Home / KINH - LUẬN / Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông / Lăng Nghiêm Tông Thông quyển 2 / Mục 2 tiếp theo / QUYỂN II – VII. CHỈ TÁNH THẤY KHÔNG SANH DIỆT

QUYỂN II – VII. CHỈ TÁNH THẤY KHÔNG SANH DIỆT

Kinh : Lúc bấy giờ Ông Anan cùng cả đại chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay bỏ mất bản tâm, vọng nhận bóng dáng do phân biệt tiền trần. Ngày nay khai ngộ, như hài nhi mất sữa bỗng gặp mẹ hiền, chắp tay lễ Phật, mong được nghe Như Lai bày tỏ cái chân, vọng, cái hư thật ở nơi thân tâm, và ở ngay hiện tiền phát minh ra hai cái sanh diệt và chẳng có sanh diệt.

Thông rằng : Trước, nói rằng : “Cái thấy không có chỗ động, cái thấy không có mở ra cuốn vào để chỉ bày rõ ràng cái tánh không có sanh ra, không có diệt mất, Nhưng cái tánh bất sanh bất diệt này hiện tìm thấy ở trong cái thân sanh diệt. Cái chơn phát minh tánh là cái căn bản không sanh không diệt. Còn cái vọng phát minh tánh là cái căn bản sanh diệt. Ở trong ấy, hư thật khó biện rõ, nên cầu mong Như Lai bày rõ cho.
Xưa, Ông Tiết Giản hỏi Đức Lục Tổ : “Chư vị Thiền đức ở chốn kinh đô đều nói rằng “Muốn được hiểu đạo, phải ngồi thiền, tập định. Nếu không nhờ thiền định mà được giải thoát là điều không hề có.” Chưa rõ chỗ dạy của Sư ra sao ?”
Tổ đáp : “Đạo do tâm ngộ, đâu phải ở ngồi. Kinh nói: Nếu nói Như Lai có ngồi, có nằm, thì đó là hành tà đạo. Vì sao thế ? Không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, không có sanh, không có diệt, là pháp thiền trong sạch của Như Lai.Chư pháp không tịch(1) đó là sự ngồi trong sạch của Như Lai. Rốt ráo không chỗ chứng, huống là ngồi ư ?”
Tiết Giản thưa : “Sáng ví dụ trí huệ, tối ví dụ phiền não. Nếu chẳng dùng trí huệ soi phá phiền não, nhờ đâu mà vượt khỏi sanh tử từ vô thủy ?”
Tổ nói : ‘Phiền não tức Bồ Đề, không hai, không khác. Nếu dùng trí huệ soi phá phiền não, đó là kiến giải của Nhị thừa, là căn cơ của xe dê, xe nai. Bậc thượng căn đại trí ắt chẳng như thế.”
Ông Tiết thưa : “Như thế nào là kiến giải Đại thừa ?”
Tổ nói rằng : “Cái minh và cái vô minh, phàm phu thấy là hai. Với người trí liễu đạt thì cái tánh của chúng là không hai. Tánh Không Hai đó là Thật Tánh. Thật Tánh ấy, ở phàm ngu chẳng diệt, tại Hiền Thánh cũng chẳng tăng, trong phiền não cũng không loạn, nơi thiền định cũng không hề lặng dứt. Chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi. Chẳng ở giữa, chẳng trụ trong, ngoài. Không sanh không diệt, Tánh Tướng như như. Thường trụ chẳng dời, gọi ấy là dạo.”
Tiết Giản thưa : “Thầy nói không sanh không diệt, khác gì ngoại đạo đâu ?”
Tổ nói rằng : “Chỗ ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt ấy, là lấy diệt dứt sanh, lấy sanh tỏ bày diệt. Thế là diệt mà xem như chẳng diệt, sanh mà nói chẳng sanh. Ta nói chẳng sanh chẳng diệt ấy, là vốn tự không sanh, nay cũng chẳng diệt, nên chẳng đồng ngoại đạo. Nếu ông muốn biết cái tâm yếu, chỉ với tất cả thiện ác đều chẳng dính dấp tới thì tự nhiên thấu vào được cái tâm thể trong sạch, trong
trẻo như nhiên, hằng hằng vắng lặng, diệu dụng không cùng”
Ông Tiết Giản nhờ lời chỉ dạy, hoát nhiên khai ngộ.
Đây là chỗ hiện tiền thấy có sanh diệt, bày rõ cái Chân Tánh chẳng có sanh diệt. Nếu chẳng phải là bậc Phật với nhau thì không thể hiển bày rõ ràng như vậy.

About namcuulong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *