QUYỂN 15
Quyển này tiếp theo chương Kính Phật.
6. CHƯƠNG KÍNH PHẬT (tt)
6.5. ĐỨC PHẬT A-DI-ĐÀ
6.5.1. Lời dẫn
Tránh khổ, cầu vui là thường tình của muôn loài; chán uế, ưa tịnh là bản tính của chúng sinh. Do hạnh nghiệp có thiện ác mà hình thành cõi nước tốt hay xấu. Trong đó, Ta-bà năm trược , do tích ác mà có gò hầm; An Dưỡng bảy báu nhờ tu thiện trở nên rực rỡ. Nghiệp thành tam bối, báo có chín phẩm; đài báu,gác châu, do thắng niệm mà nguy nga; ao ngọc, hồ quỳnh bởi thiện tâm mà trong mát. Hoa nở hoa khép, nghiệm lời Từ Phụ thật chẳng sai; sóng động sóng yên, bên tai luôn vẳng lời pháp. Nếu không chịu gắng công, chí vững, hạnh đủ, nhân đây thì làm sao có thể nương ba tâm lên đài vàng, nhân mười niệm6 sinh lạc quốc!
6.5.2. Giải thích tên gọi
* Lời bàn
Thuần khiết gọi là tịnh, chỗ ở gọi là độ. Vậy chỗ ở hay thế giới thuần khiết gọi là tịnh độ. Nhiếp ghi: “Cõi nước an trú không có năm trược, giống như pha lê, ngọc quý, nên gọi là Thanh tịnh độ”. Luận Pháp hoa ghi: “Nơi ở của những chúng sinh không còn phiền não gọi là Tịnh độ”. Có bốn loại Tịnh độ:
1- Pháp tính độ: lấy Chân như làm thể, nên Nhiếp luận ( bản đời Lương) ghi: “Lấy Liên hoa vương làm chỗ nương cho Tịnh độ, cũng như pháp giới Chân như là thể sở y của cõi tịnh”.
2- Thật báo độ: Nhiếp luận ghi: “Cõi này lấy nhị không làm cửa, tam tuệ làm đường ra vào, sa-ma-tha và tì-bát-xá-na làm xe, lấy căn bản vô phân biệt trí làm dụng”. Đó là căn cứ vào công đức báo thân mà trình bày thể của cõi này.
3- Sự tịnh độ: Cõi này làm bằng bảy báu thượng diệu, tức lấy năm trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc làm tướng. Do đó, Nhiếp luận ghi: “Đó là trụ xứ bằng bảy báu, tràn đầy ánh sáng của Phật”. Kinh Hoa nghiêm cũng ghi: “Trong cảnh giới tướng của chư Phật có trang trí nhiều thứ báu đẹp đan xen lẫn nhau”. Luận Tịnh độ ghi: “Đầy đủ các trân bảo và vật quí trang nghiêm”. Kinh Đại Bồ-tát tạng (bản Tân dịch) ghi: “Giả sử lửa lớn đốt cháy tất cả mọi vật trong các thế giới trên, nhưng Như Lai vẫn đi, đứng ngồi nằm trong đó. Cõi ấy tự nhiên xuất hiện đầy đủ loại nước có đầy đủ tám tính chất”.
4- Hóa tịnh độ: Năm trần bằng bảy báu do Đức Phật biến ra là thể của Hóa tịnh độ. Do đó, kinh Niết-bàn ghi: “Do thần lực của Phật mà mặt đất mềm mại, không có gò hầm, cát sỏi… Tất cả đều giống như thế giới Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ ở phương tây”.
Luận Đại trang nghiêm còn ghi: “Do trí tuệ tự tại, tùy sự mong muốn của chúng sinh, Đức Phật có thể biến hiện ra các thế giới trong sạch bằng thủy tinh, hoặc lưu li v.v…”. Kinh Duy-ma-cật ghi: “Đức Phật ấn ngón chân xuống đất, mặt đất trở thành thanh tịnh”. Kinh Thập địa ghi: “Vì thuận theo tâm ưa thích của chúng sinh mà Đức Phật thị hiện cõi ấy..
Như vậy, các kinh luận này đều căn cứ vào nghĩa biến hóa mà luận Tịnh độ, tức là Đức Phật dùng thần lực hóa hiện thì có, thâu lại thì không. Vì thế, gọi là Hóa độ.
6.5.3. Trụ xứ
* Lời bàn
Phần trước nói có bốn loại Tịnh độ, nhưng chủ yểu có hai: một là Báo độ, hai là Hóa độ. Hai cõi này bao gồm lí độ lẫn sự độ. Báo độ là thể các thiện pháp xuất thế của Như Lai, thuộc vô lậu, không thuộc ba cõi.
Luận Tịnh độ ghi: “Quán tướng thế giới kia thù thắng hơn ba cõi”. Luận Trí độ ghi: “Có Tịnh độ vi diệu, thù thắng nằm ngoài ba cõi. Nhưng trụ xứ của Đức Phật là vô trụ xứ, vượt ngoài mười phương thế giới. Hoặc nương vào pháp thân mà lập Tịnh độ, nên luận ghi: “Đức Phật Thỉch-ca Mâu-ni có thế giới thanh tịnh giống cõi nước của Đức Phật A-di-đà. Đức Phật A-di-đà cũng có thế giới nghiêm tịnh và không nghiêm tịnh như thế giới của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni”. Kinh Niết-bàn ghi: “Thật ra Ta chẳng ở ngoài cõi Diêm-phù-đề”.
Cho nên trong kinh Pháp hoa có bài kệ:
Thường ở núi Linh Thứu
Và các trụ xứ khác
Chúng sinh gặp kiếp tận
Khi lửa lớn thiêu đốt
Cõi nước Ta an ổn
Người trời đều đầy đủ
Cung điện, lầu, vườn rừng
Các thứ báu trang nghiêm.
Kinh Hoa nghiêm ghi: “Tịnh độ của đức Như Lai, hoặc trên mũ báu, hoặc nơi vòng tai, hoặc ở chuỗi ngọc, hoặc ở hoa văn ca-sa, hoặc ở lỗ chân lông. Như vậy, lỗ chân lông dung chứa thế giới”. Luận Thập trụ ghi: “Khi Phật nhấc một bước chân thì vượt qua hằng sa tam thiên thế giới”.
Vị trí của Hóa độ: Hóa độ không có nơi chốn riêng, chỉ nương vào Báo độ mà lập tướng thô, hoặc ở khắp mười phương, hoặc ở ngay cõi này tiếp dẫn chúng trời người ba thừa. Như Đức Phật A-di-đà, vì dẫn dắt phàm phu thấp kém ở cõi Kham Nhẫn mà lập Tịnh dộ, hoặc ở cõi uế mà hiện tịnh, như ấn ngónchân xuống đất thì mặt đất biến thành tịnh. Tịnh độ này đồng như cõi trời. Hoặc trong khí thế giới cộng tướng của chúng sinh, do chủng tử cảm được mà hiện cảnh giới nhơ uế, thanh tịnh khác nhau. Tất cả đều tùy theo chỗ thấy bất đồng của chúng sinh trong sáu đường. Đó cũng đều là do danh ngôn bên ngoài huân tập mà thành tựu chủng tử thức chiêu cảm khí thế giới, từ đó tướng ảnh tượng hiện ra. Ảnh tượng ấy là tướng phần của Bản thức, do chủng tử cộng tướng và tướng ảnh tượng, cùng với hiện tướng thức làm nhân duyên mà tạo thành. Từ cộng tướng này, do sức của tăng thượng duyên nội báo mà cảm được các sự khổ vui khác nhau như thế.
6.5.4. Thấy biết
* Lời bàn
Hàng phàm phu và Nhị thừa ở Ưế độ thấy Đức Phật A-di-đà, các bồ-tát ở Tịnh độ cũng thấy Đức Phật A-di-đà. Căn cứ theo hai thuyết này, Báo độ hoàn toàn thanh tịnh; ứng độ thì có nhiễm có tịnh. Cho nên luận Tịnh độ nêu năm loại quốc độ: