Kinh : Anan, ví như có người dùng con mắt trong sạch xem hư không trong sạnh, chỉ thấy một hư không trong sáng, vắng lặng chẳng có gì, Người ấy khi không chẳng lay động con mắt, nhìn sững hồi lâu nên mỏi mắt, bèn ở nơi hư không riêng thấy hoa đốm loạn xạ, lại thấy có tất cả những tướng giả dối lăng xăng. Nên biết rằng Sắc ấm cũng là như thế.
“Anan, các hoa đốm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, chẳng phải từ con mắt mà ra. Thật vậy, Anan, nếu nói từ hư không mà đến, đã từ hư không đến thì phải lại trở vào hư không. Nếu có ra, có vào như thế thì đã chẳng phải là hư không. Hư không mà chẳng phải trống rỗng thì tự nhiên không thể dung chứa hoa đốm sanh diệt ở trong ấy, cũng như thân thể Anan không thể dung chứa được một Anan khác.
“Còn cho rằng hoa đốm từ con mắt mà ra, đã từ con mắt ra thì phải trở vào con mắt. Lại cái tính hoa đốm ấy đã từ con mắt mà ra thì lẽ ra phải có tánh thấy. Nếu có tánh thấy thì khi đã ra làm hoa đốm giữa hư không, phải trở lại thấy được con mắt. Nếu không có tánh thấy, thì khi đi ra phải che lấp hư không, khi trở vào phải che lấp con mắt! Hơn nữa, khi thấy hoa đốm, đáng lẽ con mắt phải không lòa, chứ sao thấy hư không trong sáng thì mới gọi là con mắt trong sạch?
“Vậy, nên biết rằng : Sắc ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Thông rằng : Ngài Long Thọ có bài kệ :
“Các pháp chẳng tự sanh
Cũng chẳng do (cái) khác sanh
Chẳng chung, chẳng không nhân
Nên gọi là vô sanh.”
(Chư pháp bất tự sanh
Diệc bất tùng tha sanh
Bất cọng bất vô nhân
Thị cố thuyết vô sanh.)
Phàm các pháp chẳng tự sanh, vì chờ có các duyên vậy. Chẳng do cái khác sanh, vì các duyên đều vô tự tánh. Chẳng cùng sanh vì thể của trí và tu hành là không ; vô tự tánh nên không hợp, không tán. Chẳng không nhân, vì phải chờ tu hành giác ngộ mới hiển lộ, chứ chẳng phải tự nhiên mà thành.
Hãy biết rằng cái Diệu Giác Minh Thể này lìa ngoài hết thảy mọi lỗi lầm, vốn tự vô sanh vậy. Từ năm Ấm, sáu Nhập, mười hai Xứ, mười tám Giới cho đến bảy Đại chẳng có chỗ nào không làm rộng sáng cái ý này. Ngộ được vô sanh tức là Con mắt thanh tịnh. Xưa nay vốn tự không hoa đốm, chỉ vì nhìn sững mà hoa mắt. Trái với chân, hiệp với vọng, bèn thấy có hoa. Hoa vốn không thể, chẳng từ đâu sanh. Chỉ hết bệnh nhặm, hoa cuồng loạn tự diệt. Nếu ở nơi hoa đốm lăng xăng mà cho là có chỗ sanh ra, tức là tánh nhân duyên ; nói là không có chỗ phát sanh, là tánh tự nhiên. Nay xét chỗ sanh ra, thì chẳng ở hư không mà sanh, cũng chẳng ở con mắt mà sanh, thì rõ là chẳng phải nhân duyên. Nếu quả là tự nhiên mà có thì khi thấy hoa đốm lẽ ra tự mình không có bệnh nhăm. Nếu không có bệnh nhăm mà thấy hoa đốm thì con mắt thấy hoa đốm phải gọi là con mắt trong sạch! .Và thấy hư không trong sáng phải là con mắt nhặm ! Thế, tại sao khi thấy hư khôngtrong sáng lại gọi là con mắt trong sạch ? Hoa đốm này chắc phải do bệnh nhặm mà sanh, chứ rõ ràng chẳng phải tự nhiên vậy !
Ôi ! Hoa đốm đã thế, thì sắc ấm cũng thế. Vốn đều hư vọng, vốn vô tự tánh, tức sắc tức Không. Cho nên gọi đó vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh vậy.
Đức Mã Tổ dạy chúng rằng : “Ba cõi duy chỉ là Tâm, muôn hình vạn tượng đều là một Pháp Ấn. Phàm thấy sắc là thấy tâm. Tâm chẳng tự là tâm, nhân sắc mà có. Các ông chỉ tùy thời mà nói năng, thì sự tức là lý, đều không chỗ ngại. Đạo quả Bồ Đề cũng lại như thế. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc. Biết sắc là không thì sanh tức là chẳng sanh. Nếu hiểu ý này mới khá tùy thời ăn cơm mặc áo, nuôi lớn thánh thai,(3) mặc tình qua ngày qua buổi, còn chuyện gì đâu ! Các ông thọ lãnh giáo pháp của ta, hãy nghe kệ rằng :
“Tâm địa tùy thời nói
Bồ Đề chỉ là thế
Sự, lý đồng không ngại
Đang sanh tức chẳng sanh.”
(Tâm địa tùy thời thuyết Bồ Đề diệc chỉ ninh
Sự, lý cu vô ngại
Đương sanh tức bất sanh.)
Tổ Vân Môn dạy chúng rằng : “Chân Không chẳng hoại Có. Chân Không không khác sắc.”
Có vị sư hỏi : “Cái gì là Chân Không ?”
Tổ Môn nói : “ông có nghe tiếng chuông không ?”
Đáp : “Đó là tiếng chuông.”
Tổ Môn nói : “Năm Lừa(4) mộng thấy được sao ?”
Thiền sư Cao An Nhân dạy chúng rằng : “Bình thường chẳng muốn hướng theo lời trước, câu sau mà cổ vũ đùa giỡn với nam nữ nhà người. Vì sao ? Vì thanh chẳng phải thanh, sắc chẳng phải sắc.”
Có vị tăng hỏi : “Như thế nào là thanh chẳng phải thanh ?”
Đáp : “Gọi là sắc được không ?”
Hỏi : “Như thế nào là sắc chẳng phải sắc ?”
Đáp : “Gọi là thanh được chăng ?”
Vị tăng làm lễ tạ.
Tổ Bèn nói : “Hãy thử nói xem : vì ông mà nói ? Hay đáp lại lời ông ? Nếu có người rõ được thì có chỗ nhập.”
Tổ Đơn Hà tụng rằng :
“Sắc tự sắc, hề, thanh tự thanh
Oanh non hót liễu, khói mong manh
Cửa cửi đều thông về kinh quốc
Nghiêng nghiêng ba đảo, biển đầy trăng.”
(Sắc tự sắc hề thanh tự thanh
Tân oanh đề xứ liễu yên kinh
Môn môn hữu lộ thông kinh quốc Tam đảo tà hoành hải nguyệt minh.)
Cho nên, biết sắc Ấm vốn là Tánh Diệu Chân Như, liền đạt Vô Sanh đó.