QUYỂN 10
Quyển này tiếp theo chương Thiên Phật.
5. CHƯƠNG THIÊN PHẬT (tt)
5.9. NẠP PHI
5.9.1. Lời dẫn
Pháp thân vô hình, tùy ứng mà hiện; cơ duyên vô số, nên dấu tích giáo hóa cũng chẳng phải một. Hoặc lìa dục mà thụ đạo, hoặc ở trong nhiễm mà hiện quyền. Nếu không nói rõ việc nạp phi thì kẻ phàm phu chê là phi nhân. Tuy bày cảnh năm dục, nhưng không thay đổi được quyết tâm, cho nên đi khắp bốn cửa thành; buồn cho ba khổ già bệnh chết, nên than: “Đời người như vậy, Ta đâu nhẫn chịu ở lại thế gian! Đây chính là lúc Ta xả bỏ tất cả để tìm chân đạo!”.
Kinh Duy-ma ghi: “Trước dùng ái dục lôi kéo, sau dẫn dắt họ vào đạo”.
5.9.2. Quán đỉnh
Kinh Nhân quả ghi: “Đến lúc thái tử trưởng thành, phụ vương ban sắc lệnh cho các nước, đến ngày mùng tám tháng hai làm lễ quán đỉnh cho tháitử, tất cả phải tập hợp đông đủ. Khi sắc lệnh truyền đến, vua và quần thần của các nước đều nhóm họp đúng giờ xem việc lập thái tử và ban ân lớn”.
Luật sư Đạo Tuyên cư ngụ tại chùa Tây Minh ở Trường An, đức độ sáng chói trong hàng Tăng, đạo nghiệp cao siêu vượt trên Phạm chúng, tinh tiến khổ hạnh cho đến cuối đời. Sư sớm được theo thầy, đến hơn năm mươi tuổi, ngừng đi hỏi đạo, chỉ lo trụ trì và quan tầm đến việc biên tập, giúp xiển dương Tam bảo. Thế là sư gom tập, biên soạn hơn một trăm quyển nói về phép tắc thiền môn và tất cả những điều quan trọng có ý thú sầu xa.
Đến tiết Trọng Xuân, niên hiệu Càn Phong thứ hai (667) đời Đại Đường, sư trụ tại chùa Tịnh Nghiệp ở cung Thái Thanh, kinh sư để tĩnh tu. Đến tuổi già, khí lực sắp suy, sư thường nghĩ đến tứ sinh, luôn nhớ về ba hội. Bỗng một hôm vì nhân duyên đời trước mà chúng sinh u linh đến bái phong và hầu hạ, nhân đây sư dần dần khỏi bệnh. Từ đó sư nỗ lực tu tập, nên được ứng nghiệm. Bấy giờ có các thuộc quan của Tứ thiên vương đến trước cửa phòng luật sư, giống như có tiếng chân người bước đi. Luật sư hỏi:
– Ai đó?
– Đệ tử là Trương Quỳnh. Vị trời đáp.
– Đàn việt ở đâu? Luật sư lại hỏi.
– Đệ tử là con thứ mười lăm của Nam Thiên vương ở tầng trời thứ nhất, thuộc cõi Dục. Vua có chín mươi mốt người con, mỗi vị đều anh minh, mưu lược, thần vũ, trấn giữ một nước, thống lãnh tăng tục trong thiên hạ, phân biệt rõ trì phạm. Nhưng họ đều đích thân học hỏi giáo pháp của Phật, khuyến thiện trừng ác, khiến cho giáo pháp hưng thịnh, vun bồi công đức. Theo kinh thì đệ tử là con của Tì-lưu-li vương ở phương nam trong Hộ thế tứ thiên vương, luôn theo hộ trì pháp sư chứ không phải nói suông.
Luật sư hỏi:
– Đàn việt đã không chê tôi công đức kém cỏi mà đến gặp, tại sao lại đứng ngoài cửa không vào?
Đáp: Không được sự cho phép của thầy, đệ tử không dám vào!
Luật sư nói:
– Xin mời vào ngồi!
Vị trời vào đỉnh lễ luật sư rồi ngồi xuống. Luật sư lại hỏi:
– Đàn việt đã dốc lòng tin Tam bảo, lại vâng theo lời dặn dò của Phật hộ trì Tam bảo, nay đã đến gặp tôi, tại sao không hiện hình?
Đáp:
– Báo thân của đệ tử và loài người khác nhau, lại phát ánh sáng lạ, có thể làm kinh động mọi ngườinên không hiện. Con cùng thầy bàn luận, không cần phải hiện thân.
Luật sư lại hỏi:
– Bần đạo từ đầu xuân đến nay cảm thấy khí lực dần dần suy yếu, thuốc men không còn công hiệu, không biết xả mạng lủc nào!
– Báo thân luật sư sắp hết, không cần dùng đến thuốc thang. Vị trời nói.
Luật sư lại hỏi:
– Báo thân này ngày nào chấm dứt?
– Đâu cần phải nói lúc nào? Chỉ cần biết không lâu nữa thọ mạng của luật sư chấm dứt, được sinh lên cõi trời thứ tư, chỗ Phật Di-lặc. Vị trời đáp.
Luật sư hỏi:
– Còn người đi cùng với đàn việt là ai?
– Trương Dư, anh thứ ba của đệ tử. Vị này thông minh trí tuệ, kính tin Phật pháp. Anh ấy soạn bộ kinh Kì-hoàn đồ, hơn một trăm quyển; nhưng chỉ nêu việc tại cung trời, không nghe nóỉ đến địa phủ.
Luật sư nghe những lời này trong lòng vô cùng vui mừng, ý muốn xin thuật lại để khai thị cho đạo tục ở thế gian. Lại có vị trời Vi Côn là một trong tám đại tướng quân Nam Thiên vương, vị này cũng là đứng đầu trong ba mươi hai vị tướng của tứ thiên vương. Lúc mới sinh đã thông tuệ, sớm lìa dục trân, tu hành chân chính, Phạm hạnh thanh tịnh, tu nghiệpđồng chân, đích thân lãnh thụ lời phó chúc của Phật, hộ trì Phật pháp, thống lãnh ba châu, bảo vệ nhân dân là nhiệm vụ chính. Quên thân, quên nghỉ, lo lắng cho bốn bộ chúng, biết rõ căn cơ và pháp giáo hóa, luôn giúp đõ hàng Ngũ thừa. Vì thế, bốn lần Phật giáo sắp diệt vong, chư tăng và tượng Phật, bồ-tát gặp nguy hiểm đều được ông bảo vệ. Vị này luôn mong được gặp mặt pháp sư để trình bày đầy đủ phép tắc giáo hóa. Vị trời lại khen ngợi việc luật sư đã nối tiếp phong cách biên soạn của người xưa, lược soạn một tập sách nói về thánh tích trụ trì ở thế gian.
Thế là, luật sư y theo lời dặn dò của chư thiên, tuy thân còn bệnh, nhưng vẫn cầm bút ghi lại những điều đã nghe, tất cả gom thành mười quyển. Luật sư lo sợ báo thân này sắp hết, lại nghĩ vị trời sắp đi, nên chăm chú viết nhanh, không còn nghĩ đến việc khác. Do đó, lời văn giản lược. Nhưng ở đây chỉ cân đạt thánh ý, không cần lời văn trau chuốt. Nếu có những điều chưa rõ vê việc thánh tích trụ trì thế gian,