Home / KINH - LUẬN / Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật / TẬP MỘT KINH MA HA BNBLM / KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ SÁU

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ SÁU

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ SÁU
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập Việt dịch: Tỳ kheo Thích Trí Tịnh
PHẨM QUẢNG THỪA THỨ MƯỜI CHÍN

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Có đại Bồ Tát Đại thừa, chính là tứ niệm xứ.
Thế nào là bốn?
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát, trong nội thân, theo thân quán sát, cũng không có thân giác, vì bất khả đắc vậy.
Trong ngoại thân, theo thân quán sát, cũng không có thân giác, vì bất khả đắc vậy.
Trong nội ngoại thân, theo thân quán sát, cũng không có thân giác, vì bất khả đắc vậy.
Đại Bồ Tát quán thân, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian.
Nội thọ, nội tâm, nội pháp, ngoại thọ, ngoại tâm, ngoại pháp, nội ngoại thọ, nội ngoại tâm, nội ngoại pháp, đại Bồ Tát theo thọ tâm pháp quán sát, cũng không có thọ giác, tâm giác, pháp giác, vì bất khả đắc vậy, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian.
Này Tu Bồ Đề! Thế nào là đại Bồ Tát trong nội thân theo thân quán sát?
Lúc đại Bồ Tát đi thời biết là đi, lúc đứng thừi biết là đứng, lúc ngồi thời biết là ngồi, lúc nằm thời biết là nằm. Thân hành động thế nào thời biết như vậy.
Đây là trong nội thân, đại Bồ Tát theo thân quán sát, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian, vì bất khả đắc vậy.
Đại Bồ Tát lúc đến, lúc đi, lúc nhìn ngó, co duỗi, cúi ngửa, lúc đắp y, cầm bát, lúc ăn uống, lúc nằm nghỉ, ngủ, thức, ngồi, đứng, nói, nín, lúc nhập thiền, xuất thiền cũng thường nhất tâm. Đây là trong nội thân, đại Bồ Tát theo thân quán sát lúc thật hành Bát nhã ba la mật, vì bất khả đắc vậy.
Trong nội thân, lúc theo thân quán sát, đại Bồ Tát nhất tâm niệm, lúc thở vào biết là thở vào, lúc thở ra biết là thở ra, lúc thở vào dài thời biết là thở vào dài, lúc thở ra dài thời biết là thở ra dài, lúc thở vào vắn thời biết là thờ vào vắn, lúc thở ra vắn thời biết là thở ra vắn. Đây là trong nội thân, đại Bồ Tát theo thân quán sát, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian, vì bất khả đắc vậy.
Đại Bồ Tát quán sát thân tứ đại nghĩ rằng trong thân thể có địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại.
Ví như nhà hàng thịt dùng dao bén giết bò chia làm bốn phần rồi hoặc đứng hoặc ngồi quán sát bốn phần thịt bò này.
Cũng vậy, đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật quán sát thân thể bốn đại: địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại. Đây là trong nội thân, đại Bồ Tát theo thân quán sát, vì bất khả đắc vậy.
Đại Bồ Tát lại quán sát thân thể từ đảnh đầu đến chân, da mỏng bao bọc nhiều thứ bất tịnh đầy trong thân. Nghĩ rằng thân thể có tóc, lông, móng, răng, da mỏng, da dầy, gân, thịt, xương, tủy, tim, gan, phổi, tì, cật, mật, tiểu trường, đại trường, bao tử, bàng quang, phân dãi, mồ hôi, cáu ghét, nước mắt, nước mũi, nước miếng, máu, mủ, đàm, nhót, não óc.
Ví như trong kho của nhà nông chứa lộn lạo đầy những lúa, nếp, mè, đậu, bắp. Người có đôi mắt sáng mở kho liền thấy rõ là lúa, là nếp, là mè, là đậu, là bắp.
Đại Bồ Tát quán sát trong thân từ đầu đến chân thấy rõ từng chi tiết bất tịnh, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian, vì bất khả đắc vậy.
Đại Bồ Tát nếu thấy thân người chết đã trải qua một ngày, hai ngày đến năm ngày, xanh ứ sình trương, mủ nước rỉ chảy, tự nghĩ rằng thân thể của ta đây rồi cũng sẽ như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Đây là đại Bồ Tát trong nội thân theo thân quán sát, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian, vì bất khả đắc vậy.
Đại Bồ Tát nếu thấy thân người chết vất bỏ đã sáu ngày, bảy ngày, bị chồn, chó, sài lang, quạ, kên kên, xé ăn, tự nghĩ rằng thân thể của ta đây rồi cũng sẽ như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Đây là đại Bồ Tát trong nội thân theo thân quán sát, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian, vì bất khả đắc vậy.
Đại Bố Tát nếu thấy thân người chết vất bỏ bị cầm thú xé ăn rã rời hôi thối bất tịnh, tự nghĩ rằng thân thể của ta đây rồi cũng sẽ như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Nếu thấy thân người chết vất bỏ, da thịt đã tan lộ bày gân xương liên tỏa, đại Bồ Tát tự nghĩ rằng thân thể của ta đây rồi cũng sẽ như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Nếu thân người chết vất bỏ, xương cốt đã rã rời trên đất, đại Bồ Tát tự nghĩ rằng thân thể của ta đây rôi cũng sẽ như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Nếu thấy thân người chết vất bỏ, xương cốt rã rời trên đất, xương chân chỗ này, xương đầu chỗ nọ, mỗi lóng, mỗi đốt đều khác chỗ, đại Bồ Tát tự nghĩ rằng thân thể của ta rồi cũng như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Nếu thấy xương khô bỏ lâu ngày, gió thổi, nắng soi, màu trắng như vỏ Ốc, đại Bồ Tát tự nghĩ rằng thân thể của ta rồi cũng như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy.
Nếu thấy xương khô bỏ trên đất lâu ngày mục rã nát bấy lộn với đất, đại Bồ Tát tự nghĩ rằng thân thể của ta rồi cũng như vậy, tất chẳng thoát khỏi thế ấy. Trong nội thân, đại Bồ Tát theo thân quán sát, siêng tinh tấn nhất tâm trừ sự tham ưu của thế gian, vì bất khả đắc vậy.
Như quán sát nội thân với ngoại thân cùng nội ngoại thân, cũng theo thân quán sát như vậy.
Cũng phải theo như trên đây mà giải thuyết rộng về thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, và pháp niệm xứ.
Đây gọi là đại Bồ Tát Đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Này Tu Bồ Đề! Lại có đại Bồ Tát Đại thừa, chính là tứ chính cần.
Những gì là bốn?,
Đại Bồ Tát đối với những pháp ác bất thiện chưa pháp sinh, vì làm cho pháp ác chẳng sinh nên muốn có tâm siêng tinh tấn mà nhất tâm hành đạo. Đối với pháp ác bất thiện đã phát sinh, vì dứt trừ nên muốn có tâm siêng tinh tấn mà nhất tâm hành đạo. Đối với pháp thiện chưa phát sinh, vì phát sinh nên muốn có tâm siêng tinh tấn mà nhiếp tâm hành đạo. Đối với pháp thiện đã phát sinh, vì làm cho còn mãi để tu tập đến được đầy đủ rộng lớn nên muốn có tâm siêng tinh tấn mà nhiếp tâm hành đạo, vì bất khả đắc vậy. Đây gọi là đại Bồ Tát Đại thừa.
Này Tu Bồ Đề Lại có đại Bồ Tát Đại thừa, chính là tứ như ý phần.
Những gì là bốn?
Đại Bồ Tát dùng sự mong muốn định hạnh thành tựu mà tu như ý phần, dùng sự tinh tấn định hạnh thành tựu mà tu như ý phần, dùng sự tư duy định hạnh thành tựu mà tu như ý phần, dùng sự nhất tâm định hạnh thành tựu mà tu như ý phần. Đây gọi là đại Bồ Tát Đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Này Tu Bồ Đề! Lại có đại Bồ Tát Đại thừa, chính là ngũ căn.
Những gì là năm? Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn. Đây là đại Bồ Tát Đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có đại Bồ Tát Đại thừa, chính là ngũ lực.
Những gì là năm? Tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực, đây là đại Bồ Tát Đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có đại Bồ Tát Đại thừa, chính là thất giác phần.
Những gì là bảy? Đại Bồ Tát tu niệm giác phần, trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần, hỉ giác phần, trừ giác phần, định giác phần và xã giác phần, nương nơi ly, nơi vô nhiễm hướng đến Niết Bàn. Đây gọi là đại Bồ Tát Đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có bát thánh đạo phần là đại Bồ Tát Đại thừa.
Những gì là tám? Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm và chính định. Đây gọi là đại Bồ Tát Đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có ba môn tam muội là đại Bồ Tát Đại thừa.
Những gì là ba? Không tam muội, vô tướng tam muội và vô tác tam muội.
Không tam muội là nói các pháp tự tướng rỗng không. Đây gọi là không giải thoát môn.
Vô tướng tam muội là nói diệt hoại các pháp tướng, không nghĩ, không nhớ. Đây gọi là vô tướng giải thoát môn.
Vô tác tam muội là nói đối vái các pháp không mong cầu tạo tác. Đây gọi là vô tác giải thoát môn.
Ba môn này là đại Bồ Tát Đại thừa, vì bất khả đắc vậy.
Lại có đại Bồ Tắt Đại thừa, chính là khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sinh trí, pháp trí, tỉ trí, thế trí, tha tâm trí, và như thiệt trí.
Thế nào gọi là khổ trí? Biết khổ chẳng sinh, đây gọi là khổ trí.
Thế nào gọi là tập trí? Biết tập phải dứt,. đây gọi là tập trí.
Thế nào gọi là diệt trí? Biết khổ dứt diệt, đây gọi là diệt trí.
Thế nào gọi là đạo trí? Biết bát thánh đạo phần, đây gọi là đạo trí.
Thế nào gọi là tận trí? Biết tham, sân, si, diệt tận, đây gọi là tận trí.
Thế nào gọi là vô sinh trí? Biết trong các cõi hữu lậu là vô sinh, đây gọi là vô sinh trí.
Thế nào gọi là pháp trí? Biết bốn sự của ngũ ấm, đây gọi là pháp trí.
Thế nào gọi là tỉ trí? Biết nhân vô thường nhẫn đến biết ý xúc nhân duyên sinh thọ vô thường, đây gọi là tỉ trí.
Thế nào gọi là thế trí? Biết nhân duyên danh tự, đây gọi là thế trí.

About namcuulong

Check Also

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ BẢY

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ BẢY Hán dịch: Pháp ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *