QUYỂN 34
Quyển này gồm có hai chương: Nhiếp niệm, Phát nguyện.
28. CHƯƠNG NHIẾP NIỆM – PHÁT NGUYỆN
28.1. LỜI DẪN
Nghĩ rằng: Tâm phàm khó cấm ngăn tựa khỉ vượn, luôn rong ruổi giống như voi điên, ba nghiệp dấy động, duyên nghiệp càng tăng. Vì thế Đức Phật lập ra giáo pháp giúp người chế ngự. Kinh ghi: “Phải làm thầy của tâm, chớ để tâm làm thầy. Ba nghiệp thân, khẩu, ý không tạo ác thì thân giới, tâm tuệ vững như núi”.
Kinh lại ghi: “Chuyên tâm ở một chỗ thì việc gì cũng làm xong”. Tâm tính điên đảo mê lâm, do ngã kiến đứng đầu. Phiền não khó điều phục, loạn sử luôn hiện hành, trỗi dậy trong từng sát-na, thật khó nhiếp phục. Chi bằng gửi thân chốn vắng, hàng phục ba độc, thân không buông lung, miệng giữ im lặng, ngủ ít thức nhiều, thường ngồi, bớt ăn, tư duy chính pháp; lại biết chẳng phải có, cũng chẳng phải không, thân thẳng, tâm ngay, chính niệm hiện tiền. Đó gọi là nhiếp niệm.
28.2. DẪN CHỨNG
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Các ông nên tu tập mười pháp, sẽ được thần thông, dứt trừ loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn: niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm dừng nghĩ, niệm hơi thở, niệm thân vô thường, niệm sự chết.
Có bài kệ:
Niệm Phật, pháp, thánh chúng,
, Niệm giới, thí và thiên,
Dừng nghĩ và hơi thở,
Sau cùng niệm thân chết.
28.2.1. Niệm Phật: Phải luôn luôn nhớ nghĩ đến Phật. Vì thân tướng của Như Lai công đức viên mãn, trí tuệ vô biên, biết rõ sinh tử qua lại trong các đường. Nay nhờ tu hành một pháp mà đạt đến niết-bàn. Vì thế, người nào luôn nhớ nghĩ đến Phật thì được các công đức.
28.2.2. Niệm pháp: Phải chuyên tâm nhớ nghĩ đến pháp, vì pháp có công năng dứt trừ ái dục, dập tắt trần lao. Đoạn tận gốc tâm khát ái, không còn ham muốn các dục, xa lìa kết phược và các căn bệnh triền cái, như hương thơm trừ các mùi bất tịnh, không còn các niệm mê lầm, loạn tưởng; đồng thời giúp chứng được thần thông, thẳng đến niết-bàn. Vì thế, người nào luôn nhớ nghĩ đến pháp thi sẽ được các công đức.
28.2.3. Niệm tăng: Phải luôn nhớ nghĩ đến tăng. Vì thánh chúng của Đức Như Lai là những bậc đã thành tựu hạnh chân thật, không tà vạy, trên dưới thuận hòa, thành tựu tứ song bát bối, đã dứt trừ loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn, đáng được cung kính phụng sự. Vì thế, người nào thường nhớ nghĩ đến tăng thì được các công đức.
28.2.4. Niệm giới: Giới tức là ngăn các hành vi ác. Giới có công năng giúp người tu tập thành tựu đạo nghiệp và được an vui. Giới là chuỗi báu trang sức thân tâm, hiện lộ các vẻ đẹp; giới như bình kiết tường, giúp thoả mãn các ước nguyện; giới có công năng giúp người đoạn trừ loạn tưởng, chứng quả Niêt-bàn. Vì thế, người nào thường niệm giới thì sẽ được các công đức.
28.2.5. Niệm thí: Chuyên tâm nhớ nghĩ đến bố thí, đối với những gì đã thí, không có tâm hối tiếc, không cầu báo đáp, không mong mau được lợi ích. Nếu bị người mắng chửi hay đánh đập, phải khởi tâm từ, không nên sân giận. Luôn luôn khởi tâm bô thí không đề đoạn dứt, thì trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm thí, thì được các công đức.
28.2.6. Niệm thiên: Chuyên tâm nghĩ nhớ đến chư thiên, vì thân, khẩu, ý của chư thiên không tạo ác, do tu giới mà cảm được thân phóng ánh sáng chiếu khắp nơi, được quả lành thân trời, dứt trừ các loạn tưởng và chứng quả Niết-bàn. Không rơi niệm thiên thì được các công đức.
28.2.7. Niệm dừng nghĩ: Dứt trừ nghĩ tưởng, tính cẩn thận chu đáo, không nóng nảy vội vàng, tâm ý chuyên nhất, thích sống nơi thanh nhàn, thường tìm phương tiện để nhập tam-muội, không tham cầu được ánh sáng rực rỡ, trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm dừng nghĩ thì được các công đức.
28.2.8. Niệm hơi thở: Nên chuyên tâm quán niệm hơi thở, nếu lúc hơi thở dài, thì quán biết ta đang thở hơi dài; lúc hơi thở ngắn, thì cũng nên quán biết ta đang thở hơi ngắn. Nếu hơi thở quá lạnh hay quá nóng, cũng phải quán biết ta đang hít thở hơi lạnh, nóng. Phân biệt hơi thở ra vào dài hay ngắn, trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời quán niệm hơi thở, được các công đức.
28.2.9. Niệm thân vô thường: Thân gồm các thứ lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, mật, gan. phổi, tim, tì, lá lách, ruột già, ruột non, bọng đái, phân tiểu, nước miếng, nước mắt, nước mũi, máu mủ, đầu não v.v… Nên nghĩ những gì là thân? Đó là đất, nước, lửa, gió. Thân do cha mẹ tạo ra, từ đâu mà đến, sáu căn này sau khi mất sẽ sinh về đâu? Quán như thế, dứt trừ loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm thân thì được các công đức.
28.2.10. Niệm sự chết: Chuyên tâm nhớ nghĩ đến sự chết, chết ở chỗ này, sinh đến nơi kia, qua lại các đường, sinh mạng mất đi, các căn tan hoại, như gỗ mục nát. Mạng căn đoạn dứt, thân tộc chia lìa, không hình, không bóng cũng không tướng mạo. Quán như thế, dứt trừ các loạn tưởng, chứng quả Niết-bàn. Không rời niệm chết thì được các công đức.
Có bài kệ:
Phật pháp và thánh chúng,
Cho đến niệm thân chết,
Tuy cũng đồng là niệm,
Nhưng ý nghĩa khác nhau.
Niệm Phật: Luận Phân biệt công đức ghi: “Niệm Phật là gì? Thân Kim cang của Phật, không còn các lậu; khi đi chân Ngài cách đất bốn tấc, lòng bàn chân có hình bánh xe nghìn căm in trên đất. Các côn trùng dưới thân Ngài được an ổn bảy ngày, nếu chúng mạng chung, đều được sinh lên cõi trời.
Thuở xưa, có một ác tì-kheo, vốn là ngoại đạo, giả trang để phỉ báng Phật. Có lần ông đi theo đoàn, giết những côn trùng, bỏ vào dấu chân Phật, rồi cho là Ngài đã đạp chết. Tuy côn trùng chết, nhưng nhờ nằm trong dấu chân Phật, nên được sống lại.
Lúc Phật vào thành ấp, vừa bước qua cổng thành, trời đất đều chấn động, trăm thứ âm nhạc chẳng trỗi mà tự kêu. Những người đui, điếc, câm, ngọng v.v,.. đều khỏi bệnh. Họ thấy tướng quí và vẻ đẹp của Đức Phật, liền đi theo và đều được độ thoát. Công đức cứu độ của Phật không thể tính kể, tất cả muôn hạnh, cứu độ làm đầu. Đó là nghĩa niệm Phật”.
Niệm pháp: Hỏi: Pháp là đạo vô lậu, vô vi, vô dục. Phật là chủ của các pháp, pháp là chủ các kết sử. Pháp sinh ra các Đức Phật, pháp sinh Phật đạo. Tại sao không niệm pháp trước, niệm Phật sau?
Đáp: Pháp tuy vi diệu, không thể nghĩ bàn, giống như kho báu ẩn kín khắp nơi trong đất, nhưng phải nhờ người thông hiểu chỉ ra, mới cứu giúp được những người nghèo thiếu. Pháp cũng như thế, nghĩa lí sâu xa vi diệu, ngoài Phật không ai có thể thồng suốt được. Do đó, niệm Phật trước, niệm pháp sau.
Niệm tăng: Tăng là các vị đã chứng quả tứ song bát bối không tham lam, tranh cãi việc thế gian, chỉ dạy dẫn dắt trời người, làm ruộng phúc tốt cho chúng sinh.
Thuở xưa, có một tì-kheo kém phúc tên là Phạm-ma-đạt, sống chung với một nghìn hai trăm năm mươi tì-kheo. Bấy giờ, chúng tăng hằng ngày khất thực không được thức ăn, nhưng không biết lỗi của ai. Đức Phật dạy chúng tăng nên chia làm hai bộ. Thế là một bộ thì được thức ăn, một bộ không được thức ăn. Lại chia bộ không được thức ăn thành hai bộ nữa, thì bộ này được thức ăn, bộ kia lại không được. Lần lượt như thế, cho đến còn lại hai người, thì một người được thức ăn, người kia không được. Bấy giờ mới biết tì-kheo Phạm-ma-đạt không có phúc, tuy thức ăn đến bát, cũng tự nhiên biến mất. Đức Phật thương xót, liền tự tay để thức ăn vào bát Phạm-ma-đạt, nhờ phúc lực của Ngài chế ngự, nên thức ăn không biến mất. Đức Phật cũng muốn làm cho tì-kheo này hiện đời được phúc, nên sai hai tì-kheo đã chứng Diệt tận định dùng thức ăn của Phạm-ma-đạt, tức thời Phạm-ma-đạt được phúc.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc nghe tì-kheo bạc phúc kia được Đức Phật ban thức ăn, liền bạch:
– Bạch đức Thế Tôn! Nay con cũng muốn làm phúc cho vị tì-kheo này.
Nói xong, vua sai người đem gạo đến. Lúc ấy có con quạ sà xuống ngậm lấy một hạt gạo bay đi, thấy thế người ấy liền trách: