QUYỂN 33
Quyển này có một chương Tạo phúc.
27. CHƯƠNG TẠO PHÚC
27.1. LỜI DẪN
Vua Ưu-điền là người đầu tiên tạc tượng Phật bằng gỗ chiên-đàn; vua Ba-tư-nặc là người khởi xướng đúc tượng Phật bằng vàng. Tượng nào cũng tả rõ chân dung, khéo bày diệu tướng, cho nên tượng phóng quang, hiện điềm lành, rời tòa đỉnh lễ Phật. Đến như hai tháp thờ tóc và móng tay, hai đài thờ y và ảnh của Phật đều được xây dựng lúc Phật còn tại thế.
Khi Đức Phật thị tịch bên bờ sông, làm lễ trà-tì trong rừng, tám nước đều xin thỉnh xá-lại về xây thấp phụng thờ; tám tháp ấy và hai tháp thờ bình và tro, cộng thành mười tháp. Tại bốn nơi: đản sinh, thành đạo, thuyết pháp đầu tiên, nhập niết-bản cũng như búi tóc, xương đỉnh đầu, bốn chiếc răng, hai dấu chân, bình bát, tích trượng, binh nhổ, niết-bàn-tăng v.v… của Đức Phật đều được dựng tháp, khắc bia ghi lại việc thần dị.
Hơn một trăm năm sau, vua A-dục sai sứ vượt biển, phá các tháp ở rải rác khắp nơi, thâu lấy xả lợi.
Khi đoàn người trở về gặp sóng to gió lớn, một ít xá-lợi bị rơi xuống biển, nên ngày nay thỉnh thoảng có người bắt gặp xá-lợi trong bụng những loài sống ở biển. Sau đó, vua A-dục xây dựng tám vạn bốn nghìn ngôi tháp để tôn thờ xá-lợi.
Hai người con của vua lần lượt phát tâm thanh tịnh, cũng tạc đá, đúc tượng vàng, họa vẽ tôn dung, rồi mang những tượng Phật ấy qua sông vượt biển đến giáo hóa các nước ở phương đông. Tuy có những dấu tích linh ứng, nhưng còn ẩn kín, chưa hiển lộ cho người hay biết.
Mãi đến khi Thái Âm, Tần Cảnh từ Tây Vực trở về, mới bắt đầu truyền họa tượng Phật Thích-ca trên lụa và thờ ở, đài Thanh Lương cũng như ở Thọ lăng. Từ đó về sau, mọi người tranh nhau họa vẽ hình tượng Phật, xây dựng tháp miếu. Đến đời Lương (502-557), Phật pháp càng hưng thịnh.
Nhưng pháp thân vốn không có hình tướng, nhân cảm nên ứng hình. Vì cảm có sai khác nên ứng hình cũng không đồng. Nếu như tâm trí mờ mịt thì chân hình ẩn mất, chí nguyện tha thiết thì gỗ đá cũng mở lòng. Nên Lưu An chí hiếu được cảm ứng trên nôi đồng hiện bài minh. Đinh Lan tâm thành, tượng mẹ bằng gỗ cũng biến sắc. Lỗ Dương múa giáo khiến mặt trời xoay chuyển. Kỉ Phụ rơi lệ khiến thành quách sụp đổ. Đó đều do lòng thương cảm chuyển vào tính tình, nên khiến điềm lành hiện rõ.
Thế mới biết, đạo do người lưu truyền, thần nhờ vật cảm mà hiện, lẽ nào dối gian sao? Vì thế, cúng thần như thần đang hiện hữu thì thần hiển linh; kính tượng như kính Phật thì pháp thân ứng hiện. Cho nên, ngưới học đạo phải lấy trí tuệ làm gốc, trí tuệ phải lấy phúc đức làm nền. Giống như chim nhờ có đủ hai cánh mới bay cao vạn tầm, xe nhờ đủ hai bánh mới chạy xa nghìn dặm. Há không siêng năng, không nỗ lực mà được ư?
27.2. TẠO PHÚC
Kinh Phật thuyết phúc điền ghi: “Đức Phật bảo trời Đế Thích:
– Có bảy pháp bố thí rộng lớn, gọi là phúc điền. Người thực hành bảy pháp này được sinh lên Phạm thiên. Bảy pháp:
1- Xây dựng chùa tháp, phòng tăng, giảng đường.
2- Tạo vườn cây ăn trái, xây hồ tắm, trồng cây che bóng mát.
3- Thường cấp thuốc men cửu chữa người bệnh.
4- Làm thuyền bè vững chắc đưa người sang sông.
5- Xây dựng cầu cống giúp người già yếu qua sông.
6- Đào giếng dọc đường để người đi đường đỡ khát.
7- Xây nhà xí dọc đường để tiện cho người đi đường.
Bấy giờ, trong hội chúng có tì-kheo Thính Thông, sau khi nghe pháp, sinh tâm hoan hỉ, bạch Phật:
– Nhớ đời trước con là một trưởng giả ở nước Ba-la-nại, từng xây dựng tinh xá bên đường lớn và sắm sửa giường nằm, thức ăn, nước uống để cung cấp cho chúng tăng và những người lỡ đường có nơi ăn uống ngủ nghỉ. Nhờ công đức ấy, sau khi mạng chung con sinh lên trời làm Đế Thích, lại sinh xuống nhân gian làm Chuyển luân vương thống lĩnh trời người, sinh lên sinh xuống ba mươi sáu lần. Trải qua chín mươi mốt kiếp, dưới bàn chân mọc lông, đi trên hư không, do phúc đức mà thức ăn tự nhiên có. Nay gặp Thế Tôn, thương tưởng chúng sinh, giúp con đoạn trừ ngu muội, dứt nguồn sinh tử, được trí tuệ thanh tịnh, chứng quả A-la-hán. Nhờ công đức, phúc báo mà thành tựu quả vị đó.
Tì-kheo Ba-câu-lô bạch Phật:
– Con nhớ, thuở xưa con làm một vị trưởng giả ở nước Câu-na-kiệt. Khi ấy, ở đời không có Phật, chỉ có chúng tăng giáo hóa, mở đại hội thuyết pháp. Con đến nghe giảng, sinh tâm hoan hỉ và dâng cúng chúng tăng một trái ha-lê-lặc làm thuốc. Nhờ quả báo đó, sau khi mạng chung được sinh lên cõi trời. Khi phúc trời đã mãn sinh xuống nhân gian thì thường ở chỗ tôn quý. Sống trong cõi người trải qua chín mươi mốt kiếp, không hề bệnh tật. Nay nhờ những dư phúc ấy mới được gặp Phật, chứng quả A-la-hán.
Tì-kheo Tu-đà-da bạch Phật:
– Con nhớ, thuở xưa con làm một người dân thường ở nước Duy-da-li. Bấy giờ, ở đời không có Phật, chỉ có chúng tăng giáo hóa. Một hôm, con mang sữa ra chợ bán, trên đường đi gặp lúc chúng tăng mở đại hội giảng pháp. Con ghé lại nghe, sinh tâm hoan hỉ nên dâng bình sữa cúng dường chúng tăng. Chúng tăng nhận bình sữa và chú nguyện khiến con càng vui mừng hơn. Nhờ phúc báo ấy, sau khi mạng chung được sinh lên trời. Khi phúc trời hết sinh xuống nhân gian thì thường ở chỗ tôn quý. Kiếp thứ chín mươi mốt, do nghiệp xưa sót lại, nên khi sinh xuống nhân gian, mẹ con mang thai được vài tháng thì mắc bệnh qua đời. Mặc dầu, con cũng bị chôn theo mẹ, nhưng ngày đầy tháng đủ vẫn được sinh ra. Con ở trong mồ bảy năm, sống nhờ uống sữa trên thi thể của mẹ. Nhờ một chút phúc đó nay được gặp Phật, chứng quả A-la-hán.
Tì-kheo A-nan bạch Phật:
– Con nhớ, thuở xưa con là một người dân thường ở nước La-duyệt-kì. Lúc ấy, thân thể con mọc mụn độc trị mãi không lành. Bấy giờ, có một đạo nhân trong thân tộc nói với con: ‘Ông chuẩn bị nước để chúng tăng tắm, rồi lấy nước đó rửa thì mụn độc sẽ lành, lại được phúc đức’. Con nghe vậy, vô cùng vui mừng liền vào chùa, chuyên tâm nhất ý, đào giếng, nấu nước thơm, chuẩn bị đầy đủ để chúng táng tắm, rồi lấy nước ấy rửa mụn độc mong lành bệnh. Nhờ phúc đức ấy, đời đời sinh ra được thân xinh đẹp, có ánh sáng màu vàng, không đính bụi dơ; trải qua chín mươi mốt kiếp thường được phúc đức thanh tịnh. Nhờ phúc đức ngày càng tăng trưởng, nay được gặp Phật, tâm cấu uế đoạn trừ, chứng quả A-la-hán.
Bấy giờ, trong chúng có tì-kheo ni Nại Nữ bạch Phật:
– Con nhớ thuở xưa con là một người nữ nghèo ở nước Ba-la-nại. Lúc ấy, có Đức Phật Ca-diếp xuất hiện ở đời, đại chúng ngồi vây quanh nghe Ngài nói pháp. Con cũng có mặt trong pháp hội nghe kinh, lòng rất hoan hỉ, muốn cúng dường Phật và chúng tăng, nhưng nhớ lại mình chẳng có vật gì. Tự nghĩ mình nghèo hèn mà lòng càng buồn bã, con liền đến vườn người xin một quả dưa để dâng cúng Phật, nhưng lại xin được một quả nại lớn và thơm ngon. Con liền lấy một bát nước đầy và trái nại đó dâng cúng Phật Ca-diếp và chúng tăng. Phật biết ý con nên thụ nhận, chú nguyện và chia đều nước, trái cây cho tất cả mọi người. Nhờ phúc lành ấy, sau khi mạng chung sinh lên trời làm thiên hậu. Khi tuổi thọ ở trời hết, sinh xuống nhân gian không sinh từ bào thai. Trải qua chín mươi mốt kiếp con đều sinh ra trong hoa nại, thân hình xinh đẹp, thuần khiết và thường biết được đời trước. Nay con gặp được Thế Tôn, nhờ Ngài chỉ dạy, nên chứng được đạo nhãn.
Thiên đế từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật, quỳ gối chắp tay bạch:
– Bạch Thế Tôn! Con nhớ, thuở xưa con làm con của một vị trưởng giả ở nước Câu-lưu. Một hôm, người hầu bồng con vào thành dạo chơi, bỗng gặp chúng tăng đi khất thực, thấy rất nhiều người cúng dường, con thầm nghĩ: ‘Ước gì mình có tài bảo cúng dường chúng tăng, hẳn không vui sao?’. Con liền cởi chuỗi báu trên người cúng dường, chúng tăng hoan hỉ thụ nhận, chú nguyện và đi tiếp. Nhờ nhân duyên đó, sau khi mạng chung, con được sinh lên trời làm thiên đế, chín mươi mốt kiếp thường xa lìa tám nạn.
Phật bảo Thiên đế và đại chúng:
– Hãy lắng nghe những việc đời trước của Ta! Thuở xưa, tại nước Ba-la-nại, Ta thường xây nhà xí dọc đường, giúp người dân trong nước có chỗ đại tiểu thuận tiện. Do đó, mọi người đều cảm mến Ta. Nhờ công đức ấy, đời đời thanh tịnh,