QUYỂN 49
Quyển này gồm hai thiên: Trung hiếu, Bất hiếu.
49. CHƯƠNG TRUNG HIẾU
49.1. LỜI DẪN
Trộm nghĩ, người có trung hiếu-kính thành thì vượt trên đức hiền của Đổng Ảm; như trái nghịch, khinh mạn tôn thân thì tội còn lớn hơn cả sự phản loạn của Vưomg Kì. Vì thế, chẳng phải mẹ ruột mà cung phụng đủ đầy thì tiếng thơm còn mãi nghìn năm, chẳng phải thánh tăng mà vẫn một lòng cung kính thì đức sáng chiếu đến vạn đời. Lẽ đương nhiên, dốc lòng kính lễ thì phúc lợi vô cùng. Như thế đâu được khởi tâm cống cao ngã mạn mà xem thường chúng tăng! Vì vậy lập thân tu đạo thì danh vang hậu thế, suốt đời tận hiếu là tính tốt để kiến quốc.
Nhớ xưa, khi gặp Khổng Tử, thầy Tử Lộ tỏ bày: “Lúc phụng sự mẹ cha, con thường ăn rau lê rau hoắc, lặn lội ngoài trăm dặm mang gạo về nhà. Sau khi song thân qua đời, con bước về nam đến nước Sở. Bấy giờ, đi thì có trăm cỗ xe, lương thực thì chứa cả vạn chung, nằm ngồi thì lót chăn nệm nhiều lớp, ăn thì mâm cao cỗ đầy; lúc ấy muốn ăn lại một bát canh lê hoắc, được vác gạo đường xa mà không được!”. Những ai nghe lời này mà không cảm động thì sống cũng như chết. Đâu thể báo đáp nổi ân cha mẹ; bởi lòng từ của cha mẹ sâu như biển, mà lòng hiếu của con như mảy trần-chỉ biết vĩnh viễn nhớ thương, ngàn đời than khóc, đau buốt tâm can mà thôi. Người đời gọi đó là công lao dưỡng dục.
Cha mẹ sinh thân ta, ân trong một đời mà còn khó mong báo đáp, huống gì Như Lai đại bi thương tất cả chúng sinh như con một, nhổ sạch gốc khổ ba đường, cứu giúp xa lìa bốn loại; vĩnh viễn thoát tám khổ, mãi mãi cưỡi ba thừa. Bình tĩnh xét suy, ân này sâu nặng, đâu đồng phàm tục. Chỉ hay trong tâm tan nát như đốt như thiêu; lòng thật xót xa, đau như dao cắt; dù trải nhiều kiếp cung kính phụng sự, vạn đời cúng dường phẩm vật cũng không thể báo đáp được mảy ân này. Cho nên kinh Niết-bàn ghi: “Chư Phật có một pháp vị đại từ bi, thương nhớ chúng sinh như con một, nhưng chúng sinh không biết Phật có năng lực cứu độ, nên hủy báng Như Lai, pháp và tăng”.
49.2. DẪN CHỨNG
Kinh Mạt-la vương ghi: “Có người hỏi Đức Phật:
– Thế nào là lực của cha mẹ?
– Đó là ân nhận hình hài và dưỡng dục của cha mẹ. Nếu bố thí cho người đống báu vật chất cao từ mặt đất lên đến tầng trời hai mươi tám, chẳng bằng phụng dưỡng cha mẹ. Đó là lực của cha mẹ._Đức Phậy dạy”.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “ Thế Tôn bảo các tì-kheo:
– Có hai cách giúp cho hàng phàm phu có công đức lớn và được quả báo lớn, đó là cúng dường cha mẹ, cúng dường bồ-tát Nhất sinh bổ xứ. Nếu cúng dường cho hai bậc này, sẽ được công đức lớn và quả báo lớn. Nếu để cha ngồi vai trái, mẹ ngồi vai phải suốt nghìn vạn năm, chu cấp đầy đủ y phục, thức uống ăn, ngọa cụ, thuốc thang, cho đến để cha mẹ đại tiểu tiện trên vai, cũng không báo đáp được công ơn ấy. Nên biết ân cha mẹ rất sâu nặng, bồng bế, dưỡng nuôi ta. Cho nên cần phải hiếu thuận, cúng dường đúng lúc, không để trái thời”.
Kinh Địa ngục ghi: “Đệ tử mà nói lỗi của sư tăng, dù có thật, thì sau khi chết rơi vào địa ngục tự ăn cuống lưỡi của mình. Nếu được thức ngon, trái ngọt mà thụ dụng trước sư tăng, cha mẹ, sau khi chết rơi vào loài ngạ quỉ, sau đó sinh vào gia đình nghèo khốn. Nếu độc ác với cha mẹ, sư tăng, sau khi chết rơi vào địa ngục búa sất, sau đó sinh vào loài rắn độc. Nếu mang ác tâm học lời của cha mẹ, sư tăng, sau khi chết rơi vào địa ngục nước đồng sôi, sau đó sinh làm người nói lắp”.
Luận Tát-bà-đa ghi: “Thà phá tháp, hủy tượng chớ không nói lỗi của người khác. Nếu nói thì hoại Pháp thân. Không cần biết tì-kheo đối diện có lỗi hay không, nhất định không được nói gì”.
Kinh Kính sư ghi: “Một ngày nên ba lần đến vấn an sức khỏe của thầy, nếu không gặp được thì nên dùng một hòn đất nhỏ hoặc cọng cỏ làm kí hiệu để thầy chứng biết. Gặp lúc khí trời oi bức, đệ tử cũng nên đến thêm ba lần nữa để hầu quạt cho thầy. Nếu đệ từ không cung kính thầy hoặc Hòa thượng, rồi nói những điều thị phi về thầy, thì sau khi mạng chung sẽ sinh vào địa ngục Cự Phát, có bốn đầu, toàn thân cháy đỏ, bị loài côn trùng Câu chủy ăn cuống lưỡi. Nếu được Hòa thượng, a-xà-lê dạy cho một bài kệ bốn câu, thì dù trải qua nghìn kiếp vai vác, hoặc lưng mang, hoặc đầu đội các vị ấy, cũng không thể nào báo đáp trọn”.
Luận A-tì-đàm ghi: “Nếu cung cấp cho người bệnh, cúng dường cho giảng sư, bồ-tát thân cận Phật thì sẽ được quả báo lớn”.
Lục độ tập kinh ghi: “ Thuở xưa, khi bồ-tát là thiên nga, sinh được ba đứa con. Bấy giờ, trong nước hạn hán, không có gì để ăn, thiên nga liền rỉa thịt trong nách mình để cứu mạng các con. Ba thiên nga con nghi ngờ nói với nhau:
– Thịt này mùi vị không khác gì mùi nơi thân thể mẹ mình, lẽ nào mẹ rỉa thịt mình cho chúng ta ăn?
Chúng buồn bã xót xa, rồi nói tiếp:
– Chúng ta thà chết, chứ không làm tổn hại thân mẹ!
Thế là, chúng ngậm miệng không chịu ăn. Thiên nga mẹ thấy vậy, lại đi tìm thức ăn khác. Thiên thần khen ngợi:
– Chim mẹ nhân từ khó ai hơn, chim con hiếu thảo thật hiếm có!
Chư thiên liền giúp đỡ, mẹ con thiên nga được thành tựu như ý nguyện. Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Chim mẹ chính là ta, ba đứa con là: Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và A-nan.
Bồ-tát nhân từ thực hành bố thí độ ba-la-mật là như thế”.
Kinh Tứ thập nhị chương ghi: “Đức Phật dạy:
– Bố thí thức ăn cho một trăm phàm phu không bằng bố thí thức ăn cho một người thiện. Bố thí thức ăn cho một ngàn người thiện không bằng bố thí thức ăn cho một người thụ ngũ giới. Bố thí thức ăn cho một vạn người thụ ngũ giới ăn không bằng cúng dường thức ăn cho một vị Tu-đà-hoàn. Cúng dường thức ăn cho một trăm vạn vị Tu-đà-hoàn không bằng cúng dường thức ăn cho một vị Tư-đà-hàm. Cúng dường thức ăn cho một ngàn vạn vị Tư-đà-hàm không bằng cúng dường thức ăn cho một vị A-na-hàm. Cúng dường thức ăn cho một ức vị A-na-hàm không bằng cúng dường thức ăn cho một vị A-la-hán. Cúng dường thức ăn cho mười ức vị A-la-hán không bằng cúng dường thức ăn cho một vị Bích-chi-phật. Cúng dường thức ăn cho một trăm ức vị Bích-chi-phật không bằng dùng giáo pháp của ba đời chư Phật cứu độ cha mẹ một đời. Dùng giáo pháp của chư Phật ba đời độ nghìn ức người thân không bằng cúng dường thức ăn lên một vị Phật rồi phát nguyện cầu thành Phật; vì phát nguyện cầu thành Phật là cứu độ chúng sinh. Bố thí thức ăn cho người thiện, được phúc báo vô cùng lớn. Cho nên cúng tế trời đât, quỉ thần không bằng hiếu kính cha mẹ”.
Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Đức Phật kể: “Thuở quá khứ lâu xa, trong núi Tuyết, có một con chim anh vũ sống với cha mẹ mù lòa, nó thường hái những hoa ngon trái ngọt đem về dâng cho cha mẹ. Lúc ấy, có một vị chủ ruộng, khi gieo lúa có phát nguyện: ‘Lúa ta gieo trồng đây, sẽ cho mọi loài cùng hưởng!’. Nghe vị chủ ruộng kia có lòng bố thí, nên chim anh vũ thường bay đến ruộng nhặt gié lúa mang về phụng dưỡng cha mẹ. Khi ấy, vị chủ ruộng đi thăm lúa mạ, thấy nhiều chỗ bị các loài sâu, chim cắn. Ông ta nổi giận, giăng lưới bắt được chim anh vũ. Chim anh vũ nói:
– Trước kia ông có phát tâm bố thí tài vật không tiếc, do đó, tôi mới dám đến đây nhặt gié lúa. Nay vì sao ông lại giăng lưới bắt tôi?
Chủ hỏi:
– Ngươi lấy lúa này cho ai?
Anh vũ đáp:
– Cha mẹ tôi đều bị mù, tôi xin lúa này đem về để phụng dưỡng cha mẹ.
Vị chủ ruộng nói:
– Từ nay về sau, ngươi hãy đến lấy lúa này để phụng dưỡng họ, đừng e ngại gì!
Loài súc sinh mà còn biết hiếu dưỡng cha mẹ như thế, huống gì là con người.
Đức Phật dạy:
– Chim anh vũ bấy giờ, chính là Ta; chủ ruộng thuở ây, nay chính là Xá-lợi-phất; cha mẹ mù thuở xưa, nay chính là vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-gia. Do khi xưa Ta hiếu dưỡng cha mẹ nên hôm nay thành Phật”.
49.3. THÁI TỬ TU-XÀ-ĐỀ
Kinh Bảo ân ghi: “Trong vô lượng vô biên a-tăng kì kiếp về trước, có Phật Tì-bà-thi xuất hiện thế gian. Sau khi Đức Phật diệt độ, đến thời tượng pháp có vua nước