QUYỂN 100
Quyển này có một chương Truyện kí.
100. CHƯƠNG TRUYỆN KÍ
100.1. LỜI DẪN
Từng nghe: kinh điển của chín nhà chất đầy tại Linh Khâu, sách về phép tắc trong thiên hạ chất kín ở Quần Ngọc, lại cũng có văn khắc trên đá của Tam hoàng giữ tại Thanh khâu, Tử phủ; hay chữ Linh phi, Lục giáp tạo trên Lục kiểm, Hoàng thằng; nhưng cũng đâu sánh bằng bí tạng của Như Lai quí giá như minh châu, đâu thể so với phép tắc của chư Phật đồng như gương sáng. Như pháp tứ đế ở Lộc Uyển, văn tám tạng ở Ni viên, dù voi mạnh ở Hương sơn cũng không mang nổi, rương báu ở Long cung cũng chẳng chứa hết. Bởi lẽ, Đức Thích-ca chúng ta có cội đức sâu dày, đã gieo trồng từ đầu ba a-tăng-kì; diệu quả cao tột đã thành tựu vào cuối trăm đại kiếp. Ngài gom pháp giới làm trí, thâu hư không làm thân, đâu chỉ nhận khí từ đât trời, tâm trùm muôn vật thôi đâu!
Cho nên, thân biến khắp thì lượng vượt ngoài khuôn mẫu, trí biết cùng thì dụng không thể nghĩ bàn. Đâu thể dùng việc thế gian để suy lường, nào thể lấy nơi chốn để xác định! Ngài là đấng Đại sư của ba cõi, bậc Chí tôn của muôn đời. Chúng ta khả năng kém cõi, đâu thể diễn tả cho hết. Cho dù Chu công chế Lễ tạo Nhạc, Khổng Tử viết Dịch soạn Thi, Dư Tứ thông thạo ngôn ngữ, Thương Yển sở trường văn học, hay Tả Nguyên Phóng, Cát Trĩ Xuyên, Hà Thượng công, Trụ Hạ sử… thì vẫn còn quanh quẩn trong trần thế, đâu đáng để nói!
Do hàm linh chúng ta phúc cạn, nên sinh nhằm thời đấng Pháp vương đã vào niết-bàn, đầu ngài hướng về sông Đề phương bắc, thọ tám mươi tuổi. Như Lai xả bỏ ứng thân, chúng đệ tử rơi lệ máu khôn nguôi, tranh nhau hỏi điều nghi lần cuối, đồng đến cúng dường Thế Tôn lúc lâm chung.
Than ôi! Đuốc tuệ mây từ đã không còn, hàng đệ tử chơi vơi giữa đêm dài, thật đáng thương thay! Thế nên, chúng đệ tử chỉ biết chiêm ngưỡng tôn nhan qua khói chiên-đàn thơm ngát, ghi lại những lời giáo huấn của Ngài vào lá bối quí vô cùng. Từ đó có ba tạng kinh để thụ trì, có Tứ y để nương tựa. Nhờ đây mà phong giáo của Thế Tôn không mất.
Song, chính tượng đã qua, lòng người bạc bẽo; thế vận kim cổ đã đến hồi cuối. Từ đây Phật pháp truyền đến phương bắc rồi dần dần du nhập về đông. Vậy nên có điềm người vàng gá vào mộng Hán đế Lưu Trang, Ca-diếp Ma-đằng đợi Thái Âm khuyến thỉnh; đó là khởi đầu cho việc Phật pháp truyền đến đất Hán.
Hơn sáu trăm năm sau, các ngài như Khương Tăng Hội, Trúc Pháp Hộ, Phật-đồ-trừng, Cưu-ma-la-thập tiếp nối đến Trung Hoa, hoằng truyền giáo nghĩa Đại thừa. Sau đó lại có các đệ tử như ngài Đạo Sinh, Đạo An, Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, gạt bỏ thanh danh vinh hiển, một lòng qui hướng.
Đến thời Đường, có pháp sư Huyền Trang là người đức độ vượt lên vạn cổ, thanh danh cao vút trời xanh. Ngài đã vượt qua hơn một trăm năm mươi lãnh thổ, phiên dịch kinh luận số đến một ngàn năm trăm bộ, đã đạt đến chỗ hoàn mĩ, thật đáng ca ngợi tán dương! Đến nay, kinh tạng được dịch gần năm ngàn bộ, Phật pháp được truyền bá rộng khắp, cửa thiền ngày một hưng thịnh, đạo tục được nhiều lợi ích, thật không lời nào nói hết!
Thuở nhỏ, tôi đã đọc sách sử của Chu công và Khổng Tử; lúc về già cũng rất ngưỡng mộ ngôn từ sâu mầu của Lão Tử. Nhưng các triết thuyết này đều chưa thoát khỏi biển khổ, vẫn còn chìm đắm trong nhà lửa. Đáng gọi là trường tồn và rộng lớn hẳn chỉ có Phật giáo mà thôi! Thế là tôi cung kính bậc tôn quí quá khứ, lại ngưỡng mộ công hạnh của các bậc anh tài hôm nay. Các ngài đồng qui hướng chính đạo, đã tự thoát khỏi sự chìm đắm. Họ được gọi là Ân sĩ li dục, là Đại tướng phá tà. Tôi rất ngưỡng mộ nên nói như vậy. Nay liệt kê hơn năm nghìn quyển kinh được phiên dịch qua mười tám triều đại, ba trăm mười bộ, năm trăm ba mươi tám quyển bản kinh thất dịch do ba lần pháp nạn. Tôi cũng xin trình bày tổng quát đề mục các bộ kinh Đại và Tiểu thừa, ứng với niên đại đế vương. Còn nhân pháp thì đã được ghi lại đầy đủ trong Đại bản. Tôi lại nêu ra ba nghìn quyển, do các bậc đạo tục tài giỏi y cứ vào kinh Phật mà soạn, cũng như các sách của Bách gia chư tử có liên quan. Lại còn kể ra việc các Đế vương tạo phúc, niên đại Phật hạ sinh cõi Diêm-phù-đề và lược nêu các mốc thời gian. Những mục cần thiết như vậy đều được ghi chép ở sau, ngõ hầu các bậc hiền triết trong tương lai đồng xem xét, ghi nhớ.
100.2. PHIÊN DỊCH
Trộm nghĩ, từ khi có kinh điển đến nay, các bậc hiền đức ghi chép, mỗi khi đến phần dịch ngữ thì đều ghi: “Dịch từ Hồ sang Hán.” Chín châu Trung Quốc đều gọi Tây Vực là nước Thiên Trúc, hoặc gọi là Thân-độc, đó là gọi chung. Còn tiếng Phạn gọi Trung Quốc là Chỉ-na, hoặc Chân-đan, hoặc gọi là Chấn-đán, tùy theo âm giọng mỗi vùng mà khác nhau. Cũng có nơi gọi là Hán. Nhưng Hán chỉ là tên gọi hai triều đại Đông Hán và Tây Hán, do Lưu Bang sáng lập. về sau, lại tiếp nối có nhà Ngụy và nhà Tấn, nên phải lấy hiệu của các đế vương để phân biệt. Nay vì việc ghi chép này, nên cần chỉnh sửa lại cho chính xác. Hơn nữa, Hồ là giống dân ở ở biên địa của Thiên Trúc, giống như dân Khương, Man, Di ở Trung Quốc, vậy đâu thể nói văn trong kinh điển thuộc ngôn ngữ Hồ!
Lại nữa, Đức Phật ra đời ở Thiên Trúc. Nước này, những người thuộc dòng Bà-la-môn đều được gọi chung là Phạm, Phạm nghĩa là thanh tịnh, thuộc dòng dõi trời Quang Âm sắc, hay trời Quang Âm, là cõi thấp nhất của cõi Phạm Thế. Vào kiếp sơ, họ đến cõi này ăn chất béo của đất, nên thân thể nặng nề không thể trở về trời, vì thế phải làm người, nhưng vẫn giữ tên cũ, nên mới gọi là Phạm; ngôn ngữ, sách vở giống cõi trời nên gọi là Phạm thư, Phạm ngữ. Như trước dây, chúng tăng đều dùng tục tính, nhưng nay đều lấy họ Thích. Nguyên nhân bắt đầu thời Tần, có sa-môn Thích Đạo An là bậc kiệt xuất đương thời, tâm trí đà tỏ ngộ. Ngài nói:
– Chúng ta là hàng xuất gia, kế thừa giáo pháp Đức Phật Thích-ca, tuy con khác cha, nhưng họ thì không khác. Từ nay, người xuất gia nên lấy họ Thích.
Đến khi dịch kinh A-hàm thấy có câu: “Bốn giai cấp xuất gia không phân biệt cao thấp, đều đồng một họ Thích.” Mọi người mới thán phục. Nhưng ngài Đạo An sống thời Tấn Tần, đã từng san định mục lục, chú thích các kinh, tự hiệu là Di Thiên, làm phép tắc cho người sau mà vẫn còn ghi là: “Dịch Hồ sang Tần” thì đây cũng là một viên đá trong Côn sơn, chưa thật, sự hoàn mĩ. Vì thế từ trước đến đây có chỗ nào ghi chữ Hồ, đều được thay thế bằng chữ Phạn. Mong các học giả sau này luận bàn kĩ mà biết được chỗ đúng đắn.
– Đời Hậu Hán: Mười hai dịch giả tăng tục, dịch được ba trăm ba mươi bốn bộ, gồm bốn trăm mười sáu quyển kinh luật. Trong đó có một trăm hai mươi lăm bộ, gồm một trăm bốn mươi tám quyển thất dịch.
– Đời Tiền Ngụy: Sáu vị tăng phiên dịch, dịch được mười ba bộ, gồm hai mươi bốn quyển kinh luật.
– Đời Nam Ngô Tôn Quyền: Bốn dịch giả tăng tục, dịch được một trăm bốn mươi tám bộ, gồm một trăm tám mươi lăm quyển kinh, Trong đó có một trăm mười bộ, hai trăm chín mươi mốt quyển thất dịch.
– Đời Tây Tấn: Mười ba dịch giả tăng tục, dịch được bốn trăm năm mươi mốt bộ, gồm bảy trăm mười bảy quyển kinh. Trong đó có tám bộ, mười lăm quyển thất dịch,
– Đời Đông Tấn: Hai mươi bảy dịch giả tăng tục, dịch được hai trăm sáu mươi ba bộ gồm năm trăm tám mươi lăm quyển kinh truyện, trong đó có năm mươi ba bộ, gồm năm mươi sáu quyển thất dịch.
– Đời Tiền Tần họ Phù: Tám vị tăng dịch thuật, dịch được bốn mươi bộ, gồm hai trăm ba mươi tám quyển kinh truyện.
– Đời Tây Tần họ Ngật Phục: Một vị tăng dịch thuật, dịch được mười bốn bộ, gồm hai mươi mốt quyển. Trong đó có tám bộ, mười một quyển kinh thất dịch.
– Đời Hậu Tần họ Diêu: Tám vị tăng dịch thuật, dịch được một trăm hai mươi bốn bộ, sáu trăm sáu mươi hai quyển.
– Đời Bắc Lương họ Thư Cừ: Có tám dịch giả tăng tục, dịch được ba mươi hai bộ gồm hai trăm hai mươi bốn quyển kinh truyện. Trong đó có năm bộ, gồm mười quyển kinh thất dịch.
– Đời Tống: Hai mươi ba dịch giả tăng tục, dịch được hai trăm mười bộ gồm bốn trăm chín mươi quyển.
– Đời Tiền Tề: Mười chín dịch giả tăng tục, dịch được bốn mươi bảy bộ, gồm ba trăm bốn mươi sáu quyển kinh truyện.
– Đời Lương: Hai mươi mốt dịch giả tăng tuc, dịch được chín mươi bộ, gồm bảy trăm tám mươi quyển kinh, luật, truyện.
– Đời Hậu Ngụy hay Nguyên Ngụy: Mười ba dịch giả tăng tục, dịch được tám mươi bảy bộ, gồm ba trăm hai mươi quyển kinh, luận, truyện, lục.