. Cho nên, tạo ác thì đọa lạc, làm thiện thì thăng cao. Tạo phúc được hưởng giàu sang, gây họa phải chịu đau khổ. Thế nên biết, cần phải đoạn trừ tội ác, phải gieo trồng phúc thiện. Giáo lí bậc thánh nói rõ ràng, thiện ác lên xuống có thể xét biết.
80.2. NGHIỆP
* Lời bàn
Tên gọi của hành vi này Đức Phật nói không nhất định, về hành vi tội, các kinh gọi là Hắc hắc nghiệp hoặc Bất thiện nghiệp, về hành vi phúc của phàm phu, các kinh gọi là Hắc bạch nghiệp hoặc thiện nghiệp. Tuy có nhiều tên gọi, nhưng thể của hành vi không khác.
Thể của hành vi là gì? Luận Trí độ ghi: “Giết hại v.v… là nghiệp bất thiện, bố thí v.v… là nghiệpthiện”. Đoạn này nói về hai hành vi tội-phúc, trong đó nói giết hại v.v…, tức bao gồm mười điều ác, đều là hành vi tội, nói bố thí v.v…, tức bao gồm các nghiệp giới, định V.V.. của sự tu, cũng đồng là nghiệp thiện thế gian, đều là hành vi phúc.
Trong nghiệp thiện thế gian, tám thiền định, nếu so với loạn thiện ở cõi Dục thì đó là bất động hạnh. Nếu so với trí tuệ lí quán xuất thế thì thiền định này duyên nơi sự mà lập, nên gọi là hành vi phúc. Như nói sáu độ thì tâm an tĩnh đạt được trong năm độ trước cũng gọi chung là phúc.
Tuy nhiên, mỗi người có hành vi tội phúc không giống nhau, có người chuyên tu phúc, có người chỉ tạo tội, lại có người vừa tạo tội vừa tu phúc. Người chuyên tu phúc là người có tâm thanh tịnh, làm những việc đem lại lợi ích cho mình và người, như bố thí, trì giới v.v…
Người chỉ tạo tội là người không phát khởi tâm từ, bất kỳ hành động, lời nói và ý nghĩ nào cũng đều làm tổn hại người khác.
Người vừa tạo tội vừa tu phúc là khi tu phúc, tâm ý bên trong không thanh tịnh, có khi còn làm tổn hạimọi người. Đây chính là tạp nghiệp ở cõi Dục, vì chẳng thuần tịnh, nên cũng gọi là bất tịnh. Hành vi tội có biểu hiện thô thiển, có thể nhận biết, về tạp nghiệp, nếu so với hành vi phúc thanh tịnh lại có điểm giống, có điểm khác, ẩn kín khó nhận biết.
Nghĩa là những người tu phúc, nếu xét hình tướng bên ngoài thì có sự tin thích việc làm giống nhau. Nếu xét tâm ý bên trong thì có sự mong cầu cho mình, cho người mỗi mỗi sai khác, vi tế và thô thiển không giống. Vì những người tu phúc bên ngoài thì giống nhau, nhưng bên trong khác nhau, cho nên có hai nghiệp thuần tịnh và xen tạp sai biệt.
Nếu khéo điều phục tâm, từ bi thương xót chúng sinh, thì bất cứ làm việc gì cũng thành nghiệp thiện lớn. Nếu không nhiếp phục tâm ý, nhìn tướng để tu phúc, bên trong thô thiển, bên ngoài vi tế, chỉ tạo thành tạp nghiệp, thích hợp với kẻ ngu si. Dù là cao hơn lí thế gian, nhưng thật sự trái với đạo, cũng chẳng phải là phúc thanh tịnh. Vì khi tu phúc, người ấy không quán lí sinh không, chấp ngã, luôn hiện hành khắp ba tính, những nghiệp tạo tác đều tương ưng với ngã đảo này, đây là tính giả thủ, cho nên trái với đạo.Vì dùng tâm bất thiện cầu quả báo thế gian và cầu danh, cho nên chẳng phải là phúc thanh tịnh.
Đối với hai nghiệp thuần tịnh và xen tạp này người đời phân nhiều không hiểu rõ, nên nay luận bàn sơ lược để mọi người nhận biết mà thực hành.
Trước trình bày tạp nghiệp, sau trình bày phúc thanh tịnh.
80.2.1. Tạp nghiệp
Chỉ những tạp nghiệp mới có thô và tế. Nghiệp thô thì xấu ác và làm tổn hại người. Nghiệp tế thì chỉ mong cầu phúc báo thế gian riêng cho mình.
Đầu tiên luận về tạp nghiệp thô. Chẳng hạn về bố thí, có người dùng tài vật phi pháp để bố thí, như trộm vật của người khác để bố thí. Người này chiêu cảm quả báo ở đời sau thường bị hao tổn. Bố thí rồi sinh tâm hối tiếc thì cảm quả báo cũng như vậy. Cho nên, ưu-bà-tắc giới kinh ghi: “Nếu người nào bố thí rồi sinh tâm hối tiếc, hay đoạt lấy tài vật của người để bố thí thì đời sau người ấy tuy có được tài vật, nhưng thường bị hao tổn”.
Có người vừa bố thí vừa làm tổn hại người khác, nghĩa là trong lúc bố thí không giữ tâm thuần thiện, hoặc sinh tâm sân giận, hoặc khởi tâm kiêu mạn, thì sẽ bị rơi vào đường ác. Người ấy đời sau tuy được phúc báo, nhưng chỉ thụ thân trong loài súc sinh, chứ không cảm quả báo trời, người. Cho nên, kinh Phân biệt nghiệp báo có bài kệ
Hành bố thí rộng lớn
Nóng tính, nhiều sân hận
Không trụ trong chính niệm
Đời sau đọa thân rồng
Đã hành bố thí lớn
Cống cao, khinh miệt người
Do nghiệp này thụ sinh
Chim cánh vàng sức mạnh.
Nếu là người tu phúc để mong cầu quả báo thế gian, thì khi xả bỏ tài vật, chỉ mong cầu quả báo đời sau, hoặc vì sợ thân mạng và tài sản vô thường mà xả bỏ, hoặc vì mong được nổi tiếng, cầu lợi ích cho mình. Bố thí như vậy chẳng phải từ bi cứu giúp người nghèo khổ mà giống trao đổi, chẳng phải là nghiệp thuần tịnh, nên trong kinh gọi đó là bố thí không thanh tịnh.
Như Bách luận ghi: “Vì mong cầu quả báo mà bố thí thì gọi là bố thí không thanh tịnh, giống như trao đổi”. Cho nên, quả báo của sự bố thí này có hai loại: một, quả bảo đời này được nổi tiếng, mọi người kính mến v.v…; hai, đời sau được giàu sang v.v…; nhưng vẫn gọi là bố thí không thanh tịnh.
Ví như một khách buôn đến phương xa, tuy mang theo nhiều đồ vật và làm nhiều việc lợi ích, nhưng chẳng phải vì thương xót chúng sinh mà chỉ vì mong cầu lợi ích cho mình, đây là nghiệp không thanh tịnh. Bố thí để mong cầu quả báo cũng như vậy.
Từ minh chứng này có thể biết được, nếu không thật sự có tâm từ bi thương xót mà chỉ mong cầu tiếng tăm cho mình, hoặc quả báo đời sau, thì dẫu có bố thí rộng lớn cũng chẳng phải là nghiệp thanh tịnh. Vì nghiệp không thanh tịnh nên quả báo cũng không thanh tịnh.
Thế nên, kinh Phân biệt nghiệp báo có bài kệ:
Bố thí để sinh thiên
Hoặc mong cầu danh tiếng
Báo ân, hoặc mong đáp
Hoặc sợ hãi hành thí
Cảm quả không thanh tịnh
Chịu nhiều điều không tốt
Bố thí đã như vậy thì các việc thiện như trì giới v.v… mà không thanh tịnh cũng như thế.
Bách luận ghi: “Người giữ giới với tâm không thanh tịnh tức là giữ giới để mong cầu quả báo an vui cho riêng mình, như giữ giới vì mong cầu sinh về cõi trời để cùng vui chơi với các thiên nữ, hoặc mong cầugiàu sang ở cõi người để hưởng thụ năm thứ dục lạc, đó đều vì dâm dục vậy. Như người che giấu hành vi, bên trong ham muốn sắc đẹp, bên ngoài giả vờ thân thiện, đó là không thanh tịnh.
Ngoài thô tâm như trên, còn lại là tâm vi tế không thanh tịnh trì giới. Như bài kệ mà tôn giả A-nan nói với tôn giả Nan-đà:
Như dê đực húc nhau
Húc tới, lại đẩy lùi
Người vì dục giữ giới
Việc ấy cũng như vậy
Người mở lòng vì lợi ích người khác thì được nhiều phúc. Lại nữa, nếu bố thí cho người nghèo, người bệnh, người biết pháp mà thiếu thốn vật chất, đem lại lợi ích lớn lao cho họ thì người bố thí sẽ được nhiều phúc.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 82 – CHƯƠNG LỤC Độ (tt)

QUYỂN 82 Quyển này tiếp theo chương Lục độ. 85. CHƯƠNG LỤC Độ (tt) 85.2. ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *