QUYỂN 19
Quyển này có một chương Kính tăng.
8. CHƯƠNG KÍNH TĂNG
8.1. LỜI DẪN
Tăng bảo là những bậc trì giới cấm, giữ chân tính, oai nghi thoát tục. Họ cầu xuất thế mà phát tâm, lìa thế gian mà học đạo, không động lòng trước danh lợi vinh hoa, không bị trói buộc bởi tình thân quyến thuộc. Suốt đời lo hoằng truyền Phật đạo để báo đáp bốn ân, tu dưỡng giới đức để cứu giúp ba cõi, vượt trên trời người, quí hơn vàng ngọc. Tăng bảo đem lại lợi ích không thể kể xiết. Do đó, kinh nói: Đối với vị tăng dù già hay trẻ, giữ giới hay phá giới, đều nên thật cung kính, không được khinh thường. Nếu trái lời dạy này thì bị tội nặng”.
Nếu muốn đợi Thái công làm tể tướng thì nghìn đời cũng không có Thái công, mong được La-thập làm thầy thì vạn kiếp cũng không có La-thập. Đâu thể thấy một vị tăng lỗi lầm mà chê bai đến Phật tôn quí, thấy một người giới kém mà khinh pháp vô thượng. Chỉ có thê vì đạo bỏ người, vì người không hoằng đạo; chứ không thể vì người bỏ đạo, bởi đạo là thầy cùa người.
Như Phật Thích-ca… chính là Phật bảo; giáo, lí hạnh, quả do kim khẩu Ngài nói ra chính là pháp bảo; các sa-môn chứng quà chính là tăng bảo. Cho nên, chỉ một lần chiêm ngưỡng, một lần lễ lạy Tam bảo thì tiêu sạch muôn phiền não; một lần khen ngợi, một tiếng xưng danh Tam bảo thì tan hết nghìn tai họa.
Tự nghĩ mình phúc mỏng không gặp được chính pháp, song cũng còn may được nương giáo pháp Phật để lại, được hưởng ân trạch của Như Lai. Bấy giờ, tượng Đức Phật được họa vẽ khắc tạo trên vàng, gỗ, đồng, vải, lụa với sắc màu đen, trắng, đỏ, xanh là Phật bảo. Những lời kinh điển ghi chép trên giấy, lụa, tre, vải… là pháp bảo. Người cạo râu tóc, mặc y nhuộm, ôm bình bát là tăng bảo. Ba thể tướng ấy tuy giả, nhưng tiêu biểu cho hình ảnh chân thật. Do đó, tôn kính ba thể ấy thì mãi mãi thoát khỏi cảnh luân hồi; ngược lại, xem thường thì rước lấy khổ báo.
Như tượng gỗ không phải mẹ ruột, nhưng lễ lạy thì tiếng thơm lưu mãi nghìn năm. Phàm tăng dù không phải thánh tăng, mà tôn kính thì phúc đức cũng hơn vạn đời. Nên biết, ngọn gió ấy đã thổi thì xa gần đều noi theo; âm thầm cứu giúp chúng sinh thì công đức chẳng thể lường, nếu có lỗi lầm đối với bậc ấy thì mắc tội rất lớn. Người đã nguyện xuất gia, về lí phải khác thế tục. Như triều Tống lúc đầu không biết, tin theo tà đạo xao động lòng người, đạo tục kinh sợ. Sau tỉnh ngộ, vua hối hận ăn năn, lại đích thân lễ kính.
Nước Tống với vùng Kinh-Man quê mùa hẹp nhỏ, đôi dòng Giang-Hán thác ghềnh, đâu thể so với nước lớn được trị vì bởi Kim luân thánh vương.
Hơn nữa, kinh Lễ ghi: “Người mặc giáp thì không lễ lạy quân vương vì sợ mất khí tiết”. Còn người bỏ đời sống thế tục, thân khoác giáp nhẫn nhục mà quì lạy hàng cư sĩ, theo lí thì không thể chấp nhận được. Tam bảo đều tôn quí như nhau, cần phải kính trọng như nhau, không nên chỉ tuân theo Phật và pháp mà bỏ tăng ni. Vì pháp không tự truyền bá, mà cần phải do người truyền bá. Người có năng lực hoằng pháp thì nên tôn kính như Phật và pháp.
8.2. DẪN CHỨNG
Kinh Phạm võng ghi: “Người xuất gia không được lễ bái vua chúa, cha mẹ, người thân, cũng không kính thờ quỉ thần”.
Kinh Niết-bàn ghi: “Người xuất gia không lễ lạy người tại gia”.
Luật Tứ phần ghi: “Phật bảo các tì-kheo theo thứ tự vị nhỏ kính lễ vị lớn, không nên lễ lạy cư sĩ tại gia”.
Kinh Phật bản hạnh ghi: “Sau khi vua Tịnh Phạn cùng quyến thuộc và trăm quan lần lượt lễ Phật. Đức Phật nói:
– Nay phụ vương nên đinh lễ các tì-kheo như tì-kheo Ưu-ba-li …
Vua nghe lời Phật, từ tòa đứng dậy lần lượt đỉnh lễ năm trăm vị tì-kheo.
Kinh Tát-già Ni-kiền-tử ghi: “Nếu người phỉ báng pháp Thanh văn, Bích-chi phật và pháp Đại thừa thì phạm tội căn bản”.
Luận Thuận chỉnh lí ghi: “Chư thiên không dám nhận sự lễ lạy của người thụ năm giới. Như vua của các nước cũng không muốn tì-kheo lễ bái, vì sợ tổn công đức và thọ mạng”.
Kinh Niết-bàn ghi: “Phật bảo Ca-diếp:
– Nếu có người xiển dương và hộ tri Phật pháp thì phải đến thưa hỏi và xả thân mạng mà cúng dường, như ta đã nói trong các kinh Đại thừa:
Là người biết pháp
Tì-kheo lớn nhỏ
Phải nên cúng dường
Cung kính lễ bái
Giống việc thờ lửa
Của bà-la-môn.
Là người biết pháp
Tì-kheo lớn nhỏ
Phải nên cúng dường
Cung kinh lễ bái
Giống như chư thiên
Kính thờ Đế Thích.
Ca-diếp thưa Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Như lời Thế Tôn dạy thì phải nên cúng dường sư trưởng như thế. Nhưng nay con có điều nghi, xin Ngài chỉ dạy: Nếu vị trưởng lão tôn túc hộ trì giới cấm đến tì-kheo trẻ tuổi học hỏi những điều chưa biết, vị ấy có nên kính lễ tì-kheo trẻ không? Nhưng nếu lễ kính thì không gọi là người trì giới. Nếu có tì-kheo trẻ tuổi giữ gìn giới cấm theo học hỏi những điều chưa biết với các tì-kheo lớn tuổi phá giới, thì có phải lễ lạy tì-kheo ấy không? Nhưng mà trong Phật pháp, người trẻ tuổi phải nên cung kính bậc trưởng lão tôn túc nhiều tuổi, vì vị ấy thụ giới cụ túc và thành tựu các uy nghi trước, thế nên phải cung kính cúng dường các vị ấy. Nếu người xuất gia theo học hỏi những điều chưa biết với người tại gia, có nên lễ lạy người tại gia không? Nhưng Phật đã dạy người xuất gia thì không nên lễ kính người tại gia?
Đức Phật bảo Ca Diếp: