G. THU MƯỜI HAI XỨ

Kinh : Anan, ông thường trong ý duyên với ba tánh thiện, ác và vô ký sanh ra có các pháp trần. Những pháp trần đó tức nơi tâm mà sanh ra, hay là rời ngoài tâm mà có riêng nơi chốn?
Anan, nếu tức nơi tâm thì các pháp không phải là trần cảnh, như thế thì chúng không phải là cái sở duyên cửa tâm, làm sao thành một xứ được ?
Nếu rời ngoài cái tâm có riêng nơi chốn, thì bản tánh của pháp trần là có biết hay không có biết ? Nếu có biết thì gọi là tâm, nhưng nếu nó khác với ông và không phải là trần cảnh, thì cũng như là cái tâm của người khác. Còn nếu nó tức là ông và cũng tức là tâm, thì làm sao mà cái tâm ông lại trở thành hai ở nơi ông?
“Nếu không có biết thì cái pháp trần đó đã không phải là sắc, thanh, hương, vị, ly, hợp, lạnh, nóng và tướng hư không, thì nó hiện ở chỗ nào? Hiện nay, ở nơi sắc không, không thể chỉ ra nó được, chẳng lẽ trong nhân gian lại có cái ngoài hư không ? Không có cảnh sở duyên thì ý căn do đâu mà lập thành một xứ được?
“Thế nên, phải biết : Pháp trần cùng ý căn đều không xứ sở. Tức ý căn và pháp trần cả hai xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Thông rằng: Ba sự thiện, ác, vô ký ngay khi đối đãi với căn thì các sự ấy đều thật, nên gọi là thật cảnh. Còn khi không đối đãi với cảnh, chỉ có một mình ý thức duyên mà thôi, bèn là bóng dáng của thật cảnh, nên gọi là nội trần. Nội trần không ra ngoài ba tánh thiện, ác, vô ký duyên ra sắc không, hết thảy pháp, nên cũng gọi là pháp trần. Từ vô thủy đến nay, trong và ngoài huân tập lẫn nhau, nên nói là “Sanh thành”.
Nếu nói “Pháp tức nơi tâm”, thì tâm là năng duyên pháp là sở duyên làm sao mà tức được. Điều này dễ biện rõ. Nếu nói “Pháp lìa ngoài tâm”, thì cái pháp này thật ở đâu ? Cho pháp là có biết, thì đồng với tâm, mà đã đồng với tâm bèn chẳng phải là trần cảnh vậy. Chẳng phải trần mà lại khác với ông, mà vẫn phải gọi là tâm, tức là cũng như tâm của người khác. Chẳng phải trần mà không khác với ông, thì sao tâm ông lại thành hai ở nơi ông, mà gọi đó là pháp trần vậy sao ? Do đó, lấy sự có biết mà làm nơi chốn thì không thể được. Còn cho là không biết thì pháp trần ấy lấy cái gì mà bày tỏ ra được ?
Pháp trần đã chẳng phải là các tướng sắc không, lại chẳng phải rời ngoài sắc không mà có riêng chỗ chứa lập. Ngoài sắc có hư không, hư không thì chẳng có gì ở ngoài. Nếu pháp trần có cái xứ để cho tâm duyên được thì chắc là hư không đã có cái ở ngoài nó. Nhưng hư không làm gì có cái ở ngoài nó, thì tâm duyên vào đâu ?
Sở dĩ tâm mà duyên với pháp, nghĩa là sắc không thì vô tri, do tri mà hiển bày. Tri thì có phân biệt, bèn gọi đó là pháp. Nay pháp đã vô tri, lại không nơi chốn, thì tâm tuy là có biết, mà biết cái gì ? Do đó, lấy vô tri làm nơi chốn cho pháp trần thì cũng không được. Chẳng phải có biết, chẳng phải không có biết, thì xứ do đâu mà lập được ? Tức nơi tâm chẳng có pháp, lìa ngoài tâm cũng chẳng có pháp, nên pháp trần không có tự tánh vậy. Thế thì chẳng phải hư vọng sao ? Pháp không xứ sở thì ý căn là không. Nên gọi đó là Diệu Chân Như Tánh vậy.
Thiền sư Thanh Châu Pháp Bổn thượng đường, nói “Khởi lên âm thanh mà muốn bặt tiếng vang, đâu biết âm thanh là gốc của tiếng vang. Giỡn bóng mà muốn trốn hình, đâu biết hình là gốc của bóng. Lấy pháp hỏi pháp, chẳnghay pháp vốn chẳng phải pháp. Lấy tâm truyền tâm, nào hay tâm vốn vô tâm. Tâm vốn vô tâm, biết tâm như huyễn Ngộ pháp chẳng phải pháp, biết pháp toàn như mộng. Tâm pháp không thực, chớ giả dối truy cầu. Mộng huyễn, không hoa nhọc gì nắm bắt! Đến vào trong ấy thì ba đời chư Phật một Đại Tạng giáo, lời lẽ Tổ sư, Tôn túc trong thiên hạ đều lộ bày là đám dây leo, chùm gởi, trọn chẳng còn bám chấp. Tại sao thế ? “Thái bình vốn chỗ tướng quân mong. Không để tướng quân thấy thái bình”.
Bài kệ trong kinh Tạp Hoa nói :
“Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân
Tâm, ý các tình căn
Bởi đó thường lưu chuyển
Mà thật không người chuyển
Pháp tánh vốn không sanh
Thị hiện mà có sanh
Trong ấy không năng hiện
Cũng không vật sở hiện
Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân
Tâm, ý các tình căn
Cả thảy : Không, vô tánh
Vọng tâm phân biệt ; Có
Như thế mà quan sát
Tất cả đều vô tánh
Đại ý đoạn này thật cùng với kinh mà hiển phát

About namcuulong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *