Kinh : Ông Anan vâng nghe lời Phật từ bi cứu độ dạy bảo, khóc lóc khoanh tay bạch Phật rằng : “Tuy tôi vâng nghe diệu âm của Phật như vậy, ngộ được cái Tâm Nguyên Diệu Minh là cái Tâm Địa tròn đầy thường trụ, nhưng tôi ngộ được pháp ầm Phật vừa nói, là tôi hiện lấy tâm phan duyên mà thỏa mãn chỗ ước mong. Được tâm ấy một cách mơ hồ, chưa dám nhận là Tâm Địa xưa nay. Mong Phật thương xót, tuyên lời viên âm, nhổ gốc rễ nghi ngờ cho tôi để được trở về đạo vô thượng.”
Phật bảo Ông Anan : “Các ông còn lấy tâm phan duyên để nghe pháp thì cái pháp đó cũng là cái được duyên, chẳng phải được Pháp tánh. Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người kia, thì người kia phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Chứ nếu người kia nhìn ngón tay mà cho đó là cái thể của mặt trăng, thì không những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất cả ngón tay nữa. Tại sao thế? Vì lấy ngón tay chỉ mặt trăng mà làm mặt trăng vậy. Chẳng những bỏ mất ngón tay mà lại cũng không biết đâu là sáng và tối. Vì sao thế ? Vì lấy cái thể của ngón tay làm tánh sáng của mặt trăng, không biết hai tánh sáng, tối. Ông cũng như vậy đó.
Thông rằng : ông Anan ngộ được cái Tâm Nguyên mầu sáng tròn đầy vốn chẳng phải là duyên. Tâm Địa thường trụ vốn là Ông Chủ vậy. Nhưng nay nhìn Phật, nghe Pháp, là còn thuộc vọng tâm phan duyên, chưa biết cái Tâm Địa Bổn Nguyên do đâu mà rõ biết ? Nói tức là cái này, thì không dám. Nói lìa cái này mà có thì hiện ở đâu ? Đức Phật sắp phá cái sai lầm của tâm phan duyên, nên trước chỉ bày rằng cái Pháp đang nói ra cũng chỉ là cái sở duyên, bởi thế Phật dạy “Cái pháp đang được ông nghe đó cũng chỉ là sở duyên, chớ chẳng phải được Pháp tánh.” Pháp bày ra là để thấy tánh, thấy được tánh thì pháp không còn chỗ dùng. Kinh Kim Cang nói : “Ví như cái bè, pháp còn nên bỏ huống là chẳng phải pháp.” Ở đây lại lấy ví dụ ngón tay chỉ mặt trăng, thấy được mặt trăng thì bỏ quên ngón tay đi vậy. Các bậc Cổ đức dẫn dụ phần nhiều tương hợp với chỗ này.
Có câu :
“Trong bóng mây màu người tiên hiện
Tay cầm quạt hồng-la che mặt
Cần gấp đưa mắt xem người tiên
Chớ nhìn cây quạt trong tay tiên.”
Lại còn nói :
“Một thỏ phi thân ngang lối xưa
Ưng xanh vừa thấy liền bắt sông
Đến sau chó săn không linh tính
Chỉ hướng cây khô chỗ cũ tìm.”
Ông Tô Đông Pha có bài văn : “Có một người mù hỏi hình thể mặt trời ra sao ? Người kia lấy cái mâm đồng mà chỉ cho, người mù gõ lên nghe có tiếng. Ngày khác, nghe tiếng chuông cho đó là mặt trời !”
Có vị tăng hỏi Tổ Pháp Nhãn : “Ngón tay thì chẳng hỏi, thế nào là mặt trăng?”
Tổ Nhãn nói : “Ngón tay mà ông chẳng hỏi đó, là cái gì thế ?”
Lại có vị tăng hỏi : “Mặt trăng thì chẳng hỏi, thế nào là ngón tay?”
Tổ Nhãn đáp : “Mặt trăng.”
Vị tăng nói : “Kẻ học nhân hỏi ngón tay, Hòa thượng vì sao lại trả lời mặt trăng ?”
Tổ Nhãn nói: “Vì ông hỏi ngón tay.”
Nếu rõ được gia phong(17) của Pháp Nhãn tức thì ngón tay, mặt trăng bày rõ. Chẳng thế, thì ngay mặt lại lầm qua.