Home / Pháp Uyển Châu Lâm / PUCL - Tập 5 / PUCL QUYỂN 57 – CHƯƠNG MẮC NỢ, TRANH TỤNG

PUCL QUYỂN 57 – CHƯƠNG MẮC NỢ, TRANH TỤNG

QUYỂN 57
Nội dung quyển này gồm hai chương: Mắc nợ, Tranh tụng.
65. CHƯƠNG MẮC NỢ

65.1. LỜI DẪN
Khuyên gắng hành thiện, răn lìa lầm lỗi là tâm thường hằng của bậc Đại sĩ; dẹp bỏ điều ác, tu tạo việc lành là nguyện muôn kiếp của Bồ-tát. Vì thế, sự vận động của nghiệp thiện ác, giống như sự nương nhau của hình ảnh; lỗi lầm mắc nợ, chính là trồng quả khổ ba đường. Hiện đời mắc nợ, có thể hiện đời chịu quả báo, có thể đời sau chịu quả báo và cũng có thể nhiều đời sau mới chịu quả báo. Trong ba thời như thế, hễ thiếu bất cứ một món nợ nào, dù bằng sợi lông, mà cự tuyệt không chịu trả sao? Phải trả và nhất định phải chịu khổ báo. Cho nên kinh ghi: “Người trộm cắp, trước hết vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, sau đó được làm thân người còn phải chịu hai quả báo: một, luôn luôn nghèo hèn; hai, nếu có chút ít tài sản cũng sẽ bị người khác chiếm đoạt”. Lời này thật có chứng cứ, cần phải tự xét bản thân.
65.2. DẪN CHỨNG
Kinh Pháp cú thí dụ ghi: “Thuở xưa, khi Phật còn tại thế, có một tì-kheo tên là Phất-ca-sa-vương vào thành La-duyệt khất thực. Ngay tại cửa thành, ông bị con trâu cái mới sinh húc chết. Chủ trâu lo sợ, bèn bán trâu cho người khác. Người chủ mới dẫn trâu ra sông uống nước, cũng bị trâu từ phía sau húc chết. Gia đình người chủ nổi giận, bắt trâu giết, rồi đem thịt ra chợ bán.
Có người làm ruộng mua đầu trâu, xỏ dây mang về. Trên đường về, cách nhà hơn một dặm, anh ta đến bên gốc cây, treo đầu trâu lên cành rồi ngồi nghỉ. Lát sau, dây bị đứt, đầu trâu rơi xuống đâm sừng vào người, anh ta chết ngay tại chỗ.
Nghe trong một ngày có ba người bị giết như thế, vua Bình-sa lấy làm lạ, liền cùng quần thần đi đến chỗ Phật, hỏi nguyên nhân.
Đức Phật bảo nhà vua:
– Ngày xưa, có ba thương gia đến một nước khác để buồn bán, họ thuê nhà của một bà lão cô độc để ở. Bà lão bằng lòng, nhưng ba người kia thấy bà đơn độc, nên dối gạt, không muốn trả tiền. Đợi bà đi vắng, họ lén bỏ đi. Trở về, không thấy khách, bà lão hỏi nhà hàng xóm. Mọi người đều nói là họ đi rồi. Bà lão nổi giận lập tức đuổi theo. Khi gặp họ, bà lão khổ nhọc đòi tiền. Nhưng ba người ấy mắng: ‘Trước đây, chúng tôi đưa rồi, sao còn đòi nữa?’. Thế là, họ đồng thanh phản đối, không chịu trả tiền. Bà lão một mình yếu thế không biết làm sao, bèn buồn bã, khóc than và thề độc: ‘Ta nay đã khốn quẫn, sao họ nỡ lừa gạt. Ta thề rằng đời sau sinh ở nơi nào, nếu gặp lại, ta sẽ giết chết các ngươi. Giả sử các ngươi có đắc đạo, ta cũng không buông tha’.
Phật bảo vua Bình-sa:
– Bà lão thuở ấy chính là con trâu cái ngày nay. Ba người buôn là Phất-ca-sa v.v… những người bị trâu húc chết”.
Đức Phật nối kệ:
Lời ác mắng người,
Coi thường, lấn lướt,
Tạo ác như thế,
Oán khổ liền sinh.
Lời hòa khiêm cung,
Tôn trọng người khác,
Bỏ giận, nhẫn ác,
Oán khổ tự tan.
Người sống trên đời,
Búa ở cửa miệng,
Vì nói lời ác,
Nên bị chém thân.
Kinh Xuất diệu ghi: “Xưa có hai anh em ở nước Kế-tân. Người anh xuất gia, chứng quả A-la-hán, người em ở nhà lo gây dựng gia nghiệp. Bấy giờ, người anh thường về nhà dạy em, khuyên bố thí, trì giới, tu thiện, làm phúc để hiện tại được tiếng thơm, chết thì được sinh về nơi hạnh phúc, nhưng em trả lời:
– Anh nay đâ xuất gia, không còn phải lo việc chung việc riêng, không nghĩ đến vợ con, ruộng vườn, của cải, còn em thì phải lo những việc như thế.
Người anh thường khuyên nhắc, nhưng em không chịu nghe. Sau đó, người em bị bệnh mà chết, sinh vào loài trâu, bị người sai kéo xe chở muối vào thành. Từ trong thành đi ra, người anh trông thấy, liền nói pháp cho trâu nghe. Nghe xong, nó buồn tủi nghẹn ngào. Chủ trâu thấy thế, nói với vị a-la-hán:
Ông đã nói điều gì mà khiến con trâu của tôi buồn rầu, không vui?
A-la-hán đáp:
– Con trâu này đời trước vốn là em tôi. Ngày xưa, nợ anh một đồng muối, nên nay đọa làm trâu dùng sức để trả nợ cho anh.
Nghe vậy, chủ trâu nói với A-la-hán:
– Đời trước, em của ngài là bạn thân của tôi.
Lúc ấy, người chủ nói với trâu:
– Nay ta thả ngươi ra, chẳng phải làm việc nữa.
Nghe chủ nói vậy, trâu rất xúc động, thành tâm nghĩ đến Phật, rồi tự đâm đầu chết ở khe sâu, thần thức sinh lên cõi trời, hưởng sự vui sướng cùng cực.
Từ câu chuyện này, có thể biết rằng, nếu đã mắc nợ người, thì không thể không trả”.
Luận Thành thật ghi: “Nếu mắc nợ mà không trả thì đọa vào các loài trâu, dê, chương, nai, lừa, ngựa… để trả nợ xưa”.
Kinh bách duyên ghi: “Một thời, Đức Phật ở Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Phật dẫn các tì-kheo vào thành khất thực, đến một ngõ hẻm thì gặp một bà-la-môn, ông ta vạch một đường trên đấât, ngăn không cho Đức Phật đi và nói:
– Ngài phải đưa cho tôi năm trăm đồng tiền thì mới được đi!
Thế là, Đức Phật và các tì-kheo đứng im, không thể bước tới trước. Vua Bình-sa, vua Ba-tư-nặc, Tì-xá-khư và Phú-lâu-na v.v.., nghe Đức Phật bị chặn đường, liền đem của cải châu báu đến đưa cho bà-la-môn, nhưng ông ta không chịu nhận. Trưởng giả Tu-đạt liền lấy năm trăm đồng trao cho bà-la-môn, bà-la-môn nhận lấy xong mới để Đức Phật đi.
Các tì-kheo thấy thế liền bạch:
– Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao Ngài bị bà-la-môn ngăn, không cho đi như thế?
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Các ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói rõ!
Vô lượng kiếp về trước, vua nước Ba-la-nại tên là Phạm-ma-đạt-đa, thái tử tên là Thiện Sinh. Một hôm, thái tử dẫn bạn thân ra ngoài thành dạo chơi, trên đường đi gặp một người đang cùng với con quan tể tướng đánh bạc, đặt một ván năm trăm đồng vàng, cuối cùng con tể tướng thua, người kia theo đòi, nhưng anh ta không chịu trả. Thấy thế thái tử nói:
– Nếu người ấy không trả thì tôi sẽ trả cho ông!
Nhưng cuối cùng cũng không cho trả. Từ đó đến nay, trải qua vồ lượng kiếp, Ta thường bị người chơi bài kia theo đòi nợ.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
– Thái tử bấy giờ chính là Ta, con quan tể tướng là trưởng giả Tu-đạt, người cùng chơi bài nay là bà-la-môn”.
Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Thuở xưa, ở nước Kế-tân có vị A-la-hán tên là Li-việt. Một hôm, ngài đang ngồi thiền trong núi thì có một người bị mất bò, lần theo dấu chân, người ấy tìm đến chỗ của ngài. Bấy giờ Li-việt đang nấu cỏ nhuộm y, đột nhiên y của ngài biến thành da bò, nước nhuộm biến thành máu, cỏ dùng để nấu nước nhuộm y biến thành thịt bò, bình bát biến thành đầu bò. Người mất bò thấy vậy, liền bắt trói ngài lại dẫn đến vua. Vua liền giam vào ngục, trải qua mười hai năm, ngài được giao làm cai ngục, cho ngựa ăn, hốt phân. Đệ tử của ngài có năm trăm người cũng đã chứng quả A-la-hán, đi tìm thầy mình, nhưng không biết thầy

About namcuulong

Check Also

PUCL QUYỂN 67 – CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt)

QUYỂN 67 Quyển này tiếp theo chương khổ. 77. CHƯƠNG OÁN KHỔ (tt) 77.6. CÁC ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *