Kinh : “Anan, lại như chỗ ông bày tỏ: Thân căn và xúc trần làm duyên sanh ra thân thức. Thân thức này thân căn sanh ra, lấy thân căn làm giới, hay nhân trần sanh ra, lấy xúc trần làm giới?
“Anan, nêu nhân thân căn sanh ra, mà không có hai cảm xúc hợp và lìa, thì thân căn còn biết gì ? Nếu nhân xúc trần sanh ra, mà không có thân cân của ông, thì có ai chẳng có thân mà lại biết chuyện hợp, lìa được ?
“Anan, vật thì không biết cảm xúc, thân căn có biết mới có cảm xúc. Tức nơi cảm xúc, biết có thân. Tức nơi thân căn, mà biết cảm xúc. Nhưng nơi xúc, thì không phải là thân, nơi thân thì không phải là xúc. Hai tướng thân và xúc, vốn không xứ sở. Nếu xúc hợp với thân, thì làm thể tánh của thân. Lìa thân thì chẳng có thể tánh nào, bèn như tướng hư không. Nội căn, ngoại trần đã không thành, cái thức ở giữa làm sao mà lập? Giữa chẳng lập được, trong ngoài đều là tánh Không, thì cái thân thức của ông do đâu mà lập thành giới?
“Thế nên, phải biết: Thân căn và xúc trần làm duyên, sanh ra thân thức, cả ba chỗ đều Không. Tức là cả ba thứ thân giới, xúc giới và thân thức giới vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Thông rằng : Câu “Vật thì không biết cảm xúc”, nghĩa là vật có thể chạm biết. Vật thì thật, cái biết thì hư. Cái thật với cái hư chẳng có tiếp xúc với nhau. Cho nên, vật thì chỉ tiếp xúc với vật, không thể tiếp xúc với cái biết.
Một chữ Biết này bày rõ ràng ra cái Pháp Thân trong sạch, chẳng phải là chỗ mà sự chạm xúc có thể tới được.
Cái thân biết có cảm xúc là do sắc thân phân biệt mà biết, lấy hai chỗ hợp, lìa làm duyên. Cảm xúc không lìa thân căn, thân căn cũng không lìa cảm xúc. Nhưng nói cảm xúc thì chẳng phải là thân căn, nói thân căn thì chẳng phải là cảm xúc, hai cái ấỵ thật là không thể xác định. Do đó, nếu hợp lại thì chỉ có một thân thể, mà cái cảm xúc ở tại đâu ? Nếu lìa nhau, thì xúc không còn, đồng như hư không vậy. Cả hai đều không có ở đâu, trong ngoài đều không thành tựu. Thân và xúc đều không nơi chốn, thì thân thức do đâu mà thành lập ? Đã không có cái thức ở giữa, thì căn và cảnh rốt ráo là không. Thế nên biết cái thân thức giới chỉ là hư vọng.
Thiền sư Nam Nhạc Huệ Tư đã đắc túc mạng thông, bỗng nhiên lại bị nghiệp chướng khởi lên, tay chân rũ liệt, không thể đi đứng. Ngài tự nghĩ rằng : “Bệnh từ nghiệp sanh, nghiệp từ tâm khởi. Nguồn tâm vốn chẳng khởi, ngoại cảnh đâu có hình trạng gì ? Bệnh, nghiệp và thân đều như bóng mây !” Quán như thế, tướng điên đảo diệt, nhẹ nhàng yên ổn như xưa. Như Ngài mới có thể nói là rõ thấu thân thức là hư vọng vậy.
Thiền sư Hưng Dương Phẩu nằm bệnh.
Ngài Đại Dương đến thăm, hỏi : “Thân này như bọt huyễn, mà có ở trong bọt huyễn mới thành biện xét. Nếu không có cái bọt huyễn này, thì chuyện đại sự chẳng do đâu mà nghiệm xét. Nếu muôn xét chuyện đại sự, thì thức lại giữ lấy cái bọt huyễn này, làm sao đây ?”
Tổ Phẩu nói ; “Vẫn còn là chuyện bên này.”
Đại Dương hỏi : “Thế chuyện bên kia thì làm sao ?”
Tổ Phẩu nói : “Quanh đất vừng hồng đẹp, đáy biển
chẳng trồng bông.”(21)
Đại Dương cười nói : “Ông còn tỉnh táo không Tổ Phẩu quát : “Sắp nói ta quên mất à !”
Rồi liền tịch.
Như Tổ Hưng Dương Phẩu có thể nói là thấu rõ cái Pháp Thân Hướng Thượng Sự vậy.
Có vị sư hỏi Ngài Đại Long : “Sắc thân thì hư hoại như thế nào là cái Pháp thân kiên cố ?”
Tổ Long nói: “Hoa núi nở đường gấm. Nước khe trong như lam.”
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :
“Hỏi, từng chẳng biết
Đáp, lại chẳng hiểu
Trăng lạnh gió cao,
đỉnh xưa thông lạnh
Cười vui thay
Giữa đường gặp được người đắc đạo
Chẳng lấy nói,
im đối đãi cùng
Tay cầm roi bạch ngọc
đánh vụn ngọc Ly Châu
Đánh chẳng nát,
thêm dấu vết!
Nước có hiến chương,
thêm ba ngàn điều tội /”
Theo bài tụng này thì cái Kiên Cố Pháp Thân còn phải đập cho nát, huống là cái sắc thân đó ư ?