QUYỂN 23
Quyển này gồm ba chương: Tàm quí, Khuyên dạy Nghe pháp và giảng pháp.
14 CHƯƠNG TÀM QUÍ (hổ thẹn)
14.1. LỜI DẪN
Ba cõi lưu chuyển, sáu đường xoay vần. Nếu cómột chút tính linh thì tất cả đều trải qua nhiều cõi; bẩm sinh không nhất định, hoặc trí hoặc ngu; thiên tính chẳng đồng, hoặc thiện hoặc ác. Vì tâm thiện nên có tàm có quí, vì lòng ác nên không tàm không quí. Nhưng hàng tâm phàm phu mê hoặc, nếu chưa tu đạo để dứt trừ, thì lẽ ra ngày đêm nên tự sạch tấn, siêng năng tu tập, hổ thẹn tự tâm còn mờ mịt lí không, mong lìa sinh tử. Từ xưa đến nay vô trí, không biết đạo Chí Chân, khiến phiền nẵo chất đầy, lậu hoặc vô số. Mong nhờ một niệm thiện diệt trừ muôn phiền não, quét sạch màn đêm dày đặc, khiến rỗng rang thanh tịnh. Vì thế Đại Thánh thiết tha răn dạy người tu hành nên xấu hổ với danh ứng cúng, luống uổng nhận tên phúc điền; thật thẹn với từ sa-môn, luống uổng nhận hiệu Khất sĩ. Đối với người, thì không có năng lực hóa độ chúng sinh như bồ-tát; đối vơi bản thân, thì thiếu khả năng tự điều phục như thanh văn, làm ô nhục thầy bạn, cô phụ đàn việt. Lại chẳng thể kham nổi ngôi vị quốc vương, không thể báo đáp ân đức chamẹ. Sự việc giống cái bình bị vỡ, nghĩa lý như hạt giống bị cháy, cũng như cây đa-la đã chặt ngọn thì đâu thể nào nảy mầm trở lại, đá chẻ làm đôi thì không bao giờ gộp lại nguyên vẹn. Những hạng người này quỉ thần khinh ghét, gọi là kẻ ác, còn Như Lai cho đó chẳng phải là đệ tử của Ngài.
Đã chẳng thể làm ruộng phúc thế gian, sao dám nhận người khác kính lễ; gần thì ngăn cản con đường trời người, xa thì chướng ngại đạo hiền thánh. Tội như thế rất nhiều, đâu thể nói hết. sống trong đạo mà còn như vậy, ở nơi tục thì làm sao cứu được! Vì thế một khi mất thân người thì trải qua nhiều kiếp mới gặp lại, gặp lại thì vẫn y như cũ. Nay phải lấy nước tàm quí rửa sạch bụi thức tỉnh; cầm dao phát lộ chặt đứt lưới che giấu. Ngưỡng lên thì xấu hổ với tiên hiền, cúi xuống thì hổ thẹn với hậu đức; thành tâm sám hối đến tận vị lai; thấy tất cả phàm phu thì khởi ý niệm cung kính như thấy Phật; tự răn mình luôn có ý niệm thấp kém như kẻ hạ tiện; chẳng có tâm che giấu lôi lầm, luôn luôn tu học tất cả pháp thiện, thổ lộ hết lòng này, đó gọi là tàm quí.
14.2. DẪN CHỨNG
Kinh Niết-bàn ghi:
– Có hai pháp thiện là tàm và quí để cứu chúng sinh. Tàm là bản thân không làm ác; quí là không bảo người khác gây tội. Tàm là xấu hổ trong lòng; quí làbày tỏ lỗi lầm cho người biết. Tàm là hổ thẹn với người; quí là hổ thẹn với trời. Người có tàm quí mới cung kính cha mẹ, thầy tổ, tất cả hàng xuất gia, tại gia cùng người, phi nhân, lại thêm kính trọng Tam bảo, diệt trừ các nghiệp ác”.
Luận Ca-chiên ghi:
– Hỏi: Vô tàm là gì?
Đáp: Việc đáng hổ thẹn mà chẳng hổ thẹn, việc đáng tránh mà chẳng tránh; cung kính với tâm bất thiện, kết giao với tâm bất thiện gọi là vô tàm.
Hỏi: Vô quí là gì?
Đáp: Việc đáng thẹn mà không thẹn, việc đáng sợ mà chẳng sợ, chẳng sợ việc ác, cho nên gọi là vô quí. Lại kết giao với tâm bất thiện gọi là vô tàm; chẳng sợ việc xấu gọi là vô quí; ngược lại ý trên thì gọi là tàm quí.
Luận Tân bà-sa ghi:
– Ở thế gian, chúng sinh thấy người vô tâm cho là vô quí, thấy người vô quí cho là vô tâm, rồi nói đặc tính của tàm quí là một. Sau đây sẽ trình bày sự khác nhau về tính tướng của tàm quí giúp người còn nghi ngờ hiểu biết chính xác.
Hỏi: Sự khác nhau giữa vô tàm, vô quí như thế nào?
Đáp: Tâm buông lung mà không sợ hãi là vô tàm; không sợ tội là vô quí. Không cung kính là vô tàm, không sợ hãi là vô quí. Không chán ghét phiền não là vô tàm, không chán ghét ác hạnh là vô quí. Tạo ác mà không tự xét lại là vô tàm, gây tội mà không kể gì đến người khác là vô quí. Tạo ác mà không tự thẹn là vô tàm, gây tội mà không hổ thẹn với người khác là vô quí. Tạo ác mà không thẹn lương tâm là vô tàm, gây tội mà cao ngạo phóng túng là vô quí. Tạo ác khi không có người mà không xấu hổ là vô tàm, gây tội lúc có người mà không hổ thẹn là vô quí. Tạo ác khi có ít người chung quanh mà không xâu hổ là vô tàm, gây tội giữa đám đông mà không hô thẹn là vô quí. Tạo ác trước chúng sinh ba đường ác mà không xấu hổ là vô quí, gây tội trước hữu tình ba đường thiện mà không hổ thẹn là vô quí. Tạo ác trước kẻ ngu mà không xấu hổ là vô tàm, gây tội trước người trí mà không hổ thẹn là vô quí. Tạo ác trước kẻ thấp hèn mà không xấu hổ là vô tàm, gây tội trước người tôn quí mà không hổ thẹn là vô quí. Tạo ác trước kẻ tại gia mà không xấu hổ là vô tàm, gây tội trước người xuất gia mà không hổ thẹn là vô quí. Tạo ác trước người chẳng phải thân giáo sư, quĩ phạm sư mà không xấu hổ là vô tàm, gây tội trước thân giáo sư, quĩ phạm sư mà không thẹn là vô quí. Khi tạo tộimà không xấu hổ với trời là vô tàm, khi gây tội không hổ thẹn với người là vô quí. Không chê trách các nhân ác là vô tàm, không chán sợ những quả ác là vô quí. Đông loại với tham là vô tàm, đông loại với si là vô quí.
Trên đây là sự sai khác giữa vô tàm và vô quí. Hai pháp này chỉ thuộc về cõi Dục, là pháp bất thiện tương ưng với tất cả tâm, tâm sở bất thiện, ngoại trừ tự tính.
Luận Du-già ghi:
– Thế nào là vô tàm, vô quí? Đos là thấy bản thân và người khác không có gì đáng hổ thẹn, cho nên muốn chê bai hủy phạm. Đã phạm mà không như pháp sám hối diệt trừ lỗi lầm, thích gây ra mọi việc tranh tụng, trái nghịch, đó gọi là vô tàm, vô quí.
Kinh Di giáo ghi:
– Tàm như móc sắt có thể chế phục người làm chuyện phi pháp, cho nên tì-kheo phải luôn luôn tàm quí, không được tạm rời. Nếu lìa tàm quí thì mất hết các công đức. Người có quý thì có pháp thiện; người vô quí thì không khác gì cầm thú.
Luận Trí độ có bài kệ ghi:
Hành đạo biết tàm quí
Khất thực độ chúng sinh
Tại sao theo dục trần
Chìm đắm trong ngũ tình.
Mặc giáp, cầm vũ khí
Thấy giặc liền bỏ chạy