Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 4 / PUCL QUYỂN 41 – CHƯƠNG CÚNG DƯỜNG, THỤ THỈNH

PUCL QUYỂN 41 – CHƯƠNG CÚNG DƯỜNG, THỤ THỈNH

QUYỂN 41
Nội dung quyển này gồm hai chương: Cúng dường và Thụ thỉnh.
38. CHƯƠNG CÚNG DƯỜNG

38.1. LỜI DẪN
Tam bảo bình đẳng, rộng lớn như hư không, về lí thì không phân oán thân, nơi sự thì chẳng định sang hèn. Vì thế, nên tùy theo khả năng, chí thành cúng dường cùng khắp; lòng không chấp tướng, kính dâng Tam bảo mười phương. Như ngày xưa, nghe Tì-xá-khư mẫu thỉnh riêng năm trăm vị a-la-hán cúng dường, Như Lai quở trách, rồi dạy pháp bình đẳng cúng dường. Cho nên biết, tâm vô hạn thì vật cúng đến mười phương, tài vật không lượng ít nhiều thì tâm trùm pháp giới.
38.2. DẪN CHỨNG
38.2.1. Bồ-tát cúng dường Như Lai
Luận Địa trì ghi: “Bồ-tát có mười cách cúng dường đức Như Lai:
1. Cúng dường sắc thân Phật.
2. Cúng dường chi-đề.
3. Cúng dường hiện tiền.
4. Cúng dường không hiện tiền.
5. Chính mình cúng dường.
6. Khuyên giúp người khác cúng dường.
7. Cúng dường tài vật.
8. Cúng dường thù thắng.
9. Cúng dường không nhiễm ô.
10. Chí xứ đạo cúng dường.
– Bồ-tát thiết lễ cúng dường trước sắc thân Phật, gọi là cúng dường sắc thân Phật.
– Bồ-tát vì đức Như Lai mà cúng dường tháp, hang động thờ Phật, hoặc tinh xá, cho đù đã cũ hay mới xây, đều gọi là cúng dường chi-đề.
– Bồ-tát thiết lễ cúng dường trước Như Lai và chi-đề thì gọi là cúng dường hiện tiền.
– Bồ-tát với niềm hoan hỉ, khao khát ở trước Đức Phật và chi-đề hiện tại cúng dường, đối với các Đức Phật ở ba đời cũng như thế, cho đến hiện tại cúng dường chi-đề Phật và cả ba đời mười phương vô lượng thế giới chi-đề hoặc cũ hoặc mới, thì gọi là cộng hiện tiền cúng dường. Nếu bồ-tát không cúng dường Như Lai và chi-đề hiện tại mà sau khi Phật nhập niêt-bàn, tùy khả năng của mình xây dựng cả trăm nghìn vạn ức bảo tháp tôn thờ xá-lợi, thì gọi là cúng dường rộng khắp không hiện tiền. Nhờ việc làm này nên thành tựu công đức lớn, có được Phạm phúc, trải qua vô số kiếp không bị rơi vào đường ác, đầy đủ vật dụng cho đến chứng đắc Vô thượng bồ-đề. Bồ-tát cúng dường hiện tiền được công đức lớn, cúng dường không hiện tiền được công đức rất lớn, cúng dường hiện tiền và không hiện tiền cũng được công đức vô cùng lớn.
– Bồ-tát tự tay mình cúng dường Như Lai và chi-đề chứ không lười biếng nhờ người khác cúng, gọi là chính mình cúng dường.
– Bồ-tát không chỉ riêng mình cúng dường Như Lai và chi-đề mà còn khuyến khích thân bằng quyến thuộc tại gia, xuất gia cùng cúng dường thì gọi là mình cùng với người khác cúng dường. Tuy có ít tài vật, nhưng vì lòng từ bi nên bồ-tát ban phát cho những người nghèo khổ thiếu phúc, rồi bảo họ cúng dường Như Lai và chi-đề để được an lạc, chứ bồ-tát không tự làm. Đó gọi là khuyên giúp người khác cúng dường. Chính mình cúng dường được phúc báo lớn, bảo người khác cúng dường được phúc báo rất lớn, mình cùng với người khác cúng dường cũng được phúc báo vô cùng lớn.
– Bồ-tát cúng dường y phục, thức ăn, các bảo vật lên Phật và chi-đề, gọi là cúng dường tài vật.
– Từ trước đến nay, với lòng tin thanh tịnh, bồ-tát cúng dường tài vật lên Phật và chi-đề, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc cúng dường hiện tiền và không hiện tiền, tự mình cúng dường hay khuyên người khác cúng dường, rồi đem việc tốt này hồi hướng Vô thượng bồ-đề, gọi là cúng dường thù thắng.
– Bồ-tát tự tay mình cúng dường Như Lai và chi-đề, không xem thường người khác, không buông lung lười biếng, một lòng cung kính, tâm không nhiễm ô, không siểm khúc, cầu lợi dưỡng đối với người có lòng tin, cũng không cúng dường các vật bất tịnh, gọi là cúng dường không nhiễm ô.
– Bồ-tát cúng dường tài vật thanh tịnh, không nhiễm ô lên Như Lai và chi-đề, hoặc tài vật do chính mình làm ra, hoặc xin từ người khác, hoặc tự có theo ý muốn. Bồ-tát hóa thân, hoặc hai, ba thân, cho đến trăm nghìn vạn ức thân lễ lạy Phật, mỗi thân lại hóa ra trăm nghìn tay, trên mỗi tay đều cầm các loại hoa hương cúng dường Như Lai và chi-đề, đồng thời ca ngợi công đức chân thật của Phật, làm lợi ích cho chúng sinh. Cúng dường như thế gọi là Như ý tự tại lực cúng dường.
– Bồ-tát không đợi Như Lai xuất hiện ở đời. Vì sao? Vì bồ-tát đạt được giai vị Bất thối chuyển, đối với các cõi Phật không bị chướng ngại. Bồ-tát không tự mình làm ra của cải, cũng không xin của cải người khác để cúng dường, nhưng khởi tâm thượng, trung, hạ cúng dường tất cả chúng sinh khắp cả mười phương vô lượng thế giới. Bồ-tát cúng dường với tâm thanh tịnh, tâm hiểu biết vi diệu thù thắng, tùy thuận hoan hỷ khắp cả. Bồ-tát dùng một ít phương tiện thực hiện đại cúng dường, trụ trong tâm bồ-đề chỉ trong khoảnh khắc, đối với tất cả chúng sinh thực hành tứ vô lượng tâm, đây gọi là Chí xứ đạo cúng dường, là cách cúng dường Như Lai cao tột nhất. So với cúng dường tài vật ở trước, công đức cúng dường này gấp cả trăm nghìn lần, chẳng gì sánh được.
Đó là mười cách bồ-tát cúng dường Như Lai, cúng dường pháp và tăng cũng như thế. Phải thực hành mười pháp cúng dường này đối với Tam bảo.
Lại nữa, bồ-tát đối với Như Lai, nên phát khởi sáu tâm thanh tịnh:
1. Tâm tôn Như Lai là phúc điền vô thượng.
2. Tâm tôn Như Lai là ân đức vô thượng.
3. Tâm tôn Như Lai là bậc nhất trong tất cả chúng sinh.
4. Tâm tôn Như Lai như hoa ưu-đàm-bát khó gặp.
5. Tâm tôn Như Lai là bậc duy nhất trong tam thiên đại thiên thế giới.
6. Tâm tôn Như Lai là bậc đầy đủ khả năng làm nương tựa cho pháp thế gian và xuất thế gian.
Đủ sáu tâm này, dù khởi một ý niệm nhỏ cúng dường Như Lai, cúng dường pháp, cúng dường tăng cũng được công đức vô lượng, huống gì là nhiều.
Luận Du-già ghi: “Có mười cách bồ-tát cúng dường Như Lai:
1. Cúng dường Thiết-lợi-la.
2. Biệt cúng dường.
3. Cúng dường hiện tiền.
4. Cúng dường không hiện tiền.
5. Tự mình cúng dường.
6. Dạy người khác cúng dường.
7. Cung kính cúng dường tài vật.
8. Cúng dường rộng lớn.
9. Cúng dường không nhiễm ô.
10. Cúng dường chính hạnh”.
38.2.2. Cúng dường sáu phương Kinh ưu-bà-tắc giới ghi: “Đức Phật dạy:
– Này thiện nam tử! Nếu bồ-tát tại gia muốn thụ trì giới ưu-bà-tắc, trước phải lần lượt cúng dường sáu phương:
1. Phương đông biểu thị cho cha mẹ: Nếu người nào hết lòng lễ bái, ca ngợi tôn trọng và cung cấp cho cha mẹ áo quần, thức ăn, giường nệm, thuốc men, nhà cửa, tiền của thì gọi là cúng dường phương đông. Cha mẹ của người đó đối xử lại năm điều:
– Hết lòng lo lắng.
– Không bao giờ lừa dối.
– Di chúc tài sản.

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 52 – CHƯƠNG QUYẾN THUỘC, SO SÁNH, HƠN KÉM

QUYỂN 52 Quyển này gồm hai chương: Quyến thuộc, So sánh hơn kém. 56. CHƯƠNG ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *