Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 63 – CHƯƠNG CẦU MƯA VÀ VƯỜN CÂY

PUCL QUYỂN 63 – CHƯƠNG CẦU MƯA VÀ VƯỜN CÂY

QUYỂN 63
Quyển này gồm hai chương: cầu mưa và Vườn cây.
71. CHƯƠNG CẦU MƯA

71.1. LỜI DẪN
Thánh đạo rỗng lặng, nên biến hóa vô cùng; do biến hóa vô cùng, nên hễ ứng hiện thì đều khế hợp. Gần đây, âm dương vận hành không đúng tiết, hạn hán kéo dài nhiều ngày; dù đài phía bắc lễ tế đã bày từ lâu, mà cơn mưa ở thành tây vẫn chưa ứng nghiệm. Thánh thượng lo cho muôn dân mất sản nghiệp, lại sợ ngũ cốc chẳng được mùa, nên tiết giảm ăn uống, không dụng trọng hình. Hơn nữa, trời còn tối mà vua đã thức, đêm đã xuống lại chưa ăn, lòng chí thành cảm thông thiên hạ, hành tế tự khắp các núi sông. Nhưng nước linh chưa tuôn, mây lành chưa tụ.
Kính nghĩ: đuốc tuệ chiếu soi, khiến chốn tối tăm đều rực sáng; sức thần thật khó lường, hễ có cảm nhất định ứng hiện. Vì thế, kính mong Tam bảo diễn rộng giáo Nhất thừa, tụng đọc lời nhiệm mầu mà kiến lập phúc lớn. Nguyện giáo pháp vừa bắt đầu thì mây từ giăng khắp, lời nhiệm mầu vừa tuyên thì mưa tuôn cả xa gần. Khiến cho lúa tốt trổ đầy bông trên đồng ruộng, quả lành kết đậu khắp núi rừng. Y phục chỉ mặc vải bát tàm, gạo thóc nhất định ăn lúa thất hoạch. Bấy giờ, thế giới ngát thơm như cõi nước Chúng Hương, hàm sinh an lạc như sống cõi An Dưỡng.
Không thỉnh thì chẳng gặp, có cầu nhất định ứng. Tất cả đồng tắm gội trong dòng nước định, nối tiếp cội nguồn thành trí, dứt trừ lưới ái dục, vượt trên cảnh hữu vô.
71.2. CẦU CÚNG
Kinh Đại vân luân thỉnh vũ ghi: “Đức Phật dạy:
– Nếu muốn biết pháp cầu mưa lớn và cách dứt mưa thì các ông hãy lắng nghe! Đầu tiên người chủ câu mưa phải khởi lòng từ bi thương xót tất cả chúng sinh và thụ trì tám trai giới. Sau đó chọn khoảng đất trống, giăng màn màu xanh, treo mười lá phướn màu xanh, quét dọn sạch sẽ khu đất ấy, dùng phân bò trét nền đàn, mời thầy tụng thần chú lên tòa cao. Nếu người tụng chú là tại gia thì nên thụ tám trai giới, nếu tì-kheo thì nên giữ gìn giới cấm, mặc y phục sạch sẽ, đốt các loại hương thơm. Lại dùng hương bột rải trên tòa pháp sư, dâng cúng ba loại thức ăn thanh tịnh là sữa bò, lạc và gạo rang.
Khi tụng phẩm Đại vân luân này, nên ngồi hướng mặt về phương đông, ngày đêm chí thành tụng niệm không gián đoạn, đồng thời cúng dường tất cả các Đức Phật. Lại dùng bình sạch đựng nước sạch đặt bốn phía đàn, tùy khả năng tài chính của mình mà sắm sửa thức ăn dâng cúng cho loài rồng. Lại rải hoa thơm khắp đạo tràng và chung quanh pháp tòa. Bốn mặt pháp tòa dùng nước thuần phân bò mới và sạch vẽ hình rồng. Cách mặt đông của pháp tòa ba khuỷu tay trở ra vẽ hình rồng một thân ba đầu cùng với các rồng quyến thuộc; cách mặt nam pháp tòa năm khuỷu tay trở ra vẽ hình rồng một thân năm đầu cùng với quyến thuộc; cách mặt tây pháp tòa bảy khuỷu tay trở ra vẽ hình rồng một thân bảy đầu cùng quyến thuộc; cách mặt bắc pháp tòa chín khuỷu tay trở ra vẽ hình rồng một thân chín đầu cùng quyến thuộc. Bấy giờ vì hộ thân, nên thầy tụng trì chú vào nước, hoặc vào tro trắng, nhất tâm ấn định phạm vi đạo tràng, rồi dùng tro hoặc nước sạch ấy vạch ranh giới, có thể trong vòng một bước, hoặc nhiều bước. Hoặc trì chú vào sợi chỉ rồi đeo vào cổ, hoặc buộc vào tay hay vào chân. Nên nhớ, khi trì chú vào nước sạch hoặc tro trắng, nên dùng các vật này rải trên đỉnh hoặc trán mình và nguyện: “ Người có tâm ác không được vào phạm vi này”.
Người tụng chú nên khởi lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, khuyến thỉnh các Đức Phật, bồ-tát xót thương gia hộ. Sau đó hồi hướng tất cả công đức này cho loài rồng cùng hưởng. Nếu vẫn không mưa thì tụng kinh này một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày liên tục không gián đoạn giống như trên, nhất định trời sẽ mưa.
Thủy triều biển lớn còn có thể giữ lại lâu hơn chứ y theo pháp này thực hành mà không mưa thì thật vô lí, chỉ trừ người bất tín và không chí tâm”,
Đại vân thỉnh vũ kinh lược yếu ghi: “Đức Phật bảo các vua rồng:
– Hôm nay Ta muốn nói pháp đà-la-ni mà Ta đã nghe được từ đức Đại Bi Vân Sinh Như Lai ở quá khứ. Các Đức Phật quá khứ đã thuyết đà-la-ni uy thần này, nay Ta cũng nên tùy thuận mà thuyết để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, xót thương ban cho họ niềm an lạc. Vào đời vị lai, nếu gặp lúc trời hạn hán, có thể nhờ thần chú này mà khiến tuôn mưa. Gặp lụt lội cũng có thể khiến ngừng dứt, cũng có thể trừ tất cả dịch bệnh và các hiểm nạn; có thể tập họp loài rồng, có thể làm cho chư thiên hoan hỉ, lại có năng lực phá tan cảnh giới ma, giúp chúng sinh được mọi an lạc. Dạy xong Thế Tôn liền thuyết thần chú:
– Đát điệt tha ma ha nhã na bà bà tát ni, thât lị đế thù la ki di, địa lí đồ tì ca ra ma bát da ra tăng ha đát nễ, ba la ma tị ra xà, ni ma la cầu na khê đầu tô lật da ba la tì, tì ma lam già da sư trí, bà ha ra bà ha ra.
– Nam mô nhã na, sa già la tì lô già an da, đã tha kiệt đa da, nam mô tát bà phật đà, bồ đề tát để tì ha.
Lại có bài thần chú:
– Đát trá đát trá, đế trí đế trí, đấu thư đấu thư, ma ha ma ni, ma câu trá, mao lâm đạt la thi tì sa, vu lưu sắt na, tam ma la tha, đé lị át ra na địa sư trá nam bạt chiết ra đà la tát để na, bạt lị sa tha y ha diêm phù đề địa tất tóa ha.
– A bà hà dạ mị, tát bà na kiềm, mê đế la chất để na, bồ đề chất đá phất bà kềm mị na, na la na la, nễ lị nễ lị, nô lô nô lô, sa ha.
Lại có bài thần chú:
– Thích ca la tát để na, bát la bà la sa địa, ma ha na già, y ha diêm phù đề tì sa ha.
Lại có bài thần chú:
– A sư trá ma ca, tát để na, bát ra bà lị sa tha, ma ha na già, y ha diêm phù đề tì sa ha ”.
Kinh Đại phương đẳng đại vân ghi: “Đức Phật dạy:
– Nếu quốc gia nào muốn cầu mưa, vào sáu ngày trai mỗi tháng, quốc vương nước ấy tắm gội sạch sẽ, cúng dường Tam bảo, tôn trọng ca ngợi và xướng tên long vương.
Này thiện nam! Tính cùa bốn đại có thể thay đổi, nhưng nếu trì tụng thần chú này mà trời không tuôn mưa, thì không bao giờ có. Trong kinh này có thần chú, vì chúng sinh nên các Đức Phật ba đời đều tuyên thuyết: Úc cứu lệ, mâu cứu lệ, đầu để tì đầu để, đà ni yết để, đà na lại để, đà na tăng đáp hề.
71.3. TUÔN MƯA
Kinh Phân biệt cồng đức ghi: “Trời và rồng đều có khả năng tuôn mưa, vậy làm sao phân biệt? Trời chỉ tuôn mưa phùn, rồng tuôn mưa lớn. Lại nữa, khi a-tu-la và trời đánh nhau cũng có hai loại mưa tuôn xuống nhân gian, đó là mưa vui mừng và mưa sân hận. Nếu mưa tuôn nhẹ êm, đó là mưa vui mừng; nếu mưa có kèm theo sấm sét, đó là mưa sân hận”.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Đức Phật dạy:
– Thế gian như thế, thật chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới rồng cũng chẳng thể nghĩ bàn. Làm sao từ miệng rồng có thể phun mưa như thế? Đáp: ‘Chẳng phải từ miệng rồng’. Hỏi: ‘Vậy từ mắt, tai mũi, thân phun ra ư?’. Đáp: ‘Cũng chẳng phải từ những nơi ấy. Chỉ khi rồng khởi niệm, dù thiện hay ác cũng đều khiến tuôn mưa, hoặc do bản hạnh nguyện mà tuôn mưa’. Như lưng chừng núi Tu-di có một vị trời tên là Đại Lực có khả năng biết được suy nghĩ của chúng sinh. Vị trời này cũng có thể làm mưa. Nhưng mưa không từ miệng, mũi, tai, mắt của vị trời này tuôn ra, mà do thần lực của vị ấy tạo ra”.
Kinh Hoa nghiêm ghi: “Này Phật tử! Giống như loài rồng lớn tùy ý tuôn mưa, mưa ấy không từ bên trong cũng không từ bên ngoài. Cảnh giới Như Lai cũng như vậỵ, tùy niệm khởi mà mỗi niệm xuất sinh vô lượng chẳng thể nghĩ bàn trí tuệ, nhưng trí tuệ ấy không từ một nơi nào đến. Tất cả nước trong biển lớn đều từ tâm nguyện của long vương mà có; trí tuệ Như Lai cũng như vậy, đều từ sức đại nguyện mà lưu xuất. Biển trí Như Lai vô lượng vô biên, không thể diễn đạt, không thể nghĩ bàn, Ta chỉ có thể nói một thí dụ nhỏ, các ông hãy lắng nghe! Như hai nghìn năm trăm con sông trong châu Diêm-phù-đề, năm nghìn con sông trong châu Câu-na-di, tám nghìn bốn trăm con sông trong châu Phất-ba-đề, một vạn con sông trong châu Ưất-đơn-việt đều tuôn ra biển lớn. Vậy nước biển lớn ấy nhiều chăng?
Đáp: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.
– Này Phật tử! Lại có mười long vương Quang Minh tuôn mưa vào biển lớn nhiều hơn số nước kể trên; lại có trăm long vương Quang Minh tuôn mưa vào biển lớn nhiều hơn số nước vừa kể; cho đến tám mươi ức long vương tuôn mưa vào biển lớn lần lượt gấp nhiều số lượng nước vừa nêu trên; lại có thái tử của long vương sa-già-la tên là Phật Sinh mưa vào biển lớn còn nhiều hơn tổng số trên.
– Này Phật tử! Kế đó, nước trong ao của mười long vương Quang Minh đang cư trú chảy ra biển lớn nhiều hơn tất cả số nước trên; nước trong ao của trăm long vương Quang Minh đang cư trú chảy ra biển lớn nhiều hơn tất cả số nước vừa kể

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *