Kinh : Anan, ví như dòng nước chảy xiết, sóng mòi nối nhau, lớp trước lớp sau, không vượt khỏi nhau. Nên biết Hành Ấm lại cũng như thế.
“Anan, tánh chảy như vậy không nhân hư không mà sanh, không nhân nước mà có, cũng không phải tánh nước, cũng không rời hư không và nước. Thật vậy, Anan, nếu nhân hư không mà sanh, thì mười phương hư không vô tận thành ra dòng nước chảy vô tận, thế thì thế giới đều bị chìm đắm cả. Nếu nhân nước mà có, thì dòng chảy ấy bản tánh lẽ ra không phải là nước nữa và hiện nay đã có thể chỉ ra tướng của dòng chảy và tướng của nước khác nhau. Nếu tánh chảy tức là tánh nước, thì khi nước đứng lại, lẽ ra không phải là nước nữa. Nếu tánh chảy rời hư không và nước mà có, thì không thể có cái gì ở ngoài hư không cả, và ở ngoài nước không thể có dòng nước.
“Vậy nên biết rằng : Hành Ấm hư vọng, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.
Thông rằng : Thức A Đà Na(5) vi tế, tập khí hiện hành như dòng nước chảy xiết, tưởng chừng là đứng yên, gọi là Thức Thứ Tám. Gắn dính cái vọng động vào tánh trong lặng, niệm niệm đổi dời, biến đổi chẳng hề ngừng nghỉ, gọi là Thức Thứ Bảy, đó là Hành Ấm. Hành ấm(6) giống như dòng nước chảy xiết, theo cảnh mà đổi dời. Nhưng cái dòng chảy đó, không phải từ cảnh mà sanh, không phải từ tâm mà sanh, chẳng phải tức là tâm cảnh, chẳng phải lìa ngoài tâm cảnh. Tất cả bởi vì Thức Thứ Bảy ở trong dựa vào Thức Thứ Tám, ngoài thì nương theo Thức Thứ Sáu, vốn không có tự tánh khá được. Đã vô tự tánh, tức là hư vọng vậy.
Nói dòng nước chẳng phải từ hư không sanh ra thì còn dễ hiểu, nhưng nói “Dòng nước chẳng phải từ nước mà có” thì khó biện ra. Cái năng hữu(7) là nước, cái sở hữu(8) là dòng nước chảy. Cũng như cây sanh ra trái, thì trái chẳng phải là cây, rõ ràng có thể chỉ ra là cây khác trái. Thế mà dòng nước chảy và nước, hai tướng ấy không thể riêng ra mà tự có, thì tức là dòng nước không phải do nước mà riêng có, đã rõ ràng vậy. Dòng nước chảy chẳng phải từ là hư không hay nước, nghĩa là không phải nhân duyên. Chẳng lìa ngoài hư không và nước, tức chẳng phải tự nhiên. Chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên thì đương nhiên là hư vọng. Thấu suốt được là hư vọng, hiện giờ vốn tự vô sanh, đó là Tánh Diệu Chân Như.
Kinh Lăng Già nói “Có tướng thì sanh chấp ngại, có tưởng thì sanh vọng tưởng, Sự trôi chảy (lưu chú) sanh thìtheo vọng mà trôi lăn. Nếu đến được Vô Công Dụng Địa thì vẫn còn trong tướng lưu chú. Cần phải vượt ra đượ cái sanh tướng lưu chú thứ ba, mới là tự tại khoái hoạt”
Có vị tăng hỏi Tổ Triệu Châu : “Trẻ nhỏ sơ sanh có đủ sáu thức hay không ?”
Tổ Châu nói : “Trên dòng nước xiết, đánh cầu.”
Vị tăng lại hỏi Tổ Đầu Tử : “Trên dòng nước xiết đánh cầu, ý chỉ thế nào ?”
Tổ Đầu Tử đáp : “Niệm niệm chẳng dừng.”
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :
“Sáu thức vô công, hỏi một câu
Tác gia(9) chung sức biện mối đầu
Mênh mông chảy xiết: cầu vẫn đánh
Chỗ ấy chẳng ngừng, ai biết xem ?”
(Lục thức vô công thân nhất vấn Tác gia tầng vọng biện lai đoan Mang mang cấp xuất đả cầu tử Lạc xứ bất đình thùy giải khán.)
Đây là hoạt cú của Ngài Tuyết Đậu. Thử nói bài tụng đến vào chỗ nào ? Nếu nhìn thấy được mới tin nổi Hành Ấm tức là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh.