Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 7 / PUCL QUYỂN 99 – CHƯƠNG TẠP YẾU

PUCL QUYỂN 99 – CHƯƠNG TẠP YẾU

QUYỂN 99
Quyển này có một chương Tạp yếu.
99. CHƯƠNG TẠP YẾU

99.1. LỜI DẪN
Lí thể lìa âm thanh, nhưng nhờ vào ngôn từ để biểu ý nghĩa. Ngôn từ không dấu vết, nhưng nương vào văn tự để diễn phát âm thanh. Cho nên văn tự là công cụ để diễn bày ngôn từ, ngôn từ là phương tiện để diễn đạt nghĩa lí. Âm nghĩa phù hợp, không sai lạc, nên văn tự được ứng dụng khắp nơi. Mặc dù dấu tích đầy khắp trong kinh điển, mà lí vẫn phù hợp với tâm thể. Nhưng vì kinh luận phong phú, nên khó ghi chép hết; truyện kí thì phức tạp, mỗi việc đều có rộng có lược. Sở dĩ đạo được truyền bá khắp nơi, khai thị cho hậu học, là bởi dấu tích của nhân duyên lập giáo vẫn rõ ràng đầy đủ, nguồn gốc của việc hóa độ thế gian vẫn còn nguyên vẹn. Cho nên sưu tầm nghiên cứu điều chương, tóm thâu chỗ cốt yếu để biên tập thành văn, được ghi chép đầy đủ ở các chương trước. Còn những vấn đề lặt vặt khác nhằm dẫn dắt giúp đỡ cho người, hiện tại có thể thực hành thì ghi chép sau đây. Mong sao vén được mây mờ hôn ám để ngọn đèn chính pháp rạng chiếu muôn nơi!
99.2. TỨ Y
Căn cơ đã thấp kém, lại gặp thời đại nhiễu nhương thì thật khó có niềm tin bền chắc; hạnh đã cạn đức lại mỏng thì dễ mê trí tuệ chân chính. Nên giáo pháp và căn cơ chúng sinh phải khế hợp, ngôn từ và nghĩa lí phải gồm thông. Thế nên, kinh ghi: “Tuy tụng ngàn chương kinh, nhưng không hành trì thì có ích gì!”. Nay lập chính nghĩa phải nương vào tông ý. Giáo pháp có quyền và thật, hành trì thì có kẻ ngu người trí. Cho nên thấy được mặt trăng ắt quên ngón tay, đạt ý nên quên lời, há ý đã đạt mà còn vướng mắc ư? Vì thế, kinh có trình bày tứ y, chia làm ba trường hợp:
– Nhân tứ y: tức Tứ y khai sĩ, đó là các bậc từ sơ hiền cho đến cực thánh. Tư chất con người vốn vô lậu, thể tính của pháp vốn không. Nương vào đây mà tu tập thì nhất định không bị điên đảo.
– Hạnh tứ y: mặc y phấn tảo, đi khất thực, hành hạnh đầu đà, ở nơi thanh vắng, ngồi dưới gốc cây.
– Pháp tứ y (sẽ trình bày đầy đủ ở phần dưới).
Lập ba pháp này để làm phép tắc cho chúng sinh thời mạt pháp. Niềm tin là bậc thầy của muôn hạnh, Đức Phật đã tận tình chỉ dạy, trọn không hư dối, hành trì theo giáo pháp tức là theo đường chính, chẳng lạc vào tà. Hai Tứ y trước, người đời nay không thường áp dụng, sẽ trình bày ở chương khác. Ở đây chỉ trình bày Pháp tứ y để nghiệm biết chính tà. Ngay cả vô tướng hảo Phật mà còn lầm hình tướng ma, huống gì hạng phàm phu chúng ta mà có thể không mê sao Vì thế lập Pháp y để xác định đúng sai vậy.
Pháp tứ y
1. Y theo pháp không y theo người: người là loài hữu tình, pháp là qui tắc. Chính lí thì tính không, thể lìa tức phi vọng. Tức dùng pháp này làm chỗ y cứ cho chính pháp. Kinh Niết-bàn là giáo cùng tột, chỉ dạy rất rõ pháp này, Thời nay, người hành sự thường tùy thuận tâm ý người khác mà giảng nói càn, phần nhiều bỏ pháp theo người, tức là từ người mà lập ra phép tắc, thật trái với di huấn của Phật, dìm lấp thân tâm. Nếu biết loại trừ tâm phàm, nương theo thánh giáo, tư duy tu tập, biết tội tính không, nương theo tâm này làm đường lối, thì một phần bỉết tội là thuận theo lí không, một phần là quán nhàm chán để lìa sự hữu. Thế mới gọi là đường lối chân chính để nhận ra pháp tính.
2. Y theo nghĩa không y theo ngữ: “Ngữ” là lời nói, được ví như cái nơm; “nghĩa” là lí sâu xa, cũng là đạo giáo hóa mọi loài. Sau khi đã liễu ngộ thì dứt suy nghĩ, bặt ngôn từ; chính pháp còn phải bỏ huống là phi pháp. Cho nên trong kinh có dụ “qua đến bờ sông thì bỏ thuyền bè”, Con người phần nhiều chỉ quan tâm lời nói trước mắt mà không biết lời nói dùng để diễn đạt ý nghĩa, nếu đã đạt ý thì hãy quên lời. Mặt trăng dụ cho yếu chỉ sâu xa vi diệu, cần phải biết rõ. Nay cho rằng vì hiểu nghĩa nên phải đọc lời, người chân chính tu đạo phải thường quán, thường phá; thường quán tức y vào ngôn ngữ, thường phá tức tùy thuận nghĩa lí, tức là vì lời thuận theo nghĩa lí, nên phải đọc lời. Chỉ vì tập khí kỉến chấp hư vọng từ vô thỉ quá bền chắc, cần phải tĩnh tâm quán sát tường tận mới biết lỗi này. Nếu không, cứ mãi đuổi theo âm thinh thì chẳng được gì. Hãy tự tư duy!
3. Y theo trí không y theo thức: thức hiện hành chạy theo trần cảnh vọng khởi phân biệt; mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, đam mê chẳng tỉnh, khác nào trâu dê, đồng với hạng phàm phu thấp hèn. Đức Phật dạy: “Cảnh từ tâm sinh”, bởi hạng phàm phu ngu muội, chấp cảnh ở ngoài thức, nên khó bề chỉ dẫn. Biết buông là người trí, nếu vướng mắc liền trở về phàm, trái với tâm thánh, mê mờ nguồn cội, chìm trong tam đảo. Nếu mạnh mẽ cố gắng vượt lên, niệm động liền biết, đó gọi là nương thức; biết dòng liền ngược, gọi là tùy phần trí. Gia công tu tập như thế sẽ dần được sáng tỏ. về sau, thấy trần cảnh biết chẳng phải ngoài tâm. Cảnh chẳng phải ngoài tâm mà là tướng của tự tâm, sao lại ngu mê vọng sinh thương ghét, nghĩ suy chọn lựa không dừng, khác nào trâu, dê!
Có người hỏi:
– Ngài lập luận như thế tức là trí khác ngu, tại sao đã thấu đạt mà còn gọi là thức phàm?
Đáp: Thánh trí không có ngằn mé, tích “không” hiển “đức”, há chỉ một lời liền được sáng tỏ! Ấy chỉ là hiểu lời, lại theo lời mà chấp chặt. Nên biết tâm chấp này vốn huân tập từ vô thỉ, phải trải qua ba a-tăng-kì kiếp không ngừng tu tập mới mong dứt sạch. Sữa lẫn lộn máu, không thế nói sai lời; tướng khởi phục của trí và thức, chính là chỗ này. Trong kinh nói: “Giai vị Sơ địa, chuyên thực hành bố thí, còn tất cả các độ khác thì tùy theo năng lực mà tu tập. Bậc đại thánh lập ra phép tắc là để giúp người tu học, đâu thể cho rằng vừa hiểu là đã đủ đạt đến tận cùng trí tuệ. Nếu trí mà có giới hạn thì chẳng thể gọi là cao xa thù thắng. Người thời nay, miệng tụng lí “không” nhưng tâm luôn chấp “có”, bay lên hư không thì chẳng nổi, vào trong lửa lại càng khó, đều do tâm tưởng mê lầm. về sau, nếu đã thấu đạt thì tùy tâm chuyển dụng; lúc ấy há chẳng như chim kia dạo trên hư không, luôn như tấm vải Hỏa hoán trong lửa, thật chẳng có gì lạ!
4. Y theo kinh liễu nghĩa, không y theo kinh chẳng liễu nghĩa: hai thể loại kinh này đều là lời dạy của Đức Phật. Người vào đạo, trước tiên phải hiểu rõ kinh thì mới thông suốt mọi sự, có nghi đều phải tháo gỡ. Chỉ vì căn tính chúng sinh có sâu cạn, nhanh chậm chằng đồng, nên Đức Phật đã tùy theo căn cơ để giảng nói, nhưng nếu nói theo chí đạo thì vẫn từ tự tâm. Thế nên kinh ghi:. “Tất cả các pháp khắp trong ba cõi đều từ tâm sinh”. Đây là căn cứ theo thế giới y báo mà nói về tâm. Phật dạy:
Như như và chân tế, niết-bàn và pháp giới, tất cả ý sinh thân đều chỉ từ tâm sinh.
Đây là căn cứ theo thể tính các pháp xuất thế gian mà luận về tâm. Tận cùng lẽ thật trọn đến nguồn này, tùy cơ phó cảm cũng tự về liễu nghĩa. Cho nên phải dùng pháp ước định quyền cơ.
Kinh Đại tập ghi: “Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát có pháp tứ y vô cùng tận: Y theo nghĩa không y theo ngữ, y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh không liễu nghĩa, y theo pháp không y theo người.
Thế nào là y theo nghĩa không y theo ngữ? Ngữ, tức phép tắc thế gian phải có ngôn từ để giảng nói; nghĩa, tức rõ pháp xuất thế vốn không có ngôn từ để diễn đạt. Ngữ, giảng nói về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, điều phục, ủng hộ; nghĩa, thấy biết các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ đều dẫn vàọ bình đẳng. Ngữ, giảng nói về sinh tử; nghĩa, thấu rõ sinh tử vô tính. Ngữ, giảng thuyết vị niết-bàn; nghĩa, thấu rõ tính không của niết-bàn. Ngữ, nếu giảng thuyết các thừa, thì tùy thuận căn cơ mà lập; nghĩa, khéo nhận biết rõ các thừa đều nhập môn Nhất tướng trí. Ngữ, giảng nói các pháp xả; nghĩa, thấu biết tam chủng thanh tịnh. Ngữ, giảng nói thân khẩu ý thụ trì tịnh giới, công đức trang nghiêm; nghĩa, thấu biết thân khẩu ý đều không tạo tác mà có thể hộ trì tất cả tịnh giới. Ngữ, giảng nói nhẫn nhục đoạn trừ sân nhuế, cống cao ngã mạn; nghĩa, thấu rõ các pháp, chứng Vô sinh nhẫn. Ngữ, giảng nói siêng năng hành trì tất cả thiện căn; nghĩa, an trú tinh tấn không có trước sau. Ngữ, giảng nói các thiền giải thoát tam-muội, tam-ma-bạt-đề; nghĩa, thấu đạt Diệt tận định. Ngữ, nghe và ghi nhớ tất cả văn tự trí tuệ căn bản; nghĩa, thấu rõ tính trí tuệ không thể giảng nói. Ngữ, giảng nói ba mươi bảy phẩm trợ đạo; nghĩa, biết rõ tu hành các phẩm trợ đạo sẽ chứng quả vị. Ngữ, giảng nói về khổ, tập và đạo đế; nghĩa, chứng diệt đế. Ngữ, giảng nói vô minh căn bản cho đến sinh duyên lão, tử; nghĩa, thấu rõ vô minh diệt cho đến lão tử diệt. Ngữ, giảng nói pháp trợ định tuệ; nghĩa, thấu rõ Giải thoát trí. Ngữ, giảng nói tham sân si; nghĩa, thấu rõ bất thiện căn tức là giải thoát. Ngữ, giảng nói pháp chướng ngại; nghĩa, chứng đắc vô ngại giải thoát. Ngữ, giảng nói công đức vô lượng của Tam bảo; nghĩa, thấu rõ công đức Tam bảo và pháp tính li dục đồng một tướng vô vi. Ngữ, giảng nói từ phát tâm cho đến ngồi đạo tràng, tu tập công đức trang nghiêm bồ-đề; nghĩa, dùng Nhất niệm tuệ rõ biết tất cả pháp.
Xá-lợi-phất! Nói tóm lại, tám vạn bốn ngàn pháp gọi là ngữ. Thấu biết tất cả ngôn từ đều không thể giảng nói, gọi là nghĩa.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 96 – CHƯƠNG XẢ THÂN

QUYỂN 96 Quyển này có một chương Xả thân. 96. CHƯƠNG XẢ THÂN 96.1. LỜI ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *