Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 4 / PUCL QUYỂN 51 – CHƯƠNG BẠN TỐT, BẠN XẤU, TRỌN BẠN

PUCL QUYỂN 51 – CHƯƠNG BẠN TỐT, BẠN XẤU, TRỌN BẠN

QUYỂN 51
Quyển này gồm ba chương: Bạn tốt, Bạn xấu, Chọn bạn.
53. CHƯƠNG BẠN TỐT

53.1. LỜI DẪN
Luận đến chỗ tột cùng của đạo lý thì chỉ có thiện và ác. Thật cũng dễ nhận biết hai con đường này, như ẩn kín thì có tội phúc, khổ vui; trước mắt thì có hiền ngu, vinh nhục. Tất cả chúng sinh đều chuộng vinh ghét nhục, thích vui chán khổ.
Như nay thích vinh mà không biết chuộng hiền, cầu phúc mà không biết tránh tội, như gieo hạt lép mà đến mùa mong được bội thu, cưỡi ngựa què mà mong vượt đường xa, chẳng phải là mê lầm ư? Ví như các loài chim muông, trùng, rắn… còn biết nhờ gió, mượn sương, nương cao, cậy xa để thành tựu việc của mình; huống gì con người, sao không nương bạn hiền để thành tựu việc lớn?
Thế nên, gần gũi bạn tốt thì thân vinh, đức trọng; chơi với kẻ xấu thì thân bại, danh ô. Vì vậy, nền tảng của phép tắc sâu xa chỉ xuất phát từ bậc thánh, tâm ý thiết tha chỉ tồn tại nơi bạn hiền. Lại như ruồi trâu chỉ có thể bay xa trăm bước, nhưng nếu biết đậu vào đuôi chim loan thì bay xa cả nghìn dặm. Đó, há chảng phải là nhờ vào năng lực của đôi cánh chim loan ư? Cũng vậy, người đời đám chìm trong đường tăm tối không thể tự bước lên cõi trời người, nhưng nếu biết nượng vào uy lực cùa chư Phật thì mau chứng Thập địa , cùng về cõi Tịnh.
53.2. DẪN CHỨNG
Kinh Niết-bàn ghi: “Tì-kheo A-nan hỏi Phật:
– Người có phân nửa Phạm hạnh có được gọi là thiện tri thức không?
Đức Phật bảo:
– Không được! Người có đầy đủ Phạm hạnh mới được gọi là thiện tri thức.
Phật lại bảo:
– Thiện tri thức là người nói đúng pháp, làm đúng như lời nói. Thế nào là nói đúng như pháp, thực hành đúng như lời nói? Đó là tự mình không sát sinh, dạy người không sát sinh, cho đến tự mình thực hành chính kiến, dạy người thực hành chính kiến. Nếu được như thế thì gọi là thiện tri thức chân chính. Tự mình tu tập bồ-đề, cũng dạy người tu tập bồ-đề, gọi là thiện tri thức. Tự mình tu hành chính tín, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, gọi là thiện tri thức.
Thiện trí thức là người có thiện pháp. Thiện pháp là làm tất cả các việc mà không mong cầu sự an lạc cho riêng mình, chỉ mong cầu sự an lạc cho tất cả chúng sinh; thấy người khác có lỗi cũng không nói lỗi của họ, mà chỉ nói những điều tốt của họ. Đây gọi là thiện trí thức.
Này thiện nam! Như mặt trăng giữa hư không, từ ngày mồng một sáng dần cho đến ngày rằm. Cũng vậy, thiện tri thức khiến cho người học dần dần xa lìa pháp ác, tăng trưởng pháp thiện.
Này thiện nam tử! Nếu người nào chưa có định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, khi gần gũi thiện tri thức, họ sẽ được; còn người chưa đầy đủ thì được đầy đủ.
Phật lại bảo:
– Thiện tri thức nên quán người này nặng về tham dục hay là sân hận, ngu si hay loạn tưởng? Nếu biết người ấy nặng về tham dục, nên dạy pháp quán bất tịnh; người nặng về sân hận, nên dạy pháp quán từ bi; người nặng về loạn tưởng, nên dạy pháp quán sổ tức; người nặng về chấp ngã, nên giảng giải mười tám giới. Sau khi nghe pháp, vị ấy tu hành, lần lượt quán bốn pháp niệm xứ, rồi lần lượt quán mười hai nhân duyên, chứng đắc pháp noãn; cho đến các quả vị như A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, Phật, cũng nhờ những pháp này mà thành tựu, không bị ngăn ngại. Lợi mình, lợi người, lãnh thụ pháp thuần nhất không xen tạp, gọi là thiện tri thức. Nếu vị pháp sư không đầy đủ các pháp trên, không được gọi là thiện tri thức. Người học cũng không nên nương theo pháp xen tạp”.
Cho nên, luận Phật tính dẫn bài kệ trong kinh:
Không gặp thiện tri thức,
Bạn xấu phá chính hạnh,
Như nhện rơi vào sữa,
Sữa ấy thành chất độc.
Như vậy, thiện tri thức cần phải làm lợi ích chúng sinh một cách thật sự, trước điều phục bản thân, sau mới dạy người và không có mười lỗi: kiến thức hẹp, thối tâm, tán loạn, kiêu mạn, điên đảo, tham cầu, sân hận, tà hạnh, chấp ngã, chấp tiểu hạnh.
Luận Trang nghiêm có bài kệ:
Đa văn, ngộ chân đế
Thuyết giỏi và từ bi,
Người này được bất thoái,
Bồ-tát nên nương tựa.
Kinh Phật bản hạnh ghi “Một thời, Đức Phật cùng với trưởng lão Nan-đà đi đến tiệm bán hương. Thấy trong tiệm có nhiều giấy gói hương, Đức Phật bảo trưởng lão Nan-đà:
– Này Nan-đà! Ông hãy đến lấy các giấy gói hương trong tiệm này!
Vâng lời Phật dạy, Nan-đà đến lấy.
Phật lại bảo Nan-đà:
– Ông hãy nắm các giấy gói hương này trong một khắc, sau đó thả xuống đất.
Nghe vậy, Nan-đà bèn làm đúng theo lời Phật dạy.
Đức Phật bảo:
– Bây giờ ông hãy ngửi tay xem.
Vâng lời Phật, Nan-đà ngửi tay mình.
Đức Phật hỏi:
– Ông ngửi có mùi gì không?
Nan-đà thưa:
– Bạch Thế Tôn! Tay con rất thơm.
Đức Phật bảo:
– Đúng vậy, đúng vậy! Nếu người gần gũi thiện tri thức, thường ở chung, luôn luôn huân tập thì nhất định được tiếng tốt”.
Nhân việc này, Đức Phật nói kệ:
Nếu tay cầm lấy các loại hương,
Trầm thủy, hoắc hương cùng xạ hương,
Chốc lát hương thơm cũng thấm vào
Gần gũi thiện tri thức cũng vậy.
Đức Phật lại nói kệ:
Nếu người gần gũi ác tri thức,
Đời này không được tiếng tốt vang,
Cũng vì thân gần với bạn ác,
Đời sau sẽ đọa ngục A-tì
Nếu người gần gũi thiện tri thức,
Vâng làm theo họ những nghiệp lành,
Đời này tuy không mong thế lợi,
Nhưng sau dứt sạch nhân khổ đau.
Luật Tứ phần ghi: “Cần phải đủ bảy yếu tố mới trở thành một người bạn tốt:
1. Làm được việc khó làm.
2. Cho được vật khó cho.
3. Nhẫn được điều khó nhẫn.
4. Nói với nhau điều bí mật.
5. Cùng giữ kín cho nhau.
6. Gặp khổ không bỏ.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 52 – CHƯƠNG QUYẾN THUỘC, SO SÁNH, HƠN KÉM

QUYỂN 52 Quyển này gồm hai chương: Quyến thuộc, So sánh hơn kém. 56. CHƯƠNG ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *