Home / KINH - LUẬN / Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật / TẬP HAI KINH MA HA BNBLM / KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ HAI MƯƠI

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ HAI MƯƠI

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ HAI MƯƠI
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo Thích Trí Tịnh
PHẨM HẰNG GIÀ ĐỀ BÀ – THỨ NĂM MƯƠI CHÍN

Bấy giờ trong đại chúng có một nữ nhân tên Hằng Già Đề Bà, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu, gối hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi sẽ hành sáu ba la mật để tịnh Phật quốc độ, đúng như lời dạy cùa đức Phật trong Bát nhã ba la mật”.
Nữ nhân này đem hoa vàng, hoa bạc, cùng hoa tươi dưới nước, trên đất với những món cúng dường trang nghiêm và hai tấm thảm dệt bằng chỉ vàng, trải trên đức Phật. Trên hư không ngay đảnh đức Phật, những món của nhân vừa rải để cúng dường đó liền hóa thành bốn cột đài báu ngắn ngắn xinh đẹp. Nữ nhân này đem công đức cúng dường Phật cùng chung với tất cả chúng sinh hồi hướng Vô thượng Bồ đề.
Khi đó đức Phật biết rõ thâm tâm của nữ nhân này nên liền mỉm cười, đúng như cách thức của chư Phật, những tia sáng nhiều màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng từ miệng đức Phật chiếu khắp mười phương vô lượng vô biên Phật độ, những tia sáng ấy xoay trở về nhiễu quanh bên hữu đức Phật ba vòng rồi nhập vào đảnh đức Phật.
Ngài A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối hữu, chắp tay thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà đức Phật mỉm cười? Theo pháp của chư Phật, không bao giờ vô cớ mà cười”.
Đức Phật phán dạy: “Này A Nan! Hằng Già Bà Đề này sẽ thành Phật ở đời vị lai trong kiếp Tinh Tú, hiệu là Kim Hoa Phật.
Này A Nan! Nữ nhân này sau khi chết sẽ thọ thân nam tử, sinh về nước Diệu Hỷ của đức Phật A Súc. Ở nước Diệu Hỷ đó tu phạm hạnh thanh tịnh.
Này A Nan! Ở nước Diệu Hỷ, Bồ Tát đó hiệu là Kim Hoa. Khi mãn báo ở nước Diệu Hỷ, Bồ Tát Kim Hoa sẽ sinh về cõi nước chư Phật khác, mãi mãi chẳng xa rời chư Phật.
Như Chuyển Luân Thánh Vương từ một hành cung này đến một hành cung khác, trọn đời chân Vương chẳng đạp đất.
Cũng vậy, từ một nước Phật đến một nước Phật, mãi đến khi thành Vô thượng Bồ đề, Kim Hoa Bồ Tát chưa có lúc nào chẳng thấy Phật”.
Ngài A Nan thầm nghĩ Kim Hoa đại Bồ Tát sau này thành Phật, phải biết đại hội Bồ Tát cũng như pháp hội của Phật.
Đức Phật bảo Ngài A Nan: “Đúng như chỗ ngươi vừa nghĩ, thời kỳ Phật Kim Hoa, đại hội Bồ Tát phải biết là như pháp hội của Phật.
Này A Nan! Thuở Phật Kim Hoa, Tỳ Kheo Tăng đông vô lượng vô biên, chẳng đếm được, có thể là ngàn trăm, ngàn vạn ức na do tha. Trong nước đó không có những thứ xấu uế như đây”.
– Bạch đức Thế Tôn! Từ nơi nào mà nữ nhân này gieo cội phước đức, trồng căn lành?
– Này A Nan! Từ nơi Phật Nhiên Đăng, nữ nhân này mói đầu phát tâm Bồ đề, trồng căn lành, hồi hướng Phật đạo.
Lúc đó, nữ nhân này cũng dùng hoa vàng, rải cúng dường Phật Nhiên Đăng để cầu Vô thượng Bồ đề.
Này A Nan! Như lúc đó chính ta dùng năm cành hoa, rải cúng dường Phật Nhiên Đăng để cầu Vô thượng Bồ đề. Phật Nhiên Đăng biết thiện căn của ta đã thành tựu nên thọ ký Vô thượng Bồ đề cho ta. Nữ nhân này nghe ta được thọ ký liền nguyện rằng: Cầu mong cho tôi ở đời sau cũng được thọ ký Vô thượng Bồ đề như đại Bồ Tát này.
Này A Nan! Ngươi nên biết rằng từ nơi Phật Nhiên Đăng, nữ nhân này mới đầu phát Bồ đề tâm.
– Bạch đức Thế Tôn! Phải chăng nữ nhân này từ lâu đã tu tập Vô thượng Bồ đề?
– Đúng như vậy. Này A Nan! Từ lâu nữ nhân này đã tu tập Vô thượng Bồ đề”.

PHẨM HỌC KHÔNG BẤT CHÚNG – THỨ SÁU MƯƠI

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Muốn hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát học không tam muội và nhập không tam muội thế nào? Học vô tướng tam muội, vô tác tam muội và nhập vô tướng, vô tác tam muội thế nào? Học tứ niệm, xứ nhẫn đến học bát thánh đạo và tu tứ niệm xứ nhẫn đến tu bát thánh đạo thế nào?”.
– Này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát phải quán sắc không, phải quán thọ, tưởng, hành, thức không, phải quán thập nhị nhập, thập bát giới không, nhẫn đến phải quán Dục giới, sắc giới, Vô sắc giới không.
Lúc quán như vậy chớ cho tâm tán loạn.
Nếu tâm chẳng tán loạn, đại Bồ Tát chẳng thấy pháp ấy. Nếu chẳng thấy pháp ấy thì chẳng chứng. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát này khéo học tự tướng không, chẳng có gì khác, chẳng có ai, phần chứng pháp chứng đều chẳng thể thấy được.
– Bạch đức Thế Tôn! Như đức Phật dạy: Đại Bồ Tát chẳng nên ở nơi không pháp mà tác chứng.
Bạch đức Thế Tôn! Tại sao đại Bồ Tát an trụ trong không pháp mà tác chứng?
– Này Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát quán không được đầy đủ, trước hết nguyện như vầy: Nay tôi chẳng nên ở nơi không mà tác chứng, nay là lúc tôi học, chẳng phải lúc tôi chứng. Đại Bồ Tát chẳng chuyên nhiếp tâm cột ở trong cảnh duyên, vì thế mà đại Bồ Tát chẳng thối chuyển trong Vô thượng Bồ đề, cũng chẳng chứng lấy quả vô lậu.
Này Tu Bồ Đề! Nếu đại Bồ Tát rất khéo hành như vậy, thời diệu pháp được thành tựu. Tại sao vậy? Lúc an trụ trong không pháp, đại Bồ Tát tự nghĩ nay là lúc tôi học, chằng phải lúc chứng.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát phải nghĩ rằng: Nay là lúc tôi học Đàn ba la mật nhẫn đến lúc tôi học Bát nhã ba la mật, chẳng phải là lúc chứng, là lúc tôi tu tứ niệm xứ, chẳng phải là lúc chứng, nhẫn đến là lúc tu bát thánh đạo, chằng phải là lúc chứng, là lúc tu ba tam muội, chằng phải là lúc chứng, là lúc tu mười trí lực, chẳng phải là lúc chứng, nhẫn đến là lúc tôi học nhất thiết chủng trí, chằng phải là lúc chứng quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả A La Hán cùng đạo Bích Chi Phật.
Này Tu Bồ Đề! Như thế đó, đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật học không quán, an trụ trong không, học vô tướng, vô tác, tu tứ niệm xứ nhẫn đến tu bát thánh đạo chẳng chứng tứ niệm xứ nhẫn đến chẳng chứng lấy bát thánh đạo.
Đại Bồ Tát này dầu học, dầu hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà chẳng tác chứng quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến chẳng tác chứng quả Bích Chi Phật.
Này Tu Bồ Đề! Ví như tráng sĩ dũng mãnh, giỏi binh pháp sáu mươi bốn môn, tay nắm chặt binh khí đứng yên bất động, nghệ thuật giỏi, tướng đẹp sạch, mọi người ai cũng yêu kính, tạo sự nghiệp ít, được hưởng lợi nhiều. Do cớ này mà được đại chúng cung kính, tôn trọng, ca ngợi. Thấy mọi người kính trọng, tráng sĩ này lại càng hoan hỉ, vì sự duyên ít nên sẽ đến xứ khác để giúp đỡ kẻ già yếu qua khỏi chỗ hiểm nạn khủng bố. Giữa đường hiểm trở có nhiều giặc cướp núp ngầm cưóp hại. Do tráng sĩ đó đầy đủ trí lực nên mọi người qua được đường hiểm trở, về đến nhà chẳng bị cướp hại, đều an ổn vui mừng.
Này Tu Bồ Đề! Cũng vậy, đại Bồ Tát ở trong tất cả chúng sinh, tâm từ bi hỉ xả tràn đầy cùng khắp, khi đó đại Bồ Tát an trụ trong bốn tâm vô lượng, đầy đủ sáu ba la mật, chẳng chứng lấy quả vô lậu, học nhất thiết chủng trí, nhập ba môn giải thoát: không, vô tướng, vô tác. Bấy giờ Bồ Tát chẳng theo tất cả các tướng, cũng chẳng chứng vô tướng tam muội. Vì chẳng chứng vô tướng tam muội nên chẳng sa vào các bậc Thanh Văn và Bích Chỉ Phật.
Này Tu Bồ Đề! Ví như chim có đủ cánh, bay lượn trong hư không chẳng bị rơi rớt, dầu chim ở trong hư không mà chẳng an trụ trong hư không.

About namcuulong

Check Also

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ MƯỜI SÁU

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – QUYỂN THỨ MƯỜI SÁU Hán dịch: ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *