Phẩm thứ sáu – SÁM HỐI
Bấy giờ, dân chúng ở Quảng Châu, Thiều Châu cùng học sĩ bốn phương câu hội trong núi nghe pháp. Tổ thăng tòa bảo chúng:
Thiện tri thức! Sự tu hành từ tự tánh quý vị khởi, trong tất cả thời niệm niệm tự thanh tịnh nơi lòng, tự tu, tự hành, tự thấy Pháp thân, tự thấy tâm Phật, tự răn, tự độ mới được. Quý vị từ xa đến, cùng chung tại đây một hội, ắt đều có duyên chẳng phải vô cớ. Quý vị hãy quỳ xuống, Ta sẽ truyền tự tánh năm phần hương Pháp thân, kế đến lãnh thọ vô tướng sám hối.
Chúng quỳ xong, Tổ bảo:
Giới hương tức trong tự tâm không thiện, không ác, không tật đố, không tham sân, không ghen ghét, không sát hại… gọi Giới hương. Định hương tức thấy tất cả cảnh thiện ác, tự tâm không loạn gọi Định hương. Huệ hương tức tự tâm vô ngại, thường dùng trí huệ tự tánh quán chiếu, không làm các việc ác, tuy làm các việc lành lòng không tham đắm, kính trên nhường dưới, nhớ thương cứu giúp kẻ nghèo cùng cô độc… gọi Huệ hương. Giải thoát hương tức tự tâm không phan duyên; chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại gọi Giải thoát hương. Giải thoát tri kiến hương tức tự tâm không phan duyên thiện ác, chẳng trầm không thủ tịch, phải học rộng nghe nhiều, tự tâm thấu rõ đạt lý chư Phật, hòa nhập tiếp vật không ngã không nhơn, trực thẳng Bồ-đề chơn tánh không khác, gọi Giải thoát tri kiến hương.
Thiện tri thức! Hương này mỗi mỗi tự huân ướp bên trong, chớ hướng ngoài cầu. Nay trao cho quý vị Vô tướng sám hối, khiến tội ba đờỉ tiêu trừ, ba nghiệp được thanh tịnh. Thiện tri thức! Quý vị hãy nói theo Ta:
Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm theo ngu mê. Tất cả thói quen ngu mê ác nghiệp đã có từ trước, nay thảy đều xin sám hối, nguyện nhất thời tiêu diệt, vĩnh kiếp chẳng dám tương tục.
Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm theo cao ngạo gian dối. Tất cả thói quen cao ngạo gian dối ác nghiệp đã có từ trước, nay thảy đều xin sám hối, nguyện nhất thời tiêu diệt, vĩnh kiếp chẳng dám tương tục.
Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm chang nhiễm theo tật đố ghét ganh. Tất cả thói quen tật đố ghét ganh ác nghiệp đã có từ trước, nay thảy đều xin sám hối, nguyện nhất thời tiêu diệt, vĩnh kiếp chẳng dám tương tục.
Thiện tri thức! Trước đã truyền Vô tướng sám hối. Sao gọi Sám? Sao gọi Hối? Sám là sám tội tiền khiên ác nghiệp đã có từ trước, do thói quen ngu si, mê lầm, kiêu mạn, gian dối, ghét ganh, hiềm hận… các tội thảy nguyện dứt trừ, vĩnh kiếp chẳng dám phát khởi gọi là Sám. Hối là hối các lỗi sau, từ nay về sau không còn tương tục các ác nghiệp do thói quen ngu si, mê lầm, kiêu mạn, gian dối, ghét ganh, hiềm hận… các tội thảy, nay đã giác ngộ, nguyện dứt trừ chẳng dám tạo tác gọi là Hối. Như thế mới gọi sám hối. Phàm phu ngu mê, chỉ biết ăn năn lỗi trước, chẳng biết ngừa bỏ lỗi sau, nên tội trước chưa diệt, tội sau lại sanh. Tộỉ trước đã chẳng diệt, tội sau lại sanh như thế sao gọi sám hối?
Thiện tri thức! Quý vị đã sám hối rồi, hãy phát bốn hoằng thệ nguyện. Mỗi người hãy dụng tâm chơn chánh lóng nghe:
Tự tâm chúng sanh vô hiên thệ nguyện độ.
Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn.
Tự tánh pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Tự tánh Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Thiện tri thức! Hãy tự độ vô biên chúng sanh nhỏ nhiệm nơi lòng, chẳng phải Huệ Năng độ. Thiện tri thức! Vô biên chúng sanh nơi lòng đó là tâm tà kiến, tâm si mê, tâm gian dối, tâm bất thiện, tâm ghét ganh, tâm ác độc. Tất cả tâm như thế, tự tánh mỗi mỗi tự độ, gọi là chơn độ.
Sao gọi tự tánh tự độ? Những chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si trong lòng, đem chánh kiến độ. Đã có chánh kiến thời trí Bát Nhã sanh độ ngu si, mê vọng, chúng sanh mỗi mỗi tự độ. Tà đến chánh độ, mê đến ngộ độ, ngu đến trí độ, ác đến thiện độ, tất cả đều độ như thế gọi chơn độ.
Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn tức tự tánh sanh trí Bát Nhã độ những nghĩ tưởng hư dối trong lòng.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học tức phải thấy tự tánh, thường hành Chánh pháp gọi là chơn học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành tức lòng thường khiêm hạ, tu hạnh chơn chánh, năng lìa mê lìa giác, trí Bát Nhã hằng sanh, chơn vọng đều bỏ thời thấy Phật tánh, thường nhớ Pháp, nguyện như Pháp phụng hành, tức thành Phật đạo.
Thiện tri thức! Quý vị đã phát bốn hoằng nguyện rồi, bây giờ quý vị thọ ba giới quy y vô tướng. Thiện tri thức! Quy y Giác lưỡng túc tôn, quy y Chánh ly dục tôn, quy y Tịnh chúng trung tôn. Từ ngày hôm nay trở đi, lấy Giác làm thầy, không quy y tà ma ngoại đạo. Ta khuyên quý vị quy y tự tánh Tam Bảo, y tự tánh Tam Bảo
thường soi rọi nơi lòng.
Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh. Tự tâm quy y Giác: tà mê chẳng sanh, biết muốn vừa đủ, năng lìa tài sắc, gọi Lưỡng Túc Tôn. Tự tâm quy y Chánh: niệm niệm không tà kiến nên không ta người, cống cao, tham ái, chấp đắm, gọi Ly Dục Tôn. Tự tâm quy y Tịnh: tất cả cảnh giới trần lao ái dục, tự tánh đều chẳng nhiễm đắm, gọi Chúng Trung Tôn.
Nếu tu hạnh đây là tự quy y. Phàm phu chẳng biết, từ sáng đến tối tuy thọ ba quy giới nhưng chẳng biết Phật ở chỗ nào quy. Nếu chẳng thấy Phật như vậy là chưa có quy, mở lời thành vọng ngữ.
Thiện tri thức! Quý vị quán xét, chớ lầm dụng tâm. Kinh dạy rõ rành tự quy y Phật, chớ không nói quy y tha Phật. Tự tâm Phật chẳng quy, không chút nào y. Nay hiểu được như thế, quý vị phải quy y tự tâm Tam Bảo, trong điều phục tâm tánh, ngoài hành cung kính với người, đó là tự quy y vậy.
Thiện tri thức! Đã quy y tự tánh Tam Bảo rồi, quý vị chí tâm lóng nghe, Ta nói tự tánh ba thân Phật đồng một thể, khiến các ngươi thấy rõ ba thân, tự ngộ tự tánh. Hết thảy lóng nghe:
Nơi sắc thân này quy y
Thanh tịnh Pháp thân Phật.
Nơi sắc thân này quy y
Thiên bách ức Hóa thân Phật.
Nơi sắc thân này quy y
Viên mãn Báo thân Phật.
Thiện tri thức! sắc thân là nhà, hướng đến ba thân Phật trong tự tánh, chẳng nói quy ở lời. Trong tự tánh người người sẵn có, vì tự tâm mê chẳng thấy tự tánh, hướng ngoài tìm ba thân Như Lai, không biết nơi tánh tự có ba thân Phật. Các ngươi lóng nghe, Ta khiến các ngươi nơi tự thân thấy tự tánh có ba thân Phật, ba thân Phật này từ tự tánh sanh, chẳng từ ngoài được.
Sao gọi Thanh tịnh Pháp thân Phật?
Người người tánh vốn thanh tịnh, muôn pháp từ tự tánh sanh, suy nghĩ việc ác thời ác hạnh sanh, suy nghĩ việc lành thời thiện hạnh sanh. Như thế, các pháp ở trong tự tánh cũng như bầu trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng, vì mây che nên phần trên sáng phần dướỉ tối, chợt gió thổi mây tan trên dưới đều sáng, muôn hình đều hiện. Thiện tri thức, trí như mặt trời, huệ như mặt trăng, trí huệ thường sáng. Tánh người đời thường dời đổỉ, như mặt trời bị mây che: ngoài tham cảnh, trong vọng niệm nổỉ lên che khuất tự tánh, chẳng được sáng thông. Nếu gặp Thiện tri thức, nghe được Chánh pháp, mê vọng tự trừ, trong ngoài suốt thông, muôn pháp đều hiện. Người thấy tánh cũng lại như thế, đây gọi Thanh tịnh Pháp thân Phật.
Thiện tri thức! Tự tâm quy y tự tánh là quy y chơn Phật. Tự quy y như thế, trong lòng dứt trừ tâm bất thiện, tâm tật đố, tâm xiểm khúc, tâm ta người, tâm luống dối, tâm khinh người, tâm ngạo mạn, tâm tà kiến, tâm cống cao và tất cả thời hành bất thiện, thường tự thây lỗi mình, chẳng nói tốt xấu của người, là tự quy y. Thường tu khiêm hạ, hành hạnh cung kính khắp cả, thông đạt tự tánh vốn không trệ ngăn, đó là tự quy y.
Sao gọi Thiên bách ức Hóa thân? Muôn pháp chẳng buộc, bản tánh vắng lặng, một niệm suy lường gọi là biến hóa. Suy nghĩ việc ác hóa làm địa ngục, suy nghĩ việc lành hóa làm thiên đường, độc hại hóa làm rồng rắn, từ bi hóa làm Bồ-tát, trí huệ hóa làm các cõi trên, ngu si hóa làm các cõi dưới. Tự tánh biến hóa sâu xa không