Home / KINH - LUẬN / Kinh Pháp Cú thí dụ / KPCTD PHẨM THỨ HAI MƯƠI BA – AN NINH

KPCTD PHẨM THỨ HAI MƯƠI BA – AN NINH

PHẨM THỨ HAI MƯƠI BA – AN NINH
1- PHẬT ĐỘ NĂM TRĂM NGƯỜI CHỨNG QUẢ

Thời Đức Phật, ở phía Đông Nam thành La-duyệt-kỳ, cách xa ba trăm dặm, có một làng trên núi, đông trên năm trăm nhà. Dân chúng ở đấy, cứng đầu cứng cổ khó hóa độ. Tuy nhiên, họ là những người có nhiều phước đức và đại nguyện trong kiếp xa xưa, đáng được khai ngộ. Phật biết như vậy nên giả làm Sa-môn bắt từ đầu thôn đi đến cuối thôn vượt qua các nẻo đường. Phật ra khỏi làng, đến ngồi dưới một cội cây, nhập định Niết-bàn trọn bảy ngày đêm chẳng thở chẳng động. Dân trong làng cho là đã chết, bèn bàn với nhau : Sa-môn đã chết, chúng ta nên lo tống táng. Rồi kẻ ôm củi, người kiếm lửa, họ làm lễ hỏa thiêu. Lửa cháy củi hết, Phật bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, hiện nguyên Phật tướng, hào quang chiếu diệu cảm động mười phương. Hiện biến xong, Phật ngồi tại chỗ cũ, thân mặt tịnh an tươi vui như trước. Già trẻ bé lớn không ai không khiến sợ. Tất cả đều quỳ mọp, cúi đầu tạ tội :
– Chúng tôi là dân ở núi rừng, chẳng biết thần linh, dại lấy củi lửa đốt Ngài, suy ra tội bằng non Thái, cúi xin Ngài thương xót tha thứ cho. Chẳng biết thần có bị thương chăng, có đói khát chăng, có nóng giận chăng ?
Phât mỉm cười nói bài kệ :
Ngã sanh dĩ an
Bất uẩn ư oán
Chúng nhơn hữu oán
Ngã hành vô oán
Ngã sanh dĩ an
Bất bệnh ư bệnh
Chúng nhơn hữu bệnh
Ngã hành vô bệnh
Ngã sanh dĩ an
Bất thích ư ưu
Chúng nhơn hữu ưu
Ngã hành vô ưu
Ngã sanh dĩ an
Thanh tịnh vô vi
Dĩ lạc vi thực
Như Quang Âm Thiên
Ngã sanh dĩ an
Điềm đạm vô sự
Dĩ tân đoàn hỏa
An năng thiêu ngã.

Ta sống cốt yên
Chẳng hờn chẳng oán
Người đời hay oán
Ta hành vô oán
Ta sống cốt yên
Chẳng bệnh các bệnh
Người đời hay bệnh
Ta hành vô bệnh
Ta sống cốt yên
Không sầu, không lo
Người đời hay lo
Ta hành không lo
Ta sống cốt yên
Trong sạch tâm bình
Lấy vui nuôi thân

Như Quang Âm Thiền
Ta sống cốt yên
Lặng lẽ vô sự
Củi xe lửa đụn
Nào đốt được Ta.
Nghe kệ xong, năm trăm người trong thôn bèn làm Sa-môn và được đạo La-hán. Phật cùng các đệ tử mới này bay về Tinh xá Trúc Viên. A-nan bạch Phật :
– Các vị Tỳ-kheo này có đức lạ nào đến nỗi Thế Tôn phải tự đi xa hóa độ họ ?
Phật bảo A-nan :
– Khi Ta chưa xuống thế làm Phật, thế gian có một Bích-chi-Phật thường ở núi ấy, cách thôn đã xa và diệt độ dưới một gốc cây. Dân trong làng làm lễ thiêu tán rồi lượm lặt xá lợi, để vào bình báu, đem chôn trên đỉnh núi, mỗi người đều nguyện đời sau được đắc đạo và diệt độ vui sướng như vị Bích-chi-Phật kia. Do nhân duyên này mà có phước đức lớn và đáng được độ cho nên Như Lai đã đến độ họ.

 2- PHẬT DẠY KHÔNG CÓ GÌ KHỔ HƠN CÓ THÂN

Xưa, Phật ở Tinh xá nước Xá-vệ, lúc ấy có bốn vị Tỳ-kheo ngồi nơi cội cây, cùng hỏi nhau trong thế gian cái gì khổ hơn cả ?
Một vị bảo: Cái khổ trong thiên, hạ không gì hơn dâm dục. Vị kia lại nói : Cái khổ trong thế ; gian không gì hơn sân nhuế. Vị khác lại bảo : Khổ trong thế gian không gì hơn đói khát. Vị nọ lại nói : Khổ trong thiên hạ không gì hơn sợ hãi. Cùng nhau tranh luận những điều ấy không thôi.
Phật hay được đến chỗ ấy hỏi các Tỳ-kheo tranh luận việc gì ? Bốn Tỳ-kheo làm lễ rồi bạch đầy đủ.
Phật nói :
– Mấy ông luận chưa đến chỗ tột cùng. Ngài liền nói : Khổ trong thiên hạ không gì hơn có thân. Đói khát, lạnh nóng, sân nhuế, sợ hắi, sắc dục, oán hại đều do nơi thân. Luận về thân là gốc của đau khổ, là nguồn của tai họa, nhọc lòng lo sợ muôn mối. Từ loài bò bay máy cựa trong ba cõi tàn hại lẫn nhau, nào ta nào người, dính mắc trong đường sanh tử không dừng đều do nơi thân cả. Muốn lìa khổ ở cõi thế phải cầu tịch diệt, nhiếp tâm vào việc chánh, tránh không tưởng mới được Niết-bàn, ấy gọi là rất vui.
Lúc ấy, Thế Tốn liền nói bài kệ :
Nhiệt vô quá tâm
Độc vô quá nộ
Khổ vô quá thân
Lạc vô quá diệt
Vô lạc tiểu lạc
Tiểu biện tiểu huệ
Quán cầu đại giả
Nãi hoạch đại an
Ngã vi Thế Tôn
Trưởng giải vô ưu
Chánh độ tam hữu
Độc hàng chúng ma.
Dịch :
Không gì thiêu đốt hơn dâm
Không gì độc hại hơn giận
Không gì đau khổ hơn thân
Không gì vui sướng bằng diệt
Không có Vui lại ít vui
Ít biện luận ít được huệ
Nếu ai mong cầu việc lớn
Bèn được kết quả rất to
Ta được gọi là Thế Tôn
Được hiểu rộng lại chẳng lo
Là vì vượt qua ba cõi
Riêng hàng phục được các ma.
Phật nói kệ xong bảo các Tỳ-kheo : – Xa xưa, cách nay rất nhiều đời, lúc bấy giờ có một vị Tỳ-kheo được năm phép thần thông tên là Định tấn lực, ngồi hành đạo nơi cội cây trong núi, rất vắng lặng an nhàn. Khi ấy có bốn con cầm thú ở hai bên thường được an ổn. Bốn con cầm thú ấy là : 1- Con chim bồ câu, 2- Con quạ, 3- Con rắn độc, 4- Con nai; bốn con ấy ban ngày chúng đi kiếm ăn đến chiều tôi mới về. Có một đêm, bốn con cầm thú hỏi nhau : Sự khổ trong thế gian cái gì là nặng hơn cả ? Quạ đáp :
– Đói khát là khổ nhứt ! Vì đói khát thân gầy ốm, mắt lờ, thần thức hỗn loạn, lao mình vào nơi cạm bẫy, đồng loại chúng tôi mất mạng đều do lẽ ấy; thế nên tôi bảo sự đói khát là khổ.
Bồ câu nói :
– Dâm dục là khổ nhứt! sắc dục hẫy hừng, không suy nghĩ, tán thân mất mạng đều do nó. Con rắn độc bảo :
– Nóng giận rất khổ ! Một phen ác ý nổi lên không kể người thân hay kẻ sơ, cũng hay giết người lại hay tự sát.
Con nai nổi :
– Sợ hãi rất khổ ! Tôi đi chơi trong rừng hoang tâm thường hốt hoảng lo sợ, sợ thợ săn và những con chó sói, vừa nghe tiếng phong thanh liền chạy, chẳng may phải lọt vào hầm hố, mẹ con đều xa lìa nhau rất thương xót, vì thế tôi nói sự sợ hãi là khổ.
Tỳ-kheo kia nghe xong liền bảo : Chỗ luận của các ngươi chưa rốt ráo, không tột mé khổ, sự khổ trong thiên hạ không gì hơn có thân. Thân là vật khổ lo sợ không lường ! Tôi biết rõ như thế nên đã bỏ tục vào đạo dứt ý lìa tưởng, chẳng tham đắm thân tứ đại, muốn đoạn nguồn gốc khổ dốc chí nơi đạo quả Niết bàn, tịch diệt không hình tướng, rời xa sầu lo, thế mới được an vui.
Bốn con cầm thú nghe xong tâm liền khai ngộ.
Phật bảo các Tỳ-kheo : Tỳ-kheo ngũ thông lúc ấy là thân Ta ngày nay, còn bốn con thú kia nay là bốn người đó. Đời trước đã nghe nghĩa về nguồn gốc khổ; thế sao ngày nay lại còn như thế.
Bốn thầy Tỳ-kheo nghe xong đều xấu hổ tự trách, liền chứng đạo A-la-hán ngay tại chỗ.

About namcuulong

Check Also

PHẨM THỨ BA MƯƠI SÁU – NIẾT BÀN

PHẨM THỨ BA MƯƠI SÁU – NIẾT BÀN PHẬT DẠY NƯỚC NÀO CÓ BẢY ĐIỀU ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *