E. THU THỨC ẨM
Kinh : Anan, ví như có người lấy bình tần già(10) bịt cả hai lỗ, rồi vác cái bình đầy hư không đi xa ngàn dặm đem cho nước khác. Nên biết rằng Thức Ấm cũng lại như thế.
“Anan, cái hư không ấy không phải đến từ phương kia, cũng không phải nhập vào phương này. Thật vậy, Anan, nếu đến từ phương kia, thì trong cái bình đã đựng hư không đem đi, ở phương kia lẽ ra phải thiếu một bình hư không! Nếu đưa vào phương này thì khi mở miệng bình trút ra, lẽ ra phải thấy hư không ra!
“Vậy, nên biết rằng : Thức Ấm hư vọng, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.
Thông rằng : Bộ Tông Cảnh Lục nói “Nếu chấp là có thức, theo thân mà qua lại, nơi này thức ấm diệt, qua nơi kia thức ấm sanh thì cũng giống như đem hư không của xứ này qua cho xứ khác ở xa. Nếu ở nơi này thức ấm thật diệt mất, thì chỗ này phải thiếu hư không. Nếu ở nơi kia thức ấm lại sanh ra, thì khi mở nắp đổ bình, phải thấy hư không chảy ra. Bởi thế nền biết rằng : hư không bất động, thức không đến-đi, thức ấm là hư vọng vậy.
Tổ Ôn Lăng nói : “Cái Tánh Không Chơn Giác cùng khắp pháp giới một khi đã mê thì là thức, thức cũng như hư không ở trong bình. Trong ngoài đều là một hư không : ví dụ cho tánh và thức vốn là một thể. Bịt cả hai đầu : ví dụ cho hư vọng phân ra là đồng, là khác. Hư không không có sự đến-đi: ví dụ cho tánh không có sanh, không có diệt. Cái bình: ví dụ cho cái nghiệp hư vọng. Hư không trong bình: ví dụ cho thức hư vọng. Nghiệp mang thức đi, như cái bình mang hư không. Đi qua nước khác : ví dụ cho sự luân chuyển hư vọng trong sáu nẻo luân hồi.”
Kinh Pháp Cú nói : “Cái tinh thần ở trong hình hài như con chim sẻ nhốt trong bình. Binh vỡ thì chim bay mất
Cái bình tần già này cũng giống như hình hài, hai y giống nhau.
Quan Đại Phu Lục Tuyên hỏi Tổ Nam Tuyền : “Người xưa có nuôi trong bình một con chim, dần dần lớn lên, không ra khỏi bình được, Nay nếu không được hủy bình, không được làm hư hao chim, làm sao ra được ?”
Tổ Nam Tuyền kêu lớn : “Đại Phu !”
Ông Lục Tuyên ứng tiếng dạ.
Tổ Tuyền nói: “Ra rồi vậy.”
Ông Lục Tuyên do chỗ đó mở tỏ, bèn lạy tạ.
Một hôm, lại hỏi Tổ Nam Tuyền : “Đệ tử theo Lục Hợp mà đến, trong ấy lại còn có thân chăng ?”
Tổ Tuyền nói: “Phân minh nhớ giừ, cử động tựa chủ nhân.”
Ông Lục Tuyên nói : “Hòa thượng thật không thể nghĩ bàn, đến chỗ nào thế giới thành tựu chỗ đổ.”
Tổ Tuyền nói : ‘Thật ra, đều là chuyện của phần ôngđó!”
Hòa thượng Báo Ân Minh hỏi hai vị thiền khách : “Thủ tòa vừa rời chỗ nào ?”
Đáp : “Kinh đô.”
Tổ Minh nói : “Thượng tọa rời kinh đô đến núi này, thì kinh đô thiếu Thượng tọa mà núi này dư Thượng tọa ! Dư tức là ngoài tâm có pháp ; thiếu thì tâm, pháp chẳng cùng khắp ! Nói được lý đạo thì nên ở, chẳng hiểu thì nên đi” Hai vị này không đáp được.
Như Thiền sư Thiên Y Hoài, chỗ thấy tự rành rẽ. Tổ Thiên Y dến ngọn núi Sam, được mời vào chùa, thượng đường nói : “Suốt hai mươi năm mến mộ núi này, hôm nay mừng đã đến được, quả là đầy đủ nhân duyên. Sơn tăng chưa đến núi này mà thân đã đến trước. Kịp tới khi đến đây, thì núi Sam đã ở trong thân của sơn tăng.”
Ở chỗ này mà mỗi mỗi đều thấu triệt, mới tin thức ấm là hư vọng, vốn chẳng hề có đến, có đi. Như bọt nước sanh ra, diệt mất, không lìa ngoài biển cả. Bọt nước là biển cả, thì thức lại chẳng phải là Tánh Diệu Chân Như đó ư ?