Home / KINH - LUẬN / Kinh Pháp Bảo Đàn / Phẩm thứ nhất – TỰ THUẬT

Phẩm thứ nhất – TỰ THUẬT

Kệ viết xong, đồ chúng kinh hãi, đồng bảo nhau: Lạ thay! Lạ thay! Chẳng thể lấy dáng mạo mà đoán người, đâu biết bấy lâu nay ta sai khiến nhục thân Bồ-tát.
Tổ thấy mọi người kinh quái, sợ có người hại, liền lấy giày xóa, nói kệ này cũng chưa thấy tánh. Chúng cũng tin là vậy.
Hôm sau, Tổ xuống thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, bèn nói: Người cầu đạo phải quên thân như vậy.
Lại hỏi: Gạo trắng chưa?
Huệ Năng thưa: Gạo trắng từ lâu, còn thiếu dần sàng.
Tổ dùng gậy đánh vào cối ba cái, bỏ đi.
Huệ Năng liền hội ý Tổ, Canh ba đêm ấy vào thất, Tổ lấy y Ca-sa che kín không để người thấy, thuyết Kinh Kim Cang đến câu “Bổn tâm vô trụ, diệu ứng vô cùng”, Huệ Năng đại ngộ tất cả vạn pháp chẳng lìa tự tánh. Bèn nói:
Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh
Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt
Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ
Nào ngờ tự tánh vốn không động lay
Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp,
Tổ biết Huệ Năng đã ngộ bổn tánh, nói: Không biết bổn tâm, học pháp vô ích. Rõ được bổn tâm, thấy được bổn tánh tức là Đấng Trượng Phu, là Thiên Nhơn sư, là Phật.
Canh ba thọ pháp, Tổ truyền Đốn giáo và y bát, không một ai hay. Tổ bảo: Ông là Tổ đời thứ Sáu, khéo tự hộ niệm, rộng độ hữu tình, lưu truyền ở đời chớ để dứt mạch. Hãy nghe kệ Ta:
Có tình ắt có giống
Nhơn đất quả bèn sanh,
Không tình cũng không giống
Không tánh cũng không sanh.
Tổ lại nói: Xưa Đại sư Đạt Ma mới đến nước này, người chưa đủ niềm tin nên truyền y đây để làm tín vật. Đời đời truyền thừa khuôn phép, lấy tâm truyền tâm, đều khiến tự ngộ, tự giải. Từ xưa Phật Phật duy truyền bổn tánh, Tổ Tổ tánh tánh mật truyền. Y là đầu mối của sự tranh giành, đến ông chớ truyền. Nếu truyền y đây, mạng sống như chỉ mành treo chuông. Ông hãy đi đi, sợ có kẻ ác hại ông.
Huệ Năng thưa: Đi về hướng nào?
Tổ nói: Gặp Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn.
Canh ba nhận được y bát, Ngũ Tổ đưa đến bến Cửu Giang. Thầy trò lên thuyền, Huệ Năng cầm chèo.
Ngũ Tổ nói: Đáng lẽ Ta phải độ ngươi.
Huệ Năng nói: Khi mê Thầy độ, ngộ rồi tự độ (chữ “độ” tuy có một, chỗ dùng chẳng đồng). Huệ Năng sanh ở biên địa, tiếng nói trọ trẹ, nhờ ơn Thầy truyền pháp nay đã được ngộ, chỉ hợp tự tánh tự độ.
Tổ bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Phật pháp về sau do ông mà thịnh hành. Ông hãy gắng sức theo hướng Nam đi gấp, chớ vội thuyết pháp, e Phật pháp có nạn.
Huệ Năng từ tạ Tổ theo hướng Nam mà đi, ròng rã hai con trăng đến núi Đại Cửu.
Ngũ Tổ về, mấy hôm chẳng thượng đường. Chúng nghi, đến hỏi: Hòa Thượng có bệnh chăng?
Tổ bảo: Bệnh thì không, y bát đã về Nam.
Chúng hỏi: Ai là người được truyền thọ?
Tổ đáp: Năng được.
Chúng biết việc từ đó. Trước sau vài trăm người đuổi theo muốn đoạt y bát. Có một Tăng, tục danh Trần Huệ Minh, trước kia là tướng quân Tứ phẩm, tánh hạnh thô tháo, dẫn đầu chúng quyết chí đi tìm, đuổi kịp. Huệ Năng bèn để y bát trên đá, nói: Đây là vật làm tin, há có thể dùng sức đoạt ư? Liền ẩn vào bụi cỏ.
Huệ Minh chạy đến, nhấc không nhúc nhích, bèn kêu lên: Hành giả! Hành giả! Tôi vì pháp đến, chẳng vì y bát.
Huệ Năng bước ra, ngồi trên phiến đá. Huệ Minh đầu thành lễ lạy: Cúi xin hành giả vì tôi nói pháp.
Huệ Năng nói: Ông đã vì pháp mà đến, hãy dừng nghỉ các duyên, chớ sanh một niệm. Ta sẽ vì ông phương tiện.
Giây lâu, Huệ Năng nói: Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chính lúc ấy là một mũi chân thật của Thượng tọa Minh.
Vừa nghe, Huệ Minh đại ngộ. Lại hỏi: Ngoài mật ngữ mật ý trên, còn có mật ý nào không?
Huệ Năng nói: Đã nói với ngươi tức chẳng mật. Nếu ngươi phản chiếu, tự mật nào danh.
Huệ Minh nói: Con tuy ở Hoàng Mai, tự chưa biết mặt mũi chân thật của mình. Nay được ân hành giả chỉ dạy, như người uống nước nóng lạnh tự biết, hành giả tức Thầy của con.
Huệ Năng nói: Nếu ông nghĩ vậy, tôi cùng ông đồng thờ Tổ Hoàng Mai, hãy khéo tự hộ trì.
Huệ Minh lại hỏi: Con từ nay về sau đi hướng nào?
Huệ Năng nói: Gặp Viễn thì dừng, gặp Mông thì ở.
Huệ Minh lễ bái từ tạ. Đi xuống đến chân núi, bảo chúng đuổi theo: Hãy đi hướng khác, ta đến núi cao vẫn không thấy tung tích. Chúng cũng tin vậy.
Huệ Minh sau đổi thành Đạo Minh để khỏi trùng tên với thầy.
Huệ Năng về đến Tào Khê. Lại bị người ác truy tìm, nên lánh nạn trong đám thợ săn nơi Tứ Hội. Trải qua mười lăm năm, thường giữ lưới, mỗi khi thây thú sa lưới thời thả, có lúc lại tùy nghi nói pháp cho thợ săn. Đến bữa chỉ ăn rau nấu bên cạnh thịt. Chúng nghi hỏi, Ta bảo chỉ ăn được rau. Một hôm, Ta nghĩ đã đến lúc hoằng pháp, chẳng thể tránh mãi, bèn đến Quảng Châu, chùa Pháp Tánh, gặp lúc Pháp sư Ấn Tông giảng Kinh Niết-bàn. Có hai ông Tăng bàn luận về nghĩa gió phướn, một người nói gió động, một người nói phướn động, tranh cãi chẳng ngưng. Huệ Năng bước đến nói: Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động. Tâm các ông động.
Cả chúng giật mình. Ấn Tông bước đến chỗ ngồi, cật vấn nghĩa huyền, thấy Huệ Năng chẳng kẹt chữ nghĩa, lời lời phân minh rành rẽ. Ân Tông nói: Hành giả nhất định chẳng phải người tầm thường. Đã lâu nghe pháp y Hoàng Mai về Nam, có phải hành giả chăng?
Huệ Năng nói: Chẳng dám.
Ấn Tông liền lễ lạy, xin thỉnh y bát cho Đại chúng kính lễ.
Ấn Tông hỏi: Tổ Hoàng Mai phó chúc trao thọ thế nào?
Huệ Năng đáp: Trao thọ thời không, chỉ luận kiến tánh, không luận thiền định giải thoát.
Ấn Tông hỏi: Sao không luận thiền định giải thoát?
Huệ Năng nói: Đó là hai pháp, chẳng phải Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng hai.
Ân Tông lại hỏi: Thế nào là pháp chẳng hai?
Huệ Năng nói: Pháp sư giảng Kinh Niết-bàn, ngộ tánh Phật là pháp chẳng hai. Như Cao Quý Đức Vương Bồ-tát bạch Phật: Phạm bốn trọng cấm, làm ngũ nghịch tội và Nhất-xiển-đề có đoạn căn lành Phật tánh không? Phật trả lời: Căn lành có hai, một là thường, hai là vô thường; Phật tánh chẳng phải thường chẳng phải vô thường, cho nên chẳng đoạn, gọi là chẳng hai. Một là thiện, hai là bất thiện; Phật tánh chẳng phải thiện chẳng phải bất thiện, gọi là chẳng hai. Uẩn và giới, phàm phu thấy hai, người trí liễu đạt tánh không hai, tánh không hai tức là Phật tánh.
Ấn Tông nghe nói, chắp tay hoan hỷ thưa: Tôi giảng kinh như ngói nát, Ngài luận nghĩa như vàng ròng.
Tại đây Ân Tông vì Ta xuống tóc, nguyện thờ làm Thầy. Dưới cội Bồ-đề, Huệ Năng khai pháp môn Đông Sơn.
Huệ Năng đắc pháp ở Đông Sơn, mạng như chỉ mành, chịu nhiều gian truân khôn cùng. Hôm nay được cùng Sử quân, quan liêu, Tăng Ni, đạo tục tại đây đồng chung một hội. Vì lâu xưa nhiều kiếp có duyên, cùng trồng căn lành cúng dường chư Phật, nay mới được nghe nguyên nhân đắc pháp Đốn giáo. Giáo này là của bậc Thánh trước truyền, chẳng phải do tự trí của Huệ Năng. Mỗi người tịnh tâm, nguyện nghe lời dạy của bậc Thánh trước, nghe liễu rõ ràng, nghi tự dứt, như thế cùng Thánh xưa đâu khác.
Đại chúng nghe pháp vui mừng, lễ lạy mà lui.

About namcuulong

Check Also

Phẩm thứ bảy – CƠ DUYÊN

Phẩm thứ bảy – CƠ DUYÊN Tổ đắc pháp tại Hoàng Mai, đến ở thôn ...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *