PHẨM THỨ BA MƯƠI LĂM – PHẠM CHÍ
CÁC PHÁP MÔN TU CỦA 96 PHÁI NGOẠI ĐẠO KHÔNG CÓ NIẾT BÀN
Xưa ở nước Tư-a-diếp, có một cái núi lớn tên là Tư-hưu-giác-tha. Trong núi có năm trăm Phạm Chí; mỗi vị tu hành đạt đến thần thông. Họ bàn với nhau: .Thế là chúng ta đã đắc Niết bàn rồi. Vào lúc ấy, Phật, mới “gióng trống pháp mở cửa cam lọ”. Các vị Phạm -Chí có nghe biết nhưng không đến với Phật, tuy nhiên nhờ phước xưa khá dày cho nên đáng được Phật độ.
Phật một thân đi đến gần núi, ngồi dưới cội cây ngay đầu lộ, nhập “tam muội”, phóng hào quang lên núi, sáng rực như đám cháy to. Các vị Phạm Chí hoảng hốt, niệm chú hóa nước trừ lửa, nhưng bao nhiêu nỗ lực đều vô hiệu. Thấy điều quái dị họ đành bỏ núi cùng chạy xuống đồng bằng. Xa trông, họ thấy Thế Tôn đang tọa thiền dưới cội cây, ánh chói như mặt trời mới mọc sau một ngọn núi vàng, tướng mạo tốt đẹp như trăng rằm. Không biết là vị thần nào hiện ra, họ xua chạy đến và bao quanh Phật.
Phật dạy họ ngồi xuống và hỏi họ từ đâu đến và có việc gì. Mấy vị Phạm Chí thưa : Chúng tôi ở trên núi này, tu hành từ lâu, hôm nay bỗng nhiên lửa cháy rừng, chúng tôi cứu chữa không được, sợ quá nên chạy đến đây.
Phật nói :
– Đó là lửa phước, không đốt người mà chi thiêu những sợi dây si mê của các ông thôi.
Các thầy trò Phạm Chí nói với nhau : Lạ nhỉ ! Đạo sĩ này là ai, trong chín mươi sáu mối đạo, chưa từng nghe nói đến một sư nào như thế này.
Phải chăng đây là con vua Bạch Tịnh tên Tất-đạt – đa chẳng vui ngôi báu, bỏ nhà cầu Phật ? Bọn học trò của Phạm Chí xin thầy của họ hỏi đạo sĩ coi đường lối tu hành của họ có đúng chánh pháp hay không ?
Bàn luận xong, tất cả đồng quỳ thẳng lên bạch Phật :
– Kinh pháp của Phạm Chí tức của đạo Bà-la-môn gọi là “Tứ vô ngại” bao gồm thiên văn, địa lý, luôn cả phép làm vua trị nước dắt dân và đạo thuật chín mươi sáu môn phái. Vậy kinh ấy có phải là con đường dẫn đến Niết-bàn không, xin Ngài chỉ bảo cho ?
Phật bảo :
– Các ông hãy nghe cho rõ và suy ngẫm những lời Ta sắp nói đây. Nhiều đời trong quá khứ, Ta thường hành kinh ấy và được năm thần thông, dời non ngăn rạch, nhưng vẫn trôi lặn trong dòng sanh tử không biết bao nhiêu lần, chưa hề chứng được Niết-bàn và cũng chưa nghe ai nhờ kinh ấy mà được Niết-bàn. Lối tu hành của các ông chẳng phải là Phạm Chí.
Nói đến đây, Phật đọc bài kệ :
Tiệt lưu nhi độ, vô dục như Phạm
Tri hành dĩ tận, thị vi Phạm Chí.
Dĩ vô nhị pháp, thanh tịnh độ uyên
Chư dục kết giải, thị vi Phạm Chí
Phi tộc kết phát, danh vi Phạm Chí
Thành hành pháp hành, thanh bạch tắc hiền
Sức phát vô huệ, thảo y hà thí ?
Nội bốt ly trước, ngoại xả hà ích ?
Khử dâm, nộ, si, kiêu, mạn chư ác
Như xà thoát bì, thị vi Phạm Chí
Đoạn tuyệt thế sự, khẩu vô thô ngôn
Bát đạo thẩm đế, thị vi Phạm Chí
Dĩ đoạn ân ái, ly gia vô dục
Ái trước dĩ tận, thị vi Phạm Chí.
Ly nhơn tụ xứ, bất đọa thiên tụ
Chư tụ bất quy, thị vi Phạm Chí
Tự thức túc mạng, bổn sở cánh lai
Sanh tử đắc tận, duệ thông đạo huyền
Minh như năng mặc, thị vi Phạm Chí.
Dịch :
Cạn dòng tư tưởng, hết dục như thiên
Biết, làm, đã tận, ấy gọi Phạm Chí
Đã dù hai pháp, thanh tịnh vượt hầm
Tháo mở dây tham, mới là Phạm Chí
Chẳng phải búi tóc, đủ làm Phạm Chí
Lòng thành tu đúng, trong trắng ắt hiền
Dọn tóc không huệ, áo gai làm gì ?
Trong chẳng lìa chấp, ngoài xả ích gì ?
Bỏ dâm, nóng, si, phách lốí các ác
Như rắn lột da, thế là Phạm Chí
Cắt đứt việc đời, miệng không lời thô
Tâm chánh xét rõ mới là Phạm Chí
Đã cắt ái ân, lìa nhà không dục
Mến chấp đã hết, ấy là Phạm Chí
Đừng mong làm người, đừng mong làm trời
Đừng mong gì cả, mới là Phạm Chí
Tự biết đời trước, cảnh cũ sẽ đến
Sanh tử chấm dứt, rõ thông đạo mầu
Sáng mà không khoe, đó là Phạm Chí.
Đọc kệ xong, Phật tiếp nói :
– Các ông tưởng đã đến Niết-bàn với lối tu của các ông, thật ra các ông chỉ như cá trong lạch nước con, làm sao vui sướng lâu dài được.
Các vị Phạm Chí nghe xong, lòng mừng khấp khởi, đồng quỳ xuống nguyện làm đệ tử. Tức thời tóc râu đều rụng, làm thầy Sa-môn, do nhân hành hạnh thanh tịnh từ lâu nên liền đắc đạo thành bậc A-la-hán, còn Thiên, Long, quỷ thần đều thấy ngõ đạo.