QUYỂN 95
Quyển này có một chương khổ.
95. CHƯƠNG BỆNH KHỔ
95.1. LỜI DẪN
Ba cõi mênh mông, sáu đường đông đúc, tất cả các loài chúng sinh đều nhờ vào bốn đại phò trì, năm căn tạo thành hình thể. Thế nên, khi bốn đại tích tụ thì thành thân, phân tán lại trở về không. Tính chất của địa, thủy, hỏa, phong đều khác nhau, nhưng mỗi mỗi tùy theo đó mà tìm chỗ dung hợp. Lẽ dung hợp rất khó, vì thế cần phải điều hòa, nếu để chống nhau thì dễ sinh rối loạn. Một đại không điều hòa thì bốn đại đều thương tổn.
Như địa đại tăng thì thân thể sạm đen, da thịt bầm xanh, kết tụ khối u cứng như sắt đá. Nếu địa đại suy giảm thì toàn thân gầy yếu, liệt nửa thân, khô gầy, tiều tụy, mắt mờ, tai điếc.
Nếu thủy đại tăng thì da thịt đầy nước, không còn khí sắc, toàn thân vàng bủng, thần sắc tiều tụy, chân tay sưng phù, bàng quang căng trướng. Còn thủy đại giảm thì thân thể gầy gò, xương lộ, gân hiện, mạch chìm, môi và lưỡi khô, tai ù, mũi nghẹt, ngũ tạng như thiêu đốt, chất dịch khô cạn, không tiết ra ngoài, lục phủ tiêu hao, không thể đứng vững.
Nếu hỏa đại tăng thì toàn thân bứt rứt, nóng như lửa đốt, mụn nhọt sưng tấy, vết thương lở loét, máu mủ chảy tràn, xông mùi hôi thối. Còn hỏa đại giảm thi thân thể gầy yếu, lục phủ ngũ tạng như băng, khí lạnh ngưng tụ nơi ngực, miệng như ngậm sương. Mùa hạ nóng bức, lại mặc áo da nhiều lớp vẫn không thấy ấm ăn uống không tiêu, lại thường nôn mửa.
Nếu phong đại tăng thì khí đầy, ngực tức, lục phủ, dạ dày không thông, tay chân chậm chạp, yếu ớt tê đau. Còn phong đại giảm thì thân thể gầy yếu, sức lực mong manh như sợi chỉ, chuyển động mệt mỏi, hơi thở như ngắn lại, ho hen nôn oẹ, khó nuốt, bụng tóp, lưng gù, trong tim lạnh giá, gân mạch nơi cổ lộ ra.
Các bệnh như thế đều do bốn đại tăng hoặc giảm bất thường mà sinh ra. Hễ một đại tăng hoặc giảm thì ba đại kia đều khổ, dần dần phát bệnh, gây ra phiền não. Bốn đại chống nhau thì lục phủ khó điều hòa.
Bởi vì đời trước gieo nhân ác, nay gặp quả báo khổ, lại không biết hổ thẹn, chẳng biết ân nghĩa. Luôn theo bốn mùa chu cấp những thứ cần dùng, ngày đêm nuôi dưỡng. Thế mà thân này chưa từng biết ơn, chu cấp thiếu thốn một chút, liền sinh bệnh khổ. Đã biết thân này vô ân thì đâu cần lao nhọc nuôi dưỡng. Dầu chu cấp cho thân thức ăn ngon, mặc đẹp, cuối cùng nó cũng trở thành phẩn uế. Mục đích ăn uống là để giúp thân trừ đói khát, chứ hoàn toàn không vì thân mà tiếp tục chất chứa; như thế chỉ làm nhọc tâm ta, bỏ phế việc tiến tu đạo nghiệp.
Thân này thật là vật chứa khổ, năm ấm như bình gốm dễ vỡ, khó giữ gìn, tan nhanh như bọt nước. Bốn đại không thật, thường chồng trái nhau; năm ấm tạm nương gá, dễ sinh nhiều phiền não. Lại nữa, chúng ta sinh làm người ở đời năm trược này, nhận chất huyễn làm thân, ở trong cảnh lo sợ. Cõi u minh có vô lượng quỷ thần, giống loài vô kể, không sao tính hết; hoặc nương vào phòng xá, am miếu, núi gò. Con người, hễ ở đâu có hiển linh thảy đều đến cầu thỉnh, khiến cho tinh thần u tối, thần thức mịt mờ, ngủ hay thức, lòng đều sợ hãi.
Vì thế mong cho tất cả mọi người khi gặp nguy hiểm nhiếp niệm, không đợi xưng ba lần danh hiệu Phật liền được bình an, đâu nhọc niệm nghìn biến. Cầu cho thánh đạo rộng lớn, đầy đủ oai quang, để làm lợi lạc quần sinh, không ai bị não hại. Sau đây là lời thật đáng ghi, bằng chứng đáng được trình bày.
95.2. DẪN CHỨNG
Kinh Phật thuyết Phật y ghi: “Thân người vốn có bốn thứ bệnh là địa, thủy, hỏa và phong. Phong đại tăng thì khí thịnh, hỏa đại tăng thì thân thể nóng bức, thủy đại tăng thì thân lạnh, địa đại tăng thì thân lực mạnh. Từ bốn đại này sinh ra bốn trăm lẻ bốn bệnh, nên địa thuộc về thân, thủy thuộc về miệng, hỏa thuộc về mắt, phong thuộc về tai. Hỏa đại giảm thì thân bị lạnh, sinh ra mắt mờ. Ba tháng mùa xuân thì lạnh tàng, ba tháng mùa hạ thì gió tăng, ba tháng mùa thu thì nhiệt tăng, ba tháng mùa đông thì có gió và lạnh.
– Vì sao mùa xuân lạnh tăng? Vì vạn vât sinh sôi nảy nở, do đó có lạnh, nên lạnh tăng.
– Vì sao mùa hạ gió tăng? Vì vạn vật đơm hoa kết trái, âm dương hội tụ, nên gió tăng.
– Vì sao mùa thu nhiệt tăng? Vì vạn vật đã đến lúc chín, nên nhiệt tăng.
– Vì sao mùa đông có gió và lạnh? Vì vạn vật đều suy tàn, nên có gió và lạnh.
Thời gian từ tháng ba đến tháng bảy được nằm, vì gió tăng nên thân dãn nở. Từ tháng tám đến tháng mười một và tháng một, tháng hai, thời gian không thích hợp để nằm, vì lạnh tăng nên thân thể co rút. Ba tháng mùa xuân có hơi lạnh, không được ăn lúa mì và đậu, nên ăn các vật nấu chín như cơm, đề hồ. Ba tháng mùa hạ gió nhiều, không được ăn khoai môn, đậu và lúa mì, nên ăn cơm, nhũ lạc. Ba tháng mùa thu có hơi nóng, không được ăn cơm, đề hồ, nên ăn gạo rang trộn mật, lúa nếp. Ba tháng mùa đông có gió và lạnh, âm dương hòa hợp, nên ăn cơm, canh đậu tằm, đề hồ.
Khi nằm, có lúc gió khởi hoặc diệt, nóng khởi hoặc diệt, lạnh khởi hoặc diệt.
Do mười nguyên nhân sinh bệnh: Một, ngồi lâu không nằm; hai, ăn không tiêu; ba, buồn bã; bốn, mệt mỏi; năm, dâm dật; sáu, giận dữ; bảy, nín đại tiện; tám, nín tiểu tiện; chín, nín ợ; mười, kiềm chế đánh rắm”,
Luận Đại trí độ ghi: “Bốn trăm lẻ bốn căn bệnh là do bốn đại nơi thân thường xâm hại lẫn nhau, mỗi một đại sinh ra một trăm lẻ một căn bệnh Phong và
thủy đại sinh ra hai trăm lẻ hai căn bệnh lạnh- địa và hỏa đại sinh ra hai trăm lẻ hai căn bệnh nóng Đặc tính của lửa là nóng, của đất là cứng chắc, do cứng chắc cho nên khó tiêu, vì khó tiêu nên sinh bệnh nóng Máu, thịt, gân, xưorng, mạch, tủy v.v… thuộc địa đạt Trừ nghiệp báo, còn tất cả pháp đều do nhân duyền hòa hợp mà thành”.
95.3. CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH
Bốn đại khó điều hòa, lục phủ chống trái nhau. Vì có báo thân nên có bệnh. Hoặc có người bỏ tục xuất gia, một mình ở nơi vắng vẻ; hoặc có người nghèo bệnh, già yếu, không nơi nương tựa, nếu không chăm sóc thì họ nhờ cậy vào đâu?
Cho nên, trong luật Tứ phần, Đức Phật dạy: “Từ nay trở đi nên chăm sóc người bệnh, nên làm người nuôi bệnh. Nếu muốn cúng dường Ta, trước phải cúng dường người bệnh. Cho đến đi trên đường, gặp người trong năm chúng xuất gia bị bệnh, Đức Phật dạy phải ở lại chăm sóc, nếu người nào gặp mà bỏ đi thì bị kết tội. Tâm của các Đức Phật lấy đại từ bi làm thể. Thực hành đúng theo lời dạy của Phật tức là thể hiện tâm Phật vậy .
Luật Tăng-kỳ ghi: “Nếu đi trên đường gặp người trong năm chúng xuất gia bệnh, phải tìm xe chở về chăm sóc, cúng dường đúng như pháp, cho đến khi người ấy chết, cũng nên hỏa táng, chôn cất, không được bỏ rơi”.
Có chín trường hợp dẫn đến chết oan:
1. Biết thức ăn không tốt mà vẫn ăn.
2. Ăn không biết chừng mực.
3. Thức ăn chưa tiêu mà lại ăn tiếp.
4. Thức ăn chưa tiêu mà muốn cho ra.
5. Thức ăn đã tiêu, nên cho ra mà ép giữ lại.
6. Thức ăn không hợp với bệnh.
7. Thức ăn hợp với bệnh, nhưng ăn không chừng mực.
8. Lười biếng.
9. Không có trí tuệ”.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Đức Thế Tôn bảo các tì-kheo:
– Có năm lý do mà người chăm sóc khiến bệnh nhân không lành:
1. Không biết phân biệt thuốc tốt.
2. Lười biếng.
3. Thường sân giận và ham ngủ nghỉ.
4. Vì tham cầu ăn mặc mà chăm sóc người bệnh.
5. Không chăm sóc đúng, cũng không chịu nói chuyện với người bệnh.
Nếu ngược lại năm lý do trên thì bệnh mau lành”.
Trong kinh Thiện sinh, Đức Phật nói kệ khen: