KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT QUYỂN THỨ MƯỜI LĂM
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập Việt dịch:
Tỷ kheo Thích Trí TỊnh
PHẨM KINH NHĨ VĂN TRÌ THỨ BỐN MƯƠI LĂM
Lúc đó Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhân nghĩ rằng: “Nếu thiện nam, thiện nữ nơi tai được nghe Bát nhã ba la mật, thời người này đã ở chỗ Phật đời trước tu tạo các công đức, đã gần gũi thiện trí thức. Huống là người thọ trì, thân cận, đọc tụng, chính ức niệm, đúng như lời mà tu hành Bát nhã ba la mật này.
Phải biết thiện nam, thiện nữ đây đã thân cận nhiều đức Phật.
Người có thể được nghe thọ, đọc tụng chính ức niệm, tu hành như lời và có thể hỏi, có thể đáp Bát nhã ba la mật này. Phải biết người đây đời trước đã nhiều lần cúng dường thân cận chư Phật.
Người nghe Bát nhã ba la mật này mà chẳng kinh sợ. Phải biết người đây đã từ vô lượng ức kiếp thật hành Đàn ba la mật, Thi ba la mật, Nhẫn ba la mật, Tấn ba la mật, Thiền ba la mật, Bát nhã ba la mật”.
Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Có thiện nam, thiện nữ nghe Bát nhã ba la mật thậm thâm này mà chẳng kinh sợ.
Nghe rồi thọ trì, thân cận, đúng như lời mà tu tập. Phải biết người đây như bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển.
Tại sao vậy?
Bạch đức Thế Tôn! Vì Bát nhã ba la mật này rất sâu.
Nếu là người đời trước thật hành sáu ba la mật chưa được lâu, thời không thể tin được.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào khinh chê thâm Bát nhã ba la mật. Phải biết người đây đời trước cũng đã từng khinh chê thâm Bát nhã ba la mật.
Tại sao vậy?
Lúc nghe nói thâm Bát nhã ba la mật, người đây không tin ưa, lòng không thanh tịnh. Người đây đời trước chẳng thưa hỏi chư Phật và đệ tử Phật phải thật hành sáu ba la mật thế nào, phải tu tập nội không đến vô pháp hữu pháp không thế nào, phải tu tứ niệm xứ đến bát thánh đạo thế nào, phải tu thập lực đến mười tám pháp bất cộng thế nào”.
Thiên Đế nói với Ngài Xá Lợi Phất: “Nếu có thiện nam, thiện nữ đời trước chẳng lâu ngày tu tập sáu ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng. Những người này nghe nói Bát nhã ba la mật đây không có lòng tin hiểu, thời có gì đáng lấy làm lạ.
Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Tôi kính lễ Bát nhã ba la mật. Kính lễ Bát nhã ba la mật tức là kính lễ nhất thiết trí”.
Đức Phật nói: “Đúng như vậy. Kính lễ Bát nhã ba la mật tức là kính lễ nhất thiết trí.
Tại sao vậy?
Vì nhất thiết trí của chư Phật đều phát sinh từ Bát nhã ba la mật. Nhất thiết trí tức là Bát nhã ba la mật.
Thế nên, này Kiều Thi Ca, thiện nam, thiện nữ muốn trụ nhất thiết trí, thời phải trụ Bát nhã ba la mật. Muốn sinh đạo chủng trí thời phải tập hành Bát nhã ba la mật. Muốn dứt tất cả kiết sử và tập khí thời phải tập hành Bát nhã ba la mật. Muốn chuyển pháp luân thời phải tập hành Bát nhã ba la mật.
Thiện nam, thiện nữ muốn được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, thời phải tập hành Bát nhã ba la mật.
Thiện nam, thiện nữ muốn giáo chúng sinh cho được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả Bích Chi Phật thời phải tập hành Bát nhã ba la mật.
Thiện nam, thiện nữ muốn giáo hóa chúng sinh cho được Vô thượng Bồ đề, muốn tổng nhiếp Tỳ Kheo Tăng, thời phải tập hành Bát nhã ba la mật”.
Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Lúc muốn thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát thế nào gọi là trụ Bát nhã ba la mật, Thiền na ba la mật, Tinh tấn ba la mật, Nhẫn nhục ba la mật, Trì giới ba la mật, Bố thí ba la mật? Thể nào trụ nơi nội không đến vô pháp hữu pháp không? Thế nào trụ tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, ngũ thần thông? Thế nào trụ tứ niệm xứ đến bát thánh đạo? Thế nào trụ thập lực đến pháp bất cộng?
Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát thế nào tập hành Bát nhã ba la mật đến Đàn na ba la mật, thế nào tập hành nội không đến mười tám pháp bất cộng?”.
Đức Phật nói: “Lành thay, lành thay, này Kiều Thi Ca! ông có thể hỏi được những điều như vậy. Đó là do thần lực của Phật cả.
Này Kiều Thi Ca! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát nếu không an trụ trong sắc, không an trụ trong thọ, tưởng, hành, thức, không an trụ trong nhãn, nhĩ, nhẫn đến không an trụ trong ý thức giới, thời là tập hành Bát nhã ba la mật.
Đại Bồ Tát nếu không an trụ trong Bát nhã ba la mật thời là tập hành Bát nhã ba la mật. Không an trụ trong Thiền na ba la mật thời là tập hành Thiền na ba la mật. Không an tru trong Tỳ lê gia ba la mật thời tập hành Tỳ lê gia ba la mật. Không an trụ trong sằn đề ba la mật thời là tập hành sằn đề ba la mật. Chẳng an trụ trong Thi la ba la mật thời là tập hành Thi la ba la mật. Không an trụ trong Địa ngục ba la mật thời là tập hành Địa ngục ba la mật.
Đây gọi là đại Bồ Tát không an trụ trong Bát nhã ba la mật thời là tập hành Bát nhã ba la mật.
Này Kiều Thi Ca! Chẳng an trụ trong nội không thời là tập hành nội không. Nhẫn đến không an trụ trong vô pháp hữu pháp không thời là tập hành vô pháp hữu pháp không.
Chẳng an trụ trong tứ thiền thời là tập hành tứ thiền.
Chẳng an trụ trong tứ vô lượng tâm thời là tập tứ vô lượng tâm.
Chẳng an trụ tứ vô sắc định thòi là tập hành tứ vô sắc định.
Chẳng an trụ trong ngũ thần thông thời là tập hành ngũ thần thông.
Chẳng an trụ trong tứ niệm xứ thời là tập hành tứ niệm xứ. Nhẫn đến chằng an trụ trong bát thánh đạo thời là tập hành bát thánh đạo.
Chằng an trụ trong thập lực thời là tập hành thập lực. Nhẫn đến chằng an trụ trong mười tám pháp bất cộng thời là tập hành mười tám pháp bất cộng.
Tại sao vậy?
Này Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát này, nơi sắc, chằng được chỗ an trụ được, chẳng được chỗ tập hành được. Nhẫn đến nơi mười tám pháp bẫt cộng, chẳng được chỗ trụ được, chẳng được chỗ tập được.
Lại này Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát chẳng tập hành sắc nhẫn đến tập hành pháp bất cộng, đây gọi là tập hành sắc nhẫn đến gọi là tập hành mười tám pháp bất cộng.
Tại sao vậy?
Đại Bồ Tát này, nơi sắc, tiền tế bất khả đắc, trung tế bất khả đắc, hậu tế bất khả đắc. Nhẫn đến pháp bất cộng cũng như vậy”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật này rất sâu!”.
Đức Phật nói: “Vì sắc như rất sâu, nhẫn đến vì bất cộng pháp như rất sâu nên Bát nhã ba la mật”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bát nhã ba la mật này khó đo lường được!”.
Đức Phật nói: “Vì sắc khó đo lường được, nhẫn đến pháp bất cộng khó đo lường được nên Bát nhã ba la mật khó đo lường được”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bát nhã ba la mật này vô lượng”.
Đức Phật nói: “Vì sắc vô lượng, nhẫn đến pháp bất cộng vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng.
Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, nếu đại Bồ Tát chẳng thật hành sắc thậm thâm thời là hành Bát nhã ba la mật, chẳng hành sắc khó đo lường thời là hành Bát nhã ba la mật, chẳng hành sắc vô lượng thời là hành Bát nhã ba la mật.
Tại sao vậy?