Home / KINH - LUẬN / Kinh Pháp Bảo Đàn / Phẩm thứ tám – ĐỐN TIỆM

Phẩm thứ tám – ĐỐN TIỆM

Phẩm thứ tám – ĐỐN TIỆM

Bấy giờ Tổ ở chùa Bảo Lâm Tào Khê, Đại sư Thần Tú ở chùa Ngọc Tuyền Nam Kinh, hai tông đốn tiệm giáo hóa hưng thạnh. Người người đều nói “nam Năng bắc Tú”, mà người học đạo chẳng biết chọn tông nào.

Tổ bảo chúng rằng: Người có Nam Bắc, pháp vốn một gốc; thấy có nhanh chậm, pháp chỉ một nguồn. Pháp không đốn tiệm, cớ sao lập tiệm đốn? Người có lợi độn, nên gọi đốn tiệm.
Đệ tử Thần Tú chê Tổ sư Nam Tông không biết một chữ, đâu có sở trường gì, Thần Tú quở chúng: Ta chẳng bằng Huệ Năng, người được trí vô sư, thâm ngộ pháp thượng thừa, vả lại, Thầy ta là Ngũ Tổ đích thân truyền y bát, các ông chớ nói những lời ngu mê kia. Ta hận luông chịu hư ân của Vua, chẳng thể sang bên ấy sớm hôm thân cận. Các ông chớ quyến luyến nơi đây, hãy sang Tào Khê thưa hỏi quyết nghi.
Một hôm Thần Tú bảo Chí Thành: Ông là người thông minh trí khéo, hãy vì ta đến Tào Khê thỉnh pháp, mỗi mỗi hết lòng ghi nhớ.
Chí Thành vâng lời đến Tào Khê theo chúng thỉnh pháp, chẳng nói từ đâu đến.
Lúc ấy Tổ bảo chúng: Hôm nay có người trộm pháp lẫn trong hội này.
Chí Thành liền bước ra lễ lạy, như việc thuật lại.
Tổ hỏi: Ngươi từ Ngọc Tuyền đến trộm pháp phải không?
Chí Thành nói: Chẳng phải.
Tổ hỏi: Sao chẳng phải?
Chí Thành trả lời: Chưa nói là phải, nói rồi không phảỉ.
Tổ hỏi: Thầy ngươi dạy pháp gì?
Chí Thành nói: Đại sư thường dạy Đại chứng trụ tâm quán tịnh, thường ngồi chẳng nằm.
Tổ bảo: Trụ tâm quán tịnh là bệnh, chẳng phải thiền. Câu nệ cái thân thường ngồi chẳng nằm, làm thế có ích chi? Hãy nghe Ta nói kệ:
Khi sống ngồi chẳng nằm
Chết rồi nằm chẳng ngồi,
Chỉ là đống thịt hôi
Nào có công có tội.
Chí Thành lễ lạy thưa: Đệ tử học đạo ở Đại sư Thần Tú chín năm chẳng được khế ngộ, hôm nay nghe một lời của Hòa thượng liền khế hợp bổn tâm. Đệ tử vì việc lớn sanh tử, cúi xin Hòa thương đại từ vì con chỉ dạy.
Tổ bảo: Ta nghe Thầy ngươi thường dạy người pháp Giới Định Huệ, Thầy ngươi dạy hành tướng Giới Định Huệ như thế nào hãy thuật Ta nghe.
Chí Thành thưa: Đại sư dạy bỏ các điều ác là Giới, làm các việc lành là Huệ, ý thường thanh tịnh là Định. Đại Sư dạy như thế, chẳng hay Hòa thượng dùng pháp gì dạy người?
Tổ bảo: Ta nếu có pháp nói cho người, tức lừa dối người. Ta chỉ tùy duyên giải mê, giả danh gọi Tam-muội. Giới Định Huệ thầy ngươi dạy thật chẳng thể nghĩ bàn, nhưng Giới Định Huệ Ta dạy có khác.
Chí Thành nói: Giới Định Huệ chỉ một, sao lại nói có khác?
Tổ nói: Thầy ngươi dạy Giới Định Huệ tiếp người Đại thừa, Giới Định Huệ Ta dạy tiếp người Tôi thượng thừa, chỗ thấu thoát chẳng đồng nên thấy có nhanh chậm. Ngươi hãy nghe Ta nói, cùng kia có giống chăng? Thuyết pháp phải không lìa tự tánh, lìa thể thuyết pháp tức là tướng thuyết. Tự tánh mê nên không biết muôn pháp đều từ tự tánh khởi dụng, pháp như thê’ là chơn Giới Định Huệ. Lóng nghe Ta Hỏi kệ:
Tâm địa không lỗi tự tánh Giới
Tâm địa không si tự tánh Huệ
Tâm địa không loạn tự tánh Định
Không tăng không giảm tự Kim cang
Thân đến thân đi vốn Tam-muội
Chí Thành nghe xong, lễ lạy trình kệ:
Huyễn thân năm uẩn
Huyễn nào cứu cánh
Hướng đến chơn như
Pháp hoàn chẳng tịnh.
Tổ gật đầu, lại nói tiếp: Giới Định Huệ thầy ngươi dạy người căn trí nhỏ, Giới Định Huệ Ta dạy người căn trí lớn. Nếu ngộ tự tánh, Bồ-đề, Niết-bàn cũng không lập, Giải thoát tri kiến cũng không lập, không một pháp khá được mới năng kiến lập vạn pháp. Nếu thấu ý chỉ dây, cũng gọi Bồ-đề, Niết-bàn, cũng gọi Giải thoát tri kiến. Người kiến tánh lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không ngăn không ngại, ứng dụng tùy duyên, tùy căn ứng đáp, hóa hiện thân khắp. Chẳng lìa tự tánh tức đắc thần thông tự tại du hý tam-muội, gọi là kiến tánh.
Chí Thành lại thưa: Tại sao không lập nghĩa?
Tổ bảo: Tự tánh không lỗi, không si, không loạn, niệm niệm trí Bát Nhã chiếu soi, thường lìa pháp tướng, tự do tự tại, buông bắt thảy được, có chỗ nào lập? Tự tánh tự ngộ, đốn ngộ đốn tu, cũng không thứ lớp. Sở dĩ không lập các pháp, vì các pháp tịch diệt, nào có thứ lớp!
Chí Thành lễ lạy, nguyện làm thị giả không màng sớm khuya.
Tăng Chí Triệt, vốn họ Trương tên Hạnh xương ở Giang Tây, lúc thiếu thời nghĩa khí hào hiệp.
Khi Nam Bắc phân chia đốn tiệm, tuy hai Tông chủ không lòng bỉ thử mà chúng đệ tử thường tranh hơn thua. Bây giờ, chúng đệ tử Bắc tông tự lập thầy mình làm Tổ thứ Sáu, nhưng sợ xưa Tổ sư truyền y người người đều biết, bèn sai Hạnh Xương đến hành thích.
Tổ biết trước sự việc, để sẵn mười lượng vàng nơi chỗ ngồi. Đêm ấy Hạnh xương lẻn vào thất toan muốn chém Tổ, thời Ngài đưa cổ ra, Hạnh xương chém liền ba nhát mà chẳng đứt.
Tổ bảo: Gươm chánh chẳng sợ tà, gươm tà chẳng hại chánh, chỉ nợ ngươi vàng, chẳng nợ ngươi mạng.
Hạnh xương té xỉu chết ngất hồi lâu mới tỉnh, thành khẩn lễ lạy sám hối, nguyện xin xuất gia. Tổ cho vàng bảo: Ngươi hãy di, chớ ở đây đồ chúng sẽ hại ngươi, ngày khác đổi dạng mà đến Ta sẽ tiếp độ.
Hạnh xương vâng lời, đêm ấy trốn đi, về sau nương Tăng xuất gia. Một hôm nhớ lời Tổ dạy, trở về lễ Tổ.
Tổ nói: Ta lâu nay nhớ ngươi, sao đến muộn vậy?
Hạnh xương thưa: Con nhờ ân Hòa thượng xá tội, tuy mang thân xuất gia tu khổ hạnh mà ân đức Thầy khó đáp, xin Thầy truyền pháp độ sanh. Đệ tử thường xem Kinh Niết Bàn, chưa hiểu nghĩa thường, vô thường, cúi xin Hòa thượng từ bi vì con giảng dạy.
Tổ nói: Vô thường tức là Phật tánh, thường tức tất cả các pháp tốt xấu phân biệt nơi tâm.
Hạnh xương thưa: Chỗ dạy của Hòa thượng trái với Kinh văn.
Tổ bảo: Ta truyền tâm ân Phật, sao dám trái Phật Kinh?
Hạnh Xương thưa: Kinh thuyết Phật tánh là thường, Hòa thượng nói vô thường; các pháp thiện ác cho đến tâm Bồ-đề đều vô thường, Hòa thượng nói thường. Đó là trái nhau, khiến con không thể hội.
Tổ nói: Kinh Niết Bàn xưa Ta nghe Ni cô Vô Tận Tạng tụng một lần, vì Ni giảng không một chữ một nghĩa nào chẳng hợp Kinh văn. Hôm nay vì ngươi thuyết cũng không khác.
Hạnh xương thưa: Con căn trí ám độn hiểu biết cạn cợt, nguyện xin Hòa thượng phương tiện khai thị.
Tổ bảo: Ngươi phải biết Phật tánh nếu thường, thời các pháp thiện ác đến cùng kiếp không một người phát Bồ-đề tâm, nên Ta nói vô thường chính hợp với Phật nói đạo chơn thường. Lại tất cả pháp nếu vô thường, thời các vật đều có tự tánh, dung thọ sanh tử mà tánh chơn thường chẳng mảy may biến đổi, nên Ta nói thường chính là Phật thuyết nghĩa chơn vô thường. Phật vì phàm phu, ngoại đạo, tà kiến chấp thường, Nhị thừa thường chấp vô thường cộng thành tám thứ điên đảo, nên Kỉnh Niết Bàn Phật vì phá các thiên kiến kia mà hiển nghĩa Chơn thường, Chơn lạc, Chơn ngã, Chơn tịnh. Ngươi nay y lời mà không hiểu nghĩa, đem đoạn diệt vô thường và thường định khô kiệt hiểu lầm lời nói tối hậu vi diệu viên minh của Phật, dẫn xem Kinh ngàn lần có ích chi!
Hạnh Xương hốt nhiên đại ngộ, nói kệ rằng:
Nhơn giữ tâm vô thường
Phật nói tánh hữu thường,
Chẳng biết là phương tiện
Như nhặt đá ao xuân.
Nay con chẳng nhọc sức
Mà tánh Phật hiện tiền,
Chẳng phải Thầy trao cho
Con cũng không chỗ được.
Tổ bảo: Ngươi nay đã thấu triệt, Ta đặt tên Chí Triệt.
Triệt lễ tạ mà lui.
Tổ thấy các tông tụ hội nạn vấn lẫn nhau, phần nhiều sanh ác tâm, xót thương bảo: Người học đạo, tất cả niệm ác niệm thiện, lẽ phải tận độ. Không danh mà gượng lập danh, danh với tự tánh là tánh không hai, nên gọi thật tánh. Từ thật tánh kiến lập tất cả pháp môn, nhơn lời để tỏ đạo.
Mọi người nghe Tổ nói, thấu được yếu chỉ, thảy đều đảnh lễ cầu Tổ làm Thầy.

About namcuulong

Check Also

Phẩm thứ sáu – SÁM HỐI

Phẩm thứ sáu – SÁM HỐI Bấy giờ, dân chúng ở Quảng Châu, Thiều Châu ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *