Kinh : Khi ấy Ông Anan cùng tất cả đại chúng lặng im, ngơ ngác.
Phật bảo Ông Anan : “Hết thảy những người tu học trong thế gian, hiện tuy thành được chín bậc định thứ lớp mà chẳng được hết lậu(22) để thành A La Hán, đều do chấp lấy cái vọng tưởng sanh tử này mà lầm cho là chân thật. Thế nên, ông nay tuy được đa văn mà không thành quả thánh.”
Thông rằng : Chín bậc định thì sau này có nêu ra : tứ thiền, tứ không… Nhưng chỉ nói quả vị mà không nói cách tu. Đây nói là người tu hành chín bậc định thứ lớp, vì từ một bậc thiền này sang bậc thiền kia, theo thứ tự mà tu. Như Đại Bát Nhã nói “Lìa dục, ác, bất thiện pháp, có tìm có xét. Lìa thì sanh hỷ, lạc, nhập sơ thiền. Tìm, xét đã vắng lặng, trụ ở trong tâm trong sạch hoan hỷ. Không tìm, không xét nghĩ, định sanh ra hỷ, lạc, nhập nhị thiền. Lìa hỷ trụ xả, đầy đủ niệm chánh tri, thân thọ lãnh sự vui trong sạch bậc thánh, nói được xả được, đầy đủ niệm lạc trụ nhập tam thiền. Dứt vui dứt khổ, trước là cái vui vẻ, lo buồn biến mất, không khổ không lạc, niệm xả thanh tịnh, nhập tứ thiền. Vượt lên cả sắc tưởng, diệt tưởng có đối tượng, chẳng tư duy hết thảy các tưởng, nhập vào không vô biên là không vô biên xứ định. Vượt lên tất cả không, nhập thức vô biên là thức vô biên xứ định. Vượt lên tất cả thức vô biên, nhập vô sở hữu xứ định. Vượt vô sở hữu định, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Vượt tất cả phi tưởng phi phi tưởng, nhập diệt thọ tưởng định.”
Đó là chín phép định theo thứ lớp, đều là cái công dụng hữu vi, ưa thích thiện quả hữu vi nên nói là “Mê những cõi Trời hữu lậu, hiểu đây là vô vi”. Vì cái mê chấp ấy, nhập vào cái thức vi tế sanh diệt vọng tưởng mà tu, chưa thể thây được chân tánh vô sanh, hiện tiền tịch diệt (Niết Bàn) chính là pháp vô vi chân thật, nên chưa được hết hữu lậu. Như bậc Đại A La Hán, đã chứng diệt thọ tưởng định, nên gọi là vô lậu. Nay tại sao trong chín cấp định thứ lớp cũng chứng diệt thọ tưởng định mà lại gọilà hữu lậu ? Vì có vọng tưởng mà chứng Niết Bàn, nên dù có được diệt tận định vẫn chưa phải là chân thật.
Tổ Hoàng Bá nói rằng : “Cả thảy chúng sanh luân hồi, sanh tử chẳng ngừng nghỉ là do ý duyên khởi tạo cái tâm trong sáu nẻo chẳng ngừng, đến nỗi khiến chịu bao nhiêu thứ khổ.
“Kinh Duy Ma nói : Loài người khó dạy, tâm như khỉ vượn, nên phải dùng biết bao pháp môn để chế ngự tâm này, sau mới điều phục. Bởi vì tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh, tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt.
“Cho nên, phải biết rằng tất cả các pháp đều do tâm tạo, cho đến Trời người sáu nẻo, địa ngục, tu la đều do tâm tạo. Như nay chỉ học vô tâm, dứt ngay các duyên, không sanh vọng tưởng phân biệt, không người không ta, không tham, sân, không yêu ghét, không hơn thua. Chỉ cần trừ bỏ hết bấy nhiêu thứ vọng tưởng, thì tự tánh vốn xưa nay vẫn là trong sạch, đó gọi là tu hành Bồ Đề, Pháp, Phật…(23) Nếu chẳng hiểu như thế, thì dù cho học rộng, cần khổ tu hành, ăn cây mặc cỏ, mà chẳng biết tự tâm, đều gọi là tà hạnh, đều làm thiên ma ngoại đạo, các thần đất, nước. Tu hành mà thế, nào có ích gì ?”
Tổ Chí Công dạy : “Bản thân là do tâm tạo ra, nào phải trong chữ nghĩa tìm cầu. Như hiện giờ chỉ rõ biết tự tâm, tuyệt dứt tư duy vọng tưởng thì trần lao, phiền não tự nhiên chẳng sinh.
“Kinh Duy Ma nói; Chỉ để một cái giường, nghỉ ngơi tật bệnh mà nằm, là tâm chầng khởi vậy. Như người nằm bệnh, các duyên đều hết, vọng tưởng tiêu ma, đó là Bồ Đề.
“Còn nếu giờ đây trong tâm phân vân chảng định thì dầu cho có học đến tam thừa, tứ quả, thập địa cũng chỉ lá hướng trong phàm thánh mà ngồi. Các hành trọn quy về vô thường, thế lực đều có lúc hết. Như bắn tên lên không hết đà rơi xuống, lại rơi vào vòng sanh tử luân hồi. Tu hành kiểu đó là chẳng hiểu ý Phật, uổng công nhọc mệt, há chẳng là lầm to ?”
Tổ Chí Công lại nói: “Chưa gặp bậc minh sư ra đời, uống thuốc pháp Đại thừa cũng uổng.”
Than ôi ! Thuốc pháp Đại thừa còn chẳng thể giúp, huống là chín bậc định thứ lớp ? Nên phải biết: tu tập lầm lạc, khó thành quả thánh.